DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Đương đầu với hiện trạng xấu của ĐBCL

24/4/2016

 

 
CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ ĐỂ ĐƯƠNG ĐẦU VỚI HIỆN TRẠNG XẤU CỦA ĐỒNG BẰNG CỬU LONG


- Trần Đăng Hồng PhD-

 

 

Vị trí các đập thủy điện lớn trong lưu vực sông Mekong

 

 

Dòng chính sông Mekong mang rất nhiều tên khi chảy qua nhiều địa phương và quốc gia. Trong bài này, tên “Mekong” được dùng là phần sông chính chảy từ Tàu đến Cambodia, khi vào địa phận Việt Nam thì dùng tên “Cửu Long”, gồm Tiền Giang và Hậu Giang. Đồng bằng Mekong, gồm Việt Nam, Cambodia, Lào và Bắc Thái Lan, càng ngày càng xấu dần. Vì ở tận cùng hạ nguồn, đồng bằng Cửu Long (ĐBCL) của Việt Nam đang và chắc chắn sẽ nhận những hậu quả xấu nhất. Vấn đề này tác giả đã đề cập từ năm 2009 trong các bài “Thử tìm giải pháp thủy lợi cho đồng bằng Cửu Long” (5, 6, 7, 8, 9). Các vấn nạn này ở Đồng bằng Cửu Long gồm:

 

- Thiếu nước ngọt canh tác lúa, hoa màu, cây trái và ngay cả nước sinh hoạt trong mùa khô (tháng 12 đến tháng 5) ở vùng gần biển, nhất là vào năm hạn hán (như năm 2016).

 

- Nước mặn xâm nhập sâu vào nội địa (như 2016)

 

- Ngập lụt theo chu kỳ đã biến đổi, như không có nước lụt ngập đồng (như năm 2015), hay có thể ngập lụt rất lớn do mưa lũ bất thường và do các đập ở thượng nguồn xả lũ (như tháng 8/2008).

 

- Nước sông Hậu, sông Tiền và các sông rạch khác đều bị ô nhiễm chất độc, như chất thải không xử lý từ các khu công nghiệp ở Tàu (như Vân Nam về các loại khoáng sản chứa kẽm, chì, thiếc, cadmium..) và dọc theo Mekong, phân bón, thuốc diệt sâu bệnh, diệt cỏ, hóa chất, v.v. từ các cánh đồng ở Lào cho tới Việt Nam. ĐBCL Việt Nam hàng năm nhận chất thải sinh hoạt (hơn 600 ngàn tấn chất thải rắn kể cả rác thải y tế) và hơn 100 triệu mét khối nước thải công nghiệp.Tất cả đều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người và gia súc, mất đa dạng sinh học nhất là thủy sản cá tôm.

 

 

NGUỒN CỘI CÁC VẤN NẠN NÀY LÀ DO:

 

1. Thiết lập các đập thủy điện. Trong vòng 30 năm qua, chưa kể vài ngàn hồ nước nhỏ (Cambodia 800, Lào 600, Việt Nam 600, Thailand 4.000) đã xây dựng dọc sông Mekong và chi lưu, 13 đập nước lớn (>10MW) đã xây dựng, và hơn 100 dự án thủy điện lớn nhỏ khác dự trù xây dựng, sẽ đe dọa vùng hạ lưu.

 

Trên thượng nguồn Mekong thuộc lãnh thổ nước Tàu (China), đã có 7 đập thủy điện lớn đã hoạt động, và 21 đập lớn khác đang hoạch định xây dựng. Bảy đập lớn đã hoạt động đó là: Manwan (Mãn Loan), 1993, hồ chứa 257 triệu m3; Dachaoshan (Đại Chiếu Sơn), 2003, hồ chứa 367 triệu m3; Xiaowan (Tiểu Loan), 2012, hồ chứa 9,9 tỷ m3; Nuozhadu (Nọa Trát Độ), 2014, hồ chứa 21.7 tỷ m3; Jinghong (Cảnh Hồng), 2008, hồ chứa 249 triệu m3; Gongguoqiao, 2008, hồ chứa 120 triệu m3; và đập Longqingxia, nâng tổng số nước của những hồ này khoảng 55 tỷ m3, tương đương với tổng số lưu lượng chảy vào lảnh thổ Việt Nam là 53 tỷ m3 nước/năm (1, 2).

 

Trên lãnh thổ Lào, có 10 đập thủy điện đang hoạt động, và 10 đập đang hoạch định trên dòng chánh Mekong và 14 trên phụ lưu. Đập chứa lớn nhất là Nam Ngum 1 (7 tỷ m3), Nam Theun 2 (3,7 tỷ m3), Nam Ngum 2 (2,97 tỷ m3) (1, 3). Tham vọng của Lào là cung ứng điện cho cả vùng bán đảo Đông Nam Á.

 

Trên các chi lưu thuộc lãnh thổ Việt Nam, có 10 đập thủy điện đang hoạt động, đập lớn nhất là Yali (1,04 tỉ m3), và 13 đập dự trù (3)

 

Trên lãnh thổ Thái Lan có 7 đập thủy điện đang hoạt động, lớn nhất là đập Ubol Ratana có sức chứa 2,26 tỹ m3, và 4 dự trù trên chi lưu.

 

Trên Cambodia có 1 đập thủy điện đang hoạt động và 2 trong dự án. Biển Hồ Tonlé Sap ở Cambodia điều hòa nước ở ĐBCL. Vào mùa mưa, nước sông Mekong từ thượng nguồn chảy vào hồ làm giảm thiểu lũ lụt ở VN, ngược lại vào mùa khô nước từ Biển Hồ chảy vào ĐBCL giúp sông Cửu Long lúc nào cũng đầy đủ nước canh tác. Nếu Cambodia làm một đập chận giữ nước ngay tại cửa ra sông Cửu Long, vào đầu mùa khô không cho nước vào địa phận VN thì sẽ là thảm họa cho VN.

 

Vì có nhiệm vụ tích trữ nước để từ từ chạy máy turbine sản xuất điện, hay có lúc phải xả lũ để bảo toàn an ninh đập, dòng chảy của sông Mekong bị xáo trộn như thiếu nước trong mùa khô hay ngay cả mùa mưa, hay gây lũ lụt ở hạ nguồn.

