DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Khánh hòa ngày mai

KHÁNH HOÀ NGÀY MAI

Trần-Đăng Hồng

 

Bạn đọc đã theo dỏi “Khánh Hoà Ngày Xưa” (Xuân Bính Tuất 2006, Hội Ái Hửu NT/KH Nam California), “Nha Trang Ngày Xưa” (Hội Ngộ 31 Năm Viển Xứ 2006), và “Môi sinh và thảo mộc Khánh Hoà” (Hội ngộ Houston, 2005), nay tôi xin trình bày về tiềm năng phát triển kinh tế của Khánh Hoà.

 

Khánh Hoà ngày nay

Những số liệu sau đây là những công bố trên báo chí ở Khánh Hoà và trong nước. Số liệu có chính xác hay không, tác giả không có ý kiến, để tuỳ người đọc lượng định.

Theo báo cáo của Tỉnh Khánh Hoà, trong 5 năm qua (2000-2005), nền kinh tế của Khánh Hòa phát triển liên tục với tốc độ khá cao, GDP đầu người từ 401 USD năm 2002, tăng lên 460 USD năm 2003, và 768 USD (?) năm 2005, trung bình tăng 10,8%/năm. Năm 2005, GDP tăng gấp 1,7 lần so với năm 2000 (Cước chú: nếu làm bài tính sẽ thấy có mâu thuẩn giữa các con số trên). Trong cơ cấu GDP của toàn tỉnh năm 2005, công nghiệp (tức kỹ nghệ) và xây dựng chiếm 41.4%, dịch vụ du lịch chiếm 41.0%, nông nghiệp chiếm 17.6 %, thu ngân sách đạt 3,400 tỉ đồng (khoảng 212.5 triệu USD).

Theo các báo cáo này, ngành kinh tế trọng điểm của Khánh Hoà là công nghiệp, dịch vụ du lịch và nông lâm thủy sản.

Về công nghiệp, Khánh Hoà có 2 khu công nghiệp lớn, Cam Ranh và Vân Phong (Vạn Ninh), và vài khu công nghiệp nhỏ như Suối Dầu, Bình Tân, Hòn Nghệ, Đắc Lộc và Diên Phú. Năm 2005, tổng GDP của công nghiệp Khánh Hoà khoảng 7,398 tỉ đồng (khoảng 462.4 triệu USD), tổng cộng có 90 doanh nghiệp, gồm doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (khoảng 50), và doanh nghiệp quốc doanh. Các doanh nghiệp quốc doanh thường lổ lả và đóng góp rất ít vào xuất khẩu. Trong công nghiệp nặng, Khánh Hoà có một nhà máy xi măng và một nhà máy đóng tàu và sữa chữa tàu biển, thuộc Công ty liên doanh tàu biển Hyundai Vinashin, cả hai đều ở Hòn Khói. Công ty Hyundai Vinashin có khả năng đóng mới và sữa chữa các loại tàu biển 400,000 tấn, cũng như đóng mới và sửa chữa các dàn khoan khai thác dầu mỏ. Bắt đầu hoạt động từ 1999, công ty hiện nay có 5,000 công nhân và 700 kỷ sư chuyên viên Đại Hàn. Năm 2001 đóng sửa chữa tàu cho 23 nước trên thế giới đạt 45 triệu USD, năm 2004 đạt 53 triệu USD. Ngoài ra, còn có nhiều cơ sở tư nhân đóng tàu gỗ để đánh bắt hải sản. Tại đảo Mỹ Giang thuộc Vịnh Vân Phong, một kho chứa dầu vừa được xây dựng xong trên diện tích 80 ha có khả năng chứa 500,000 m3 dầu.

Về may dệt, hiện nay (2005) Khánh Hoà có 10 công ty sản xuất với năng suất kéo sợi đạt 12,000 tấn/năm; năng suất dệt 10 triệu m vải/năm; dệt kim đạt trên 3,000 tấn/năm; trên 30 dây chuyền may, công suất 10 triệu sản phẩm/năm; dây khoá kéo (zip) có công suất 20 triệu m/năm. Năm 2004, xuất khẩu mang lại 8.8 triệu USD cho Khánh Hoà.

Các sản phẩm công nghiệp gồm thuốc lá 500 triệu bao/năm, bia 50 triệu lít/năm, hàng thủ công và mỹ nghệ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu tương đương 18 triệu USD/năm. Về chế biến thuỷ sản, Khánh Hoà có khoảng 40 nhà máy đông lạnh tôm cua ghẹ và chế biến, sấy khô cá, mực, v.v. để xuất khẩu. Diện tích nuôi thuỷ sản (aquaculture) toàn tỉnh Khánh Hoà khoảng 5,600 ha, trong số đó riêng Vạn Ninh chiếm 2,200 ha, vùng từ Nha Trang đến Cam Ranh khoảng 1,800 ha, chưa kể các lồng nuôi tôm hùm ngoài khơi. Năng xuất trung bình là 1,000 kg tôm tươi/ha trong 5 tháng nuôi. Năng xuất tối đa của vài ngư dân là 3,500 kg tôm tươi/ha/năm (2 vụ nuôi). Để cung ứng việc nuôi thuỷ sản, còn có nhiều nhà máy sản xuất thức ăn cho cá tôm. Tổng sản lượng khai thác hàng năm khoảng 60 ngàn tấn thuỷ sản nuôi và bắt ngoài khơi, gồm tôm hùm, tôm sú, mực, cá thu, cua, ghẹ, đa số dành xuất khẩu. Năm 2004, Khánh Hoà xuất khẩu 40,000 tấn thuỷ sản đạt 203 triệu USD. Vì phát triển ngành nuôi tôm quá nhanh chóng trong 15 năm qua, nhiều rừng ngập mặn khá tốt trước đây, như phía tây bán đảo Cam Ranh, các huyện Ninh Hoà, Vạn Ninh, nay hầu như đã bị xoá sổ do làm đầm ươm và nuôi tôm. Chẳng hạn, đầm Nha Phu trước đây có trên 500 ha rừng ngập mặn, bây giờ đã bị phá huỷ.

Yến sào sản xuất hàng năm được 2,100 kg. Giá yến sào trên thị trường khoảng 2,000 USD/kg. Muối sản xuất 30 ngàn tấn/năm ở Hòn Khói và một ít ở nơi khác.

Năm 2005, Khánh Hoà xuất khẩu một số mặt hàng chủ yếu tới thị trường của 44 nước gồm thủy sản đông lạnh, cá khô, mực khô, cát trắng (350,200 tấn cát nguyên liệu năm 2004), muối, yến sào, sản phẩm mây tre, đá granite, cà phê và khoai mì (sắn) xắc lát. Tóm lại, hàng xuất khẩu thuộc loại hàng thô, chưa biến chế, rất cồng kềnh và nặng, mà giá không bao nhiêu.

