DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Khánh hòa ngày xưa

Khánh Hoà ngày xưa

Trần Đăng Hồng

Khánh Hoà vào những thế kỷ trước tây lịch thuộc nước Diệu Nghiêm, vốn là một tiểu quốc thuộc nước Phù Nam. Bán đảo Đông Duơng vào thời đó gồm ba nước lớn; Nam Việt gồm một phần lảnh thổ của Nam Trung Hoa, Bắc Việt và Bắc Trung Việt cho tới Đèo Ngang; Chiêm Thành từ Đèo Ngang đến Đèo Cù Mông của Bình Định; và Phù Nam từ Đèo Cù Mông vào nam cho tới Kampuchia và một phần đất Nam Thái Lan ngày nay. Dân Bách Việt thuộc nhóm Mongols, da vàng, chịu ảnh hưởng văn hoá Trung Quốc; dân Chăm (hay Chàm) và dân Phù Nam thuộc nhóm Hải Đảo Malayo-Polynesien, da ngâm đen và tóc quăn, chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ. Vì sông núi hiểm trở, giao thông khó khăn, mổi quốc gia vào thời đó thực sự gồm nhiều tiểu quốc tự trị, thần phục nhà vua trung ương.

Nước Chiêm Thành có lẻ được thành lập cùng thời với nước Văn Lang của dân tộc Việt, được mang nhiều tên lần lượt theo thời gian như Hồ Tôn Tinh, Tượng Lâm, Lâm Ấp (192), Hoàn Vương Quốc (757), Chiêm Thành (Campapura, 875), cuối cùng được Chúa Nguyễn đặt tên trấn Thuận Thành (1692) trước khi quốc gia này hoàn toàn biến mất trên bản đồ. Lảnh thổ Chiêm Thành, trước năm 192, gồm dải đất từ Đèo Ngang Quảng Bình cho tới Đèo Cù Mông Bình Định, sau này người Việt gọi chung là Bắc Chiêm Thành. Chiến tranh thường xuyên xảy ra giũa Chiêm Thành, với dân Việt ở phương bắc, và Phù Nam ở phương nam.

Nước Phù Nam ở thế kỷ thứ 1 rất hùng mạnh và giàu có, gồm nhiều tiểu quốc, nhưng dân cư thưa thớt, tập trung sống ở vùng Kampuchia ngày nay, nhưng đất đai quá rộng, giao thông chỉ bằng đường thuỷ, nên các tiểu quốc coi như gần độc lập. Một quý tộc gốc Chân Lạp ở vùng Khánh Hoà nổi lên chiếm vùng Phú Yên, Khánh Hoà, Phan Rang và Phan Thiết, tách ra khỏi ảnh hưởng Phù Nam, thành lập quốc gia riêng tức Diệu Nghiêm, lảnh thổ từ Đèo Cù Mông đến Phan Thiết, sau này sử Việt gọi chung là Nam Chiêm. Vương quốc Phù Nam bị tiêu diệt và thay thế bởi Chân Lạp ở thế kỷ thứ 7.

Thời điểm nào Khánh Hoà thuộc vào Chiêm Thành chưa được rỏ, chỉ biết một tấm bia đá ở làng Võ Cạnh (xả Vỉnh Trung, gần Nha Trang) cho biết vị tiểu vương Chăm cai trị Kauthara, tức Khánh Hoà bây giờ, tên Sri Mara, con của bà Lona Lavana ở Panduranga (Ninh Thuận) sống vào thế kỷ thứ 2 sau tây lịch, chứng tỏ Kauthara và Panduranga thuộc nước Chiêm Thành khoảng thế kỷ thứ 2.