 

Tóm lại, các quốc gia ở bên trên gồm Tàu, Lào, Thái Lan và Cambodia có thể sử dụng các đập thủy điện, hồ chứa nước làm phương tiện chiến tranh, gây áp lực chính trị hay phá hoại kinh tế của (các) quốc gia ở phần dưới, bằng cách gây khô hạn hay lũ lụt, mà Việt Nam ở hạ nguồn sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất..

 

Dòng chảy sông Cửu Long thấp nhất năm 1993 và gây hạn hán trầm trọng ở Việt Nam trùng vào lúc đập Manwan hoàn thành và bắt đầu tích nước. Năm 1997, Tàu đóng cửa đập trong 4 ngày để sửa chữa, không cho nước hồ chảy vào hạ lưu, gây khô hạn ở phần đất Việt Nam (17). Thiếu nước trầm trọng ở ĐBCL trong mùa khô hạn năm nay (2016) là rõ ràng nhất. Việc thiếu nước trên sông Cửu Long hay lụt lớn ở ĐBCL có liên quan đến các đập thủy điện của Tàu trong vòng 20 năm nay đã được mô tả chi tiết (5).

 

2. Hệ thống thủy lợi ở thượng lưu và trung lưu. Bất cứ một dự án thủy lợi nào làm thay đổi lưu lượng phát xuất từ vùng thượng lưu đến trung lưu đều có khả năng làm thiếu nước ở ÐBCL. Các quốc gia Tàu, Lào, Thái Lan và Cambodia đang gia tăng phát triển hệ thống thủy lợi để gia tăng diện tích canh tác, hoa màu chính vẫn là lúa. Hiện tại, tỷ số diện tích đất được dẫn thủy ở các quốc gia này chỉ khoảng 20%. Như vậy, trong tương lai ĐBCL chắc chắn sẽ thiếu nước trầm trọng vào mùa hạn khi các quốc gia trên phát triển hệ thống thủy lợi.

 

Tàu đang chuyển nước qua 3 tuyến kênh mới đào nối sông Dương Tử và các chi lưu để dẫn nước tới miền bắc hay bị khô hạn. Vì vậy, không loại trừ khả năng trong tương lai Tàu sẽ chuyển hướng dòng Cửu Long chảy vào đất nước của họ. Đoạn ở Vân Nam, sông Dương Tử và sông Lan Thương (tức Mekong), chỉ cách nhau 60-70 km, việc tạo đường hầm nối thông hai sông này không quá khó trong điều kiện kỹ thuật của Tàu hiện nay, Như vậy hạ lưu sẽ mất khoảng 76 tỷ m3 nước/năm.

 

Từ thập niên 1980 - 1990, Thái Lan đã đề xuất hai dự án chuyển nước: dự án Kok-Ing-Yom-Nan ở vùng Bắc Thái Lan, và dự án Kong-Chi-Mun ở phía Đông Bắc Thái Lan. Dự án Kok-Ing-Yom-Nan chuyển nước từ hai chi lưu của sông Mekong, sông Kok và sông Ing vào sông Yom và sông Nan, hai chi lưu của sông Chao Praya, nhằm tăng thêm nguồn nước cho đập Sirikit và lượng nước tưới cho miền Trung Thái Lan. Dự án Kong-Chi-Mun, không chuyển nước ra ngoài lưu vực, mà đưa nước từ sông Mekong vào các hồ chứa hiện có và sẽ xây thêm nhằm tưới cho 81.600ha đất nông nghiệp ở vùng Đông Bắc Thái Lan. Lượng nước mất đi và nước ô nhiễm trả lại cho dòng chính là những mối quan ngại đối với Lào, nhất là Cambodia và Việt Nam. (4)

 

3. Rừng dọc lưu vực Mekong bị phá hủy. Bao nhiêu nước mưa không được rừng lưu giữ, chảy thẳng vào sông gây lũ lụt trong mùa mưa, và sông thiếu nước trong mùa nắng.

 

4. Hiện tượng hâm nóng toàn cầu. Dự đoán cho biết vào năm 2070, vũ lượng trên toàn lưu vực sông Mekong không thay đổi mấy (chỉ giảm 5 tỷ m3 nước mưa, tức giảm khoảng 0,8 %), nhưng mưa nhiều hơn hiện nay 40% trong mùa mưa, ngược lại mùa hạn kéo dài thêm (16). Nước biển dâng cao, cùng với nước sông chảy yếu, nước mặn xâm nhập sâu vào nội địa là lẻ tất nhiên.

 

 

CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ ĐỂ ĐƯƠNG ĐẦU VỚI CỬU LONG CẠN DÒNG

Vấn đề này tác giả đã đề nghị năm 2009 (5) trong Phần 9 của bài “

Thử tìm giải pháp thủy lợi cho đồng bằng Cửu Long). Ngoài biện pháp chánh trị trong Ủy Ban Mekong và ngoại giao để chia sẻ lợi ích chung trong việc phát triển thịnh vượng cho cả khu vực (như phát triền giao thông đường thủy, đường bộ và phát triển kinh tế dọc ven sông), giảm thiểu tác hại của lũ lụt và ô nhiểm nước sông Cửu Long), Việt Nam phải tìm đường tự cứu mình hơn là trông chờ sự quan tâm của cơ quan này hay chánh phủ khác.

 

 

1. Giảm thiểu tác hại lũ lụt. Lũ lụt ở đồng bằng Cửu Long vẫn còn là vấn nạn cho khu dân cư đông đúc ở miệt gần biên giới với Cambodia (như Mộc Hóa, Hồng Ngự, Tân Châu, v.v.), mà còn đe dọa cả các thành phố lớn ở bên dưới (như Cần Thơ), đặc biệt khi Tàu có khả năng làm ngập lũ cả đồng bằng Cửu Long trong nhiều tháng. Nếu chuyện đó xảy ra sẽ tác hại đến sinh sống dân cư, gia súc và phá hủy toàn bộ mùa màng canh tác trong mùa mưa. Để đương đầu với vấn nạn xấu đó, chúng ta:

 

