DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Lòng từ thiện của người Anh

5/9/2015

LÒNG TỪ THIỆN CỦA NGƯỜI ANH

Nguyễn Thị Kim-Thu


Lòng nhân ái và vị tha được hun đúc từ tôn giáo và giáo dục nhân bản, và qua thời gian trở thành một truyền thống văn hóa chung của một dân tộc.

Người Á đông vừa giàu lòng nhân ái, vị tha nhưng cũng vừa vị kỹ. Cúng dường nhiều của cải tiền bạc vào đền thờ, chùa chiền, xây chùa, làm từ thiện, đến chùa làm công quả v.v. để mong được phước đức cho mình và gia đình mình.

Ngược lại, theo văn hóa Âu Tây làm từ thiện hoàn toàn vị tha, vì một mục tiêu tốt đẹp cho xã hội hay nhân loại, mong đem cái phước đến cho mọi người, san sẽ với người nghèo, giúp đỡ kẻ thiếu thốn không được may mắn như mình. Họ quan niệm đó là một “bổn phận”, như Thủ Tướng David Cameron tuyên bố ở Lisbon sáng nay (4/9/2015) “việc cứu giúp người tị nạn ở Syria là một “trách nhiệm đạo đức” (moral responsibility) của chính phủ Anh” khi ông đề cập về cách giải quyết khủng hoảng người tị nạn và di dân tràn ngập vào Âu Châu trong các tuần qua.

Không ai là không biết ông bà tỉ phú (đô la Mỹ) Bill Gates & Melinda làm di chúc cho con chỉ một số tiền nhỏ trong khi cống hiến vào các quỹ từ thiện hầu hết gia tài đồ sộ của mình. Ông đã cống hiến 43,5 tỉ đô la cho quỹ Bill & Melinda Gates Foundation, và hàng năm quỹ này chi trên 3 tỉ đô la cho các dự án xóa đói giảm nghèo cho toàn thế giới, chống sốt rét và sốt tê liệt, lao và HIV cũng như cấp học bổng sau tiến sỉ cho các nước đang phát triển để giúp nước nghèo giải quyết hữu hiệu các vấn đề của đất nước họ.

Chắc ai cũng không quên cuộc cách mạng xanh từ cuối thập niên 1950s đã giúp hàng triệu người thoát đói, hàng trăm triệu nông dân toàn thế giới khá giả hơn nhờ quỷ từ thiện của Rockfeller Foundation dành cho việc thành lập và nghiên cứu lúa gạo của cơ quan IRRI ở Philippines.

Nhìn cảnh trẻ em Ethiopie đói khát thời 1980s, ca sỉ Bob Geldof Midge Ure của Anh vận động kêu gọi các ca sỉ khắp thế giới thành lập Band Aid cứu đói cho Ethiopia, tình nguyện đồng ca và phát hành đĩa nhạc “Do They Know It's Christmas?" trong dịp Giáng sinh 1984. Chỉ mùa Giáng sinh đó đĩa nhạc bán được 24 triệu US$, và tiếp tục những năm sau đó Band Aid Live Aid trình diễn trên TV khắp 165 nước trên thế giới thâu tổng cộng 165 triệu dollars. Nhờ tiền cứu trợ này kể từ đó Ethiopie đã thoát được cảnh chết đói.

Để giúp đỡ các trẻ em Ethiopia, Sudan và nhiều nước Phi Châu khác có nước sạch để uống, có trường để học, nhóm từ thiện người Anh gồm Richard Curtis và danh hài Lenny Henry thành lập quỹ cứu trợ Comic Relief năm 1985 tổ chức một ngày gây quỹ từ thiện mang tên Red Nose Day, mỗi hai năm vào tháng 3 và được đài BBC cùng nhiều công ty yểm trợ. Chỉ một đêm trong tháng 3/2010 quỹ cứu trợ được 135 triệu Anh kim, tổng cộng trên 1 tỉ Anh Kim (£1,047,083,706) trong thời gian 1985 – 2015.

Mới đây nhất, trong tuần qua, thấy hình ảnh chết chóc của các trẻ em, các bà mẹ khốn khổ trong cuộc trốn thoát chiến tranh ở Syria, trốn đói nghèo và bất công xã hội ở Châu Phi, tràn ngập vào Âu Châu, hàng ngàn công dân Anh đã ký thỉnh nguyện thơ làm áp lực các nhà chính trị yêu cầu nhận 10 ngàn người tị nạn ngay lập tức, mặc dầu ai cũng biết nước Anh cũng còn nhiều khó khăn trong khủng hoảng kinh tế vừa qua.

Tại sao người Tây phương giàu lòng bác ái, vị tha và dễ cảm thông với những đau khổ bất hạnh của thế giới?

