DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Sức khỏe và tuổi già - Phần 3

22/3/2017

SỨC KHỎE VÀ TUỔI GIÀ

Trần Đăng Hồng & Kim-Thu

Phần 3. Cuộc chiến với đường cao trong máu

 

Cách đây 3 tháng, tôi và Kim Thu lại bị “sốc” một lần nữa. Văn phòng bác sĩ gia đình điện thoại bảo tôi và Kim-Thu phải làm cuộc hẹn gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

Bác sĩ cảnh báo là cả hai chúng tôi có lượng đường trong máu đang tiến nhanh gần đến ngưỡng của bệnh tiểu đường loại 2 (Diabete type 2) của người cao niên.

Từ mấy tháng nay, trên đài truyền hình đều có cảnh báo cho dân chúng biết là cứ trong 3 người dân Anh ở mọi lứa tuổi thì có 1 người bị tiểu đường, và trong 3 người cao niên trên 60 tuổi thì có 2 người bệnh tiểu đường, và 95% những ai mập quá bình thường, mập phì và có bụng phệ thì đều mắc bệnh tiểu đường. Thống kê cho biết trong vòng 20 năm, từ 1996 đến 2016, bệnh tiểu đường tăng hơn gấp đôi, từ 1,6 triệu năm 1996 lên 3,4 triệu năm 2016.

Bác sĩ cho chúng tôi biết, lý do tại sao được mời đến để thảo luận phương pháp chận đứng không cho tiến đến bệnh tiểu đường. Phòng bệnh hơn trị bệnh. Đây là con số lượng đường HbA1c của hồng huyết cầu của tôi trong 5 năm qua:

18/7/2013:   46 mmol/mol

24/3/2014:   46 mmol/mol

25/6/2015:   51 mmol/mol

24/11/2015: 46 mmol/mol

7/7/2016:    48 mmol/mol

20/2/2017:  53 mmol/mol

Ngưỡng báo động của NHS (thuộc bộ Y Tế ở Anh) là 48 mmol/mol, và những ai có lượng đường HbA1c trong vòng 48 – 58 phải gặp bác sĩ để có những biện pháp thích ứng. Đó là:

1. Đo vòng bụng và BMI. Đo vòng bụng, chiều cao, trọng lượng để tính hệ số BMI (Body Mass Index) liên quan đến mập phì (obese) của cơ thể. Ai có

BMI < 18,5:  quá ốm yếu, không tốt

BMI =  18,5 – 25: trọng lượng tốt (Healthy weight)

BMI = 25 – 30: mập (overweight)

BMI > 30: mập phì (obese)

Công thức đo ở: http://www.nhs.uk/Tools/Pages/Healthyweightcalculator.aspx

Ở Việt Nam, thấy ai mập, có bụng phệ cho là phát tướng (tốt). Nhưng gần đây, thống kê y tế cho biết ai có BMI >30, hay vòng bụng >90 cm cho đàn ông, >80 cm cho đàn bà Á Đông là đang có nguy cơ của bịnh tiểu đường và tim.

Tôi có BMI = 24,3, và vòng bụng 87 cm, tức rất tốt.

2. Đo áp huyết. Bà y tá của phòng bác sĩ đo áp huyết của tôi tại chỗ. Nếu người không có độ đường cao, ngưỡng báo động là 140/90 mm Hg, nhưng với người cao niên có đường trong máu cao, ngưỡng báo động là 130/80 mm Hg. Phải kiểm soát dưới ngưỡng này, để chận đứng việc tiến dần đến bệnh tiểu đường loại hai. Kết quả, áp huyết chúng tôi ở dưới xa ngưỡng này.

3. Feet test. Ngay 2 ngày sau, tôi hẹn gặp bà y tá để thử nghiệm 2 bàn chân, để xem lượng dường cao có tai hại gì đến chân chưa. Bà làm nhiều thử nghiệm để biết xúc giác và hệ thần kinh ở 2 bàn chân còn tốt hay không, đo vận tốc máu lưu thông ở chân, và quan sát màu da chân, v.v. Tôi có kết quả tốt về thử nghiệm chân. Nếu có vấn đề, bác sĩ sẽ gởi bệnh nhân tới bác sĩ chuyên khoa về chân (consultant of podiatrist) ở nhà thương đa khoa Royal Berkshire hospital. Người bị tiểu đường nặng thì chân mất cảm giác, máu không lưu thống tới, làm tế bào chân chết, đưa đến hoại tử, phải cưa chân.

4. Eye Screening Test. Tôi được gởi đến bệnh viện chuyên về mắt cách nhà khoảng 20 km để thử nghiệm mắt. Tại đây, trước nhất họ thử mắt tương tự như ở các optician bán kính, đọc cách xa từ chữ lớn đến chữ nhỏ, thay đổi kính để khi nào nhìn thấy rõ nhất. Thứ nhì, quan trọng nhất là khám phá võng mạc có bị ứ máu hay không. Họ nhỏ vào 2 mắt một loại thuốc để làm con ngươi mở rộng, 30 phút sau họ chụp hình võng mạc ở mọi hướng. Các hình của 2 mắt sẽ được chuyên viên nghiên cứu xem ta có bị maculopathy (mắt mất dần thị giác), hay retinopathy (võng mạc ứ máu). Cả 2 triệu chứng đều đưa đến mù mắt. Nếu phát hiện sớm, hai chứng này có thể chữa trị được. Sau một tuần, tôi nhận được kết quả là mắt chúng tôi rất tốt, không có vấn đề gì.

