DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Ảnh hưởng nước biển dâng cao lên Khánh Hòa



ẢNH HƯỞNG CỦA HIỆN TƯỢNG NƯỚC BIỂN DÂNG CAO LÊN KHÁNH HÒA NHA TRANG


Trần-Đăng Hồng, PhD
 
Trong hai thập niên vừa qua, báo chí thế giới cũng như ở Việt Nam trở nền ồn ào với hiện tượng hâm nóng toàn cầu. Thế giới đương đầu với 3 vấn đề hiện đang xảy ra:
(i) Lượng khí CO2 trong khí quyển gia tăng do con người.
(ii) Nước biển dâng cao.
(iii) Biến đổi khí hậu.
Về 3 vấn đề này, tác giả đã có nhiều dịp đề cập, bắt đầu bằng cuộc phỏng vấn trên Đài BBC Tiếng Việt (01/August/1996), và từ 2006 đến nay, với 9 bài biên khảo (1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9) tóm lược hiện tượng này với kiến thức cập nhật theo thời gian và bàn những hậu quả ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Vì hạn chế số trang, cũng như chỉ đề cập kiến thức phổ thông, trong bài này tác giả chỉ bàn về hiện tượng nước biển dâng cao ảnh hưởng thế nào đến tỉnh Khánh Hòa và thành phố Nha Trang.
Một thực tế không thể chối cải là mực nước biển đang dâng cao trên khắp thế giới. Con số quan trắc của 23 trạm trên thế giới cho biết từ năm 1900 đến 2000, nước biển dâng cao 18 cm, tức trung bình khoảng 1,8 mm/năm trong thế kỷ qua. Đại học Colorado tại Boulder kết hợp số đo của 213 trạm quan trắc trên thế giới trong thời gian 175 năm (từ 1807 đến 1982) thì nước biển dâng cao từ 1,2 mm/năm đến 2,4 mm/năm, tùy vị trí địa lý, với trị số trung bình 1,60 mm/năm.
Câu hỏi thứ nhất là vận tốc dâng cao của mực nước biển tại Khánh Hòa là bao nhiêu? Việt Nam có tổng cộng 21 trạm quan trắc hải tính dọc bờ biển và trên các hải đảo. Trong số này có 7 trạm quan trắc khá chính xác, từ bắc xuống nam là Hòn Dấu (ngoài khơi Hải Phòng, thiết lập năm 1956), Hòn Ngư (ngoài khơi Cửa Lò, Nghệ An, 1961), Đà Nẵng (1963), Qui Nhơn (1963), Vũng Tàu (1918), Phú Quốc (1976) và DK-1-7 (thuộc Trường Sa, 1995).
Theo kết quả quan trắc, nước biển dâng 1,9 mm/năm tại Hòn Dấu trong thời gian 1960-2000; trong lúc 1,75 mm/năm tại Qui Nhơn, nhưng 2,56 mm/năm tại Vũng Tàu và Đà Nẵng. Bờ biển Đà Nẵng bị xói lở, và nền móng của Vũng Tàu có lẻ bị lún sụp vì không vững nên có vận tốc nước dâng khá cao.
Nha Trang, gần Qui Nhơn, có cùng nền móng vững chắc, nên có lẻ nước biển dâng cao với vận tốc 1,75 mm/năm, hay cao hơn chút đỉnh, tối đa 1,9 mm/mm như Hòn Dấu.
Giả sử với vận tốc nước dâng tại Nha Trang là 1,75 mm/năm (như Qui Nhơn), nước biển sẽ dâng cao hơn hiện nay 0,50 m vào năm 2300, và cao hơn 1 m vào năm 2585.
Giả sử với vận tốc 1,90 mm/năm (như Hòn Dấu), nước biển sẽ dâng cao 0,50 m vào năm 2275, và cao hơn 1 m vào năm 2540.
Câu hỏi thứ hai, là mực nước biển dâng cao tối đa ở biển Khánh Hòa là bao nhiêu? Việc mực nước biển dâng cao rồi hạ thấp không phải là hiện tượng mới xảy ra trong thời đại này, mà là một hiện tượng tuần hoàn của đại dương từ ngày trái đất được thành lập cách đây 4,5 tỉ năm.
