DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Tình thương của ông ngọai

TÌNH THƯƠNG CỦA ÔNG NGOẠI
Nguyễn Thị Kim-Thu
 
Thông thường, người ta nhớ nhiều kỷ niệm ngọt ngào khó quên về quê ngoại và vinh danh bà ngoại vì những chăm sóc đầy tình thương yêu của bà. Tuy nhiên, tôi muốn vinh danh ở đây “GrandPa” - Ông Ngoại – vì những chăm sóc tuyệt vời của ông đối với con gái và hai cháu ngoại.
Mỹ-Anh khi sinh ra thì anh Hồng đang du học ở Anh. Tiếp theo là những năm xa cách đầy bi thương do biến cố Tháng Tư 1975, mãi đến bốn năm sau vợ chồng, cha con mới đoàn tụ tại Anh. Vì không được tận tay chăm sóc con gái khi mới sanh ra như đã từng dành cho sự ra đời của đứa con trai đầu lòng, anh đã dành tất cả tình thương cho con gái và cho các cháu ngoại để đền bù lại. Anh thường tâm sự với tôi như vậy.
Anh vừa về hưu khi Mỹ-Anh có chồng, và vì vậy anh dành toàn thời giờ chăm sóc gia đình, cho con trai, và đặc biệt cho con gái khi biết tin cháu mang thai. Đêm cháu Mỹ-Anh vào nhà bảo sanh, anh không ngủ được, thấp thỏm chờ điện thoại của rễ báo tin. Anh hồi hợp lo lắng đợi chờ, mặc dầu vẫn biết con rễ, cũng là một bác sĩ, đứng bên cạnh Mỹ-Anh suốt thời gian chuyển bụng, cùng các cô mụ và bác sĩ đỡ đẻ vốn quen biết. Mãi tới sáng, nghe tiếng điện thoại reo vang, anh vội chụp lấy thì nghe tiếng con gái “Ba ơi, con đẻ rồi, bình an, đứa bé trai dễ thương lắm”.
Bắt đầu từ ngày đó cho đến nay, đã gần mười năm liên tục, ngoại trừ ngày cuối tuần, ngày nào anh cũng ở bên cạnh và chăm sóc cháu.
Trong hai lần sanh con, lần nào Mỹ-Anh cũng lấy phép nghỉ hộ sản (maternity leave) 12 tháng, được hưởng trọn lương trong 2 tháng đầu, một nửa lương trong 4 tháng tiếp theo, 3 tháng sau thì hưởng trợ cấp hộ sản của chính phủ như mọi người mẹ khác, 3 tháng sau cùng thì không có lương hay trợ cấp. Sau 12 tháng, cháu nhỏ được đưa vào nhà trẻ (nursery) và mẹ mới đi làm lại.
Trong suốt thời gian 12 tháng đầu, ngày nào anh cũng lái xe đến nhà Mỹ-Anh ở Sonning, cách nhà chúng tôi khoảng 12 km, và ở đó cho tới xế chiều. Với hai cháu ngoại, tôi có nhiệm vụ chính là cung cấp thức ăn hàng ngày thật bổ dưỡng cho con có thật nhiều sữa tốt trong suốt thời gian 6 tháng đầu. Vào tháng thứ 7, mới dứt bú sữa mẹ, mà thay thế bằng sữa bò và thức ăn. Mỗi sáng sớm, khi tôi còn đi làm, anh lái xe mang thức ăn tôi nấu đặc biệt đến nhà để chăm sóc con và cháu ngoại. Anh giúp con gái mọi chuyện trong nhà, từ chuyện thay tả, ru cháu ngủ, đẩy xe cháu đi dạo chơi, v.v. Anh có biệt tài ru cháu ngủ. Có khi ngay cả mẹ Mỹ Anh hay ba cháu cũng không dỗ cháu ngủ được, cháu cứ khóc, nhưng khi chuyển qua ông ngoại thì chỉ ít phút sau cháu nín khóc và ngủ trên tay hay trên vai ông ngoại. Bí quyết của ông ngoại là dùng hai bàn tay nâng niu, đong đưa qua lại như chiếc võng và miệng hát u ơ bài Bến Xuân của Văn Cao. Có lẽ, cháu đã nhập tâm quen thuộc với phát âm u ơ của tiếng chim trong bài hát nên cháu an tâm ngủ thật ngon lành. Vì vậy, cũng chỉ hát vài câu nhớ lõm bõm của bài ca này mà cả hai cháu Adam và Sammy được ông ngoại ru ngủ hàng ngày suốt thời gian thơ ấu.