Chiêm Thành dành được độc lập từ nhà Hán năm 192, đặt quốc hiệu Lâm Ấp, đóng đô tại Kandapurpura (Khu Lật, Huế). Một trung tâm tôn giáo được xây cất tại Amavarati (Mỹ Sơn, Đà Nẳng) vào năm 380, và vương quốc Chiêm Thành được mở rộng tới Mủi Kê Gà. Bởi vì lảnh thổ quá eo hẹp, và cách trở bởi sông rộng và đèo cao, mặc dầu thống nhất, Chiêm Thành gồm 5 tiểu quốc: Indrapura (Bình Trị Thiên), Amaravati (Quảng Nam), Vijaya (Nghĩa Bình), Kauthara (Khánh Hoà) và Panduranga (Ninh Thuận, Bình Thuận). Vương quốc Chiêm Thành được cai trị lần lượt bởi hai vương tộc Dừa - vương triều Gangajara ở Bắc Chiêm; và Cau - vương triều Panduranga ở Nam Chiêm. Truyền thuyết Chăm cho biết truyền nhân của những dòng họ vị vua cai trị Chiêm Thành là hai vị nử thần được sinh ra bởi nử thần Sakti Bhagavati, vợ của Siva: Visitrasaga cho các vua Nam Chiêm thuộc vương tộc Cau, và Uroja cho các vua Bắc Chiêm thuộc vương tộc Dừa. Chỉ có người mang dòng máu của một trong hai vị thần này mới được làm vua, mới được dân Chăm phục tùng. Tượng nử thần Bhagavati được tôn thờ trong các đền đài cạnh bờ biển, vì Bà là tổ mẩu của vua Chăm, là “Mẹ Xứ Sở bảo vệ Chiêm Thành”. Bởi vậy, sau những chiến thắng quân sự hay vừa lên ngôi vua, việc làm đầu tiên của các vua Chăm là xây dựng đền tháp mới, tu bổ đền tháp củ để tôn vinh “Bà Mẹ Xứ Sở” tức nử thần Bhagavati đã bảo vệ ngôi vua của mình. Tại Kauthara, nử thần Bhagavati được biết nhiều với tên Po Nagar (Tháp Bà).

Trước thế kỷ thứ 2, Bắc Chiêm ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa và Phật giáo Đại thừa, trong lúc Nam Chiêm theo Phật giáo Tiểu thừa. Kể từ sau thế kỷ thứ 2, các đạo sỉ Bà La Môn và thương gia Ấn Độ đến Nam Chiêm qua các hải cảng Chutt (Chụt, Cầu Đá NhaTrang), Kamran (Cam Ranh) của Kauthara truyền bá văn minh, văn hoá, tổ chức xả hội, kỷ thuật hàng hải, buôn bán, nông nghiệp của Ấn Độ. Theo bia Vỏ Cạnh thì đạo Bà La Môn trở thành tôn giáo chính ở Nam Chiêm, sau đó được phát triển ra Bắc Chiêm ở thế kỷ 4. Chử Phạn (sanskrit) coi như quốc ngử ở Nam Chiêm từ thế kỷ thứ 2, trong khi chử Hán thịnh hành ở Bắc Chiêm trong thời nhà Hán đô hộ, nhưng từ từ bị thay thế bằng chử Phạn.

Vào thế kỷ thứ 7 trở về sau, nhiều thuyền buôn từ Trung Đông (Iraq, Oman) có chở các nhà truyền giáo Đạo Hồi (Islam) đến Nam Chiêm qua các hải cảng ở Kauthara và Panduranga, nhưng Đạo Hồi chưa phát triển được vì xung đột tôn giáo và khác biệt ngôn ngử tập tục. Mải đến thế kỷ 10, các giáo sỉ đạo Hồi từ Java vào truyền đạo thì thành công, vì đồng sắc tộc và có văn hoá tương tự. Chử Á Rập cũng được phổ biến từ thế kỷ 11 ở Nam Chiêm, nhưng Phạn ngử vẫn mạnh.

Vì ảnh hưởng Bà La Môn, kể từ thế kỷ thứ 4 về sau, lãnh tụ chính trị và tôn giáo tại Chiêm Thành được xem là một: thờ thần tức thờ vua, vua thay mặt thần Siva cai quản muôn dân. Siva vừa là thần bảo hộ xứ sở vừa là vị thần giữ đền để dân chúng đến thờ phượng và dâng lễ vật. Đạo Bà La Môn chú trọng viêc xây đền tháp để thờ phượng, nên từ thế kỷ thứ 4 đến 10, Chiêm Thành có nhiều công trình xây dựng đền tháp. Hồi giáo, ngược lại, chủ trương không thờ phượng đa thần và xây dựng đền tháp, nên sau thế kỷ thứ 10, không còn thấy xây dựng thêm đền tháp vỉ đại nữa ở Chiêm Thành.