1a. Kiện toàn hệ thống đê hiện hữu và thành lập nhiều polders hơn nữa. Hiện nay, có nhiều chuyên viên đề nghị phá hủy toàn bộ hệ thống đê hiện hữu để tái tạo môi trường thiên nhiên như trước kia. Ngược lại, tác giả chủ trương không những duy trì hệ thống đê hiện có, mà còn đề nghị phải tiếp tục tăng cường hệ thống đê này cho hữu hiệu hơn. Cũng cần biết thêm, đê và polders (đê bao ngạn quanh cánh đồng) được thiết lập ở đồng bằng Cửu Long từ thời Phù Nam (cách đây trên 1300 năm), xuyên suốt qua thời Thủy Chân Lạp, rồi chúa Nguyễn qua phương pháp “đào mương lên liếp và bờ bao ngạn”. Cho đến cuối thế kỷ 18 cư dân đã chinh phục được những vùng đất ẩm thấp ở vùng Tiền Giang, Hậu Giang, và biến thành Miệt Vườn trù phú. Thời Việt Nam Cộng Hòa cũng tiếp tục công trình đê bao ngạn, nhất là ở vùng An Giang để biến vùng ngập lụt trồng được nhiều vụ lúa Thần Nông.

 

Để nuôi sống dân số gia tăng và làm dân giàu, phải biến cải phần lãnh thổ bị lũ lụt hàng năm thành khu vực an toàn, để thế nào kiểm soát được nước hoàn toàn theo ý muốn như các polders ở Hòa Lan. Vào mùa lũ có hệ thống đê cao bảo vệ, có hệ thống cống và hệ thống bơm nước hữu hiệu, bơm nước vào hay bơm nước ra polder. Có vậy, mới có thể đa canh với loại cây cần đất khô và mới có thể công nghiệp hóa nông thôn.

 

1b. Đào nới rộng kinh chuyển nước lũ. Nhờ hệ thống đê và kinh đào ở vùng Tứ Giác Long Xuyên và miệt Hồng Ngự, Đồng Tháp, hiện tại lụt được giảm thiểu ở vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên. Tuy nhiên, ngập lụt lại xảy ra trầm trọng hơn ở các tỉnh hạ nguồn từ miệt ranh giới An Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Long An vì nước thóat không kịp ra biển Đông. Để tránh hiện tượng này, cần chuyển nước lũ vào:

 

- Về phía Đồng Tháp Mười, dọc theo đê biên giới phải có nhiều cống giúp thoát nước để nước bạn Cambodia không bị ngập lụt trầm trọng và lâu dài. Nước thoát từ biên giới được đưa vào kinh và chảy tiêu thoát vào hồ chứa nước Đồng Tháp Mười có khả năng tồn trữ 3 tỷ m3 nước (sẽ đề cập sau), và vào sông Vàm Cỏ Tây, Vàm Cỏ Đông để chảy vào sông Vàm Cỏ ra Biển Đông ở cửa Xoài Rạp; và đồng thời cũng chuyển vào hệ thống sông Đồng Nai để giảm thiểu lụt ở hạ lưu.

 

- Chuyển nước sông Hậu vào hồ chứa U Minh có sức chứa 10 tỷ m3 (sẽ đề cập sau).

 

 

2. Giữ nước ngọt trong đồng bằng. Hiện nay, ngay vào đầu mùa hạn nước trong sông rạch đều cạn, nhiều vùng trong Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên và vùng duyên hải không có nước ngọt để uống, vì phèn hoặc nước mặn trong sông rạch.

 

2a. Thiết lập hệ thống cống đầu kinh. Lý do chánh, ngoài yếu tố sử dụng quá tải khả năng nước ngọt do sông Tiền sông Hậu cung cấp cho trồng lúa Đông Xuân ở đầu nguồn, các kinh dẫn nước từ sông chánh vào Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên chưa có hệ thống cống hữu hiệu để giữ nước. Vì vậy, nước lụt tràn vào nhanh, hết lụt nước cũng chảy ra nhanh, kinh cạn khô nhanh chống.

 

2b.Vét nạo sông, kinh và rạch. Sông và kinh rạch hiện tại bị phù sa lắng tụ, dòng nước bị tắc nghẽn, trở nên cạn ở nhiều nơi. Sông Tiền miệt Tân Châu bị cạn, tàu lớn không lưu thông được. Sông Vàm Nao cũng bị lắng tụ phù sa. Ở hạ lưu sông Mississippi, chính phủ Hoa Kỳ cho phép tư nhân nạo vét sông và kinh rạch để lấy đất bán cho các công trình xây cất đô thị ở trong vùng đầm lầy. Việc đô thị hóa nông thôn ở ĐBCL cần một số đất rất lớn. Chẳng hạn, chương trình xáng thổi nâng cao vùng đất ở Tân Châu để tránh lụt là một ví dụ. Tuy nhiên, việc nạo vét cần có kế hoạch, chứ không như tình trạng hiện nay làm xói lở nhiều vùng ven sông Tiền sông Hậu.

 

2c. Thiết lập hồ chứa nước. Từ thời xa xưa người Phù Nam và người Khmer đã đào nhiều ao hồ chứa nước ngọt. Vết tích những ao hồ này còn thấy nhiều nơi có sắc tộc Khmer sinh sống, như Trà Vinh (Ao Bà Om), Sóc Trăng (hồ Tịnh Tâm), 7 hồ khá lớn ở vùng đất cao vùng Thất Sơn.

 

Trong mỗi thành phố ở ĐBCL, nhất là các thành phố khép kín bởi đê chống lụt, cần phải đào nhiều hồ chứa nước ngọt. Tại Mộc Hóa, một hồ nước được đào năm 1957. Tại Mỹ Tho, một hồ nước được đào vào năm 1927 – 1932, gồm 2 hồ, hồ nhỏ 150 m x 150 m, hồ lớn 150 m x 800 m (Hiện tại hồ giảm diện tích vì bị lấn chiếm làm mặt bằng). Năm 1993, Ao Vàm Láng (Gò Công) được đào dài 200 m, rộng 100 m, sâu 3 m, do cộng đồng Châu Âu tài trợ nhằm trữ nước mưa và nước ngọt.

