DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Có ma hay không? Phần 1

10/3/2024

 
CÓ MA HAY KHÔNG?
Trần-Đăng Hồng, PhD


Phần 1. Có ma hay không?
 
Thời còn con nít, ai cũng sợ ma. Càng sợ thì càng thích nghe chuyện ma. Trùm mền, anh chị em ôm nhau lắng nghe kể chuyện ma, không ai dám bước ra khỏi giường nằm, không dám ra khỏi nhà lúc ban đêm.

Theo tin tưởng của mọi người, ban ngày – cỏi dương - dành cho người sống, nhưng ban đêm, sau lúc mặt trời lặn, thì dành cho cỏi âm, của thế giới âm phủ, cho các loại ma, quỷ từ cỏi khác trở về dương gian, và sẽ rời thế gian trước khi mặt trời mọc.

Ban đêm là thời gian các loại ma, quỷ trở lại trần thế.

Đức tin cho rằng con người có linh hồn sau khi chết, cũng như có ma quỷ, rất phổ biến ở mọi xã hội, mọi văn hóa trên toàn cầu, ở mọi giai tầng xả hội, từ thuở sơ khai cho tới hiện đại ngày nay. Tôn giáo cũng có lể nghi khi có người chết, lúc tẩng liệm, có tôn giáo có thầy pháp (pháp sư, exorcist) gọi hồn người chết, cầu cơ, các thầy phù thủy, thầy mo, v.v. Ma, quỷ thường được mô tả đơn độc, có hình ảnh lờ mờ dạng người.

Cũng có người tin là còn có ma thú vật, như ma chó, ma trâu bò, v.v.

Ở các nước Á Đông, và Việt Nam thì có rất nhiều loại ma:

Ma xó: là ma nuôi trong nhà, thường ở các góc khuất như cạnh cửa, dưới gian thờ, góc nhà… Ma xó vốn có nguồn gốc từ những người lang thang, phiêu dạt rồi chết đường chết chợ, không được ai thờ cúng. Nhà nào thu nhận thờ cúng các vong hồn này được coi là việc hành thiện, ma sẽ bảo hộ cho gia đình.

Ma đói (ngạ quỷ): là những linh hồn không nơi nương tựa, không người thờ cúng hoặc chết vì đói khát bệnh tật. Vì không được bất cứ cõi nào dung nạp, không được cúng kiếng nên lang thang vô định, chịu đói khát. Ma này có thể chọc phá, nhát người, để người sợ phải cúng kiếng.

Ma giấu: Trời trưa nắng, ai đang lang thang nơi bụi bờ hoang vắng thì bị ma này giấu trong bụi rậm, cho ăn cứt bò mà tưởng là bánh ngọt. Khi được người nhà tìm ra, thì người bị ma giấu như người mất trí, khờ khạo. Ma giấu chỉ được tường trình ở Miền Trung, nơi có gió Lào nóng khắc nghiệt.

Ma trành: Là những người bị cọp ăn, hồn không siêu thoát được, biến thành nô lệ, nghe theo sự điều khiển của cọp. Ma trành có thể hóa thành em bé, ông cụ, cô gái đẹp đứng trong rừng để dụ dỗ thêm nhiều con mồi cho cọp ăn, thế mạng mới siêu thoát được. Tiểu thuyết “Ai hát giữa rừng khuya” của Tchya mô tả về loại ma trành này.

Ma da: là linh hồn người chết đuối, không siêu thoát được, phải ở lại dưới đáy sông lạnh lẽo. Muốn được siêu thoát, ma da phải tìm cách kéo người khác xuống nước dìm chết để thay thế mình.

Ma lai rút ruột: là hồn ma nữ xuất hiện về đêm trong văn hóa dân gian Đông Nam Á, ở vùng cao nguyên Việt Nam với các sắc dân người Thượng.  Ma lai thường xuất hiện với hình ảnh không có cơ thể, chỉ có đầu của một người phụ nữ và phần khí quản nối xuống nội tạng gồm tim và dạ dày lủng lẳng ở dưới. Ma lai di chuyển bằng cách bay lơ lửng rên mặt đất. Vào ban đêm tối trời hay trăng khuyết, ma đi ăn, món thích nhất là phân người, và người bị ma lai ăn phân sẽ bị bệnh nặng, có thể chết. Nạn nhân phải nhờ đến các thầy pháp làm phép trừ tà ma.  Ma lai rút ruột được tường trình ở các sắc dân thiểu số ở Tây Nguyên, nơi sinh sống thiếu vệ sinh và chứng bịnh tiêu chảy thường đưa đến chết người vì không có thuốc điều trị.

Ngoài ra còn vô số loài ma khác, tùy theo vùng, miền địa phương và văn hóa tập tục riêng.

Các loại ma nói trên chỉ là đức tin mà thôi, trong nền văn hóa thờ đa thần, thờ bất cứ cái gì có vẻ linh thiên, từ cây đa cổ thụ, tới oan hồn vất vưởn, v.v.
 
Có ma hay không có ma?
Có người tin có ma, có người không tin là có. Người tin có ma thì vẫn chưa đưa ra bằng chứng cụ thể. Chỉ suy đoán như “Đi đêm thì ắt gặp ma”. Người yếu bóng vía thì ban đêm thường gặp ma, chẳng hạn thấy cành lá rung vì gió, nghe tiếng gió hú, tiếng chim cú ban đêm, thì đều cho là ma nhác.

Người không tin, thì ráng chứng minh bằng khoa học để xác nhận là không có ma. Họ xử dụng cameras điều khiển từ xa, dùng radar theo dỏi hình ảnh chung quanh ngôi nhà có ma, v.v.

Chẳng hạn, trong căn nhà ma, tiếng động gây ra chính là hình ảnh chuột chạy, dơi bay ghi trong camera, v.v. Vì vậy họ kết luận là không có ma.

Theo một nghiên cứu năm 2009 do cơ quan Pew Research Center ở Mỹ thực hiện thì có 18% người Mỹ công nhận là họ đã thấy ma.

Tuy nhiên, các nhà khoa học đều đồng ý một cách không chối cải là không có bằng chứng nào cho thấy có ma. Bất chấp nhiều thế kỷ điều tra, không có bằng chứng khoa học nào cho thấy linh hồn người chết hiện diện ở bất kỳ nơi nào (Wikipedia).

Ở vùng Đông Nam Á, các pháp sư thường dùng bùa ngải để con cháu nói chuyện với ông bà cha mẹ đã chết từ lâu. Loại ngải thường dùng là cà độc dược (Datura, họ Solanaceae) hay hyoscyamus niger (họ Solanaceae). Các pháp sư biến chế từ các loại trái độc tính này thành thức uống gây mê, tạo tâm linh như ảo giác, hay cảm giác bay bổng được trong không gian.

Các pháp sư (thầy pháp, exorcist) xử dụng các độc tính tạo ảo giác này để chiêu hồn người chết về nói chuyện qua người vừa uống độc dược này. Các độc tính của hai loại thảo mộc này có liên quan đến bịnh lú lẫn (dementia) và thoái hóa hệ thần kinh.

Các nghiên cứu mới đây cho biết các bệnh nhân Alzheimer’s disease thường thấy ma.

Đối với những bệnh nhân mất ngủ (insomnia), uống thuốc trợ ngủ như Zolpidem và diphenhydramine cũng tạo ảo giác thấy ma.


TÀI LIỆU CHÍNH
Wikipedia. Ghost. https://en.wikipedia.org/wiki/Ghost#:~:text=The%20over

whelming%20consensus%20of%20science,the%20spirits%20of%20the%20dead
.
 
Reading, 10/3/2024