Từ năm 629, Chiêm Thành loạn lạc, tranh chấp ngôi vua liên tục. Năm 646, công chúa Tchou Koti được tôn làm nử hoàng, lấy hiệu Jagadharma, đất nước được an bình thịnh vượng. Năm 653 bà mất. Vì kính trọng đức độ nử hoàng, nên sau khi bà chết, dân Chăm lập đền thờ bà trên một ngọn đồi, bên cạnh một con sông, của một thị trấn ven biển có tên Ya-Tră (tiếng Chăm có nghĩa là dòng nước chéo), mà sau này người Việt phát âm thành Nha Trang. Tháp thờ đầu tiên (653) xây bằng gổ, chính là tiền thân tháp Po Nagar – Tháp Bà - ở Cầu Xóm Bóng Nha Trang ngày nay.

Năm 757, một tiểu vương phía nam lật đổ vương triều Gangaraja phía bắc, tự xưng hiệu Prithi Indravarman, và thống nhất đất nước. Kinh đô được dời từ Trà Kiệu (Quảng Nam) về Virapura (có nghĩa là Hùng Tráng, nay là xã Hoà Trinh, An Phước, Ninh Thuận), thành lập vương triều Panduranga. Dưới thời vua Prithi Indravarman, văn minh và văn hoá Ân Độ lấn sang Bắc Chiêm vốn bị ảnh hưởng của văn minh và văn hoá Trung Hoa. Nử thần Bhagavati – vị thần bảo hộ Panduranga - nơi ông dấy nghiệp, chọn làm “Bà Mẹ Xứ Sở” để dân chúng thờ phượng. Tháp gổ trên đồi bên sông Ya-Tră, vốn thờ nử hoàng Jagadharma, nay được vua cho xây cất lại với vật liệu cứng, với tượng bằng vàng thờ nử thần Bhagavati. Theo truyền thuyết Chăm, Nam Chiêm do nử vương Po Nagar bảo hộ làm đất nước hùng mạnh trong suốt 200 năm, từ 758 đến 958. Theo truyền thuyết này, nữ vương Po Nagar là vị nử thần tạo ra quả đất, gổ quí và lúa gạo. Bà có 97 chồng, sinh 38 người con gái, đều là nử thần, trong đó có 3 người được người Chăm chọn làm thần bảo vệ đất đai: Po Nagar Dara (nử thần Kauthara, Khánh Hoà), Po Rarai Anaih (nử thần Panduranga, Phan Rang) và Po Bia Tikuk (nử thần Manthit, Phan Thiết).

Năm 774, quân Nam Đảo (Indonesia) đổ bộ vào Kauthara và Panduranga. Tháp Po Nagar ở Kauthara bị đốt phá, quân Nam Đảo cướp đi nhiều báu vật, trong số đó có tượng Linga của thần Sri Sambhu, và tượng bằng vàng nủ thần Bhagavati. Cháu kêu vua Prithi Indravarman bằng cậu tên Satyavarman lên ngôi, cùng hoàng tộc, chạy ngỏ Trường Sơn, đến Bình Định lánh nạn, được các sắc tộc Chăm như Bahna, Hrē giúp thành đạo quân tiến xuống chiếm lại Kauthara. Quân Nam Đảo lên thuyền bỏ chạy, vua dẩn hoàng gia trở lại kinh đô Virapura (Phan Rang). Tháp Po Nagar, bị quân Nam Đảo phá huỷ, đựợc vua cho xây dựng lại bằng gạch, sau 10 năm (774-784) mới hoàn thành.

Năm 787, quân Nam Đảo lại tấn công cuớp phá kinh thành Virapura, phá tháp Hoà Lai thờ thần Bhadradhipatisvara, chiếm giử Panduranga hơn 10 năm, mải tới 799 mới được giải phóng. Sau khi đuổi được quân Nam Đảo, tân vưong Harivarman I sai tể tướng Senapati Pangro cho trùng tu lại tháp Po Nagar ở Ya-Tră và xây thêm hai tháp mới kế bên tháp chính để chiêm bái nử thần Bhagavati, được tạc lại bằng đá hoa cương.

Dưới triều vua Harivarman I và Vikrantavarman III, Chiêm Thành rất hùng mạnh: năm 803, xua quân đánh Châu Hoan (Thanh Hoá), Châu Ái (Nghệ Tỉnh) mang về nước nhiều chiến lợi phẩm và lúa gạo; từ các hải cảng ở Kauthara đem thuỷ quân trừng phạt vương quốc Kelantan ở Java, và Patani ở Malaysia, rồi chiếm đất Đồng Nai Thượng của Khmer; năm 808 lại tấn công Châu Hoan, Châu Ái; năm 817, tấn công Kambujas (Kampuchia). Để tạ ơn Bà Mẹ Xứ Sở về những chiến công này, tể tướng Senapati Par cho xây thêm 2 tháp mới về phía tây và tây nam trong khuôn viên Tháp Po Nagar, sau đó lại xây thêm 3 tháp khác, một tại khu trung tâm để thờ Sri Shambu, một phía tây bắc thờ Shandhaka, và một phía nam thờ Ganesha. Như vậy, Ya-Tră (Nha Trang) ở Kauthara (Khánh Hoà) xem như thánh địa, gồm 8 đền tháp tại Po Nagar, còn Virapura (An Phước, Phan Rang) ở Panduranga là kinh đô chính trị của dân tộc Chăm.

Sau hơn 20 năm chinh chiến (854 – 875) với Angkor (Kampuchia), vương triều Panduranga suy sụp và mất quyền hành dần, nên năm 859 một vương tôn Dừa thuộc Bắc Chiêm được triều thần đưa lên ngôi hiệu Indravarman II. Dưới thời Indravarman II, kinh đô được dời về lại Indrapura (thành Sấm Sét, nay là Đồng Dương, gần Đà Nẳng), và quốc hiệu là Campapura (đất nước của người Chăm), sử việt gọi là Chiêm Thành, Chiêm Bà, tiếng pháp là Champa. Nhà vua tiếp tục cho xây nhiều đền đài tráng lệ ở Đồng Dương. Riêng tại Ya-Tră, vua cho đúc lại tượng nử thần Bhagavati bằng vàng để thờ tại Po Nagar.

Năm 945, quân Khmer từ Angkor băng rừng xuyên Trường Sơn qua cao nguyên Langbian đến tấn công Kauthara, phá huỷ hai tháp ở Po Nagar (như vậy còn lại 6 tháp cho tới ngày nay) và cướp đi tượng nử thần Bhagavati bằng vàng. Sau khi đuổi quân Khmer, năm 960 tân vương Jaya Indravarman I cho tạc lại tượng nử thần Bhagavati bằng đá hoa cương để thờ tại Po Nagar, phải mất gần 5 năm (960-965) việc tạc tượng mới hoàn thành.

Đại Việt chỉ bắt đầu đem quân trừng phạt Chiêm Thành sau khi dành được độc lập (939 với Ngô Quyền) và ổn định chính trị dưới nhà Tiền Lê (980-1009). Cuộc nam chinh trừng phạt đầu tiên là năm 982 do vua Lê Đại Hành mang đại quân chiếm kinh đô Indrapura tới năm 983 mới rút về. Đèo Ngang là ranh giới hai nước Việt Chiêm. Tuy vậy, vua Lê Đại Hành củng cố quân sự mặt biên giới, đồng thời khuyến khích dân Việt xâm nhập lấn qua đất Chiêm, dân Việt tiến làm ăn đến đâu, dân Chăm tránh lùi dần vào nam. Vì áp lực quân sự của Đại Việt, năm 999, vua Chiêm dời đô về Vijaya (có nghĩa là Chiến Thắng, còn có tên là Chà Bàn, Đồ Bàn) thuộc An Nhơn, Bình Định, và tiếp tục đánh phá Đại Việt.

Năm 1026, thái tử Phật Mả (tức Lý Thái Tôn) chiếm Châu Điền (Thừa Thiên), sau đó đưa di dân Việt vào ba châu Bố Chánh, Địa Lý và Ma Linh của Bắc Chiêm. Năm 1044, vua Lý Thái Tôn dẩn đại binh 10,000 thuỷ binh tấn công, chiếm Vijaya (Đồ Bàn, Qui Nhơn), rồi rút về Đại Việt.

Năm 1050, Chiêm Thành có nội chiến giữa Bắc Chiêm và Nam Chiêm. Nam Chiêm bị thua, dân chúng Ya Tră và Pănrăn (phát âm thành Phan Rang) bị Bắc Chiêm trả thù, nên đa số phải di tản vào rừng núi Tây Nguyên, hoà trộn với nhóm dân bản địa để thành người Rhadé. Thống nhất đất nước, vua (Bắc) Chiêm xây dựng lại đất nước, xây dựng lại tượng đài bằng đá hoa cương trong tháp Po Nagar, cấp cho tu sỉ giữ đền Po Nagar 50 nô lệ người Chăm phản loạn, Khmer, Hoa, Miến theo phản loạn, 15 cân vàng, 15 cân bạc và nhiều vật dụng quí giá khác.

