DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Cái nhìn của nhà khoa học

CÁI NHÌN CỦA NHÀ KHOA HỌC

Nguyễn Thị Kim-Thu

Nhìn thấy sự kiện tự nhiên của trời đất, mỗi người có một phản ứng khác nhau. Chẳng hạn, nhìn cảnh trăng tròn sáng vằng vặt đêm rằm người xưa tưởng tượng và đặt ra chuyện chị Hằng Nga, cây đa, chú cuội. Còn chàng thi sỉ thì:

Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi

Trần thế em nay chán nữa rồi

Cung quế có ai ngồi đó chửa

Cành đa xin chị nhấc lên chơi

Có bầu có bạn can chi tủi

Cùng gió cùng trăng thế mới vui

Rồi cứ mỗi hôm rằm tháng tám

Tựa nhau trông xuống thế gian cười

 Tản Đà

Thần bí hơn, nhìn thấy sét đánh kinh hoàng vào khối sắt nằm trong đất, người xưa cho đó là Trời sai thiên lôi dùng búa xuống đánh, và rồi tin nhảm “Trời đánh tránh bửa ăn”.

Hay xem đó là điều tự nhiên, không có gì cần phải thắc mắc: nhìn trái táo rơi từ cành xuống đất, trái banh rơi vào nước thì nổi còn cục sắt thì chìm, v.v. Người thường có cái nhìn và kết luận thật giản dị !

Khổng Tử được người Tàu tôn sùng là người uyên bác, làu thông sử sách, biết hết chuyện trời đất, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý. Đọc truyện Khổng Tử vấn đáp cùng Hạng Thác mới 7 tuổi mới thấy Khổng Tử là người không có kiến thức khoa học, trả lời lấy có, và không suy luận hợp lý.

Sau khi cậu bé Hạng Thác trả lời đầy đủ nhiều câu hỏi của Đức Khổng Tử một cách rành mạch và đầy lý lẻ,  cậu bé xin thỉnh giáo Đức Khổng Tử đôi điều :

- Thưa Ngài, vịt ngỗng sao nổi trên mặt nước ?
Chim hồng chim nhạn sao lại kêu to ?
Tùng bách sao ngày Đông vẫn xanh lá ?

Đức Khổng Tử đáp rằng :

- Vịt ngỗng vì chân nó banh mà nổi bơi trên mặt nước. Chim hồng chim nhạn kêu to là vì cổ nó dài. Tùng bách ngày Đông xanh lá là vì ruột nó đặc.

Cậu bé Hạng Thác cười nói rằng :

- Chắc không hẳn như vậy đâu. Con rùa vẫn nổi trên mặt nước mà chân nó có banh đâu. Ễnh ương, ếch nhái kêu to mà cổ của nó có dài đâu. Cây trúc rỗng ruột mà ngày Đông vẫn xanh lá.

Khổng Tử chưa biết giải thích ra sao, thì chú bé lại hỏi:

- Thưa Phu Tử, cho phép cháu hỏi thêm. Tại sao mặt trời buổi sáng lại to mà buổi trưa lại nhỏ?

Khổng Tử trả lời:
- Là vì buổi sáng, mặt trời gần ta hơn.
- Không phải ạ!

Hạng Thác vặn lại

Buổi sáng mặt trời gần ta hơn, sao lại mát, còn buổi trưa mặt trời xa ta hơn, sao lại nóng?

Rất tiếc, Hạng Thác chết sớm lúc 10 tuổi. Hạng thác có cái nhìn và phân tích, lập luận của nhà khoa học.

Thật vậy, các nhà làm khoa học có một cái nhìn khác. Câu hỏi đầu tiên của họ là “Tại sao như vậy – Why?”. Tiếp theo là họ tìm cách giải thích sự kiện (How?), và cuối cùng là kiểm chứng xem cái giải thích đó đúng hay không.

Nhờ có cái nhìn khác biệt với người thường mà khoa học tiến bộ như ngày nay.

Cùng nhìn thấy trái táo rơi từ cành cây xuống đất, một điều rất hiển nhiên với mọi người, nhưng Isaac Newton (1642- 1726) nhờ sự kiện này tìm ra luật hấp dẫn giữa 2 vật thể (Universal gravitation), và sau đó với 3 định luật về chuyển động (motion) làm nền tảng cơ học.

 

Isaac Newton với trái táo rơi

Ai cũng đã từng tắm trong bồn tắm, và đều nhận thấy là mực nước dâng lên cao khi ngâm mình. Đó là chuyện tự nhiên, có gì mà thắc mắc.  Tuy nhiên, đối với Archimedes thì khác, ông vội chạy ra đường, còn trần truồng, và la lớn nhiều lần “Ereuka! Ereuka!” (Tôi đã tìm ra rồi!). Vậy ông tìm được cái gì? Ông đã tìm ra phương pháp tính thể tích để tính tỉ trọng (density) chính xác (= trọng lượng/thể tích) mà vào thời của ông chưa ai biết cách đo thể tích (volume) đối với vật không có hình thù rỏ rệt.

Có những sự kiện thật đơn giản hơn nữa, ai cũng biết và coi thường, nhưng nhà khoa học có một cái nhìn khác, và đã tìm ra được những phát minh mới, cải thiện kỹ thuật hay y học.

Chẳng hạn nhìn thấy con hải sâm mềm nhũn trở thành cứng xơ khi ta chạm tới, nhà khoa học đã tìm ra vật liệu trị bệnh trong y khoa, hay từ quan sát con hàu đính chặt vào khối đá trong nước, các nhà khoa học bắt chước hàu tạo được chất keo dính mảnh liệt áp dụng trong môi trường có nước như hàn gắn xương gảy trong cơ thể, gắn răng trong miệng, hay hàn gắn các bộ phận trong ghe tàu.

Tại sao phần đông chúng ta rất hời hợt, không có con mắt và cái nhìn của nhà khoa học?

Chung qui là do văn hóa, do giáo dục từ trong gia đình đến nhà trường. Văn hóa vâng lời người lớn tuổi, cái gì bậc trưởng thượng phán xét đều là chân lý, không được cải lại.

Cá không ăn muối cá ương

Con cải cha mẹ trăm đường con hư

Trong trường, học trò không được cải lại thầy cô giáo, lý luận lại thầy cô là vô phép. Chính vì cái văn hóa kềm kẹp đó làm đứa bé trở nên thụ động, không dám có suy nghĩ khác với thầy cô, với bậc trưởng thượng.

Ngược lại, trong giáo dục ở phương Tây, trẻ thơ được khuyến khích tự do nhận thức và phát biểu ý kiến riêng.

Tuổi thơ là tuổi học hỏi và quan sát thế giới chung quanh. Chúng thường đặt những câu hỏi “tại sao” trước sự kiện vừa quan sát. Hàng ngày, chúng tôi đưa hai cháu, 4 và 7 tuổi, đi học. Chúng luôn luôn hỏi nhiều câu khi quan sát dọc đường đi học như “tại sao vào mùa thu cây này có lá vàng rụng, mà cây kia thì lá vẫn xanh suốt năm”, hay “tại sao có nước đọng trên kính bên trong xe khi trời mưa bên ngoài, mà lại khô ráo khi trời nắng”, v.v. Nhà trường cũng như chúng tôi đều khuyến khích chúng, chứ không bắt nạt bảo chúng im lặng.

Reading, tháng 4/2015