 

Ngoài ra, cần biến một số đầm lầy, ao hồ, lung, bầu thiên nhiên thành hồ chứa nước ngọt. Chẳng hạn, hồ nước ngọt Búng Bình Thiên (An Phú, Châu Đốc), là một hồ nước ngọt tự nhiên, có diện tích khoảng 300 ha vào mùa hạn, khoảng 1.000 ha vào mùa nước nổi, độ sâu trung bình 4 m vào mùa hạn, 7 m vào mùa mưa, có chỗ sâu 20 m. Cần phải có hệ thống đê và cống bao quanh để giữ nước.

 

Tại Phụng Hiệp có Lung Ngọc Hoàng có diện tích trên 3700 ha là vùng trũng đầm lầy, và tại xã Hòa Mỹ cũng thuộc Phụng Hiệp có lung Bầu Sấu

 

Đông Hồ (Hà Tiên) hiện nay là một đầm nước lợ, có chiều dài 8 km, rộng 1.2 km, có thể biến thành một hồ nước ngọt, lấy nước ngọt từ sông Giang Thành và kinh Vĩnh Tế, công trình tương tự như tạo thành hồ Ijsselmeer từ biển của Hòa Lan.

 

Vịnh Ông Trăng (Cà Mau) có chiều dài 8 km, rộng 1,7 km cũng có thể biến thành một hồ nước ngọt cho vùng cực nam Cà Mau.

 

Trong Đồng Tháp Mười, vùng trũng thấp nhất có nhiều đầm lầy nằm trong khu vực tứ giác giới hạn bởi các kinh Kháng Chiến – Đồng Tiến – Phước Xuyên - Tân Thanh - Lò Gạch (20), có diện tích khoảng 700 km2; trong số này hiện tại còn có trên 50.000 ha đất đầm lầy hoang vu không có dân cư. Có thể biến vùng đầm lầy này thành một hồ trữ nước ngọt có khả năng tồn trữ 3 tỷ m3 nước.

 

U Minh vốn là vùng đất thấp gồm đầm lầy thuộc các tỉnh Kiên Giang (còn 50.000 ha đất đầm lầy chưa khai thác), Hậu Giang (còn 770.000 ha chưa sử dụng), Bạc Liêu (18.893 ha đầm lầy chưa sử dụng) và Cà Mau. Trong mùa mưa, nước ngập 3 m, nhưng bị cạn và nước mặn xâm nhập vào mùa hạn. Cần phải có hệ thống đê bao quanh và hệ thống cống giữ và điều hòa mực nước, có khả năng tồn trữ trên 10 tỷ m3 nước.

 

Việc thiết lập các hồ chứa nước ngọt trong ĐBCL rất cần thiết, vì: (i) cung cấp nước ngọt trong mùa hạn, (ii) giúp nước thẩm lậu vào các túi nước ngầm gần kiệt quệ hiện nay, (iii) giúp đồng bằng không bị lún sụp, và (iv) bảo vệ môi trường, sinh thái tự nhiên.

 

2d. Sử dụng nước mưa. Với vũ lượng trên 1600 mm/năm, ngày xưa người dân thường tích trữ nước mưa để sinh hoạt. Nay nên khuyến khích lại việc tích trữ nước mưa trong các thùng (tank) bằng kim loại hay bằng nhựa hay trong hầm ngầm tráng xi măng. Ngay cả các quốc gia tiến bộ và giàu có như Australia, người dân trong thành phố (như Brisbane) cũng đã phải tích trữ nước mưa rất hiếm hoi cho sinh hoạt.

 

2e. Bơm nước vào túi nước ngầm (aquifer). Dân chúng trong ĐBCL đã sử dụng nước ngầm, không những cho sinh hoạt, mà còn cho mục đích nông nghiệp và kỹ nghệ. Vùng Bán Đảo Cà Mau là vùng có nhiều giếng nhất, Cà Mau có 178.000 giếng, Bạc Liêu có 98.000 giếng. Riêng tại Cần Thơ có 32.000 giếng khoan cỡ nhỏ của hộ gia đình với công suất khoảng 5 m3/ngày, hơn 300 giếng cỡ trung bình công suất khoảng 500 m3/ngày cho trạm cấp nước nhỏ và 20 giếng qui mô lớn công suất trên 100 m3 /ngày để cấp nước cho sinh hoạt và công nghiệp (10). Ước tính tổng lượng nước ngầm hiện đang khai thác sử dụng toàn vùng khoảng 1 triệu m3/ngày. Hiện tại, ở vùng Cà Mau, nước ngầm đã giảm sâu thêm 12 -15 m. Nếu tiếp tục bơm nước ngầm sử dụng như hiện nay sẽ có 3 nguy cơ lớn: (i) nước ngầm sẽ cạn kiệt, (ii) đồng bằng sẽ bị lún sụp và hậu quả nước biển dâng cao sẽ trầm trọng thêm, và (iii) nước mặn sẽ xâm nhập vào túi nước ngầm.

 

Đại học Cần Thơ có nhiều nghiên cứu dài hạn và phân loại các túi nước ngầm, cũng như ảnh hưởng của thủy triều (10). Trong ĐBCL một phần nhỏ túi nước ngầm được đầy lại trong mùa mưa lụt do nước thấm qua đất từ các nguồn nước mưa, sông, rạch, ao, hồ, nhưng đa số đã cạn kiệt dần

 

Nhiều tiểu bang ở Hoa Kỳ có các công trình gọi là Aquifer Storage and Recovery (ASR) đã thực hiện bơm nước sạch trong mùa nước dư thừa (từ tuyết tan, nước mưa, nước hồ trong mùa mưa) vào các túi nước ngầm, để sử dụng vào mùa hạn. Luật lệ khắc khe quy định là trước khi bơm vào túi nước ngầm, nước phải được biến chế thành tiêu chuẩn sạch của nước uống để không gây ô nhiểm cho túi nước (14). Việt Nam cũng cần nghiên cứu và áp dụng kỹ thuật trên.