Năm 1061, vua Lý Thánh Tôn cùng Lý Thường Kiệt mang 30,000 quân và 200 chiến thuyền chinh phạt Chiêm Thành, chiếm và đốt phá kinh đô Vijaya (Qui Nhơn) trước khi rút quân về nước. Để chuộc tội, Chiêm Thành dâng 3 tỉnh gồm Bố Chánh, Địa Lý và Ma Linh (Quảng Bình và Bắc Quảng Trị).

Sau khi nhường đất cho Đại Việt, hơn 10 tiểu vương Chăm không tùng phục, vì vậy nội chiến kéo dài. Các tiểu vương ở Kauthara và Pangduranga liên minh với đế quốc Angkor, chống lại vương triều phương bắc. Nam Chiêm chiến thắng (1074), và thống nhất đất nước. Việc làm đầu tiên của tân vương Nam Chiêm là phục hồi lại các đền đài bị tàn phá bởi Đại Việt và nội chiến, trong đó có đền Po Nagar. Sau khi hùng mạnh, Chiêm Thành tiếp tục đánh phá Đại Việt. Chiêm Thành liên kết mời quân Khmer đến Nam Chiêm để cùng tấn công Đại Việt. Lợi dụng thời cơ, quân Khmer chiếm đóng Nam Chiêm, không chịu rút về nước, vua Chiêm phải cầu cứu Đại Việt, Lý Thường Kiệt lại phải nam chinh giúp Chiêm Thành. Dẹp xong Khmer, vua Chiêm tập trung phục hồi đất nước, sửa sang tu bổ lại các đền đài, và giao hảo tốt với Đại Việt. Tuy nhiên, sau đó nội chiến lại xảy ra giữa Nam và Bắc Chiêm, và cuối cùng Bắc Chiêm chiến thắng. Năm 1129, Po Sulika được tôn làm vua, hiệu Jaya Indravarman III. Vì không có gia tộc trực tiếp với vương tộc Cau hay Dừa, nhà vua phải tự chứng minh có quan hệ xa xôi với các triều vua trước để dân Chăm tùng phục, vua cho xây thêm nhiều tượng thần Siva, Visnu và Linga trong những năm 1139, 1142 và 1143 tại Indrapura (Thừa Thiên) và Po Nagar ở Kauthara để xác nhận ông là truyền nhân đẳng cấp Brahman. Sau đó, lại một nội chiến khác kéo dài 10 năm (1129-1139) giữa hai miền Bắc và Nam Chiêm. Được Nam Chiêm liên kết, quân Khmer dẩn 20,000 quân đi trên 700 chiến thuyền, đổ bộ vào Thanh Hoá đánh Đại Việt, rồi thừa cơ hội chiếm cả Bắc Chiêm và Nam Chiêm (1145). Kể từ 1145 đến 1149, đế quốc Khmer gồm Nam Lào, Kampuchia, Nam Việt, Trung Việt cho đến Đèo Hải Vân. Vua Chiêm cùng hoàng tử phải chạy vào Đại Việt tị nạn. Mấy năm sau, nhà vua cùng thái tử băng rừng Trường Sơn về lại Panduranga lập chiến khu, vua từ trần, thái tử tiếp tục kháng chiến. Được các sắc dân ủng hộ, thái tử chiếm lại Kauthara và Panduranga, nhưng Khmer vẫn còn chiếm giữ Bắc Chiêm. Năm 1148, quân Khmer ở Bắc Chiêm tấn công Kauthara, nhưng bị đánh bại. Thừa thắng, vua Nam Chiêm tấn công chiếm Vijaya và thống nhất lại đất nước.

Sau năm 1164, thuỷ binh Chiêm Thành rất hùng mạnh. Từ các hải cảng Chutt (Cầu Đá), Kamran (Cam Ranh), và các đảo ở Kauthara, hải tặc người Chăm thường xuyên đánh cướp các tàu buôn Á Rập trên Biển Đông, hay cướp phá các làng mạc người Việt. Vua Jaya Indravarman IV (1151-1205) ra lịnh xây nhiều đập nước, như đập Chaklin (Nha Trinh) ở Panduranga (Ninh Thuận), và một đập nước ở Kauthara, tức đập nước Suối Cam mà dân Diên Khánh xử dụng hiện nay, vì vậy đất đai vùng Diên Khánh rất phì nhiêu.