Về du lịch, hiện nay (2005) Nha Trang có khoảng 270 khách sạn lớn nhỏ, từ bình dân cho tới 5 sao, với khoảng 6,200 phòng, 26 dịch vụ du lịch, 61 công ty chuyển vận khách du lịch. Hàng năm có khoảng 500,000 - 600,000 du khách, trong số đó có khoảng 100,000 người nước ngoài (kể cả Việt kiều), đến thăm 69 địa điểm du lịch của toàn tỉnh. Với lợi thế của hệ thống các đảo, núi, vịnh và bãi biển tạo thành quần thể du lịch đa dạng sinh thái như làng du lịch Bãi Trú, Đầm Già trên đảo Hòn Tre, khu nghỉ mát cao cấp và sân gôn Rusalca ở bãi Tiên, khu du lịch Sông Lô, khu du lịch Bãi Dài Cam Ranh, Vân Phong, v.v. Những điểm du lịch có phong cảnh thiên nhiên đẹp nổi tiếng như Hòn Tằm, Đảo Khỉ - Suối Hoa Lan, Hồ cá và Thủy cung Trí Nguyên…hay các khu vui chơi, nghỉ dưỡng như Suối Khoáng nóng Tháp Bà v.v. Ngành du lịch là mủi nhọn kinh tế của Khánh Hoà, mang công ăn việc làm và phồn vinh cho Khánh Hoà hơn các tỉnh khác. Lợi tức do du lịch mang đến Nha Trang năm 2000 khoảng 200 tỷ đồng (khoảng 15.4 triệu USD), tính đổ đồng mổi du khách chi tiêu 30 USD cho chuyến du lịch. Tuy nhiên, ngành du lịch đồng thời tạo Khánh Hoà nhiều tệ nạn xã hội, đỉ điếm, băng đảng, cướp giật, hành khất và ô nhiểm môi trường hơn các tỉnh khác.

Về lâm nghiệp, diện tích rừng hiện có 156 nghìn ha, trữ lượng gỗ 18,5 triệu m3, sản xuất 20,000 m3 gỗ/ năm. Rừng thuộc loại trung bình hay nghèo, vì khai thác bừa bãi nên tài nguyên rừng cạn kiệt. Nhiều giống cây gổ quí, có kinh tế cao, trở nên khan hiếm (như các loại cây Dầu, Xe, Cẩm lai), hay sắp tuyệt chủng (như Mun, Trầm hương, v.v.), và nhiều tài nguyên thực vật khác có thể đã tuyệt chủng. Chẳng hạn, giống “quít nấu xôi” (Citrus macroptera Montr. var. annamensis Tan) của các vùng đồi núi Cổ Inh, Hòn San, Hòn Sầm ở Ninh Hoà, hoa-lan-vệ-hài (Paphiopedilum delanatii) trên Trường Sơn, Chai-lá-phăng (Shorea falcata) vùng Cam Lâm, và dỉ nhiên còn nhiều loại cây khác, được tường trình đã tuyệt chủng. Nhiều loại thú rừng cũng biến mất trên Trường Sơn Khánh Hoà.

Về nông nghiệp, Khánh Hoà có 3 đồng bằng phì nhiêu; đồng bằng Vạn Ninh và Ninh Hoà (diện tích khoảng 200km2), đồng bằng Diên Khánh (300 km2) và đồng bằng Cam Ranh (200 km2). Đất phù sa giàu dinh dưỡng rất ít (chiếm 7,5% diện tích) hiện trồng lúa, hoa màu và cây ăn trái; đa số là đất đỏ vàng kém màu mở (chiếm 84,4%) hiện đang được sử dụng để trồng cây hoa màu và cây công nghiệp. Đất thích hợp cho phát triển nông nghiệp của Khánh Hoà rất hạn chế, chỉ có 74,900 ha. Phần còn lại là đất mặn và phèn mặn làm ruộng muối, nuôi thuỷ sản hay còn bỏ hoang. Dân số đông đúc, đất hạn hẹp, đổ đồng mỗi đầu người có 670m2 đất nông nghiệp. Khánh Hoà sản xuất khoảng 200,000 tấn lương thực/năm, và khoảng 60,000 tấn/năm trái cây như chuối, dừa, xoài, dứa, thanh long, v.v. Mía cũng được trồng quy mô ở Ninh Hoà, trên 8,000 ha, để sản xuất đường, nhưng với các nhà máy cổ lổ sỉ mua lại của Trung quốc hay Đài Loan sắp phế thải nên không có hiệu quả kinh tế, giá thành cao hơn giá đường nhập cảng, đưa đến lổ lả. Đa số nông dân canh tác lúa. Vì có nước tưới quanh năm, nhờ hệ thống đập xây dựng từ thời Chiêm Thành, lúa có thể canh tác 3 vụ một năm, năng xuất trung bình 4 tấn lúa/vụ, chỉ đủ ăn chứ không làm giàu, vì giá lúa thấp mà phân bón, thuốc trừ sâu, xăng nhớt, v.v. cao. Ngành canh tác mới mang lại nhiều ngoại tệ là trà, cà phê, hạt điều, tiêu. Năm 2004, Khánh hoà xuất cảng 831 tấn hạt điều, 25.4 tấn cà phê hạt, và khoảng hơn 1,000 tấn gạo.

Nói đến nông nghiệp Khánh Hoà cũng nên biết về Nông Trại Suối Dầu do Bác Sỉ Yersin thành lập vào đầu thế kỷ 20. Khi đã phát triển toàn bộ vào năm 1914, Nông Trại có diện tích 1,200 ha, trong đó 307 ha cao su, phần còn lại là đồng cỏ chăn nuôi súc vật như ngựa, trâu, bò, dê, cừu lên đến 2,000 con, và một ít là lúa, bắp và thuốc lá. Ngày nay (2003), diện tích trồng cao su chỉ còn 10 ha và tổng số đất của nông trại chỉ còn 125 ha (không biết số phận 1,075 ha đất nông trại kia của thời 1914 nay thuộc ai).

Nói chung, dân Khánh Hoà hiện nay đã có một đời sống tương đối khá giả hơn các tỉnh khác của Việt Nam. Nếu tính GDP trung bình, dân Khánh Hoà có khoảng 768 USD/đầu người (2005), trong lúc trung bình trong cả nước là 620 USD (2005), nhưng thấp hơn dân Sài Gòn (khoảng 2,400 USD năm 2006). Nhưng so với dân Thái Lan có bình quân 2,750 USD/năm, hay Mả Lai với 4,960 USD/năm (2005), thì dân Khánh Hoà (cũng như Việt Nam) chúng ta còn quá nghèo. Ngoài ra, sự cách biệt giàu nghèo ở Khánh Hoà rất lớn, đặc biệt đồng bào thiểu số ở vùng núi Khánh Vỉnh, Khánh Sơn khó khăn lắm vẫn không kiếm nổi 1 USD/ngày.

Giả sử rằng GDP/đầu người tăng 10%/năm liên tục trong suốt tương lai (như chính quyền Khánh Hoà tuyên bố hiện nay là 10.8%) thì phải tới năm 2018, người dân Khánh Hoà mới có đời sống tương đương với dân Thái Lan của năm 2005 (GDP 2,750 USD), nhưng vào năm 2018, người dân Thái Lan đã có GDP là 5,200 USD, và mải tới năm 2034, người dân Khánh Hoà mới bắt kịp mức sống của dân Thái (GDP 19,671 USD), và bắt kịp Mã Lai năm 2046, với giả sử rằng vận tốc tăng trưởng của Khánh Hoà là 10% trong lúc Thái Lan và Mã Lai vẫn 5%. Điều giả thiết này rất khó đạt được, vì độ tăng trưỡng sẽ không thể giữ mải 10% khi kinh tế đã phát triển. Điều này nói lên rằng Việt Nam rất khó bắt kịp Thái Lan và Mã Lai, vốn là 2 nước có nền kinh tế tương đương với VN trước 1975.