 

 

3. Sửa đổi quy hoạch tổng thể và sản xuất nông nghiệp

 

ĐBCL là vùng sản xuất lúa truyền thống, vừa cung cấp lương thực nội địa vừa xuất cảng gạo ra thế giới. Vì chạy theo mục tiêu xuất cảng gạo đạt nhất nhì thế giới, ĐBCL đã độc canh lúa với 3 vụ lúa/năm trên diện tích khoảng 3,8 triệu ha, bằng giống có năng xuất cao (8-9 tấn lúa/vụ, hay 20 tấn/3 vụ/năm), nhưng cho phẩm chất gạo từ xấu đến trung bình, không có chủ trương gạo thương hiệu (như Thái Lan và Cambodia), nên giá bán thấp trên thị trường quốc tế, trong lúc chi phí sản xuất cao (vì dùng nhiều phân bón, thuốc sâu bệnh, diệt cỏ, v.v.), lợi tức do trồng lúa không cao, nên nông dân vùng DBCL vẫn nghèo. Thời thế đã thay đổi. Từ hơn 10 năm qua, hiện tượng thiếu nước ngọt đầu mùa và nước lại nhiễm mặn lúc sắp trỗ đồng, canh tác lúa trong mùa khô, tức vụ lúa Đông Xuân (sạ lúa trong thời gian từ tháng 11 đến cuối tháng 12 DL, và thâu hoạch 4 tháng sau đó) thường mang đến thất bại cho nông dân ở nhiều vùng. Tại ĐBCL, để canh tác 1 ha lúa vụ Đông Xuân, cần trung bình 12.000 m3 nước/ha/vụ, và như vậy nước sông Cửu Long chỉ canh tác được khoảng 810.000 ha lúa Đông Xuân để không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái (Phần 9), trong lúc vụ Đông Xuân 2013 toàn vùng ĐBCL canh tác 1,57 triệu ha. Đó là lý do chính tại sao nước mặn mỗi năm càng xâm nhập sâu vào nội địa, và thiếu nước canh tác và sinh hoạt trong nhiều vùng ở ĐBCL giữa mùa hạn.

 

Để hợp lý hóa vấn đề sử dụng nước ngọt, nhất là trong viễn ảnh Cửu Long cạn dòng, cần phải quy hoạch lại chương trình sản xuất nông nghiệp. Mục tiêu quy hoạch đặt nặng về kinh tế (làm cho dân giàu, có lợi tức cao), hổ trợ cho công nghiệp (nhất là ngành chế biến) ở địa phương hay cả nước, phù hợp với môi trường địa phương và nhất là không có tính cưỡng bách nông dân. Người dân có quyền tự do chọn lựa nuôi, trồng thứ gì có lợi nhất cho họ.

 

3a. Trong vùng nước ngọt quanh năm.

 

- Luân canh hoa màu ngắn hạn với lúa. Hiện tại, nơi canh tác lúa 3 vụ/năm nên chuyển hướng canh tác 2 vụ lúa + 1 vụ hoa màu ngắn hạn (100 – 120 ngày) trong vùng có đê bao; 1 vụ lúa mùa (có chất lượng cao) + 1 vụ hoa màu ngắn hạn trong vùng chưa có đê bao. Hoa màu ngắn hạn canh tác trong mùa khô (thay cho vụ lúa Đông Xuân) gồm bắp, đậu nành, đậu xanh, sorgho hạt, sorgho đường, mè (vừng) ít có nhu cầu nước. Canh tác bắp, đậu nành, sorgho nhằm cung cấp cho các nhà máy biến chế thực phẩm gia súc, thực phẩm nuôi cá và tôm. Hiện tại nông dân đã trồng bắp với năng xuất cao với các giống biến đổi gen, có lợi tức (sau khi trừ tổn phí) gấp 3 tới 4 lần trồng lúa, tuy nhiên vấn đề khó khăn là không có người thu mua. Vì vậy, xây dựng các nhà máy biến chế thực phẩm gia súc và tổ chức hệ thống thu mua và tồn trữ phải đi song song với phát triển canh tác hoa màu ngắn hạn.

 

- Đào áo nuôi cá. Để sử dụng nguồn nước ngọt càng lúc càng hiếm, phát triển đào ao nuôi cá (cá basa, cá tra) dọc ven sông, năng xuất trung bình hiện nay là 150 tấn/ha/năm (1 vụ nuôi ca tra dài 7-8 tháng, xem như 2 năm có 3 vụ cá). Nuôi cá bè trên sông có năng xuất 300-600 tấn/ha/năm. Trong năm 2008, ĐBCL có khoảng 5.102 ha diện tích ao nuôi cá tra Pangasius hypoththalmus và ba sa Pangasius boncourtii, ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, cho sản lượng 1 triệu tấn cá, năng xuất trung bình 200 tấn cá/ha/năm.

 

Nuôi cá lóc trong hầm ao hay trong bể có lót nylong dày, sâu 1 m, mỗi m2 nuôi khoảng 100 – 150 cá lóc con, chỉ trong 5 tháng một lứa. Mỗi 100 m2 ao cá lót nylong, có thể lời 25 triệu đồng trong 5 tháng.

 

- Nuôi cá trong ruộng lúa. Việc nuôi cá đồng, cá rô Phi Tilapia trong mùa nước lũ thay cho 1 vụ lúa có thể là một mô hình hữu hiệu. Nông dân cũng có nhiều kinh nghiệm nuôi cá rô, cá rô Phi Tilapia trong ruộng lúa từ thập niên 1950.

 

- Tôm càng cũng dễ dàng nuôi trong đồng ruộng nước ngọt khắp ĐBCL, nhất là vùng ngày xưa canh tác lúa cấy 2 lần (double-transplanting rice area) ở Cần Thơ, Vĩnh Long, vì ruộng cần có một lớp nước sâu tối thiểu 0.6 m, và nước có pH = 7 - 8.5. Vùng này nên chủ trương canh tác lúa thương hiệu (cần thời vụ dài hơn, 5 tháng) để nuôi cá tôm song song trong ruộng.

 

- Phát triển nuôi trâu bò, vịt. ĐBCL cũng là nơi chăn nuôi trâu bò (gồm cả bò lấy thịt và bò sữa) nhất là vùng từ Cao Lãnh đến Hống Ngự, và gia cầm thích hợp, đặc biệt là vịt thả trong ruộng, trên mương, rạch. Số vịt được nuôi ở khu vực này chiếm trên 50% cả nước. Cần phải có cánh đồng trồng cỏ dinh dưỡng cao, thay vì trâu bò thả rong ăn cỏ hay rơm rạ trên đê như hiện nay.

