DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Giải quyết lương thực ... Phần I

Lên mạng ngày 5/8/2015

GIẢI QUYẾT LƯƠNG THỰC TRONG HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI

Trần Đăng Hồng, PhD

Phần 1. Khó khăn trong việc sản xuất lương thực

 

VẤN ĐỀ NGHÈO ĐÓI

 

Hiện nay, trong số 7,3 tỉ dân trên thế giới ước tính có khoảng 805 triệu người (11% dân số thế giới, hay 1 trong 9 người) đang đói trường kỳ, 98% sống trong các quốc gia đang phát triển, nhất là Phi Châu, Nam Á Châu và Châu Mỹ La Tinh. Đa số các người đói khổ này là người nghèo, không có tiền để mua đủ thực phẩm vì thiếu lợi tức căn bản để sống, hay không sản xuất đủ lương thực cho chính gia đình họ vì thiếu đất canh tác hay đất đai nghèo nàn, thường bị thiên tai, chiến tranh tàn phá, v.v.

 

Chuẩn nghèo được định nghĩa trên thế giới hiện nay là lợi tức trung bình mỗi người trong một gia đình là <1,5 US$/ngày.

 


Hình 1. Bản đồ nghèo đói trên thế giới năm 2014. Giải thích bảng màu (từ trái sang phải: Vùng xanh nhạt: người đói <5% dân số; vùng màu cam: 5 – 14,9% dân số là nghèo đói; vùng màu hồng: 15-24,5% dân số là nghèo đói; Vùng màu đỏ: 25 – 34,9% dân số là nghèo đói; vùng màu tím sậm: >35% dân số thuộc nghèo đói; vùng màu xám: không đủ dữ kiện để xếp hạng.

Tại Việt Nam, ngưỡng chuẩn nghèo đói được ấn định cho giai đoạn 2011-2015 là gia đình ở nông thôn có mức thu nhập trung bình dưới 400.000 đồng/người/tháng (19 US$/người/tháng hay 0,63 US$/người/ngày), còn ở thành phố có mức thu nhập trung bình dưới 500.000 đồng/người/tháng (23,5 US$/người/tháng, hay 0,78 US$/người/ngày). Như vậy, ngưởng chuẩn nghèo ở Việt Nam chỉ bằng 1/2 chuẩn nghèo của thế giới. Tuy vậy, theo chuẩn nghèo này, thì người nghèo ở Việt Nam năm 2013 chiếm 7,8% dân số.

Cho tới nay, mặc dầu cố gắng của mỗi quốc gia cũng như hổ trợ của các cơ quan từ thiện và tổ chức quốc tế, nghèo đói vẫn chưa giải quyết được.

GIA TĂNG DÂN SỐ

Theo cơ quan dân số của Liên Hiệp Quốc, dân số thế giới năm 2015 là 7,3 tỉ người, và cứ mỗi năm dân số thế giới tăng thêm 74 triệu (lớn hơn dân số Thái Lan 67,8 triệu). Liên Hiệp Quốc tiên đoán dân số thế giới sẽ lên 9,0 tỉ người vào năm 2050, với điều kiện tỉ lệ sinh sản giảm từ 2,5% hiện nay xuống còn 2,0%.

Điều đáng quan tâm là dân số gia tăng nhiều ở các nước nghèo và kém phát triển. Hiện nay, dân số của các quốc gia kém phát triển là 98,3 triệu sẽ tăng lên 7,8 tỉ vào năm 2050, trong lúc các quốc gia giàu và phát triển dân số vẫn không thay đổi ở mức 1,2 tỉ vào năm 2050 (Hình 2). Chỉ có một ngoại lệ là dân số Hoa Kỳ sẽ gia tăng từ 305 triệu năm 2008 lên 400 triệu năm 2050, vì vấn đề di dân vào vùng “đất hứa” Hoa Kỳ. Tỉ số sinh đẻ của thế giới giảm từ 5 con/bà mẹ vào thời kỳ 1950-1955 xuống còn 2,65 con/bà mẹ năm 2000-2005, và tiên đoán sẽ giảm xuống 2,05 con/bà mẹ trong tương lai.


Hình 2. Dân số thế giới kể từ 1750 cho tới nay và tiên đoán tới năm 2050. Dân số các quốc gia đang phát triển (màu vàng) và các quốc gia công nghiệp (màu cam).

 

DIỆN TÍCH ĐẤT NÔNG NGHIỆP HẠN CHẾ

Đất canh tác (Arable land) là đất có thể cày xới để trồng cây lương thực như hoa màu (lúa, lúa mì, bắp, khoai, v.v.), vườn tược, làm đồng cỏ nhân tạo.