Nói chung, dân Khánh Hoà, cũng như Việt Nam còn rất nghèo, và tương lai không sáng sủa lắm, mặc dầu đang sống trên mảnh đất giàu tài nguyên với “tiền rừng bạc bể”.

Tiềm năng kinh tế Khánh Hoà

Với diện tích toàn tỉnh là 5,197km2, 3/4 lảnh thổ là rừng núi, phần còn lại là đồng bằng, vùng biển và hải đảo. Với dân số 1,054,658 người (năm 2000) mà 46.6% dân số trong tuổi lao động, thông minh, kỷ luật và cần mẩn. Khánh Hoà có đủ các yếu tố thiên nhiên và phong phú tài nguyên để phát triển kinh tế mà ít có nơi nào trên thế giới hội đủ.

 

Tiềm năng năng lượng

Dầu hoả và khí đốt. Hiện nay, VN đứng hàng thứ 3 về sản xuất dầu hoả ở Á Châu, và mang nhiều ngoại tệ nhất cho đất nước, khoảng 6 tỷ USD/năm (Cước chú: Việt Kiều khoảng 3 đến 4 tỷ USD, đứng hàng thứ 2, nhưng chính quyền không đề cập tới). Năm 2001 Việt nam sản xuất 17.6 triệu tấn dầu thô, và 1.3 tỷ m3 khí đốt, đem lại 3.14 tỷ USD, nhưng VN phải nhập cảng 10 triệu tấn dầu (đã lọc) và tốn 2 tỷ USD năm 2002. Năm 2005, VN sản xuất 370,000 barrels/ngày, ứơc tính thu nhập khoảng 6 tỷ USD/năm từ dầu khí, đúng đầu hạng ngạch xuất khẩu. Tài nguyên dầu khí của VN được ước tính năm 1989 là 1 tỷ tấn ở giếng Bạch Hổ và Đại Hùng, khoảng 30 tỷ m3 khí đốt riêng tại Bạch Hổ, và khoảng 66 tỷ m3 tại Rồng và Đại Hùng. Mới đây, các thăm dò cho thấy VN có một trử lượng khổng lồ về dầu khí, tập trung ở bảy bồn trầm tích: bồn sông Hồng, Hoàng Sa, Trường Sa, Cửu Long, Nam Côn Sơn, Thổ Chu và Khánh Hoà. Bồn Khánh Hoà – còn gọi bồn Phú Khánh – nằm ngoài khơi của Phú Yên và Khánh Hoà, có diện tích 56,000 km2, ở độ sâu 50-2,500m, với một trử lượng ước tính 8.5 triệu barrels dầu thô cho mỗi km2. Cũng cần nói thêm là Đảo Trường Sa cũng thuộc tỉnh Khánh Hoà, cách Cam Ranh 248 hải lý, cách Vũng Tàu 305 hải lý. Quần đảo Trường Sa là một dãy hơn 100 đảo lớn nhỏ, bãi ngầm, bãi đá san hô, bao bọc một vùng biển rộng ước chừng 160,000 đến 180,000 km2. Đây là vùng giàu tài nguyên thuỷ sản và dầu hoả, và hiện là nơi tranh chấp chủ quyền của nhiều nước. Nên thiết lập một nhà máy lọc dầu ở Vân Phong, vì kế cận bồn Phú Khánh, và gần Trường Sa hơn các nơi khác, sẽ mang công ăn việc làm cho Vạn Ninh và Phú Yên, đem trù phú cho Khánh Hoà.

Thuỷ điện. Sông Cái Nha Trang phát nguồn chính từ độ cao 1,818m của Hòn Gia Lê trên Trường Sơn, cùng với 7 phụ lưu khác bắt nguồn từ độ cao 900m đến 2,000m. Từ nguồn tới đồng bằng chỉ khoảng 20km, nên độ dốc rất lớn, tạo nhiều thác, trong số đó có 17 thác quan trọng, có thể lập nhà máy thuỷ điện với công suất cao, nhất là ở các Thác Hòm, Thác Ngựa và Giang Bay. Vì có nhiểu đồi núi và thung lủng, nên có thể làm nhiều hồ chứa nước, vừa giảm thiểu lụt lội ở đồng bằng, vừa cho thuỷ điện và cung cấp nước cho nông nghiệp. Cũng vậy, Sông Dinh ở Ninh Hoà phát từ 3 nguồn chính là Hòn Vọng Phu, núi Đại Đa Đa và Hòn Đá Bàn, có lắm thác ghềnh. Cần nghiên cứu để tạo hồ chứa và thuỷ điện.

Năng lượng gió. Dân Nha Trang có thói quen chiều chiều ra bờ biển “hóng gió”. Ban ngày, gió từ đại dương thổi vào, ban đêm từ Trường Sơn thổi ra biển, tổng số giờ có gió mỗi ngày khoảng 18 tiếng đồng hồ, với vận tốc từ 5 đến 25 km/giờ trong ngày bình thường. Với sức gió liên tục này, có thể tạo ra điện quy mô lớn cho cả thành phố, hay nho nhỏ cho mỗi gia đình vùng dọc biển. Xử dụng xa quạt gió (wind farm) có thể bơm nước ra /vào ruộng muối, ao hồ nuôi thuỷ sản, và dẩn nước vào ruộng lúa. Ngày nay, với kỷ thuật xa quạt gió mới, hiệu năng hơn, các nước Âu Châu đã đưa vào hoạt động để tạo điện cho các thành phố, thay thế dần nhà máy điện đốt than gây ô nhiểm và tạo “khí nhà kiếng” hâm nóng toàn cầu. Đặc biệt, vùng Tu Bông (Vạn Ninh), còn gọi là “Tụ Phong Xứ” hay “Eo Gió” là nơi gió thổi ào ào suốt ngày, suốt năm (Ca dao “Mây Hòn Hèo, Heo Đất Đỏ, Mưa Đồng Cọ, Gió Tu Hoa, Cọp Ổ Gà, Ma Đồng Lớn” hay “Gió đâu bằng gió Tu Bông, …”). Năng lượng gió này có thể cung cấp điện rẻ cho cả Vạn Ninh mà không gây ô nhiểm môi trường. Anh Quốc đang thiết lập một dảy 341-turbine-kiểu-xa-quạt-gió-London, cùng với 100-turbine nhỏ hơn kiểu xa-quạt-gió-Thanet dọc bờ biển Kent để cung cấp 1.3 gigawatts điện đủ cho 1 triệu nhà.

Năng lượng mặt trời. Nha Trang là xứ của nắng. Tổng số giờ nắng ở Nha Trang là 2,600 giờ/năm, mỗi năm chỉ có 2 tháng mưa, nên việc xử dụng năng lượng mặt trời để tạo điện, chạy xe (thay xăng) có khả năng rất lớn. Hiện tại ở VN, đã có nhập khẩu bán thiết bị xử dụng năng lượng mặt trời, chỉ với diện tích mặt kính 2 m2 thu năng lượng có thể đun nước nóng trong nhà cho 7 người xử dụng. Cần phải nghiên cứu thêm khả năng xử dụng năng lượng mặt trời trong đời sống thường nhật của dân Khánh Hoà.