 

- Trồng cây ăn trái. Trên vùng đất cao dọc ven sông là nơi dành cho cây ăn trái, mà xưa nay vốn được gọi “Miệt Vườn”. Nông dân Nam Bộ có kinh nghiệm từ hàng ngàn năm trong việc làm đê bao ngạn chung quanh, đào ao, xẻ mương, lên liếp để trồng cây ăn trái, dưới ao mương nuôi cá. Họ kinh nghiệm lợi dụng con nước thủy triều lớn ngày rằm và mồng một để đem nước ngọt lưu giữ trong mương rạch và ao. Ở vùng Cần Thơ, trồng bưởi cho lợi tức khoảng 20 triệu đồng/ha/năm, cam khoảng 40 triệu đồng/ha/năm trong lúc lúa chỉ lời 1 triệu đồng /ha/3 vụ lúa/năm.

 

- Phát triển thơm, khóm, dứa. Trên vùng đất phèn như Đồng Tháp Mười hay vừa phèn vừa giàu chất hữu cơ như ở vùng U Minh, phát triển trồng khóm (dứa, nhóm Queen) đóng hộp. Hiện tại năng xuất biến thiên 10 – 20 t/ha/năm. 1 ha thơm khóm một năm có lợi tức từ 20 triệu tới 30 triệu đồng. Ở Hawaii, sau khi ép lấy nước đóng hộp, xác thơm khóm được sấy khô pha với mật đường để làm thức ăn cho bò. Khoai mì cũng thích hợp trên đất phèn.

 

- Cây cacao hiện đang phát triển mạnh ở vùng Bến Tre. Trung bình 1 ha đất trồng xen cây ca cao với dừa cho khoảng 1,5 tấn hạt (biến thiên giữ 1 và 2.5 tấn/ha), bán với giá trên dưới 23,000 đồng/kg. Trước 1960, trồng ca cao rất thành công ở vùng Cần Thơ, Vĩnh Long, nhưng không tiêu thụ được đành đốn bỏ. Ngày nay, đã có nhiều công ty mua thu góp hạt cacao ủ, như công ty ED & FMAN và Cargill.

 

 

3b. Vùng duyên hải và bán đảo Cà Mau. Trước nhất phải quy định lại vùng ngọt hóa, vùng nước lợ và vùng mặn hóa trên vùng duyên hải và bán đảo Cà Mau thật rõ ràng, và có ý kiến của người dân địa phương. Việc nông dân không hợp tác và phá hủy nhiều công trình ngọt hóa ở vùng Bạc Liêu, Cà Mau kể từ 2000 cho biết việc cưỡng bách dân canh tác lúa trong nhiều vùng ngọt hóa trên vùng đất vốn nhiểm mặn trầm trọng này chỉ làm dân nghèo thêm, bởi vì trồng lúa không có lợi. Canh tác lúa không có lợi nhiều ngay cả ở những vùng đất trù phú nước ngọt quanh năm như miệt Cần Thơ, An Giang. Ngược lại, canh tác hoa màu chịu mặn và nuôi thủy hải sản đem nhiều lợi tức hơn cho người dân và mang lại nhiều ngoại tệ cho đất nước hơn xuất cảng lúa gạo. Vì vậy, cần giới hạn lại khu vực ngọt hóa vừa tầm với khả năng cung cấp nước ngọt, kỹ thuật ngăn chận nước mặn và khả năng tài chánh bảo toàn hệ thống. Canh tác lúa ở vùng nhiễm mặn có nhiều rủi ro và không có lợi cho dân.

 

- Hải sản. Vùng duyên hải và bán đảo Cà Mau xưa nay vốn là vùng sản xuất thủy hải sản, và nông dân đã có kinh nghiệm sống chung với nước mặn. Việc thất bại nuôi tôm rầm rộ với quy mô lớn trong thập niên 1990s đã giúp cho nông dân tự tìm một mô hình thích hợp cho sản xuất ở vùng nhiểm mặn. Đó là luân canh giữa nuôi tôm trong mùa hạn khi nước mặn xâm nhập vào ruộng, và trồng lúa trong mùa mưa sau khi đất được rửa bớt muối. Với hình thức canh tác này đều cho năng xuất tôm cao (ít bệnh, ít thức ăn vì nhờ phiêu sinh từ rơm rạ mục, năng xuất trung bình 100 - 300 kg tôm/ha/) và năng xuất lúa cao (3.5 đến 5 t/ha), nhờ vậy nông dân có lời (sau khi trừ phần tổn phí) từ 8 triệu đến 50 triệu đồng/ha/năm.

 

Với nhiều vũng đầm trong 8 tỉnh duyên hải, rất lý tưởng cho việc nuôi tôm, cá, sò huyết (Arca granosa), cua, ghẹ, đồi mồi, hải sâm (Holothuria scabra), tu hài (Snout Otter Clam), nghêu (clam), sò điệp (scallop), bào ngư (abalone) hàu ngọc trai (pearl oyster), sò trai hai mảnh -xanh (green mussel), mực, cầu gai (nhím biển ), v.v.

 

- Canh tác dừa tương tự như Bến Tre. Cây dừa thích hợp vùng nước lợ, thấy trồng bất cứ nơi nào trên vùng duyên hải, nhưng chưa khai thác đúng tiềm năng. Chẳng hạn một trái dừa uống tươi ướp nước đá chỉ có 3.000 đồng một trái bán ở mọi tỉnh thành phố, trong lúc một chai nước uống không rỏ nguồn gốc có dung tích tương đương có giá bán từ 5.000 đến 10.000 đồng. Nước dừa đóng hộp, vô chai được bày bán ở khắp siêu thị Âu Châu, vệ sinh và bổ dưỡng hơn cả nước khoáng trong chai. Trong khi đó, người Việt Nam uống nước vô chai không rõ nguồn gốc. Ngoài ra, dừa còn nhiều công dụng khác, và đã từng phát triển mạnh ở Bến Tre.

 

- Canh tác rong biển (sea weed) như Gracilaria (Rong câu) và Eucheuma rất phổ biến ở Trung và Nam Mỹ cũng như Phi Luật Tân. Canh tác tảo biển giàu protein như SpirulinaDuvalielle (chứa từ 50 tới 70 % protein) cũng cần đặc biệt nghiên cứu để chế biến thức ăn bổ sung dinh dưỡng cho người và gia súc như đã thực hiện ở Hawaii. Rong câu đã được trồng trong ao dọc duyên hải Việt Nam, cho năng xuất trung bình 5 tấn tươi/ha ao (trung bình 4 kg tươi cho 1 kg rong khô) với giá thị trường là 220.000 đồng/kg khô (10 đô Mỹ/kg khô).