Chiêm Thành lại bị Angkor cai trị (1203-1220). Sau khi dành được độc lập (1220), vua Chăm cho xây lại những tượng đài bị đập phá ở Mỹ Sơn và Po Nagar ở Kauthara.

Năm 1301, cựu hoàng Trần Nhân Tôn du lịch Chiêm Thành và gả công chúa Huyền Trân cho vua Chế Mân để đổi lấy hai châu Ô và châu Lý làm quà cưới (1307).

Hồ Quí Ly lên ngôi 1400. Vì thiếu sự chính thống (cướp ngôi nhà Trần), Hồ Quí Ly thường ra oai chinh phạt Chiêm Thành, chiếm Amavarati tức Chiêm Động (Thăng Bình Quảng Nam), Cổ Luỷ (Tư Nghĩa, Quảng Ngải) cho tới Sa Lý Nha (Sa Huỳnh), như vậy toàn lảnh thổ từ Quảng Bình đến Quảng Ngải được xáp nhập vào Đại Việt (1404).

Giao hảo giữa Chiêm Thành và Việt Nam có lúc tốt đẹp, nhưng phần đông là Chiêm Thành đánh phá Việt Nam, khi Việt suy yếu. Để trừng phạt khiêu khích của Chiêm Thành, ngày 6/10/1471 vua Lê Thánh Tôn truyền hịch Bình Chiêm trước ba quân, dẩn 150,000 bộ binh và 100,000 thuỷ binh vào đánh chiếm Đồ Bàn. Toàn thể Bắc Chiêm xáp nhập vào Việt Nam, và ranh giới Việt Chiêm là Đèo Cù Mông (1472), và đô hộ Nam Chiêm, chia Nam Chiêm thành 3 tiểu quốc giao cho 3 tiểu vương người Chăm cai trị: (i) tiểu quốc Aryaru (từ Đèo Cù Mông đến Đèo Cả, Phú Yên); (ii) Giao Nam từ Đèo Cả đến mủi Kê Gà, gồm Kauthara (Khánh Hoà) và Panduranga (Ninh Thuận Bình Thuận) với 5 lảnh địa: Aya Tră (Nha Trang), Panră (Phan Rang), Krău (Long Hương), Parik (Phan Rí) và Pajai (Phố Hải, gần Phan Thiết); và (iii) Bồn Man (cao nguyên Kontum, Darlac).

Trong thế kỷ 16 và 17, các tiểu quốc ở Nam Chiêm Thành trở nên phồn thịnh. Các thuyền buôn ngoại quốc như Trung Hoa, Mã Lai, Khmer, Bồ Đào Nha, Hoà Lan tấp nập đến Nam Chiêm qua các cảng Chutt (Cầu Đá), Kamran (Cam Ranh). Khi hưng thịnh, người Chăm thường cướp phá làng di dân Việt. Đất Nam Chiêm trở nên khó trị. Đồng thời, cư dân Chăm sống ở những hải cảng này trở thành các nhóm hải tặc, từ các hải đảo ở Kauthara, Côn Lôn, Phú Quí, tổ chức đánh phá thương thuyền ngoại quốc Bồ Đào Nha và Hoà Lan. Được đồng ý của chúa Trịnh, vua Lê sai Nguyễn Hoàng trấn thủ đất Thuận Hoá (1558). Kể từ thời điểm này, mổi lần các chúa Nguyễn bị chúa Trịnh làm khó dể, thì các tiểu vương Chăm bị nhận đủ những hậu quả. Chẳng hạn, năm 1560, Nguyễn Hoàng bị Trịnh Kiểm bắt nộp hàng năm 400 cân bạc và 500 tấm lụa. Không sao tìm đủ phẩm vật dâng nộp, Nguyễn Hoàng sai người bảo các tiểu vương Chăm cung cấp số lượng này. Bị khước từ, Nguyễn Hoàng xua quân chiếm Phan Rang, tịch thu hết tài sản hoàng gia Chăm, rồi rút quân về, nhưng để quân chiếm giữ Aryaru (Phú Yên).

Chiêm Thành vào khoảng 1600 mở rộng giao thương với Âu Châu, mua súng đạn và đại pháo phòng thủ kinh thành và các hải cảng ở Kauthara, và từ các nơi này đánh phá quân Đại Việt rồi chiếm lại Phú Yên.