Xăng sinh học (biofuel). Nhớ thời gian sau 1975, toàn dân Khánh Hoà cũng như cả nước đều quen thuộc với khoai mì (sắn). Đọc “Trại Đá Bàn & A30” của nhà văn Nguyễn Thanh Ty của Nha Trang thì có thể hình dung được sự thích ứng của khoai mì trên vùng đồi núi bao la của Khánh Hoà. Ngày nay, Khánh Hoà xuất cảng khoai mì xắc lác đem lại một nguồn ngoại tệ đáng kể. Tuy nhiên, phải nói thêm là xuất cảng một tấn mì xắc lác đem ngoại tệ vào chưa đủ mua một điện thoại di động nặng trăm g. Ngày nay, thế giới đã có thiết kế nhà máy đủ cở, lớn hay nhỏ, để biến khoai mì, bắp, mía (nông dân Ninh Hoà không bán được) thành rượu cồn để pha chế thành dầu xăng sinh học (biofuel), ít gây ô nhiểm môi trường, như Brazil, Trung quốc và Ấn độ đã áp dụng quy mô lớn. Argentina đã thiết kế được “máy biến chế dư thừa thực vật thành biodiesel” cho các nông trại nhỏ, giá khoảng 3,800 USD, có thể sản xuất 80,000 lít biodiesel/năm, với giá thành 0.36 USD/l, trong khi giá xăng ở trạm bơm là 0.48 USD/l.

Năng lượng thuỷ triều. Mặc dầu với chiều dài bờ biển Khánh Hoà khá lớn, khoảng 385km, và có rất nhiều vũng, nhưng vì biên độ không cao lắm giữa thuỷ triều cao và thấp (khoảng 1.2 m ở Khánh Hoà), nên tiềm năng năng lượng này không lớn lắm. Hơn nữa, thế giới chưa nghiên cứu nhiều về tiềm năng này.

 

Tiềm năng khoáng sản

Sa khoáng: Cát giàu khoáng sản như titanium, ilmenite, zircon, monazite và xenotime vừa được tìm thấy trong các đụn cát chạy dài cả 1,500 km dọc duyên hải Miền Trung. Riêng ở Khánh Hoà, mỏ cát ở Cát Khánh có trử lượng 1.59 triệu tấn ilmenite và 32 ngàn tấn zircon. Nổi tiếng nhất từ hàng trăm năm nay là mỏ cát thuỷ tinh tinh chất (98.5% SiO2) ở Thuỷ Triều, cách Nha Trang 18 km, chiếm một diện tích 30 km2, với trử lượng 22 triệu tấn. Cát bán đảo Hòn Gốm (Vạn Ninh) có trữ lượng khoảng 1 tỷ tấn, ilmenite trữ lượng 26 vạn tấn, đá granít trữ lượng 2 tỷ tấn. Cát thuỷ tinh Cam Ranh là cát có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu sản xuất thuỷ tinh quang học, pha lê và thuỷ tinh kỹ thuật cao cấp. Ngoài ra, cát xây dựng ở Cam Ranh và Đầm Môn với trử lượng hàng tỷ tấn. Đá granit với trữ lượng khoảng 10 tỷ m3 trên khắp đồi núi ở Khánh Hoà, hiện đang khai thác xuất cảng. Sa khoáng quý được chở bán sang Nhật, Đài Loan, Singapore, v.v. Việc thiết lập nhà máy làm thuỷ tinh cao cấp tại Khánh Hoà là một điều cần thiết, hơn là đem xuất khẩu cát thô như hiện nay (khoảng 350,200 tấn/năm).

Nước khoáng. Hiện tại có 10 mỏ nước khoáng với chất lượng cao, và nhiều giếng nước nóng chứa lưu huỳnh đang khai thác. Vừa rồi, cục Địa chất phát hiện thêm tại Khánh Hòa 14 địa điểm mới có nước khoáng, nước nóng thiên nhiên, và 6 điểm khác có bùn khoáng. Nước khoáng ở các điểm chưa khai thác có độ nóng từ 30°-71°C. Ở một số nơi nước khoáng tự phun hoặc chảy tự nhiên theo các khe đá, trong đó hai điểm nước khoáng tại Diên Khánh và Vạn Ninh có thể khai thác để làm nước đóng chai và chữa bệnh. Còn về bùn khoáng hiện có một mỏ tại khu vực xã Cam Thịnh Đông (Cam Ranh) mới được phát hiện, chưa xác định trữ lượng.

Ngoài ra, Khánh Hoà còn có mỏ thiết (ở Khánh Vĩnh), nhiều mỏ kaolin, đất sét ở Diên Khánh và Ninh Hoà, chưa kể đất sét làm gạch ngói. Các rạn san hô cổ ở Khánh Hòa đã được khai thác để nung vôi từ nhiều trăm năm nay. Vì vấn đề bảo tồn san hô, cần ngăn cấm ngay việc khai thác san hô để nung vôi.

Tiềm năng du lịch

Chính quyền hiện tại dùng du lịch biển và hải đảo làm kinh tế mủi nhọn, tạo công ăn việc làm và phồn vinh cho Khánh Hoà. Hàng năm số du khách thăm Nha Trang tăng dần, khoảng trên nửa triệu du khách (năm 2003), mà 80% là du khách nội địa, đa số là công nhân cán bộ được cơ quan đài thọ miển phí, 20% còn lại là từ nước ngoài mà đa số là Việt kiều và “Tây Ba Lô”, nên thu nhập không được nhiều như các trung tâm du lịch ở Thái Lan. Chẳng hạn, tính đổ đồng mổi du khách (nội địa và ngoại kiều) chi tiêu 30 USD cho chuyến du lịch tại Nha Trang vào năm 2000. Một nghiên cứ về du lịch ở Nha Trang cho biết là du khách ngoại quốc chỉ đến một lần cho biết, chứ không trở lại.

Ngoài phát triển du lịch hải đảo và vùng biển, nên kết hợp du lịch vùng biển, hải đảo với du lịch vùng núi ở hai huyện Khánh Vĩnh và Khánh Sơn, nơi sinh sống của 32 sắc-tộc-đa-văn-hoá phong phú của Khánh Hoà. Nên dùng quỹ Xoá Đói Giảm Nghèo (thế giới viện trợ) để phát triển ngành du lịch ở hai huyện này qua phát triển sản xuất y phục sắc tộc, hàng thủ công nghệ (mây tre, khắc tượng gổ), thành lập đoàn nghệ thuật sắc tộc, khôi phục ngành nuôi và huấn luyện voi của dân sắc tộc để phục vụ ngành du lịch miền núi. Có vậy mới nâng cao mức sống, đồng thời bảo tồn được văn hoá của từng sắc tộc trên Trường Sơn thuộc Khánh Hoà.

 

Tiềm năng thuỷ sản

Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu tôm lớn trên thế giới, đạt mốc kim ngạch 2 tỷ USD, đứng thứ ba trong số mặt hàng xuất khẩu của cả nước (sau dầu hoả và hàng may dệt). Biển Khánh hoà rất phong phú đa dạng sinh học, có 65 chủng loại (genus) trong số 70 chủng loại của Thái Bình Dương.

Bờ biển Khánh Hòa dài khoảng 385km, là đoạn bờ biển cao và khúc khuỷu nhất Việt Nam, có nhiều đầm, vịnh, vũng, bải triều (rạn) ven bờ. Biển lại rất sâu, cách bờ 5 - 6 hải lý có độ sâu chừng 350m, cách 13 hải lý có độ sâu đến 2.000 - 3.000m, thềm lục địa chiếm khoảng 10,000 km2. Vùng biển Khánh Hoà có dòng hải lưu Bắc – Nam Thái Bình Dương chảy qua, là vùng biển giàu tiềm năng đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản. Tổng trữ lượng hải sản thuộc vùng biển Khánh Hoà khoảng 150 nghìn tấn, trong đó chủ yếu là cá nổi (70%), cho phép khai thác hàng năm khoảng 70 nghìn tấn. Những loại hải sản có trữ lượng lớn là: tôm hùm, tôm sú, mực, cá thu, cá ngừ, cua, ghẹ... Hiện tại ngư dân Khánh Hoà đánh cá ven bờ, trong lúc nguồn lợi biển tập trung phần lớn ở ngư trường ngoài khơi, nhất là ngư trường quanh đảo Trường Sa, là nơi các hải đội ngư thuyền của Trung quốc, Đài Loan, Đại Hàn và Phi luật Tân khai thác. Khánh Hoà cần phải có một hải đội đánh cá hùng mạnh, vừa khai thác vừa làm tai mắt bảo vệ lảnh thổ. Hiện nay, thuỷ sản bị khai thác quá mức đã làm cạn kiệt nguồn thuỷ sản ở đại dương. Các cảnh báo mới đây cho biết với tình trạng khai thác hiện nay sẽ không còn cá nữa trong vòng 50 năm tới. Vì vậy, cần phải có luật lệ và áp dụng luật triệt để bảo vệ cá chửa, tôm cua chửa vào mùa đẻ, ngăn chặn việc bắt cá con chưa tới trọng lượng thương mại, cấm xử dụng chất nổ, v.v. Đồng thời cần phải nghiên cứu sinh học từng loại cá, vùng và mùa sinh sản, để phân vùng bảo vệ duy trì cân bằng sinh học. Đặc biệt là kỷ thuật nuôi tôm hùm hiện giờ còn tuỳ thuộc vào việc đánh lưới bắt ấu trùng tôm hùm. Ngư dân Khánh Hoà lưới bắt tôm hùm con để bán cho người chăn nuôi tôm hùm, không những cho địa phương, mà còn cho các tỉnh lân cận, nên tài nguyên đã kiệt quệ. Hiện tại chưa có kỷ thuật tạo giống nhân tạo tù trứng, vì chu kỳ sinh trưởng tôm hùm rất phức tạp (11 lần thay đổi hình vóc qua 17 lần lột xác trong 12-24 tháng, ấu trùng ăn thịt lẩn nhau khi chật chội trong bồn nuôi). Ngoài biển khơi, chỉ 3% ấu trùng nở từ trứng sống sót và trưởng thành, phần kia làm mồi ăn cho cá. Ở Úc và Tân Tây Lan có luật là phải thả lại biển khơi tôm hùm cái để bảo vệ nguồn tôm hùm con trong đại dương.

Với bờ biển dài, với nhiều vũng đầm rất lý tưởng cho việc nuôi cá, tôm sú, tôm hùm, sò (Arca granosa), hải sâm (Holothuria scabra), tu hài (Snout Otter Clam), rong biển (rong câu), v.v. Tiềm năng diện tích làm hồ nuôi thuỷ sản ở Khánh Hoà khoảng 7,500 ha hay hơn nữa. Trong vòng 15 năm qua, tôm sú được nuôi trong ao đầm dọc biển. Ngày nay, ngư dân có khuynh hướng nuôi tôm hùm xuất khẩu vì mang lại nhiều lợi nhuận hơn. Hàng năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,000 tấn tôm hùm. Riêng tại Vạn Ninh, có khoảng 7,000 lồng nuôi tôm hùm, mổi lồng 16m2, nuôi 50-70 con, mỗi con nặng 1-1.4 kg, giá thị trường bán tại chổ 700,000 đồng/kg, vốn nuôi một con trung bình 500,000 đồng trong 16-18 tháng nuôi. Tuy có lời nhiều, nhưng có khi mất trắng. Tháng 8-2001 gần 6,000 lồng nuôi tôm hùm ngoài khơi làng Xuân Tú bị chết vì bệnh do nước ô nhiểm.

Rong câu (Gracilaria asiatica) có rất nhiều ngoài khơi Khánh Hoà, chỉ thâu lượm chứ chưa trồng canh tác. Năng xuất kém, chỉ khoảng 1 tấn/ha/năm, trong khi rau câu canh tác ở Đài Loan tới 8-10 t/ha/năm rau câu khô. Sò huyết từng nổi tiếng của Ba Ngòi, cũng còn thu lượm, chứ chưa đưa vào ngành nuôi như ở các nước Âu Mỷ. Ốc hương (Areola babylon), bào ngư (Donkey’s Ear Abalon), hải sâm và tu-hài có nhu cầu xuất khẩu lớn, nên nguồn lợi thiên nhiên đang sụt giảm nhanh. Cần nghiên cứu để nuôi ở đầm, ao đìa bằng lồng treo hoặc ở những vùng ven biển và các đảo. Muốn phát triển ngành nuôi hải sản, cần gởi sinh viên và chuyên viên thuỷ sản đến học các Đại Học thuỷ sản nổi tiếng nghiên cứu về tôm hùm như Florida State University, University of Maine (USA), James Cook University (Australia), trung tâm NIWA (New Zealand).

Vấn đề ô nhiểm nước biển Khánh Hoà là một vấn đề lớn cần phải giải quyết. Ô nhiểm dầu do tàu bè, rác và nước thải thành phố và khu công nghiệp. Ngoài ra, hiện tượng thủy triều đỏ do ô nhiễm sinh học thường xuất hiện từ đầu tháng 6 đến trung tuần tháng 7 âm lịch hàng năm ở vùng biển Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận, tạo nên những khối nhầy màu xám, bao quanh một số loài vi tảo biển, làm tôm cá chết. Cần phải có biện pháp chống ô nhiểm biển để bảo tồn sinh sống và phát triển của phiêu sinh, là đầu nguồn trong dây-xích-thực-phẩm (food chain). Theo tháp-thức-ăn trong biển thì để có 1kg cá lớn cần 10kg cá tôm nhỏ, cần 100kg động-vật-phiêu-sinh (zooplankton) và phải có 1,000kg thực-vật-phiêu-sinh (phytoplankton) làm thức ăn.