Đất nông nghiệp (Agricultural land) là đất dành cho sản xuất nông nghiệp, không những chỉ bao gồm đất canh tác để sản xuất lương thực, mà còn dùng để sản xuất các sản phẩm khác như đồn điền cao su, trà, cà phê, điều, hay các đồng cỏ thiên nhiên, đất trồng cỏ lát, v.v. Rừng, mặc dầu có cung cấp một phần lương thực nhưng không tính vào đất nông nghiệp. Như vậy rừng có thể phá để biến thành đất nông nghiệp, và đất nông nghiệp có thể cải thiện (như dẫn thủy) thành đất canh tác.

Thế giới hiện nay (2014) có 5 tỉ ha đất nông nghiệp, tức chiếm khoảng 37,3% diện tích đất của toàn thế giới (13 tỉ ha), trong số này có 1,5 tỉ ha là đất canh tác. Tổng số đất rừng của thế giới hiện nay là 4 tỉ ha.

Diện tích đất nông nghiệp không thể gia tăng, vì rừng đã phá quá nhiều trong quá khứ, và để bảo vệ môi trường thế giới đã ngăn cấm việc phá rừng. Vì vậy, để cung cấp thực phẩm cho toàn thế giới trong tương lai, nhân loại chỉ trông cậy vào 5 tỉ ha đất nông nghiệp mà thôi. Trong số 5 tỉ ha đất nông nghiệp này, cơ quan Lương Nông Quốc Tế (FAO) tính là có khoảng 2,7 tỉ ha có tiềm năng biến thành đất canh tác, như vậy tổng số đất có thể canh tác là (1,5 + 2,7) 4,2 tỉ ha, với điều kiện là phải đầu tư về nước tưới. Tuy nhiên, mặc dầu còn có khả năng biến đất nông nghiệp thành đất canh tác, cả 2 loại đất này bị ảnh hưởng bởi các yếu tố sau:

Đất thoái hóa (degradated soil). Cơ quan ISRIC (International Soil Reference and Information Centre) cho biết vào năm 1991, trong tổng số đất 13 tỉ ha của toàn thế giới, có 1,96 tỉ ha đất bị thoái hóa, trong số này 1,09 tỉ ha do nước làm xói lở (water erosion) và 548 triệu ha do gió (wind erosion). Cũng theo ISRIC, đất thoái hóa được chia làm 4 cấp. Cấp 1, nhẹ nhất, dù có làm giảm năng xuất nhưng cải tạo được, có diện tích 749 triệu ha (38% đất thoái hóa). Cấp 2, khá thoái hóa, làm giảm năng xuất nhiều nhưng vẫn canh tác được, chiếm 910 triệu ha (46% đất thoái hóa). Cải thiện loại đất thoái hóa này nằm ngoài tầm tay của nông dân ở nước nghèo nhưng có thể cải thiện được với chánh sách của chính phủ hay viện trợ của nước ngoài. Cấp 3, thoái hóa nặng nề, không canh tác được, chiếm 296 triệu ha (15% đất thoái hóa). Muốn cải hóa để canh tác phải đầu tư thật nhiều. Cấp 4, thoái hóa quá trầm trọng không thể cải tạo nỗi, chiếm 9 triệu ha (0,4% tổng số đất thoái hóa), trong số này Phi Châu chiếm 5 triệu ha.

Đất thoái hóa nói trên do ISRIC tính trên tổng số đất mặt toàn cầu 13 tỉ ha (chứ không phải trên đất nông nghiệp 5 tỉ ha). Cơ quan IFPRI (International Food Policy Research Institute) ước tính số lượng đất thoái hóa trên diện tích đất canh tác. Theo cơ quan này, trong số 1475 triệu ha đất canh tác của thế giới có 562 triệu đất bị thoái hóa. Trong số đất nông nghiệp còn lại (5 tỉ - 1,475 tỉ) có 685 triệu ha bị thoái hóa (21%); và trong số 4048 triệu ha đất rừng có 719 triệu ha bị thoái hóa (18%).

Mất đất nông nghiệp. Do đô thị hóa, công nghiệp phát triển, vì nước biển dâng cao và nước mặn xâm nhập càng ngày càng gia tăng, diện tích đất canh tác hay đất nông nghiệp sẽ bị giảm nhiều trong tương lai.

 

NGUỒN NƯỚC NGỌT SUY GIẢM

 

Nước ngọt cần thiết cho nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi), công nghiệp và sinh hoạt hàng ngày.

 

97% nước trên trái đất là nước mặn (nước biển). 3% còn lại là nước ngọt (fresh water), trong số này 2/3 là nước đá (băng hà ở hai cực và núi cao), 1/3 còn lại là nước ngầm dưới lòng đất và nước ngọt trên mặt đất (sông, hồ) và hơi nước trong không khí (mây).