 

- Tiềm năng cây phì-diệp-biển (Suaeda maritime (L.) Dum.) và cỏ Sporobolus virginicus. Cây phi-diệp.biển mọc tự nhiên trong môi trường nước biển Việt Nam. Hiện tại loại cây này đã được canh tác với nước biển để lấy hột ép thành dầu sản xuất nhiên-liệu-sinh-học, khả năng cho 1,260 l /ha so với 420 l/ha từ đậu nành. Bả ép dầu chứa nhiều protein có thể làm thức ăn gia súc và thủy sản (13). Cỏ Sporobolus virginicus canh tác ở vùng Đông Bắc Thái Lan được tưới bằng nước mặn để làm đồng cỏ cho trâu bò. Salicornia bigelovii cho dầu ăn và thân làm thức ăn gia súc. Atriplex barclyana dùng làm thức ăn cho trâu bò, đều là các loài thích ứng vùng nước mặn.

 

4. Ngăn chận nước biển dâng cao, nước mặn xâm nhập vào nội địa

 

Nước mặn hiện tại đã xâm nhập nhanh và sâu vào nội địa. Đây là một nguy cơ lớn và cấp thời phải giải quyết.

 

Biện pháp làm đập, như Đập Ba Lai, trên tất cả cửa biển cho mọi con sông lớn và nhỏ trong ĐBCLVN không ổn, vì các lý do:

 

(i) ĐBCLVN bị khép kín, không còn bị ảnh hưởng của thủy triều, tác động rất lớn vào môi sinh, đời sống động thực vật và con người, và tạo ô nhiểm nước bên trong.

 

(ii) Lưu thông của tàu thuyền gặp nhiều khó khăn với loại đập Ba Lai hay Âu thuyền Tắc Thủ. Xây dựng những loại đập tân tiến như hệ thống Cống Chống Lụt trên sông Thames của Anh quốc, hay trên đê biển Afsluitdijk của Hòa Lan thì quá tầm tài chánh, kỹ thuật và quản lý của Việt Nam.

 

Một giải pháp thích hợp nhất, vừa chống mặn xâm nhập trên sông, vừa duy trì ảnh hưởng của chế độ thủy triều của Biển Đông, vừa duy trì sinh môi mặn của vùng duyên hải, vừa thuận lợi cho tàu bè lớn lưu thông là áp dụng kiểu đập ngầm (underwater sill) trên sông Mississippi của Hoa Kỳ. ĐBCL về mặt thủy tính tương tự như hạ lưu sông Mississippi của Hoa Kỳ

 

Trên sông Mississippi, nước biển xâm nhập vào khoảng 96 km (gần Myrtle Grove) kể từ cửa biển, cách New Orleans khoảng 64 km, là nơi bắt đầu có 13 công trình cấp nước sinh hoạt cho thành phố New Orleans, với số lượng 1,8 triệu m3/ngày với tiêu chuẩn lượng chloride dưới 250 ppm (phần triệu). Đây cũng là đoạn sông tàu lớn lưu thông dập dìu nhất trên thế giới. Công binh Hoa Kỳ tìm một biện pháp hữu hiệu vừa ngăn chận nước mặn vừa cho phép tàu lớn lưu thông dễ dàng, mà lại rẻ tiền so với cách làm đập nổi có cống ngăn mặn thông thường. Đó là việc thiết lập đập ngầm (underwater berm, underwater sill) (12).

 

Bởi vì nước mặn có tỉ trọng (1,03) lớn hơn nước ngọt (tỉ trọng 1,0), nên nằm ở bên dưới lớp nước ngọt. Vì là dòng nước chảy, nước ngọt ở trên, nước mặn ở đáy, tạo thành một “lưỡi nước mặn” (Salt wedge). Hình dáng và vị trí lưỡi nước mặn thay đổi theo lưu lượng nước chảy.

 

 

 

 

Tiết diện lưỡi nước mặn

 

 

Nếu lưu lượng cao, dòng chảy xiết (mùa lụt), lưỡi nước mặn ở gần phía cửa biển. Nếu lưu lượng thấp (mùa khô hạn), lưỡi nước mặn tiến sâu vào nội địa. Với dòng chảy lưu lượng 8.500 m3/s (300.000 cfs) thì nước mặn ở ngoài cửa biển Southwest Pass. Khi lưu lượng giảm xuống 7.079 m3/s (250.000 cfs), nước mặn xâm nhập đến Head of Pass là nơi có nhiều nhánh sông chảy ra biển. Vào năm hạn hán, như năm 1988 hay trong thập niên 1930s, lưu lượng dòng chảy chỉ còn 2.831 m3/s (100.000 cfs), lưỡi nước mặn đến New Orleans (cách biển 160 km). Lưỡi nước mặn có thể di chuyển từ 3 đến 5 km/ngày, xuôi dòng hay ngược dòng tùy lưu lượng dòng chảy.

 

 

 

Tương quan giữa lưu lượng dòng chảy và vị trí lưỡi nước mặn trên sông Mississippi.

 

 

Sau nhiều năm nghiên cứu, cùng với tài liệu đo đạc trong quá khứ, Công Binh Hoa Kỳ quyết định thiết lập một đập ngầm (underwater sill) xuyên qua sông tại vị trí cách biển khoảng 100 km, gần Myrtle Grove, cách New Orleans 60 km ở phía nguồn. Ngày bắt đầu khởi công đào vét là ngày 1/7/1988, vào ngày này đáy lưỡi nước mặn ở vị trí 128 km cách cửa biển (vượt quá nơi đập ngầm 28 km).

 

 

 

Vị trí nơi thiết lập đập ngầm

 

 

Đập ngầm được xây cách mặt nước 14,1 m (để tàu lớn thông thương), có chiều dài 500 m ở khúc sông rộng 600 m. Từ mặt đập đến đáy sông là 13,5 m, mặt đập rộng 13,5 m, đáy đập rộng 34,5 m, tổng số vật liệu bơm đấp đập là 649.868 m3/ (850,000 cu yd). Công tác hoàn thành trong 4 tuần lễ (ngày 1/8/2008). Tổn phí 790.000 USD (giá năm 1988) (12).