 

Tiềm năng nông nghiệp

Ca dao “Tiếng đồn Bình Định tốt nhà, Phú Yên tốt lúa, Khánh Hoà tốt trâu” hay “Thơm Vạn Giả thơm đà quá ngọt, mía Phú Ân cái đọt cũng ngon, ..” nói lên đủ sự trù phú của Khánh Hoà ngày xưa. 62% dân số Khánh Hoà sống ở nông thôn, sống nhờ nông nghiệp, với diện tích trung bình 670 m2/đầu người, nên rất khó khăn trong cuộc sống, khó tìm được 1 USD/ngày trong cơ chế nông nghiệp hiện nay. 90% nông dân sống ngành trồng lúa, cực nhọc, chỉ có ăn, chứ không thể làm giàu như các lảnh vực nông nghiệp khác. Cần phải chuyển hướng đến những lảnh vực nông nghiệp khác, thích hợp và kinh tế hơn. Khánh Hoà nên mua gạo ở vùng đồng bằng Cửu Long, vừa ngon vừa rẻ hơn, và dùng đất đai để nuôi trồng loại có giá trị kinh tế hơn là trồng lúa. Khí hậu Khánh Hoà rất đa dạng, từ bán-sa-mạc khô hạn (20°C -37°C, vủ lượng 600 mm từ vùng Cam Lâm trở vào Ninh Thuận), nhiệt-đới-gió-mùa với mưa nhiều tập trung trong 2 tháng 10 và 11, tương đối mát mẻ (trung bình 27°C, 17°C -33°C, vủ lượng 1,900 mm ở các đồng bằng Diên Khánh, Ninh Hoà, Vạn Ninh), bán-nhiệt-đới trên vùng đất cao gần tiểu cao nguyên Khánh Dương (độ cao 493m, trước thuộc Khánh Hoà, nay thuộc Daclac), và bán-ôn-đới ở vùng núi cao như Hòn Giao (2,062m), Chư Bon Gier (1,967m), Chư Tông (1,717m), Hòn Bà (1,513m), Chư Bon Giang (1,418m) thuộc Khánh Vĩnh, Khánh Sơn. Ở Ninh Hoà có Vọng Phu (2,051m), Hòn Chảo (1,564m), Hòn Chát (1,519m), Hòn Đa Đa (1,709m), và Vạn Ninh có dãy Tam Phong gồm 3 ngọn núi cao Trấn Sơn hay Hòn Giữ (1,264m), Hoành Sơn hay Hòn Ngang (1,128m), và Hộ Sơn hay Hòn Giúp (1,127m). Ở các vùng núi cao này, nhiệt độ mát như Đà Lạt (12°C-22°C), có sương mù, và mưa suốt gần 8 tháng/năm trên đỉnh núi. Đặc biệt ở Đồng Cọ thuộc rừng Phú Mỷ, Vạn Ninh (Khánh Hoà có 2 Đồng Cọ, một ở Diên Khánh và một ở Phú Mỹ Vạn Ninh) thì mưa quanh năm. Khánh Hoà cũng ít bảo tố (chỉ số bảo 0.82) hơn các tỉnh từ Phú Yên trở ra (chỉ số bảo 3.74).

Tại các vùng đồng bằng Diên Khánh, Ninh Hoà và Van Ninh, hệ thống dẫn thuỷ khá tốt thiết lập từ thời Chiêm Thành, và cứ cách 5-7 km dọc duyên hải là có một sông hay suối lớn, chảy theo hướng Tây Đông, đầy đủ nước tưới quanh năm cho các đồng bằng, nhờ mưa quanh năm ở trên nguồn núi cao. Đặc biệt, sông Tô Hạp, bắt nguồn từ dãy núi phía Tây của huyện Khánh Sơn, chảy ngược dòng theo hướng Bắc Nam về phía Ninh Thuận nên có khả năng làm nhiều kinh dẩn nước để tưới vùng khô hạn Cam Lâm. Cùng với 2600 giờ nắng/năm, Khánh Hoà vốn là vùng trù phú từ ngàn xưa. Đây là vùng rất thích hợp cho việc trồng nho. Trước 1960, các linh mục ở nhà Dòng La San đã trồng nho để ăn trái và làm rượu rất thành công. Cũng trong thời gian này, Ty Nông Nghiệp Khánh Hoà và Ninh Thuận cũng đã trồng thí nghiệm với rất nhiều giống nho nhập nội cho năng xuất trái cao với độ đường cao. Kết quả nghiên cứu ở Nha Hố (Phan Rang) hiện nay cho biết 2 giống nho ăn tươi NH01-93 và NH01-96, và giống nho làm rượu NH02-90 cho 10 tấn/ha/vụ trên diện tích lớn, có thể thu được từ 15-35 triệu đồng/ha/vụ, lợi tức cao 3-10 lần hơn lúa. Ngày nay, cần du nhập thêm các giống nho làm rượu vang, chẳng hạn từ California, có thể rất thích ứng vùng Khánh Hoà. Chà-là (date) sẽ rất thích ứng vùng bán-sa-mạc Cam Lâm. Thế giới tiêu thụ trái chà-là ngày càng gia tăng. Cần du nhập các giống chà-là năng xuất cao và phẩm chất cao đã được Hoa Kỳ tuyển chọn. Cũng cần du nhập thí nghiệm một số cây từ vùng khô hạn Phi Châu cho vùng khô hạn Cam Lâm. Chẳng hạn, cây Marula (Sclerocarya birrea) cho hạt dẻ, làm rượu “Marula cream”, jam, nước giải khát, dầu ăn, dầu mỷ phẩm Marula Gold, xà phòng hảo hạn, shampoo, kem thoa da, kem mỷ phẩm, v.v. Hạt Marula được Âu Châu bắt đầu nhập cảng nhiều. Đại học Pretoria ở Nam Phi đã tuyển chọn từ hơn 20 năm nay được nhiều giống canh tác có năng xuất hột cao, mang lợi tức 70 USD/cây/năm. Giống này chịu nóng, đất khô cằn, sẽ thích ứng cho vùng Cam Lâm và trên các đồi trọc của toàn tỉnh. Vùng núi Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, kế cận Darlac là vùng thích hợp cho trà, cà phê vối (cà phê robusta), và ở vùng cao trên 800m thích hợp cho cà phê arabica. Tiêu vốn đã được trồng ở Diên Khánh từ hàng thế kỷ nay trong vườn gia đình. Ở vùng núi cao, hay nơi có mùa đông khá lạnh, nơi có 2 tháng mùa đông có nhiệt độ 10°C vào đêm, như vùng rừng núi cao của Đá Bàn có thể thích ứng trồng pistachio, với những giống cải thiện thích ứng vùng Nam California. Dân Việt nam hiện tại cũng bắt đầu ăn hạt pistachio nhập cảng từ Trung Đông. Ngành trồng hoa kiểng, phục vụ du khách, như hoa hồng, lan orchid, v.v. trái cây vùng bán ôn đới như dâu tây có thể canh tác quy mô trên vùng núi cao Khánh Vĩnh, Khánh Sơn. Khánh hoà có rất nhiều vùng thảo nguyên thích hợp cho nuôi bò thịt, nai, như vùng kế cận Khánh Dương, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn. Dê thịt và dê sửa có thể chăn nuôi ở vùng khô hạn hơn, trên các đồi trọc, trên khắp lảnh thổ Khánh Hoà. Nuôi dê lợi hơn nuôi bò. Một ha đồng cỏ xấu (như VN) chỉ nuôi được 2 con bò cái đẻ hai bê con trong một năm, nhưng có thể nuôi 25 tới 30 con dê, mổi con có thể mỗi 8 tháng đẻ một lứa 3-4 dê con. Hiện tại có rất nhiều giống dê cải thiện cho nhiều thịt hay sửa như giống California Pygmy goat, Florida pygmy goat của Mỷ, hoặc Anglo Nubian của Úc, Juma Pari của Ấn độ, hay Zairaibi của Ai Cập. Song song với chăn nuôi bò dê, cần phải du nhập giống cỏ và đậu đồng cỏ có năng xuất cỏ cao (từ ILRI của Ethiopia thích hợp cho vùng khô cằn, hay từ CIAT ở Colombia hay Brazil) cho việc chăn nuôi.