Trong 900 ngàn năm qua, biển cũng đã trải qua nhiều lần dâng cao và hạ thấp. Trên mỗi đỉnh cao, biển cũng dâng lên, hạ xuống, với biên độ nhỏ chừng 2-3 m (Hình 1)
Cách đây 120 ngàn năm, mực nước biển cao hơn hiện nay 6 m. Vào thời đại băng hà cách đây 18 ngàn năm, nước biển thấp hơn mực nước hiện nay 120 m. Sau đó, băng hà tan và nước biển dâng cao lại. Cách đây 9 ngàn năm, mực nước Biển Đông cao hơn hiện nay 3 - 4 m, và sau đó bắt đầu thấp dần trong suốt 2 ngàn năm đến mực nước hiện tại. Cách đây 6 ngàn năm, nước biển Đông lại dâng cao trong suốt 1 ngàn năm và cao hơn hiện nay 3 m. Cách đây 4,5 ngàn năm nước biển bắt đầu hạ thấp trở lại và cách đây 2,5 ngàn đến gần đây, mực nước biển ổn định.

 
Hình 1. Biến đổi mực nước biển toàn cầu trong 900 ngàn năm qua (hình trên), và chi tiết hơn trong 140 ngàn năm qua (hình dưới).
Các nghiên cứu về san hô cổ đại cũng cho biết mực nước Biển Đông trong vòng cách đây 6.500 - 7.050 năm có ít nhất 4 lần nước dâng lên/hạ thấp, với chu kỳ cách khoảng 450 năm, và mực nước chỉ giao động khoảng 20 – 40 cm, có lúc cao hơn hiện nay từ 1,71 đến 2,19 m.

 
Hình 2. Giao động mực nước Biển Đông trong 7 ngàn năm qua
Dựa theo lịch sử tiến và lùi của Biển Đông trong 9 ngàn năm qua, có lẽ nước biển tại Nha Trang sẽ dâng cao tối đa khoảng 3 m hơn ngày nay, và chuyện đó sẽ xảy ra vào khoảng năm từ 3590 đến 3725. Dấu tích vỏ hàu, vết mòn xâm thực trên đá ở Hòn Chồng, vách núi La San, và Cầu Đá có cùng độ cao hơn mặt nước khoảng 3 m, đó là vết tích nước biển cao nhất tại vùng biển Nha Trang.
Photo
Hình 3. Mực nước biển thời đại quá khứ ở Vịnh Hạ Long (trái) và Hà Tiên (phải) do ăn mòn trên khối đá
Vùng nào của Nha Trang đe dọa sẽ bị ngập?
Ai đã từng ở Nha Trang đều biết là thành phố Nha Trang tương đối cao, vì nằm trên giồng cát duyên hải. Đầu đường Duy Tân dọc biển (nay là Trần Phú) từ khu dinh tỉnh trưởng đến đầu đường Yersin có cao độ 4 m trên mực nước biển, gia tăng lên 7m tại khách sạn Beau Rivage (Hải Yến bây giờ), 9m tại đường vào phi trường củ, 10m tại trung tâm huấn luyện Hải quân. Nếu dùng xe đạp đi từ bờ biển đoạn khách sạn Beau Rivage (7m) thẳng đến Ngả Sáu Nhà Thờ (9m) rồi tới Ga xe lửa (9m), Mã Vòng, (8m) chúng ta sẽ thấy đạp khá nặng vì lên dốc thoai thoải. Mã Vòng là giới hạn phía tây của giồng cát duyên hải, vì sau đó trên đường hướng đến Diên Khánh, là khu đồng bằng phù sa của Sông Cái. Khu vực trước trường Bồ Đề tới Chợ Mới là khu đất thấp (4m), nhiều ao rạch, nhưng kể từ cổng đường sắt xe lửa, cao độ gia tăng, 10 m tại Võ Cạnh, 11m tại Cây Dầu Đôi, 12m tại Thành (Diên Khánh),
Photo
Hình 4. Thành phố Nha Trang bây giờ (trái) và khi nước biển dâng cao 1m (giữa), 2m (phải)
Photo
Hình 5. Khi nước dâng cao 3m (trái), 4m (giữa) và 5m (phải) vào thành phố Nha Trang
Ngược lại, nếu đi từ Bưu Điện đến Chợ Đầm thì xuống dốc, sau đó thì lại lên dốc cho tới Mã Vòng. Khu Chợ Đầm, Xương Huân và Khu Rọc Rau Muống, trước kia vốn là 3 cái đầm nước bị lấp để xây cất nhà cửa và chợ, cũng là khu vực thấp của thành phố, có độ cao từ 1,5 đến 4 m trên mực nước biển. Tương tự như vậy, mé đất hẹp chạy dọc Sông Cái từ cửa biển cho tới Chợ Mới là khu vực bị đe dọa.