 

Công trình này bảo đảm nước ngọt cho thành phố New Orleans, đồng thời tàu lớn ra vào tấp nập trên đập. Về phía hạ nguồn của đập ngầm thì chứa nước lợ. Để cung cấp nước ngọt cho một số ít cư dân ở hạ nguồn, dùng tàu chở nước ngọt tiêu chuẩn từ New Orleans đến hạ nguồn.

 

 

 

 

Đập ngầm chận nước mặn xâm nhập nhưng tàu lớn lưu thông được

 

 

Chỉ cần một đập ngầm trên sông Hậu ở vị trí từ khoảng giữa Cù Lao Dung và Trà Ôn bảo đảm được lưu thông tàu hàng lớn đến cửa Định An, đồng thời ngăn chặn được nước mặn xâm nhập quá vị trí Trà Ôn.

 

Cũng vậy trên sông Tiền, chỉ cần 2 đập ngầm trên sông Cổ Chiên (khúc đầu sông Láng Thé với Cổ Chiên) và sông Mỹ Tho (đoạn giữa cù lao ấp Tam Hiệp, nơi tiếp giáp sông Cửa Tiểu và sông Mỹ Tho, và Mỹ Tho).

 

Để ngăn chận nước mặn xâm nhập vào sông Vàm Cỏ Đông và sông Vàm Cỏ Tây, thiết lập một đập ngầm tại Tân Trụ.

 

Dỉ nhiên cần phải nghiên cứu thủy tính, nhất là sự di chuyển của lưỡi mặn.

 

Trên các cửa sông, cửa biển mà giao thông hàng hải không quan trọng lắm, ngoài ghe tàu nhỏ, nhất là cống đập ở các đầu kinh lớn trên sông chánh, và dọc theo đê duyên hải, thiết lập các Cống đập kiểu Sà-Lan, một thiết kế mới do Viện Thủy Lợi nghiên cứu thành công (15). Lợi điểm của loại cống đập sà-lan là rẻ tiền, dể tháo ráp để di chuyển được đến vị trí mới, và ghe tàu qua lại được (15).

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.

https://en.wikipedia.org/wiki/Hydropower_in_the_Mekong_River_Basin

2.

https://www.internationalrivers.org/resources/8477

3.

http://www.mrcmekong.org/assets/Publications/policies/1st-Interim-Report-ISH0306-Volume-1-The-Guidelines-Final.pdf

4.

http://www.vncold.vn/Web/Content.aspx?distid=2714)

5. Trần Đăng Hồng (2009). Thử tìm biện pháp thủy lợi cho đồng bằng Cửu Long. Phần 5: Môi trường và hệ thống sông rạch thiên nhiên.

http://thnlscantho.page.tl/Th%F9y-l%26%237907%3Bi-%D0BCL-_-Ph%26%237847%3Bn-5.htm

6. Trần Đăng Hồng (2009). Thử tìm biện pháp thủy lợi cho đồng bằng Cửu Long. Phần 6: Kinh đào và các biện pháp thủy lợi.

http://thnlscantho.page.tl/Th%26%237911%3By-l%26%237907%3Bi-%26%23272%3BBCL-_-Ph%26%237847%3Bn-6.htm

7. Trần Đăng Hồng (2009). Thử tìm biện pháp thủy lợi cho đồng bằng Cửu Long. Phần 7: Thách thức với lũ lụt.

http://thnlscantho.page.tl/%26%23272%3B%26%237891%3Bng-b%26%237857%3Bng-C%26%237917%3Bu-Long-_-Ph%26%237847%3Bn-7.htm

8. Trần Đăng Hồng (2009). Thử tìm biện pháp thủy lợi cho đồng bằng Cửu Long. Phần 8:Thách thức với biển cả.

http://thnlscantho.page.tl/%26%23272%3B%26%237891%3Bng-b%26%237857%3Bng-C%26%237917%3Bu-Long-_-P-8.htm

9. Trần Đăng Hồng (2009). Thử tìm biện pháp thủy lợi cho đồng bằng Cửu Long. Phần 9: Đề nghị vài biện pháp.

http://thnlscantho.page.tl/%26%23272%3B%26%237891%3Bng-b%26%237857%3Bng-C%26%237917%3Bu-Long-_-P9.htm

 

10. Kỷ Quang Vinh, Lương Hồng Tân & Thomas Nuber (2009). Một số vấn đề trong sử dụng nước ngầm ở thành phố Cần Thơ.

 

11. Thái Chí Bình (2006): Thử xác định vị trí hai túi nước của Miền Tây Nam Bộ. http://www.ou.edu.vn/vietnam/files/tapsankhoahoc/2006/PDF/So%2004(10)/tskh04(10)_page68.pdf

12. Timothy L. Fagerburg; Michael P. Alexander (1994). Underwater Sill Construction for Mitigating Salt Wedge Migration on the Lower Mississippi River. Miscellanous paper HL 94-1.

http://chl.erdc.usace.army.mil/chl.aspx?p=s&a=Publications!385

13. Tôn Thất Trình (2008). Phì diệp biển nuôi trồng bằng nước biển làm rau và nhiên liệu sinh học chăng?

http://nongnghiepphothong.page.tl/Phi-diep-bien.htm

 

14. Vô danh (2009). Aquifer storage and Recovery.

 

http://www.edwardsaquifer.net/asr.html

 

15. Vô danh (2009). Công nghệ đập sà lan – một giải pháp thủy lợi cho vùng lũ. Nhân Dân, ngày 11/11/2009.

 

16. Whetton, P.1994. Constructing climate scenarios: the practice. In: Climate Impact Assessment Methods for Asia and the Pacific [Jakeman AT and AB Pittock (eds)]. Proceedings of a regional symposium, Australian International Development Assistance Bureau, 10-12 March 1993, Canberra, Australia, pp 21-27.

17. Nguyễn Minh Quang. 2003. Hydrologic impacts of china’s upper mekong dams on the lower mekong river. http://www.mekongriver.org/publish/qghydrochdam.htm

 

 

 

 

Reading, UK, 4/2016