Tính vị tha, nhân ái có lẻ bắt nguồn từ nền giáo dục đầy nhân bản, vun trồng cái “tốt”, cái “thiện” từ giáo dục ở tuổi ấu thơ, và nhìn thấy những hình tượng nhân ái gương mẫu trong xã hội chung quanh. Trẻ nít Anh được khuyến khích làm từ thiện từ thuở 3-4 tuổi ở nhà trẻ, dạy biết thương yêu thú vật, thương yêu thiên nhiên, v.v. Trong đêm Red Nose Day, chính học sinh đã đóng góp một phần lớn số tiền từ thiện vì chính các em là người gầy quỷ này qua các hoạt động từ thiện ở học đường. Các em nhìn hình ảnh thiên thần của Công chúa Diana kiều diễm bồng bé Phi châu đi ủy lạo trẻ em bị bịnh AIDS (SIDA), bị thương tật vì bom đạn ở Châu Phi để gây quỷ từ thiện khắp thế giới cho châu Phi. Lớn hơn một chút, các em hiểu thêm rằng đang vui chơi trong công viên Palmers rộng 24 ha ở Reading là do cống hiến tài sản của ông bà giám đốc công ty sản xuất bánh biscuit Huntley & Palmers của Reading từ năm 1891.

Vào học Đại Học Reading tại London Road Campus cổ kính sinh viên hiểu rằng đây cũng là tặng phẩm của ông bà Palmers cống hiến năm 1904 để thành lập Đại Học đầu tiên của Reading.

Ngồi học tiện nghi trong ngôi trường kiến trúc tân tiến mới xây cất hoàn thành năm 2000 của phân khoa Nông Nghiệp Đại Học Reading với kinh phí 11 triệu Anh Kim sinh viên hiểu rằng đây là tiền tài trợ của các ân nhân “Friends of the University” đóng góp, trong đó anh em cựu sinh viên nông nghiệp Wolson và Sackler trong quỹ từ thiện Wolson & Sackler Foundation, nay đã thành đạt, đóng góp một nửa chi phí này, coi như bổn phận đền ơn đáp nghĩa với ngôi trường cũ.

Văn hóa từ thiện đã trở thành truyền thống kể từ khi cơ quan từ thiện đầu tiên được thiết lập ở Anh vào thế kỹ thứ 10 bởi vua Athelstan để cung cấp chỗ ở thức ăn cho người nghèo, người già và kẻ bất hạnh. Bộ luật “English poor laws năm 1601” ra đời quy định tổ chức cơ quan từ thiện trong các lãnh vực giáo dục, y tế, nhà ở, ngay cả việc cải thiện nhà tù, và từ ngày đó đến nay hàng vài chục bộ luật từ thiện ra đời để thích ứng với tiến bộ xã hội Anh.

Nơi nào có thiên tai, nơi nào có nạn nhân chiến tranh, nơi đó có hàng trăm người chí nguyện đến cứu trợ. Biết đến vùng Tây Phi Châu đang có dịch Ebola làm chết người, vẫn có những bác sỉ, y tá tình nguyện đến đó để cứu giúp. Có 2 nhân viên y tế người Anh đã bị nhiểm suýt chết phải quay về Anh chửa trị. Một tài xế tình nguyện đến Syria để chuyên chở đồ cứu trợ đã bị phiến quân IS chặt đầu. Lý tưởng nào làm họ tình nguyện vào chỗ chết để cứu người khác được sống?

Ngày nay, nước Anh có khoảng 160.000 cơ quan từ thiện có ghi danh. Theo thống kê, các quỹ từ thiện này đã thu nhập 37 tỉ Anh Kim cho năm 2012 (58 tỉ đô la Mỹ, hay 1.184.000 tỉ đồng VN).

Lãnh vực từ thiện ở Anh bao trùm mọi lãnh vực, từ an sinh xã hội cho tới các hoạt động liên quan đến lợi ích công cộng, tại nước Anh cũng như cho thế giới. Từ thiện về y tế như Cancer Reasearch UK, MacMillan, Heart Foundation, Sara Charity, v.v.; từ thiện phát triển toàn cầu như Save The Children, Oxfam, British Red Cross, Unicef Charity UK, Water Aid Charity Global, v.v.; từ thiện cho thú vật như RSPCA, RDPB, Donkey Sanctuary, v.v.

Các tổ chức từ thiện lớn như Cancer Research UK, NSPCC, Oxfam và RSPCA có thu nhập trên 10 triệu Anh Kim/năm, chỉ chiếm 1% của quỷ từ thiện toàn quốc. Ngược lại 54% cơ quan từ thiện của Anh có thu nhập nhỏ dưới 10 ngàn Anh Kim/năm, đó là các cá nhân, gia đình hay nhóm thân hữu nhỏ làm từ thiện. Ngoài ra, chưa kể là cơ quan từ thiện, nhưng ai cũng có thể làm như bạn có thể làm từ thiện bằng cách đi góp nhặt quần áo giày dép dư thừa (còn mới hay chỉ mặc 1-2 lần) ở trong xóm bạn để cho các cửa hàng bán từ thiện ở địa phương. Bạn có thể tham gia đóng góp tiền bạc khi có kêu gọi mua máy móc thiết bị mới cho nhà thương, phòng thí nghiệm của trường học, v.v.


 

Reading, 9/2015

Muốn biết thêm mời đọc:

http://www.theguardian.com/news/datablog/2012/apr/24/top-1000-charities-donations-britain