Vùng thấp nhất của Nha Trang là cánh đồng giữa hai nhánh sông chảy vào Cửa Bé, thấp nhất là vùng Phước Đông (1m), Phước Long (1m), Vĩnh Thái (2m), Phước Hải (3-4m). Vĩnh Điềm Trung (3m) cũng là vùng thấp (Hình 4 và 5).
Khi nào Nha Trang bị đe dọa? Hiện tại, chỉ khi có bão lớn, sóng có thể dạt lên tới đường cái dọc biển (Đường Duy Tân cũ), nhưng chưa đe dọa gì bên trong.
Nếu nước biển dâng thêm 0,50 m, khi có bão lớn, sóng có thể dạt vào sâu hơn bên trong vài trăm mét (tới khu trường Võ Tánh), và các nhà dọc biển có cơ nguy hiểm. Vào mùa bình thường thì không sao cả. Chuyện đó sẽ xảy ra vào khoảng năm 2275 – 2300.
Nếu nước dâng cao hơn 1 m, thì cả vùng rộng lớn từ Cửa Bé chạy tới Chợ Mới, và giới hạn đông bởi giồng cát thành phố Nha Trang (cũ), phía nam bởi Núi Hòn Rớ, và phía tây bởi núi Đồng Bò (Hình 4 và 5).
Riêng vùng Chợ Đầm, khu Đình Xương Huân, Xóm Bàng, Rọc Rau Muống, dọc bờ sông có nguy cơ ngập lụt khi có thủy triều cao trùng lúc mùa ngập lụt hay khi có bão lớn. Chuyện đó sẽ xảy ra vào khoảng năm 2536 – 2582.
Nếu nước biển dâng lên 5m, thành phố Nha Trang cũ (nằm trên giồng cát) vẫn an toàn, nhưng phần đất sau lưng thành phố, giới hạn bởi đường Mã Vòng-Lê Hồng Phong phía đông, phía nam là lộ mới đi phi trường Cam Ranh (đường Nguyễn Tất Thành) và hướng tây là núi Đồng Bò, trở thành một vịnh biển cạn, chạy dài từ Cửa Bé (bị chìm ngập) cho tới Chợ Mới. Đây là vùng thành phố Nha Trang đang phát triển hiện nay hướng về Đồng Bò (như đô thị Venesia).
Nếu nước biển dâng cao 7m, thành phố Nha Trang (cũ) trở thành một đảo nhỏ.
Nếu nước biển dâng cao 10m, Nha Trang bị chìm hoàn toàn, chỉ còn khu vực Cầu đá. Biển xâm nhập tới Thành Diên Khánh.
Vùng nào của Khánh Hòa đe dọa sẽ bị ngập?
Vùng đồng bằng Khánh Hòa có cao độ trung bình 60 m. Từ bờ biển Nha Trang đi theo hướng tây, thì cao độ tăng dần. Thành Diên Khánh có cao độ trung bình 12 m, chỗ thấp nhất của đồng bằng cao 6 m. Kể từ đây cao độ gia tăng nhanh, Khánh Vĩnh có cao độ 45 m, vì là sườn đông của dãy Trường Sơn. Ở phía Nam, phi trường Cam Ranh có cao độ 12 m. Tiến về phía tây là huyện Khánh Sơn có cao độ 398 m trên sườn Trường Sơn.
Sau đây là những vùng thấp dọc bờ biển Khánh Hòa, sẽ bị đe dọa khi nước biển dâng cao quá 0,5 m.
Photo
Hình 6. Đầm Nha Phu Ninh Hòa ngày nay (trái), khi nước biển dâng cao 1m (giữa), 2m (phải).
Photo
Hình 7. Khi nước biển dâng cao 3 m (trái), 4m (giữa) và 5m (phải) lên Đầm Nha Phu và Ninh Hòa
Qua khỏi đèo Cả về phía nam là đoạn bờ biển thấp thuộc bãi biển Đại Lãnh. lẽ Vạn Ninh là nơi đông dân cư có cao độ thấp nhất, như Vạn Khánh (1m), Vạn Thắng (2m), Vạn Lương (3m). Từ mũi Đôi đến mũi Hòn Cho có đoạn bờ biển thấp và bãi cát. Sau đó là bờ biển cao.
Bờ biển huyện Vạn Ninh, từ Ninh Mã đến bán đảo Hòn Khói, là một đoạn bờ biển thấp, có nhiều cửa sông, cửa lạch nhỏ đổ ra biển, như Ninh Thọ (2m).
