DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Yếu tố môi trường gây ung thư

19/12/2015

YẾU TỐ MÔI TRƯỜNG GÂY UNG THƯ

Trần Đăng Hồng, PhD

Tế bào một loại ung thư

Hình 1. Tế bào ung thư phát triển

Từ lâu, các nhà khoa học nhận thấy là có một số mô tế bào có khuynh hướng ung thư hàng triệu lần nhiều hơn mô tế bào khác nhưng không giải thích được. Ngoài ra, nhiều người đã cảm nhận từ lâu là có sự liên hệ giữa môi trường sống và bệnh ung thư nhưng chưa có nghiên cứu tầm cỡ để biết ảnh hưởng như thế nào.

Ung thư là do đột biến (mutation) DNA của tế bào, làm tế bào tăng trưởng và sinh sản hổn loạn không kiểm soát được, thay vì tăng trưởng một cách trật tự bình thường. Nhưng sự phát triển ung thư rất phức tạp, cần phải nghiên cứu sâu xa yếu tố nội tại (intrinsic factors) và yếu tố ngoại tại (extrinsic factors) gây ra các loại ung thư.

Trước đây, vào đầu năm 2015 nhóm nghiên cứu của Trường Y Khoa thuộc Johns Hopkins University do Tomasetti và Vogelstein (2015) tường trình trên tạp chí Science ngày 2/1/2015 cho biết khoảng 1/3 trường hợp ung thư là do ảnh hưởng của môi trường. Theo các nhà nghiên cứu này thì đó là do “thiếu may mắn” (bad luck), nghĩa là do đột biến ngẫu nhiên có tính cách may rủi trên DNA lúc phân bào của các tế bào gốc bình thường, nghĩa là tế bào gốc không ung thư (noncancerous stem cells).

Nhiều nhà nghiên cứu không thừa nhận yếu tố “thiếu may mắn” hay “đột biến ngẫu nhiên” mà phải tìm nguyên nhân chính xác hơn. Trong số này có nhóm nghiên cứu ở Trung Tâm Nghiên Cứu Ung Thư thuộc đại học Stony Brook University ở New York do GS Yusuf Hannun lãnh đạo, vừa công bố kết quả trên tạp chí khoa học Nature ngày 16/12/2015 nói lên tầm quan trọng của môi trường gây nhiều loại bệnh ung thư.

Nhóm nghiên cứu phối hợp với phân khoa thống kê và bệnh lý học và đưa ra bốn cách tiếp cận để định giá nguy cơ ung thư. Với cả 4 phương pháp tiếp cận, nhóm nghiên cứu khám phá rằng chỉ 10 tới 30% là do yếu tố nội tại cố hữu trong bộ di truyền, phần còn lại 70 -90% là do yếu tố ngoại tại tức môi trường.

Thứ nhất, các nhà nghiên cứu khảo sát nguy cơ ngoại tại lên sản xuất mô tế bào, bằng cách khảo sát lại sự tương quan định lượng giữa nguy cơ ung thư trong một đời người (như ung thư phổi, ung thư tụy tạng, ung thư đại trực tràng, v.v.) với phân bào của mô tế bào gốc bình thường ở các nhóm trong nghiên cứu của Tomasetti và Vogelstein (2015) nói trên. Nếu yếu tố nội tại giữ vai trò chánh thì mô tế bào gốc khi phân bào vẫn giữ tính chất tương tự trong suốt đời, trường hợp này thấy ít xảy ra, nguy cơ ung thư chỉ chiếm 10% do yếu tố nội tại di truyền. Cơ sở cách tiếp cận này được củng cố khi nghiên cứu thấy các di dân từ một đất nước có tỉ lệ ung thư thấp đến cư trú ở nước có tỉ số dân bị ung thư cao thì các di dân này có nguy cơ ung thư cao.

Thứ nhì, các nhà nghiên cứu còn dùng toán học để khảo sát và phân tích dấu hiệu đột biến trong ung thư, coi như là “dấu chỉ tay” trong hệ di truyền ung thư còn lưu lại bởi các diễn trình đột biến. Họ khám phá khoảng 30 dấu hiệu đột biến. Phân tích và phân loại các nhóm dấu hiệu này xem bị yếu tố nội tại hay ngoại tại ảnh hường đến. Họ nhận thấy có rất ít loại ung thư có nguy cơ do yếu tố nội tại quá 50%, đa số các ung thư khác như đại trực tràng, phổi, bọng đái, tuyến giáp trạng là do yếu tố ngoại tại tức môi trường.

Thứ ba, họ cũng dùng phương pháp phân tích SEER (Surveillance, Epidemiology and End Result Program) cho thấy nhiều loại ung thư đang trên đà gia tăng với tử số cao đều là do môi trường gây ra.

Cuối cùng, dùng mô hình máy vi tính (computational modeling) để mổ xẻ vấn đề xem yếu tố nội tại và ngoại tại mỗi thứ đóng góp bao nhiêu trong nguy cơ gây ung thư, dựa vào các đột biến đã khảo sát gây ung thư do yếu nội tại. Họ khám phá rằng nếu ung thư đòi hỏi 3 đột biến hay nhiều hơn mới có triệu chứng bột phát bệnh, thì các đột biến do yếu tố nội tại đóng góp rất ít.

