DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Mùa Lễ ăn kiêng Phục Sinh

9/4/2017

MÙA LỄ ĂN KIÊNG PHỤC SINH

Trần Đăng Hồng & Kim-Thu

 

Thế giới của tín đồ Thiên Chúa Giáo (Catholics, Christians) đang ở trong mùa ăn kiêng (Lent Fasting) kéo dài trong 40 ngày, kể từ ngày thánh lễ Ash Wednesday cho đến ngày Holy Saturday ngay trước ngày Chủ Nhật Easter Sunday. Vì ngày lễ tôn giáo Phục Sinh thay đổi hàng năm, nên khi biết ngày lễ Phục Sinh chánh thức rơi vào ngày nào thì tính ngược lại thời gian để biết ngày Ash Wednesday, để bắt đầu ăn kiêng.

Ngày Easter Sunday được ấn định là ngày Chủ Nhật ngay sau ngày Trăng Tròn – Full Moon hay Pink Moon (tức ngày Rằm âm lịch) - xảy ra sau ngày March Equinox tức ngày Xuân Phân (20/3). Ngày Xuân phân năm nay là ngày 20/3, và ngày Trăng Tròn là tối ngày Thú Hai 10/4/2017, vì vậy ngày Easter Sunday là ngày Chủ Nhật 16/4/2017. Ngày Ash Wednesday năm nay được tính vào ngày Thứ Tư 1/3/2017, là ngày bắt đầu mùa ăn kiêng (Fasting) và ngày Thứ sáu Good Friday 14/4/2017 là ngày ăn kiêng cuối cùng. Để có đầy đủ sức khỏe cho 40 ngày ăn kiêng, ngày Thứ Ba trước ngày bắt đầu mùa ăn kiêng là ngày Shrove Tuesday còn gọi ngày Pan Cake (ngày 28/2/2017) là ngày ăn bánh rán trên chảo gồm sữa, bột mì, trứng và bơ đầy bổ dưỡng.

Theo Thánh Kinh Thiên Chúa Giáo (Bible), Chúa Giê-Su kiêng nhịn ăn trong 40 ngày đêm trong sa mạc nóng bỏng, để chống cự lại những cám dỗ do quỷ Satan dụ dỗ. Vì vậy, người theo đạo phải noi gương, chống cự lại mọi cám dỗ và tệ nạn xã hội, trong đó có cấm ăn thịt mà ăn cá.

Theo Luật Thiên Chúa Giáo Canon 1250 thì những ngày sấm hối là tất cả những ngày Thứ Sáu trong năm và 40 ngày ăn kiêng. Trong những ngày này cấm ăn thịt và một số thực phẩm có liên quan tới thịt (như soup hay gravy làm từ thịt).

Tục lệ ăn kiêng 40 ngày trong mùa Phục Sinh bắt nguồn từ thời xa xưa, trong lễ cầu nguyện nữ thần Astarte (hay Ishta) ở thành Babylone. Tục lệ ăn kiêng 40 ngày cũng thấy ở Ai Cập, các tín đồ đa thần xem mùa ăn kiêng là một đại thánh lễ kỷ niệm về cái chết và sống lại của thần Tammuz, bằng sự than khóc tiếc thương tiếp theo là vui mừng. Để hòa giải với tín đồ đa thần, Tòa Thánh La Mã chấp nhận việc hợp nhất thánh lễ này.

Cũng theo truyện “Babylon, Mystery Religion” nói trên, cứ mỗi ngày Thứ Sáu tín đồ Thiên Chúa Giáo cử ăn thịt mà thay thế bằng cá để tưởng niệm ngày Chúa Giê-Su bị xử trên Thánh Giá vào ngày Thứ Sáu Friday. Cũng có thuyết cho rằng ăn cá không có dính dáng đến ngày Friday, mà Friday chính là tiếng đọc trại của ‘Freya”, vị nữ thần của Hòa Bình, Hoan Hỉ và Sanh Đông Con mà tượng hình của Đông Con (Fertility) là Con Cá (Fish). Từ xa xưa người Tàu, người Trung Đông, người Hy Lạp cũng cho Cá là tượng trưng cho sanh đẻ đông con. Theo người Romans, nữ thần Tình Ái và Đông Con là Venus. Ngày Thứ Sáu là ngày linh thiêng của nữ thần Tình Ái Venus, vì tin rằng ngôi sao Venus cai trị giờ đầu tiên của ngày Thứ Sáu, và giờ này được gọi là “dies Veneris”, và Con Cá được xem là thiêng liêng đối với nữ thần. Như vậy, theo các truyền thuyết thì tục cử ăn thịt mà ăn cá không có liên quan đến ngày Good Friday của tín đồ Thiên Chúa Giáo