Năm 1611, Nguyễn Hoàng sai một người Chăm không rỏ tên, có chức Văn Phong, dẩn quân qua Đèo Cù Mông chiếm Phú Yên, và đưa di dân từ Quảng Nam, Bình Định và hơn 30,000 tù binh Đàng Ngoài vào định cư ở Phú yên.

Năm 1620, chúa Nguyễn Phúc Nguyên được đất Đồng Nai, là quà cưới công chúa Ngọc Vạn lấy vua Chân Lạp Chey Chetta II. Di dân Việt bắt đầu dùng đường biển vào Mô Xoài (Bà Ria) và Đồng Nai lập nghiệp.

Năm 1652, ở Chiêm Thành Po Nraup lên ngôi, hiệu Bà Thâm, tấn công Phú Yên. Hiền vương Nguyễn Phúc Tần sai tướng Hùng Lộc, một tướng Chăm theo chúa Nguyễn, dẩn 3000 lính vượt Đèo Cả, chiếm Aya Tră (Nha Trang) bắt được Bà Thâm ở đây. Để cầu hoà, Bà Thâm dâng đất Kauthara và lấy Kamran làm ranh giới Việt Chiêm. Kauthara đươc đổi thành dinh Thái Khang (1852), sau thành dinh Bình Khang (1744), rồi dinh Bình Hoà (1803), rồi trấn Bình Hoà (1808), cuối cùng thành tỉnh Khánh Hoà (1932). Sau khi Kauthara thất thủ, vua Bà Thâm rước Po Nagar về Panră để thờ phụng trong một đền ở Mông Đức gần làng Hữu Đức bây giờ. Vì “Mẹ Xứ Sở” di tản vào Panduranga, đa số người Chăm tại Kauthara di tản vào Panduranga, hay vào rừng Trường Sơn, hay di tản tận tới Xiêm La lánh nạn. Một số ít người Chăm đành ở lại Khánh Hoà chung sống với di dân Việt. Chúa Nguyễn đưa di dân từ Quảng Nam, Bình Định vào Khánh Hoà.

Vì mất hải cảng Nha Trang và Cam Ranh, nước Chiêm Thành mất hết khả năng hàng hải, ngư nghiệp và giao thương quốc tế và từ đó suy yếu nhiều. Một mặt khác, Chiêm Thành bây giờ nằm giữa hai gọng kiềm, phía bắc là Khánh Hoà, phía Nam là Đồng Nai đều thuộc chúa Nguyễn. Tuy vậy, năm 1691, vua Bà Tranh (Po Saut) xua quân đánh Khánh Hoà. Năm 1692, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Hửu Cảnh đánh chiếm Panduranga, giết được Bà Tranh bảy tháng sau đó, và đổi thành Trấn Thuận Thành, năm sau (1693) đổi thành phủ Bình Thuận. Chiêm Thành coi như bị xoá trên bản đồ từ năm 1693. Chúa Nguyễn bắt dân Chăm ăn mặc theo y phục người Việt, và sống tập trung trong các vùng chỉ định rải rác từ Quảng Nam đến Phan Rí. Tại Khánh Hoà, nhiều cuộc xung đột Việt Chăm xảy ra vì tranh chấp ruộng đất, dân Chăm không tuân phục luật lệ, thuế má, nông nô do người Việt áp đặt.

Vì Chúa Nguyễn đặt ưu tiên đưa di dân vào vùng Mô Xoài (Bà Rịa) và Đồng Nai, nên kể từ 1658 dân cư ở Khánh Hoà rất thưa thớt vì thiếu di dân Việt. Ruộng đất do người Chăm di tản để lại trở thành hoang vu cả trăm năm không ai canh tác. Người Chăm sống từng cụm, xen kẻ với di dân Việt theo lối da beo. Xung đột Việt Chăm cũng thường xảy ra, do tranh chấp ruộng đất.

Để giải quyết tranh chấp Chăm Việt tại Khánh Hoà, năm 1712 chúa Nguyễn Phúc Chu và Po Saktiraydaputih thoả thuận 5 điều khoản về luật pháp toà án, lưu thông, buôn bán và cư xử tốt với người Chăm

Tuy nhiên, hậu quả chinh chiến giữa Tây Sơn và Chúa Nguyễn từ 1776 đến 1798 làm dân Chăm còn lại từ Qui Nhơn đến Phan Thiết lảnh đủ, bởi vì phải ngả theo một trong hai thế lực này. Những ai theo cộng tác với Tây Sơn thì bị quân chúa Nguyễn trả thù, ai theo cộng tác với chúa Nguyễn thì bị Tây Sơn trả thù. Lực lượng Tây Sơn khởi nghĩa có rất nhiều người Chăm tham gia. Vì vậy, những vùng đất tốt quanh Đồ Bàn do người Chăm Hroi cư ngụ, vì bị kết tội theo Tây Sơn, đều bị tịch thu.