 

Hình 2: Sơ đồ diễn trình yếu tố nội tại và yếu tố ngoại tại vào nguy cơ ung thư qua phân bào tế bào gốc.

 

Các khám phá mới của nhóm nghiên cứu đại học Stony Brook University nói lên tầm quan trọng của môi trường gây ung thư để giúp ngăn ngừa và chửa trị ung thư hiệu quả hơn.

Ung thư là một chứng bệnh thời đại của xã hội ở nước phát triển cũng như kém phát triển. Ung thư càng ngày càng gia tăng vì dân số và lão hóa cùng gia tăng, đồng thời gia tăng nghiện ngập hút thuốc, mập phì, ít vận động cơ thể, tiếp cận với môi trường sống đầy chất độc. Theo cơ quan GLOBOCAN ước tính có khoảng 14,1 triệu người có triệu chứng ung thư và khoảng 8,2 triệu người chết do ung thư năm 2012 trên thế giới. Trong các năm qua, ung thư lan đến các nước kém phát triển, chiếm 57% số trường hợp bệnh và 65% tử vong trên tổng số người chết do ung thư trên toàn cầu.

Ung thư phổi dẫn đầu tử vong trong nam giới ở các nước phát triển và kém phát triển.

Kế tiếp là ung thư vú ở phái nữ tại các nước phát triển. Ở các nước kém phát triển ung thư vú cũng rất phổ biến và trên đà gia tăng.

Ở các nước phát triển, các bệnh ung gây tử vong nhiều là đại trực tràng ở cả nam lẫn nữ giới, và ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới. Ở các nước kém phát triển ung thư gan và dạ dày gây tử vong nhiều nhất ở nam giới, còn ung thư tử cung ở nữ giới.

Mặc dầu số lượng ca ung thư ở các nước phát triển gấp đôi các nước kém phát triển nhưng tử vong chỉ cao hơn 8-15% so với các nước kém phát triển. Sự khác biệt số lượng ca ung thư và tử vong giữa các nước phát triển và kém phát triển là do khác biệt loại ung thư do môi trường khác biệt và do khám phá bệnh sớm hay muộn để chửa trị.

Yếu tố nguy hại gây ung thư tử vong gồm thuốc lá (ung thư phổi, đại trực tràng, bao tử, gan), béo phì và cơ thể thiếu hoạt động (ung thư vú, đại trực tràng), nhiễm trùng (gan, bao tử, tử cung).

Thuốc lá
Hinh 3. Hút thuốc và béo phì là nguyên nhân tử vong của nhiều loại ung thư

Có rất nhiều loại ung thư và tử vong có thể ngăn ngừa như kiểm soát hút thuốc, chích ngừa, và khám phá sớm để chửa trị.

Tại Việt Nam, năm 2010 cả nước có từ 240.000 – 250.000 người mắc bệnh ung thư. Trong đó, chủ yếu là ung thư phổi, dạ dày, đại tràng, ung thư gan, ung thư vú và cổ tử cung. Cũng báo cáo này, Hà Nội và Sài Gòn có tỷ lệ người mắc bệnh ung thư vú cao nhất với tỷ lệ 30/100.000 người tại Hà Nội và 20/100.000 người tại Sài Gòn (năm 2010).

Ung thư vú hiện đang trở thành loại bệnh thường gặp nhất ở nữ giới và được dự báo có xu hướng tiếp tục tăng. Lý do là mỗi ngày họ phải sử dụng những chiếc áo ngực Trung Quốc có chứa đủ thứ hóa chất gây bệnh mà không hề hay biết.

Mỗi năm, số bệnh nhân mới mắc ung thư ở Việt Nam là 150.000 người, trong đó có 75.000 người tử vong, con số này có xu hướng tăng trong những năm tới. Việt Nam là nước có bệnh nhân ung thư nhiều nhất trên thế giới. Theo kết quả khảo sát năm 2011, tỷ lệ tử vong do ung thư dạ dày tại Việt Nam cao gấp 5 lần so với Lào, Philipines, Thái Lan và các nước trong khu vực.

Nguyên nhân gây bệnh thì có nhiều, song chủ yếu là do nguồn nước ô nhiễm và nguồn thực phẩm có chứa chất bảo quản độc hại (Tin mới, 3/5/2013).

 

TÀI LIỆU CHÁNH

1. Tomasetti, C. & Vogelstein, B. (2/1/2015). Variation in cancer risk among tissues can be explained by the number of stem cell divisions. Science 347, 78–81 (2015)

2. Song Wu, Scott Powers, Wei Zhu & Yusuf A. Hannun (16/12/2015). Substantial contribution of extrinsic risk factors to cancer development. Nature, 2015; DOI: 10.1038/nature16166

3. Science Daily (16/12/2015). Environment, behavior contribute to some 80 percent of cancers, study reveals. http://www.sciencedaily.com/releases/2015/12/151216144831.htm

4. Tin mới (3/5/2013). http://www.tinmoi.vn/ly-do-benh-nhan-ung-thu-o-viet-nam-nhieu-nhat-the-gioi-011262887.html.

 

Reading 19/12/2015

Trần Đăng Hồng, PhD