Bờ biển quanh bán đảo Hòn Khói là bờ biển thấp (2m). Bờ biển phía đông của bán đảo Hòn Khói đến mũi Diêm là đoạn bờ biển thấp, vì là vùng thấp nên thích hợp làm ruộng muối (1-2m). Nhưng từ mũi Diêm vòng xuống phía đông nam là đoạn bờ biển cao.
Phía nam bán đảo Hòn Hèo là đầm Nha Phu. Đây là vùng thấp (1m), gồm phần đất phía đông - nam của các xã Ninh Hà, Ninh Lộc thuộc huyện Ninh Hòa, với nhiều cửa sông, cửa lạch như Lạch Ngòi Sau, cồn Ngao, Nga Hầu, v.v. tạo thành một vùng bồi lắng phù sa khá rộng. Tương tự như vùng Cửa Bé – Chợ Mới, đây cũng là vùng bị đe dọa ngập lụt nhất của vùng duyên hải tỉnh Khánh Hòa.
Dải bờ biển phía tây - nam đầm Nha Phu phát triển về phía Nha Trang cũng là đoạn bờ biển tương đối thấp, xen lẫn chân núi thấp nhô ra biển.
Bờ biển vịnh Nha Trang thuộc loại cao.
Đoạn bờ biển giữa núi Chụt và Hòn Khu Ông (vùng Cửa Bé) là một đoạn bờ biển thấp với nhiều cửa sông, cửa lạch, tạo thành một vùng bồi lắng phù sa, cát mịn. Từ phía nam Cửa Bé tới Vịnh Cam Ranh là có bờ biển cao.
Bờ biển phía tây của vịnh Cam Ranh bắt đầu từ phía nam đến chân mũi Sộp là dạng bờ biển thấp với nhiều bãi cát trắng. Tiếp theo là bờ biển cao cho tới địa phận Ninh Thuận, ít bị ảnh hưởng. Đây cũng là vùng tương đối ít dân cư, hiện nay phần đông nuôi hải sản (chủ yếu nuôi tôm) và ruộng muối.
Những vùng thấp cao độ dưới 2m nói trên sẽ bị ảnh hưởng của hiện tượng nước biển dâng cao, tuy nhiên vùng này có diện tích nhỏ hẹp vì giới hạn ở phía đông quốc lộ 1 (1A bây giờ) hay dường xe lửa xuyên Việt. Cảng Cam Ranh cũng ít bị ảnh hưởng. Chỉ có khu vực Đầm Nha Phu đến thị trấn Ninh Hòa và từ Cửa Bé đến Chợ Mới Nha Trang là hai khu vực có diện tích lớn bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, đó là chuyện còn quá xa vời, con người có thể chế ngự được với kỹ thuật bảo vệ thành phố trong tương lai. Hiện tại mới là điều đáng lo ngại.
Sự kiện bờ biển bị xoi mòn đáng được quan tâm hơn. Hiện tại toàn tỉnh Khánh Hòa có 20 địa điểm bờ biển bị xói lở, trong số này có 7 địa điểm xói dài <200 m ; 8 địa điểm dài từ 200 đến 1000 m ; 3 địa điểm dài từ 1000 m đến 2000 m ; và 2 địa điểm dài từ 2000 m đến 6000 m. Trong số này, 2 địa điểm xói lở đáng quan ngại là Vạn Giã (Vạn Ninh), xói lở nhiều từ sau năm 2000 với vận tốc 40-60 m/năm, và Phước Đông (Nha Trang) với vận tốc 30 m/năm. Đây cũng là vùng nuôi tôm quan trọng, việc phá rừng ngập mặn là nguyên nhân chính của việc xói mòn bờ biển.
Rừng ngập mặn dọc bờ biển, đặc biệt ở các cửa sông, có nhiệm bảo vệ đất liền chống xâm thực của biển do sóng, giảm thiểu thiệt hại do sóng thần (tsunami), là môi trường sinh sống thiên nhiên của nhiều loài tôm cua cá ốc sò. Trước 1975, Khánh Hòa có khoảng 3000 ha rừng ngập mặn, năm 2000 chỉ còn 100 ha, lý do chính là dân phá rừng ngập mặn bừa bãi để nuôi tôm.
Rừng phi lao (cây dương) trên bãi biển trước kia được trồng để chống cát bay xâm nhập vào cánh đồng bên trong nay đã bị chặt đốn để xây cất nhà cửa, đào bới để tìm quặng titanium, v.v. Sa mạc hóa đồng ruộng vốn « đất cày lên sỏi đá » càng trầm trọng thêm.