Tại Khánh Hoà, Tây Sơn chiếm Diên Khánh năm 1776. Nguyễn Phúc Ánh chiếm lại Diên Khánh 1793. Năm 1794, Tây Sơn vào vây thành Diên Khánh (xây năm 1793). Năm 1795, Tây Sơn lại vây thành Diên Khánh một lần nữa. Tại Phan Rang, Tây Sơn chiếm giữ năm 1776, chúa Nguyễn lấy lại năm 1779, Tây Sơn tái chiếm năm 1791, rồi Nguyễn Ánh lấy lại năm 1793. Tây Sơn trở lại năm 1794, rồi Nguyễn Ánh chiếm lại năm 1798. Cứ mổi lần chiếm đi chiếm lại, dân Chăm lại thêm điêu đứng, bị trả thù, bị mất ruộng đất, bị nhốt tập trung.

Sự tranh chấp giữa vua Minh Mạng và Lê Văn Duyệt, và cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi có nhiều người Chăm tham gia cũng mang hậu quả tai hại cho dân tộc Chăm. Những tướng Chăm và quân lính Chăm phục tùng Lê Văn Duyệt đều bị trả thù.

Vì sự cai trị hà khắc dưới thời Minh Mạng, nhiều cuộc nổi loạn của người Chăm dấy lên, nhưng đều dẹp tan trong biển máu. Cuộc nổi loạn của Ja Lidon ở Phan Thiết (1823), Nvait Kabait trên Đồng Nai Thượng (1826), Katip Sumat, một tu sỉ Hồi Giáo ở Ninh Thuận, kêu gọi thánh chiến (1833) với sự trợ giúp của quân đội Mả Lai, nhưng quan trọng nhất là "Mặt Trận Giải Phóng" do Ja Thak Wa lảnh đạo năm 1834. Ông người làng Văn Lâm (Ninh Thuận), vốn là một quan chức lớn trong triều vua Chăm, đứng ra thành lập chính phủ lâm thời điều hành công cuộc cách mạng giải phóng Chiêm Thành, lấy Đồng Nai làm mật khu, đưa một hoàng tử gốc Raglai, dòng Po Romé, lên ngôi. Toàn dân Chăm ở Khánh Hoà và Phan Rang hưởng ứng, nổi lên chiếm đóng một phần các tỉnh này. Dân Chăm ở Phú Yên và Bình Định cũng vùng dậy. Ông bị tử trận ở làng Hữu Đức (Phan Rang) vào năm 1835. Phong trào của Ja Thak Wa tan rả, cùng với biển máu của dân Chăm ở Khánh Hoà, Phan Rang và Phan Thiết. Để ngăn chận nổi loạn, vua Minh Mạng đưa ra nhiều biện pháp khắc nghiệt với dân Chăm ở những tỉnh này: bắt người Chăm phải đổi tên họ ra tên Việt, các nghi lể của người Chăm bị cấm cử hành ở chổ đông người, “Bà Mẹ Xứ Sở” của người Chăm cũng bị Việt hoá thành “Thiên Y Thánh Mẩu” và Po Nagar biến thành Tháp Bà của dân Việt. Dân Chăm bị tập trung và bị đồng hoá ở Khánh Hoà.

Khánh Hoà, cũng từ thời điểm đó, không còn cư dân Chăm chính cống, tất cả đều được Việt hoá, chỉ còn thoang thoáng màu nước da ngâm ngâm rạm nắng của một số dân thôn dả vùng Diên Khánh ngày nay, những con lai giữa hai dòng máu Việt Chăm.

Qua hơn hai ngàn năm, Khánh Hoà trải qua bao thăng trầm lịch sử, hai dân tộc Phù Nam và Chăm đã lần lượt bị đồng hoá trên mảnh đất này, và văn hoá của họ cũng được trộn lẩn với văn hoá Việt tạo nên một nền văn hoá độc đáo của quê hương Khánh Hoà chúng ta.

Viết tại Reading,11 tháng 9 năm 2005.

Trần- Đăng Hồng