 

Tiềm năng lâm nghiệp

Về lâm nghiệp, hiện tại chỉ còn 155,800 ha rừng ở vùng núi cao, và 166,600 ha đồi núi trọc, không cây cối (trước kia là rừng) gần đồng bằng. Vì Khánh Hoà có đủ loại khí hậu, từ bán-sa-mạc, gió-mùa-ẩm-ướt-nhiệt-đới, đến bán-ôn-đới, nên rừng Khánh Hoà rất đa dạng, từ rừng trảng (savannah) của vùng Cam Lâm, nổi tiếng với hoa-mai –5-cánh, với gổ mun (Diospyros mun); rừng-thay-lá rừng Dầu (deciduous); rừng-cây-xanh (evergreen); và rừng-thông-bách trên núi cao. Ngoài những loại gổ quí thông thường như dầu, giáng hương, sao, trắc, lim, v.v. Khánh Hoà còn có những loại cây đặc sản quí (không có ở nơi khác), như mun (khắc tượng, mỹ nghệ), trầm hương (Aquilaria crassna), tô hạp (Calocedrus macrolepis, dùng làm nhan thơm, đóng hòm, nhựa làm gia vị), pơ-mu (Fokienia hodginsii, gổ thơm làm mỹ nghệ, đóng hòm), hoàng đàng (Chamaecyparis funebris), thông nang (Podocarpus imbricatus), v.v. Mây Khánh Hoà rất nổi tiếng tốt, nhất lá mây-Hòn-Hèo. Những loại cây quí kể trên đang trên đà huỷ diệt vì khai thác quá mức. Cần phải trồng qui mô lại những loại cây đặc sản này hơn là trồng các loại cây du nhập từ Úc như Eucalyptus hiện nay, ít có giá trị kinh tế và có nguy cơ làm hư hại đất đai (lá chết làm giống cây khác không mọc được hay tăng trưởng bình thường). Trồng một cây trầm hương sau 10 năm có thể mang lợi tức tới 10 triệu đồng/năm. Ngày nay, kỷ thuật gây bệnh nhân tạo để tạo nhiều trầm hương đã áp dụng rộng rải ở Mả Lai. Trồng mây trên qui mô lớn cũng đã áp dụng tại Mả Lai để sản xuất mây đúng theo kích thước mong muốn, thay vì vào rừng dứt mây. Với lề lối “nông-lâm-chăn-nuôi-kết-hợp” giữa cây kỹ nghệ (trà, cà phê, tiêu, cây điều, cacao), cây rừng (nói trên), cây hoa màu (lúa rẩy du nhập có năng xuất cao, bắp, khoai, v.v. khi cây kỷ nghệ hay cây rừng còn nhỏ) và chăn nuôi bò, dê (ăn cỏ giữa các hàng cây) ở vùng núi Khánh Vĩnh, Khánh Sơn có thể xoá đói giảm nghèo cho đồng bào sắc tộc.

 

Hải cảng, phi trường và đường giao thông

 

Muốn phát triển kinh tế, phải có cơ sở hạ tầng tốt. Khánh Hòa có 4 vịnh lớn: Vân Phong, Nha Phu, Nha Trang (Cù Huân) và Cam Ranh, với 6 cảng biển lớn là Cảng Ba Ngòi, Cam Ranh, Nha Trang, Hòn Khói, Đá Tây và Cảng Trường Sa. Đó là tiềm năng quí giá để phát triển, không những cho Khánh Hoà, mà còn cho vùng Cao Nguyên và có thể vùng Đông Dương.

Vịnh Cam Ranh với diện tích gần 200km2, có núi ngăn cách, được coi là 1 trong 3 hải cảng thiên nhiên tốt nhất thế giới, do có đủ 3 yếu tố cơ bản: chiều rộng (rộng 60 km, dài 20km), độ sâu (12 - 25m) và được che chắn tốt, lại nằm trong vùng ít bão. Diện tích mặt nước cho tàu đậu khoảng 100km2, có sức chứa hàng trăm chiếc tàu cùng lúc, tàu trọng tải 100,000 tấn ra vào vịnh dễ dàng. Cảng Cam Ranh rất gần với hải phận quốc tế, chỉ cách đường hàng hải quốc tế một giờ tàu biển, trong khi cảng Vũng Tàu cách 3 giờ, và cảng Hải Phòng cách 8 giờ. Cam Ranh nổi tiếng kể từ 1905, khi Hạm Đội Nga gồm 52 tàu các loại chạy trốn hạm đội Nhật trong vịnh Cam Ranh trong chiến tranh Nga Nhật. Năm 1911, Pháp xây dựng 1 quân cảng ở Cam Ranh. Giữa năm 1939, Pháp xây dựng Cam Ranh thành một căn cứ hải quân lớn và nhiều công trình quân sự được xây dựng trên bán đảo Cam Ranh và đảo Bình Ba. Trong thời gian từ 1942 đến 1945, quân Nhật chiếm và xây dựng thêm sân bay làm bàn đạp để tiến đánh các thuộc địa của Anh, Mỹ ở Thái Bình Dương. Tháng 6 năm1965, Lữ đoàn 106 công binh Mỹ đến Cam Ranh xây dựng căn cứ quân sự. Cam Ranh thật sự trở thành một căn cứ hải quân lớn nhất Đông Nam Á, liên hợp hải, lục, không quân và khu hậu cần lớn, với sân bay cấp 1 có thể sử dụng cho các loại máy bay hiện đại. Hiện nay, Cam Ranh có 2 phi trường, một quân sự và một dân sự có khả năng quốc tế, thay thế phi trường ở Nha Trang đã đóng cửa. Một đại lộ nối Cam Ranh với Nha Trang dọc bờ biển đã hoàn tất năm 2003.

Cảng Ba Ngòi được xây dựng từ 1924, hiện nay có khả năng chuyên chở 300,000 tấn hàng hoá/năm, và nếu phát triển đúng mức có khả năng tới 700,000 tấn hàng hoá trong tương lai. Nhờ cảng Cam Ranh và Ba Ngòi, Cam Lâm trở nên trù phú, nhất là thời gian 1963-1970, nhờ sự hiện diện của quân đội Mỷ và Đại Hàn.

Cảng Nha Trang (Cầu Đá) xây dựng năm 1927. Hàng năm, Cảng Nha Trang chuyên chở 640,000 tấn hàng hoá, và khoảng 18,000 lượt khách. Cảng Nha Trang nên dành riêng cho du thuyền, tàu hành khách du lịch (cruise), không nên cho tàu hàng hoá cập bến, để tránh ô nhiểm và giữ vẻ mỹ quan của bải biển nổi tiếng quốc tế này. Tàu hàng hoá nên xử dụng cảng Cam Ranh hay Vân Phong.

Cảng Hòn Khói có khả năng tàu 1,000 tấn cập bến. Hiện tại là nơi chuyên chở muối xuất cảng. Cảng Đầm Môn có khả năng cho tàu 30,000 tấn cập bến, là cảng sâu nhất ở VN, hiện tại dùng xuất cảng cát.