Nước mặn xâm nhập sâu vào nội địa. Trước 1975, nước uống của thành phố Nha Trang do nước bơm tại Cầu Dứa cung cấp, vì ngay cả vào mùa khô hạn, nước mặn chỉ xâm nhập đến vùng Ngọc Hội Chợ Mới. Ngày nay nước mặn đã xâm nhập đến Võ Cạnh.
Nước Sông Cái hạ thấp trong mùa nắng hạn, nhưng gây lụt nặng trong mùa lũ. Hiện nay (2012), nước sông Cái ở Đồng Trăng hạ thấp hơn 4 m (kỹ lục từ trước đến nay). Ngoài lý do khô hạn thiếu mưa, đập thủy điện giữ nước để vận hành máy điện. Tuy nhiên, vào mùa mưa lũ, đập tháo nước để an toàn đê đập thì tạo thêm lũ lụt trầm trọng hơn trước kia, như trận lụt tháng 11/2010 tại Nha Trang.
Sông Cái, nguồn nước cung cấp cho nông nghiệp và sinh hoạt, bị ô nhiễm trầm trọng trên mức an toàn từ vài lần đến vài chục lần (11, 12) do nước thải không xử lý từ các khu công nghiệp trong tỉnh.
Đó là những vấn đề cấp thiết phải giải quyết hiện nay hơn là viễn vông nghĩ chuyện vài ba trăm năm tới.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
1. Trần-Đăng Hồng (2006). Biến đổi khí hậu lên nông nghiệp Việt Nam. Phần I.http://vietsciences.free.fr/
2. Trần-Đăng Hồng (2006). Biến đổi khí hậu lên nông nghiệp Việt Nam. Phần II. http://vietsciences.free.fr/
3.Trần-Đăng Hồng (2006). Biến đổi khí hậu lên nông nghiệp Việt Nam. Phần III. http://vietsciences.free.fr/
4. Trần-Đăng Hồng (2009). Ảnh hưởng biến đổi khí hậu toàn cầu lên đồng bằng châu thổ Cửu Long Việt Nam. Văn Hóa Đồng Nai Cửu Long (Australia), số 3, trang 113-131.
5. Trần-Đăng Hồng (2010). Ảnh hưởng của hiện tượng hâm nóng toàn cầu lên tỉnh Khánh Hòa. Phần 1. Hiện tượng nước biển dâng cao. http://thnlscantho-2.page.tl/H%E2m-n%F3ng-to%E0n-c%26%237847%3Bu-.--.-Part-1.htm
6. Trần-Đăng Hồng (2010). Phần 2. Biến đổi khí hậu. http://thnlscantho-2.page.tl/H%E2m-n%F3ng-to%E0n-c%26%237847%3Bu-_2.htm
7. Trần-Đăng Hồng (2010). Phần 3. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. http://thnlscantho-2.page.tl/H%E2m-n%F3ng-to%E0n-c%26%237847%3Bu--.--.-1.htm
8. Trần-Đăng Hồng (2011). Thám hiểm biển sâu – Phần V. Đại dương và hiện tượng hâm nóng toàn cầu. Khoa học net. http://khoahocnet.com/2012/04/16/tr%e1%ba%a7n-dang-h%e1%bb%93ng-phd-carbon-dioxide-va-ham-nong-toan-c%e1%ba%a7u/
9.Trần-Đăng Hồng (2012). Carbon dioxide và hâm nóng toàn cầu. Khoa học Net. http://khoahocnet.com/2012/04/16/tr%e1%ba%a7n-dang-h%e1%bb%93ng-phd-carbon-dioxide-va-ham-nong-toan-c%e1%ba%a7u/
10. http://www.floodmap.net/
11. Ô nhiểm nguồn nước Sông Cái (28/03/2913). http://ktv.org.vn/web/ktv/view/-/asset_publisher/2Fxp/content/o-nhiem-nguon-nuoc-song-cai/10157;jsessionid=BE022CF729E8305A3665E8259BA8892F.worker2
12. Nguyễn Đức Hạnh và cọng sự (2012). Chất lượng nước mặt tỉnh Khánh Hòa-Kết quả điều tra năm 2011. Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Khoa học Tự nhiên và Công nghệ 28, Số 3S, 48-56.
 
Reading (UK), 6/2013
Trần-Đăng Hồng
(VT 1953-1960)

Bài này viết cho Đặc San Võ Tánh/Nử Trung Học NhaTrang phát hành 9/2013