DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Nghiện ngập

7/2015

 


Trần Đăng Hồng, PhD


Phần I. Yếu tố di truyền

Alcohol abuse Stock Photo - 14080658

Con người có những thói quen trở thành đam mê, có thể tốt, có thể xấu hay rất xấu, như mê cải lương, xi nê, đọc một loại sách nào đó, cờ bạc, casino, v.v. Ngày nay con người có các đam mê mới có tính thời đại, như Face book, tán gẫu (chat) qua internet, game trên computer, điện thoại thông minh (smartphone). Nhu cầu thỏa mãn các đam mê này không đến nỗi khẩn cấp, có thì tốt, nếu không có thì chỉ nhơ nhớ một thời gian ngắn nào đó rồi vào quên lãng.

Trầm trọng hơn, trở thành một thói hư tật xấu, khó hay không thể cai bỏ được, trở thành “ghiền” rồi “nghiện” (addicted) như ăn trầu, uống cà phê, hút thuốc, uống rượu, đặc biệt là ma túy gồm thuốc phiện, cần sa và các loại “drug” tương tự. Nhu cầu thỏa mãn thói nghiện ngập này có tính cách vừa sinh lý (nôn nao, mệt mỏi, khó chịu..) vừa tâm lý (cau có, mất lý trí, ..) này có tính cách khẩn cấp, phải được thỏa mãn tức khắc, không có không được, và trở thành một căn bệnh, hội chứng nghiện ngập.

Ngày nay, không những xếp vào nghiện ngập là do dùng chất gây nên nghiện như rượu, thuốc lá, ma túy gồm thuốc phiện, cần sa và drugs tương tự khác, mà thói tật cờ bạc cũng được xếp vào danh sách nghiện ngập. Nam Hàn cũng đã xếp việc đam mê xử dụng Smart phone (điện thoại thông minh) vào danh sách này, đồng thời các nhà nghiên cứu về nghiện ngập cũng đang suy tính có nên xếp đam mê internet, shopping và tình dục vào danh sách nghiện ngập không.

Nghiện là sự lập lại liên tục của một hành vi bất chấp hậu quả xấu do sự rối loạn thần kinh để dẫn đến những hành vi như vậy. Nghiện ngập làm hư hỏng thể xác, tiền bạc, tâm trí và thanh danh của con người và gia đình họ, Các nhà khoa học đang tìm cách gỡ rối vô số nguyên nhân dẫn đến nghiện ngập và cách chữa trị. Trong bài này, tác giả đề cập đến hiện tượng trầm trọng do thuốc lá, rượu và ma túy.

 

YẾU TỐ GÂY NGHIỆN NGẬP

Yếu tố di truyền. Di truyền có ảnh hưởng vào việc nghiện ngập ở giai đoạn sau của cuộc đời, nhưng ảnh hưởng của gen chi phối nghiện ngập rất phức tạp. Thông thường cha mẹ nghiện rượu cũng thường có con cháu nghiện rượu, nhưng không hẳn hoàn toàn tuyệt đối như vậy. Từ mấy thập niên qua, các nhà khoa học cố tìm gen (hay nhiều gen) chi phối nghiện ngập, kể cả việc theo dõi việc phát sinh hội chứng nghiện sớm hay muộn trong cuộc đời người nghiện. Các nhà khoa học thất bại trong việc xác định yếu tố di truyền là một nguyên nhân chính của nghiện ngập, vì cho biết chỉ 10 – 20% người xử dụng thử rượu hay ma túy cho vui trở nên nghiện nặng, phần còn lại thì bỏ được thói hư tật xấu này.

 

Tuy nhiên, ngày nay nghiên cứu hệ di truyền và ngoại yếu tố làm biến đổi gen di truyền (epigenetics) đã làm sáng tỏ nguyên do đưa đến nghiện ngập, và bản tính nghiện ngập bẩm sinh (addictive personality) do di truyền chỉ là huyền thoại. Có rất nhiều yếu tố, gồm từ vết thương lòng đầu đời cho đến gen di truyền tạo các enzymes đều có ảnh hưởng tới nghiện ngập. TS Joni Rutter, Giám đốc Phân Khoa Thần Kinh học Cơ bản và Nghiên Cứu Hành vi (Division of Basic Neuroscience and Behavioral Research) của Học Viện Quốc Gia Hoa Kỳ về Lạm Dụng Ma Túy (US National Institute on Drug Abuse) ở Maryland cho biết chỉ khoảng 50% (40 – 60%) nghiện ngập là do yếu tố di truyền, cha truyền con nối.

Nghiện rượu được nghiên cứu nhiều nhất, vì rượu rất phổ quát ở mọi quốc gia, mọi văn hóa và mọi thời đại từ cổ chí kim. Theo TS George Koob, Giám đốc Học Viện Quốc gia Hoa kỳ về Lạm dụng rượu và Nghiện rượu ở Maryland thì con cái của người nghiện rượu có nguy cơ nghiện rượu 3-5 lần nhiều hơn trẻ con của gia đình không uống rượu, số xác xuất này không thay đổ dầu các con cái này được nuôi bởi cha mẹ nghiện ngập hay được làm con nuôi ở các gia đình bình thường không rượu chè. Yếu tố di truyền nghiện rượu, theo TS George Koob, chiếm khoảng 60%, phần còn lại là do ngoại yếu tố chi phối. Tuy biết có gen di truyền, nhưng tới nay vẫn chưa xác định được gen(s) nào, ở vị trí nào trên dây nhiễm thể chi phối hội chứng nghiện ngập.

Ma túy và rối loạn cá tính. Hậu quả của nghiện ngập là thay đổi tính tình và rối loạn tâm trí, thông thường là âu lo và rối loạn cá tính. Việc rối loạn cá tính của người nghiện ngập thường thấy nhất là bản chất chống đối xã hội (antisocial personality). Hành vi chống đối xã hội đều có ở người nghiện rượu (9%), và người nghiện ma túy (18%). Người bình thường cũng có hành vị chống đối xã hội, nhưng rất ít (4%). Như vậy, không phải người nghiện ngập đều có hành vi chống đối xã hội, mặc dầu đa số những người gây ra tội ác đều có dính líu với ma túy.

Yếu tố bốc đồng (impulse) cũng là một nguyên nhân đưa đến nghiện ngập, nhất là giới trẻ. Ảnh hưởng bởi môi trường chung quanh, như club, nội trú đại học, giới trẻ và giới nghệ sĩ có nhiều tiền bạc, danh vọng, thường nỗi cơn bốc đồng hút thử ma túy rồi trở nên nghiện ngập. Ngược lại, những người có mối ưu tư, lo âu thường trực tìm đến ma túy để quên lãng phiền muộn. Cách chửa trị nghiện ngập cho 2 giới có nguyên nhân khác nhau này cũng phải khác nhau.

 

Yếu tố sinh lý. Yếu tố di truyền quan trọng nhất là những gen chi phối tới biến dưỡng (metabolism). Các gen này mã hóa protein biến rượu thành acetaldehyde, rồi thành acetate. Acetaldehyde là một chất độc, tích tụ trong máu, và gen ALDH2 sinh ra acetaldehyde tạo cảm giác là việc uống rượu không còn thích thú nữa, gây cảm giác nóng và muốn nôn mửa. Thuốc cai nghiện rượu disulfiram cũng có cùng ảnh hưởng như vậy.

Các sắc dân Á Châu thường say xỉn hơn các sắc dân khác, vì đa số thiếu gen ALDH2. Một nghiên cứu năm 2006 gồm 4500 người gồm Tàu, Nhật, Đại Hàn và Thái được thử nghiệm gen liên quan đến biến dưỡng rượu thành acetaldehyde và acetate. Kết quả cho thấy ai có gen ALDH2 thì có cơ may phát triển thành nghiện rượu 9 lần ít hơn so với các gen khác. Tuy nhiên, ai có gen này cũng có thể thành nghiện nặng. Nghiên cứu ở Nhật vào thời gian 1979-1992, cho thấy ngay cả những người có gen này vẫn gia tăng nghiện ngập từ 2,5% lên 13% vì các giới kinh doanh Nhật có văn hóa uống rượu trong lúc giao tế và vì họ khó từ chối uống rượu nên trở thành nghiện rượu nặng.

Ngược với rượu, một gen CHRNA5 làm gia tăng gấp đôi nghiện nicotine của thuốc lá. Thoạt tiên, các nhà khoa học nghĩ rằng ai có gen CHRNA5 sẽ làm người nghiện thuốc sảng khoái hơn khi hút thuốc, và vì vậy nghiện thuốc nặng hơn người không có gen này. Tuy nhiên các nghiên cứu cho biết là các người có gen này khi mới tập tễnh hút thuốc lần đầu tiên đều có cảm giác khó chịu, buồn nôn. Nghiên cứu cho biết nghiện thuốc nặng làm hư não bộ ở phần habenula bằng cách làm hư tế bào thần kinh (neurons), người nghiện cảm thấy hút thuốc chưa đủ liều lượng để “phê” nên phải gia tăng việc hút thuốc, vì vậy càng nghiện nặng thêm.

Nghiện ngập và phát triển não bộ. Cơ chế kiểm soát sự phát huy của gen bằng cách kích hoạt gen từ trạng thái bất hoạt động (trạng thái ngủ) thành tái hoạt động cũng là yếu tố quan trọng trong việc phát triển hội chứng nghiện ngập. Các nhà khoa học thấy rằng cái cách mà nghiện ngập được phát triển là do não bộ như được “gắn lại dây thần kinh” bằng sự kích hoạt gen chi phối nghiện ngập tái hoạt động khi não bộ phát triển. Đó là lý do giải thích tại sao ở tuổi vị thành niên tiến tới trưởng thành là thời kỳ đễ bị tiêm nhiễm nghiện ngập nhất.

Một yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng tới nghiện ngập là vết thương lòng kinh qua ở thời trẻ tuổi. Vết thương lòng càng lớn thì nguy cơ nghiện ngập càng gia tăng. Nghiên cứu ở Thụy Điển gần đây cho thấy những ai bị mất cha mẹ ở thời niên thiếu, hay biết cha mẹ bị ung thư, hay cha mẹ thường hay lục đục gia đình, thường có khuynh hướng nghiện ngập gấp đôi so với trẻ thơ có đời sống tinh thần bình thường.

Thật vậy, trong bộ máy di truyền có một số gen liên kết với việc chuyên chở chất serotonin, chất này chi phối tánh tình, cảm giác hạnh phúc, cảm giác ăn ngon, ngủ ngon, an lạc tinh thần. Ngày nay các viện bào chế dược phẩm dùng serotonin để trị bệnh trầm cảm (depression). Bình thường các gen này không bị kích hoạt. Tuy nhiên, vì những vết thương lòng dai dẳng và nghiện ngập kích hoạt các gen này ngăn chận việc chuyên chở chất serotonin làm con người biến tính, trở nên trầm cảm, và để giải thoát tình trạng tinh thần này người nghiện phải xử dụng thêm chất gây nghiện và vì vậy càng trở nên nghiện ngập hơn.

Do đó, việc chửa trị cai nghiện phải tùy theo từng trường hợp, do nguyên nhân nào đưa đến nghiện ngập.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

Maia Szalavitz

. Genetics: No more addictive personality. Nature, 522, S48-S49 (25 June 2015).Volume:

 

Reading, 7/2015

 

Đọc tiếp Phần II kỳ tới