 

Ước lượng 70% nước trên thế giới được xử dụng vào nông nghiệp. Nông dân các quốc gia đã phát triển xử dụng nước hữu hiệu hơn nông dân ở các quốc gia nghèo đang phát triển. Để sản xuất thực phẩm cho một người ăn trong một ngày cần 2000 đến 3000 lít nước trong lề lối sản xuất lương thực hiện nay. Để sản xuất 1 kg thịt bò, cần tới 16.000 lít nước. Đây là một lượng rất lớn, so với nhu cầu uống chỉ cần từ 2 đến 5 lít nước/ngày/người. Để sản xuất thực phẩm nuôi 7,3 tỉ dân hiện nay cần một lượng nước khổng lồ chứa trong một hồ sâu 10 m, rộng 100 m và dài 2100 km.

 

Ngày nay, ngoài lượng nước khổng lồ xử dụng trong công nghiệp càng ngày càng gia tăng, con người xử dụng nước sinh hoạt nhiều hơn, ăn thức ăn chứa nhiều thịt và rau cải hơn, mà đó là những nông phần cần nhiều nước để sản xuất. Trong tương lai, nước cần nhiều hơn để sản xuất lương thực. Để nuôi 9 tỉ người vào năm 2050, thế giới cần thêm một lượng nước ngọt khổng lồ, với cái hồ có chiều sâu và chiều rộng nói trên, chiều dài phải tăng thêm 5 triệu km.

 

Ngày nay, nước ngọt ở sông, hồ và nước ngầm đã khai thác quá sức rồi. Việc thành lập các hồ thủy điện ở thượng nguồn làm hạn chế nguồn nước cho nông nghiệp trong mùa khô hạn, nhưng xả nước trong mùa mưa gây lụt lội phá hại mùa màng ở hạ lưu như hiện đang xảy ra ở nhiều nơi. Việc phá rừng làm biến đổi chế độ điều chỉnh nước của rừng, gây xói lở đất nông nghiệp, gây lũ lụt trong mùa mưa nhưng hạn hán trong mùa khô.

 

Ngoài ra, vấn đề ô nhiễm nước sông, hồ và nước ngầm do công nghiệp gây nên là một vấn đề khó giải quyết ngày nay. Nước biển dâng cao và nước mặn xâm nhập vào vùng đất nông nghiệp đã, đang và sẽ xảy ra ngày càng trầm trọng.

 

Theo cơ quan International Water Management Institute cho biết hiện nay (2007) có 2,8 tỉ dân sống trong vùng hiếm nước ngọt, và 2,3 tỉ dân không có nước sạch để uống.

 

NHIÊN LIỆU CỖ SINH BỊ HẠN CHẾ XỬ DỤNG.

 

Xăng dầu, phân đạm và điện là yếu tố quan trọng trong nền sản xuất lương thực tân tiến: năng lượng để chạy nông cơ, bơm nước, chế biến nông sản, biến chế phân đạm, v.v. đều tùy thuộc vào nhiên liệu cổ sinh (fossil fuel). Nhiên liệu cổ sinh đã dần dần cạn kiệt, mặc dầu mới đây Hoa Kỳ khai thác nguồn nhiên liệu cổ sinh mới từ đá phiến với giá thành rẽ. Điện năng còn tùy thuộc vào đốt than đá. Điều quan tâm nhất của thế giới hiện nay là xử dụng nhiên liệu cổ sinh thải hồi khí nhà kiếng làm biến đổi khí hậu toàn cầu, như gia tăng nhiệt độ, mưa lũ và khô hạn tùy vùng, nước biển dâng cao và nước mặn xâm nhập, đều có ảnh hưởng xấu vào nông nghiệp. Hạn chế và từ từ ngăn cấm xử dụng nhiên liệu cổ sinh là mục tiêu đề ra của toàn thế giới. Việc tìm nguồn năng lượng tái tạo đang từ từ thay thế, như năng lượng nguyên tử, mặt trời, gió đang phát triển, nhưng giá còn cao, nước nghèo khó áp dụng.

 

Ngày nay nạn đói chưa được giải quyết tốt đẹp. Gần 1 tỉ người thiếu ăn, 1 tỉ người khác có ăn nhưng không đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho sự sống. Dân số lại gia tăng, cứ mỗi tháng thế giới thêm 6 triệu miệng ăn, trong lúc đất canh tác giảm dần vì đô thị hóa, công nghiệp hóa, vì nước biển xâm nhập, đất canh tác càng ngày càng mất màu mở, nước ngọt càng ngày càng hiếm, làm sao con người có thể sản xuất thêm 30% thực phẩm và gia tăng 40% nước ngọt để cung ứng nhu cầu tối thiểu của con người trong 35 năm tới (2050)?

 

Còn tiếp Phần II.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ken Whitehead (2014). Feeding The Future: Part One – Problems With Our Current Food Production System. http://planetsave.com/2014/05/30/feeding-future-part-1-problems-current-food-production-system/

Jonathan M. Gitlin (2011). How to feed 9 billion people: the future of food and farming. http://arstechnica.com/science/2011/03/how-to-feed-9-billion-people-the-future-of-food-and-farming/

Water resources. https://en.wikipedia.org/wiki/Water_resources

 

Reading 8/2015