Việc phát triển cảng phải đi đôi với hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ. Năm 1931, quốc lộ 21 (nay đổi là quốc lộ 26) nối liền Ninh Hoà với Ban Mê Thuộc mang lại phồn vinh cho 2 tỉnh, đặc biệt cho quận lỵ Ninh Hoà. Năm 1956, Tổng Thống Ngô Đình Diệm cho làm quốc lộ nối Nha Trang với Đà Lạt xuyên qua Khánh Vĩnh, nhưng đành bỏ dở vì chiến tranh. Cần phải làm lại con đường này, không những chỉ nối với Đà Lạt, mà nên nối tới Đại Lộ Á Châu qua lảnh thổ Kampuchia, để nối liền các tỉnh Nam Trung Bộ với các nước Á châu bằng đường bộ. Vào năm 945, quân Khmer từ Angkor băng rừng xuyên Trường Sơn qua cao nguyên Langbian đến tấn công Kauthara (tức Khánh Hoà), chứng tỏ con đường này có khả năng thực hiện. Cần xây dựng thêm đại lộ nối liền Vân Phong với Cao Nguyên Darlac, và Cam Ranh với Cao nguyên Langbian, nối liền với Xa Lộ Tây Nguyên. Có vậy vùng cao nguyên và Nam Trung Bô mới phát triển mạnh được.

Tiềm năng phát triển của Khánh Hoà rất lớn, ít có nơi nào trên thế giới hội đủ như vậy. Đất nước có giàu hay nghèo là do con người sống trên mảnh đất đó quyết định. Nhật Bản, Singapore, Anh quốc, Đài Loan, v.v. không giàu tài nguyên, nhưng đã tạo đất nước họ giàu có và hùng mạnh. Dân số tỉnh Khánh Hòa năm 2000 có 1,054,658 người, 46.6% dân số trong tuổi lao động, nam giới chiếm 49.6%, nử giới 50.4% (trai thiếu gái thừa), 38% tập trung ở thành phố, 62% sống ở nông thôn. Mật độ dân số trung bình toàn tỉnh Khánh Hòa hiện nay là 203 người trên 1km2, mật độ cao nhất là TP Nha Trang (1,346 người/km2), thấp nhất là huyện rừng núi Khánh Vĩnh (23 người/km2). Như vậy, mật độ dân số trung bình của Khánh Hoà thấp hơn so với toàn quốc (252 người/km2), nhưng 5 lần cao hơn mật độ trung bình của cả thế giới. Khánh Hoà nói riêng, Việt Nam nói chung, đang bị nạn nhân mản trầm trọng nhất thế giới. Với cái đà gia tăng dân số trung bình 1.9% của Khánh Hoà trong khoảng thời gian 1990-2005, thì dân số Khánh Hoà vào năm 2010 sẽ là 1,273,000, năm 2020 sẽ có 1,536,000 dân. Ngoài ra, hiện nay mỗi năm Khánh Hoà có thêm khoảng 20,000 thanh niên, tăng lên 24,000 vào năm 2010, và khoảng 29,000 thanh niên vào năm 2020 bước vào tuổi lao động. Tìm công ăn việc làm đủ cho số thanh niên này không phải dể dàng với nền kinh tế hiện nay. Như vậy dân Khánh Hoà rất khó bắt kịp GDP của các nước chung quanh, nếu không có biện pháp kiểm soát nhân mản hửu hiệu và gia tăng phát triển kinh tế vửng mạnh hơn hiện nay.

Cũng theo kết quả điều tra dân số ngày 1/4/1999 về “vốn con người” (human capital), đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật toàn tỉnh Khánh Hoà có 6,082 người có trình độ cao đẳng (0.57% dân số), 14,444 người cấp đại học (1.4%), 232 thạc sĩ (0.02%) và 107 tiến sĩ (0.01%). Tác giả không rỏ trong số 339 người có bằng cấp sau-đại-học này có bao nhiêu người làm công tác khoa học, và họ có khả năng làm công tác khoa học thật sự hay không, hay đa số là bằng cấp giả (như báo trong nước loan tin) và làm chuyện hành chánh. Giả sử rằng bằng cấp của các vị này không giả, có chất lượng cao (?), và đều làm công tác khoa học (?), thì cứ trung bình 10,000 dân Khánh Hoà có 3.39 nhà khoa học. Ở Hoa Kỳ, trung bình mỗi 10,000 dân có 70 nhà khoa học (95% với bằng cấp PhD), 6 ở Trung Quốc, 1 ở Châu Phi vùng chung quanh Sahara. Theo thiển ý, có lẻ rằng Khánh Hoà chúng ta ngang ngửa với Châu Phi Sa Mạc. Như vậy, tình trạng tri thức của dân ta còn rất kém, rất khó bắt kịp với nhân loại, nếu không cải tổ giáo dục hửu hiệu hơn (VN đã có rất nhiều cải tổ nhưng căn bản vẫn không cải tổ gì) và dành ưu tiên ngân sách cho giáo dục (hiện nay khoảng 2.6% tổng sản lượng quốc gia). Các đầu tư nước ngoài nhắm vào Việt Nam vì nhân công lao động dư thừa (nạn nhân mản) và rẻ, và họ chỉ huấn luyện tay nghề vừa phải để phục vụ xí nghiệp của họ, và họ muốn duy trì tình trạng đó mải mải để có lợi nhuận tối đa. Về phần Việt Nam, chính quyền dùng mọi biện pháp để duy trì tình trạng rẻ mạt công nhân để lôi cuốn đầu tư nước ngoài.

Nếu Việt Nam không nâng cao giáo dục, không đầu tư nhiều hơn nữa trong “vốn con người” thì Việt Nam sẽ vẫn mải mải cung cấp hay xuất khẩu “công nhân lao động rẻ” mà thôi. Khánh Hoà cần một lực lượng lao động có trình độ cao để sử dụng tài sản vật thể và công nghệ sản xuất mới một cách kiến hiệu hơn để dần dần thay thế chuyên viên nước ngoài (như hiện nay kỷ sư ở Hyundai Vinashin chỉ toàn Đại Hàn) để khai thác tiềm năng của xứ sở.

Và dầu có được “vốn tri thức cao” do giáo dục mang lại, con người chỉ có thể phát huy tài năng, sáng kiến khi có được tự do thật sự, sống trong một thể chế dân chủ thật sự với luật lệ phân minh được tôn trọng thi hành. Một khi chưa có những quyền căn bản này, thì tài năng bị mai một, khó có thể vươn lên, bị áp bức và bị bóc lột, người dân suốt đời cũng chỉ làm công nhân bán sức lao động, chuyên viên chỉ biết phục vụ. Lợi nhuận từ tiềm năng kinh tế to lớn kia không mang lại nhiều lợi ích cho nước cho dân, mà chỉ làm giàu cho công ty ngoại bang. Nha Trang Khánh Hoà ngày mai, dỉ nhiên, cũng sẽ có vô số thương xá sang trọng, khách-sạn-5-sao, và biệt thự nguy nga lộng lẩy hơn hiện nay. Đa số người dân, dỉ nhiên, cũng sẽ có đời sống khá hơn, không đói khổ lắm so với ngày qua, nhưng không sung túc và tự do như các dân tộc láng giềng, xã hội vẫn sẽ có vô số người cùng khổ. Sự cách biệt giữa người giàu và người nghèo càng lớn.

 

 

Reading, Tết Dương Lịch 01/01/2007

Trần-Đăng Hồng