Tục lệ cử ăn thịt mà ăn cá vào ngày Good Friday ngày nay được giải thích như sau: “Bởi vì Chúa đã hy sinh xác thịt của Ngài vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, nên tín đồ kiêng ăn thịt”. Tín đồ ăn cá, thay vì ăn thịt, vào ngày Good Friday. Nhưng tại sao chọn cá mà không thứ khác. Có 3 lý giải: Thứ nhất, Cá ở trong nước biển, nên xác thịt (flesh) cá khác hẳn với xác thịt của thú trên đất liền. Thứ hai, dấu hiệu con cá là mật hiệu để tín đồ nhận ra nhau trong thời kỳ đầu của Thiên Chúa Giáo bị nghiêm cấm. Thứ ba, đa số các tín hữu đầu tiên của Đức Chúa là các ngư phủ chỉ biết ăn cá. Đó là lý do tại sao chúng ta phải ăn cá vào ngày Good Friday. Một điều kiêng cữ khác ở Anh là vào ngày Good Friday cấm đua ngựa, vốn là một sở thích của Nữ Hoàng.

Chúng tôi không thuộc  tín đồ Thiên Chúa Giáo, nhưng để sống hòa đồng trong xã hội đa văn hóa, đa tôn giáo như ở Anh, chúng tôi “ăn theo” tục lệ này, ăn cá trong dịp lễ Phục Sinh, nhưng không nhất thiết vào ngày Thứ Sáu Good Friday, mà thường là vào Thứ Bảy hay Chủ Nhật nào thuận tiện cho con cháu về cùng sum họp trong gia đình. Món ưa thích nhất là món Cá Đút Lò cải biến. Thay vì Cá Lóc, chúng tôi dùng Cá Salmon. Thay vì đút lò như ở Việt Nam, chúng tôi dùng Oven nhiệt độ cao, và tránh cá bị cháy thì dùng aluminium foil bao quanh con cá trước khi để vào lò Oven. Cá salmon nặng 3 kg, được dồn ½ kg thịt heo xay nhuyễn (mince) trộn với đậu chickpea đã nấu chín sẳn, bún tàu khô (để hút nước), nấm mèo, cùng hành, gừng và gia vị. Cột chặc bụng cá cho hổn hợp thịt dồn không bị xì và vết mổ ở bụng cá liền nhau khi ở nhiệt độ cao, rồi bọc chung quanh bởi giấy nhôm để không bị chấy.

Cá này ăn cuốn với bánh tráng, bún, đồ chua, cùng với nhiều loại rau cải và nước chấm, như ăn cá lóc nướng trui ở Việt Nam.

 


 

 

Hình 1. Cá nặng 3 kg sau khi làm sạch, dồn nửa ký thịt heo xay (mince) trộn đều với một chén đầy chickpea đã nấu chín, bún tàu khô (để hút nước), nấm mèo ngâm trước, ướp hành, gừng và gia vị thì vừa đầy bụng cá. Cột chặc bụng cho hổn hợp thịt dồn không bị xì và vết mổ ở bụng cá liền nhau khi ở nhiệt độ cao, phết dầu olive vào da cá rồi bọc chung quanh bởi giấy nhôm để không bị cháy. Muốn da cá vàng đẹp thì mở bỏ giấy nhôm khi cá sắp chín.

 

Reading, Phục sinh 2017

Trần Đăng Hồng & Kim-Thu