Sau 12 tháng, mẹ Mỹ-Anh trở lại làm việc ở London. Thế là từ 5:30 giờ sáng ông bà ngoại lái xe đến nhà chăm sóc cho ba mẹ cháu rời khỏi nhà lúc 6 giờ sáng để đi làm xa. Thế là ông bà ngoại chờ cho cháu ngủ tới 7:30 giờ sáng, thay tả, thay quần áo, cho bú sữa hay ăn sáng, rồi 8:30 giờ chở cháu đến nhà trẻ ở Sonning. Sau đó mới trở về nhà và bà ngoại đi làm. Buổi chiều thì ba mẹ đón cháu về nhà.
Cháu Sammy được sanh ra sau khi vợ chồng Mỹ-Anh đã dọn về nhà mới (hiện nay), chỉ cách nhà chúng tôi 5 phút lái xe, và tôi bắt đầu nghĩ hưu. Cũng y như cháu Adam, trong 6 tháng đầu, tôi phụ trách cho Mỹ Anh ăn uống bỗ dưỡng, anh Hồng ru ngủ cháu Sammy, y như cháu Adam, cũng với vài câu u ơ chim hót của Bến Xuân, đồng thời chúng tôi tiếp tục đưa cháu Adam đến nhà trẻ ở Sonning, bấy giờ cách xa nhà cũng 12 km.
Khi Sammy được 12 tháng, mẹ Mỹ Anh đi làm lại, cũng từ 5:40 sáng chúng tôi có mặt ở nhà Mỹ Anh để ba mẹ cháu đi làm lúc 6 giờ sáng. Ông bà ngoại tiếp tục chăm sóc, thay tả, thay quần áo, cho ăn sáng rồi chở hai cháu đến nhà trẻ ở Sonning, lúc đó Adam 4 tuổi và Sammy 1 tuổi.
Khi Adam được 5 tuổi thì vào học trường Crosfields, cách nhà chúng tôi 10 km, và để tiện đường, Sammy được chuyển về nhà trẻ ở trên đường đưa Adam đến trường. Rồi thời gian từ từ trôi qua, các cháu dần dần khôn lớn, song song với việc hàng ngày đưa đón cháu đi học, tình ông cháu càng ngày càng khắng khít. Lúc nhỏ, vừa mới biết nói, đầu tiên cháu gọi ông ngoại bằng Papa, sau đổi thành GrandPa, nhưng vẫn gọi nhà ông bà ngoại là Papa’s house một cách thân thương. Trên đường đến trường, mất khoảng 30 phút lái xe, cháu kể cho ông bà nghe chuyện ở trường, chuyện đi chơi cuối tuần cùng ba mẹ, v.v. Ông ngoại thì xen vào bằng những câu chuyện có mục tiêu giáo dục, khoa học và văn hóa Việt Nam. Khi ở nhà Papa’s house thì ông ngoại dẫn đi chơi trong cánh đồng hay cánh rừng sau nhà, dẫn đến các sân chơi nhi đồng trong xóm, cùng đá banh v.v. Vì vậy, các cháu rất mừng mỗi khi đến Papa’s house.
Tóm lại, trong gần 10 năm qua, ngoại trừ ngày cuối tuần, gần như ngày nào ông bà ngoại cũng đều gặp và chăm sóc các cháu. Ngày nào không gặp thì nhớ cháu rất nhiều. Đúng như người xưa đã nói “Thương con một táo, thương cháu một giạ” (Cước chú: 1 giạ bằng 2 táo).
Cả một đời hy sinh cho vợ con gây nên sự nghiệp, về già ông ngoại vẫn tiếp tục sống cho con cháu không một phút ngơi nghỉ. Đó là hạnh phúc thật sự của anh.
Một ngày nào đó, khi ông ngoại đi du lịch ở một hành tinh khác – cháu Sammy nhiều lần nói là sau khi chết, linh hồn sẽ đi du lịch ở một planet khác - nhìn lại những tấm ảnh đầy tình thương của GrandPa ru cháu ngủ, các cháu tôi sẽ khắc ghi công ơn ông bà ngoại lắm.


Reading, 10/2017.
Nguyễn Thị Kim-Thu


Hình 1. Với cháu Adam bồng trên tay



Hình 2. Cháu Adam ngủ trên vai ngọaị



Hình 3. Cháu Adam ngủ trên bụng ngọai




Hình 4. Cháu Adam ngủ trên đùi ông ngọai



Hình 5. Ông ngoại chơi với Adam



Hình 6. Với cháu Adam



Hình 7. Ông ngoại ru Sammy ngủ trên cánh tay



Hình 8. Sammy trong vòng tay ông ngoại



Hình 9. Tập Adam đá banh lúc 3 tuổi



Hình 10. Mỗi sáng ông ngoại dẫn cháu đi học



Hình 11. Và bây giờ (2024) ông ngoại vẫn lái xe đưa cháu đến trường, Adam gần 16 tuổi, Sammy 13 tuổi.