5. Thử nghiệm Glucose Tolerance Test. Cũng trong vòng 10 ngày sau khi gặp bác sĩ, tôi được gởi đến bệnh viện đa khoa RBH ở Reading. Tôi phải nhịn đói 16 giờ, không được uống thuốc, hút thuốc, và chỉ được uống nước lã, không được tập thể dục hay làm việc nặng. Tại đây, họ lấy 2 lần máu, lần đầu với 2 ống máu 5 cc để phân tích trong phòng thí nghiệm, và để có kết quả tức khắc (không chính xác bằng) cho quyết định tiếp tục test glucose tolerance hay không, họ dùng máy đo máu chích lấy vết máu ở đầu ngón tay. Kết quả là serum fasting glucose của tôi là 6 mmol/L (trên 6 mmol/L mới bị bệnh tiền-tiểu-đường prediabetic). Nếu ai có lượng đường > 8 mmol/L, họ phải tham vấn bác sĩ chuyên khoa để quyết định. Vì máu tôi có lượng đường còn thấp, họ cho tôi uống 2 ly nước chứa glucose định chuẩn, và bắt tôi ngồi chờ, không được hút thuốc, chỉ được uống tí nước nếu khát. Hai giờ sau, họ gọi vào lấy thêm 2 ống nghiệm 5 cc máu để thử trong phòng thí nghiệm.

Ba ngày sau, bác sĩ gia đình phone tôi đến để biết kết quả. Bà in cho tôi 2 trang giấy A4 thấy hàng mấy chục kết quả thử nghiệm máu, mọi thứ đều tốt, ngoại trừ:

-         Trước khi uống glucose, lượng serum fasting glucose là 6 mmol/L, sau 2 giờ lượng đường là 14 mmol/L (quá cao).

-         Lượng đường HbA1c vẫn 48 mmol/mol (trước và sau uống glucose).

Bác sĩ cho biết là vì tuổi cao, tụy tạng (pancreas) không sản xuất đủ insulin, hay insulin không còn hữu hiệu để chuyển đường trong máu dư thừa vào tế bào. Bác sĩ bảo là chưa cần cho thuốc để hạ đường bây giờ, và cho tôi cơ hội trong 3 tháng để tập luyện hạ lượng đường trong máu bằng các biện pháp thể dục và chế độ dinh dưỡng, với lối sống lành mạnh. Nếu sau 3 tháng mà lượng đường tiếp tục tăng mới cho uống thuốc.

6. “Học tập cải tạo”. Để am hiểu tường tận những biện pháp tập luyện để giảm lượng đường trong máu, bác sĩ liên lạc với cơ quan The X-PERT Diabetes Programme để gởi tôi đến đó. Một tuần sau, tôi nhận được thư của cơ quan này báo cho biết là tôi và Kim-Thu đã được chấp thuận để đi “học tập cải tạo” về biện pháp hạ đường máu vào cuối tháng 4/2017 này. Theo chương trình, chúng tôi sẽ học tập trong 6 tuần lễ, mỗi tuần 3 giờ. Mỗi tuần là một đề tài do chuyên gia giảng và thảo luận cùng học viên.

Tuần 1. Bịnh tiểu đường, khái niệm và cách ngăn ngừa và chửa trị

Tuần 2. Kiểm soát trọng lượng thân thể và các biện pháp

Tuần 3. Cảnh báo về thực phẩm chứa tinh bột

Tuần 4. Chế độ ăn uống ngăn ngừa và chửa trị bệnh tiểu đường

Tuần 5. Hiểm họa bịnh tiểu đường và biện pháp ngăn ngừa

Tuần 6. Thi trắc nghiệm “học tập cải tao”, thảo luận.

 

Sau khi được bác sĩ cảnh báo, tôi mua ngay một máy đo glucose trong máu, với 2 bộ kim, một cho tôi và một cho Kim-Thu (tránh xử dụng chung). Đồng thời, chúng tôi tăng cường tập thể dục, và áp dụng một chế độ ăn uống mới thích hợp cho người cao đường.

Nhờ quyết tâm, cả hai chúng tôi đã kiểm soát được lượng đường trong máu (của tôi hiện nay là 5,2 mmol/L) dưới xa ngưỡng báo động là 6,1 mmol/L

Chúng tôi ăn uống và tăng cường tập thể dục như thế nào mà được kết quả tốt như vậy trong vòng chưa đầy 3 tháng? Mời đọc tiếp Phần 4.

Mục tiếu chiến đấu của chúng tôi là phải < 5 mmol/L để trở lại có độ đường bình thường như thời còn trẻ.

Reading, Vương quốc Anh, 22/3/2017

 

Mời đọc Phần 4. NGĂN NGỪA BỆNH TIỂU ĐƯỜNG QUA CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG