DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Những ngày thơ ấu - Phần 3 - Anh Năm Lộc

12/12/2023
HỒI KÝ NHỮNG NGÀY THƠ ẤU
Phần 3. ANH NĂM LỘC
Má tôi thường la hai anh em tôi: “Trời nắng chang chang như vầy mà không ở trong nhà, cứ chạy sồng sộc ngoài đường”. Đúng vậy, anh Năm Lộc rất năng động, chỉ trừ khi trời mưa lớn hay giông bão anh mới chịu ở trong nhà. Lúc nào anh cũng ở ngoài vườn, ngoài đường, hay ngoài đồng. Anh có rất nhiều biệt tài, mà biệt tài rất thực tiễn, theo anh là có ăn, hay rất vui. Tôi là kẻ bất tài, nên chỉ theo anh để được “ăn theo”.
Lúc nào anh cũng kè kè cái ná cao su bắn đạn đất sét viên tròn, bên kia là một bọc túi vãi chứa đạn bi đất sét. Tôi thường giúp anh viên tròn cục đất sét lấy từ ruộng, vo tròn thành cục bi, rồi đem phơi nắng. Anh bắn rất chính xác, ít khi bắn hụt.
Trước nhà tôi có cây xoài tượng rất cao, trái chín rất ngon nhưng ít trái, mà lại rất cao, lồng hái trái không với tới, nên thường để chim, két ăn một phần trái rồi rụng xuống đất. Nhưng với tài bắn ná của anh, chúng tôi ăn xoài chín ngon lành, bắn rớt cả chùm, tuy khi rụng xuống đất trái bị bầm dập nhiều.
Tài bắn chim của anh thì tuyệt. Không phải loại chim nào anh cũng bắn. Nhà tôi có rất nhiều chim se sẻ, chim mía hay chim dòng dọc, nhưng anh không bao giờ bắn, vì thịt nó tanh. Anh chỉ bắn chim quành quạch, chóc mào, nhất là chim cu, vì các chim này sau khi đốt sạch lông, mỗ bụng bỏ ruột, xát muối ớt, rồi đem nướng trên lửa than thì ăn ngon tuyệt.
Tôi thường theo anh lên Miễu để bắn chim. Tại ngã ba Miễu, có một cây Da (cây đa) rất cao, nhưng có cành gần sát đầu người lớn. Vào mùa hè cây da này có trái chín đỏ, ăn rất ngọt, nên lũ chim rừng cả vài trăm con bay đến ăn, các loại chim nhỏ ăn ở cành thấp, các loại chim lớn như chim cao-các ăn ở tầng rất cao. Đây là thời điểm anh Năm trổ tài bắn chim. Ngày nào anh em tôi cũng có món chim nướng xát muối ớt.
Ngoài chuyện bắn chim, anh còn có tài bẩy chim. Vườn nhà tôi rất lớn, đủ loại trái cây, nhất là chuối. Chim chóc mào thường đến ăn chuối chín mùi trên cây, và nhất là ăn ớt chín, ớt mọc hoang trong vườn nhà tôi rất nhiều. Thế là anh Năm, chặt tre, vót thành cái bẩy sập, treo lủng lẳng gần các bụi ớt.
Ngoài tài bắn ná, bẩy chim, anh có tài câu cá: Câu cặm và cần câu có phao. Anh dùng tre, với sự phụ trợ của tôi, anh vót cả vài chục cần câu cặm. Về dây nhợ, anh dùng thân cây lá gai (Má dùng lá gai nấu bánh ít). Chặt thân cây, bóc lấy vỏ xanh bên ngoài, rồi dùng mẻ sành cạo hết phần vỏ, chỉ còn lại sợi dây gai, trắng và rất chắc. Lưỡi câu thì mua ở chợ. Mồi cá thì đào trùn trong vườn chuối. Trùn than, dài và lớn, cá trầu (Miền Nam gọi cá lóc) thích ăn loại trùn này. Tôi theo anh, cầm cần câu cặm hay mồi trùn, ra đồng. Anh chọn những đám ruộng nào có lúa đã khá lớn, nước sâu. Thế là cứ khoảng 15m anh dùng tay khuấy cho nước đục, rồi cậm một cần câu. Anh bảo khuấy nước như vậy để cá ở giữa ruộng biết là có mồi ăn ở bờ ruộng. Sau khoảng 1 giờ, anh xách cái đụt chứa cá đi dọc theo bờ ruộng. Nhiều khi anh bắt rất nhiều cá trầu, từ cá trầu chón (cá nhỏ bằng ngón chân cái), cho đến cá trầu lớn bằng nắm tay. Thường thì không có cá trê, hình như cá trê không ở trong ruộng thì phải, mà chỉ ở mương hay đìa.
Về chuyện câu phao, anh em tôi mỗi người một cần câu, nhưng tôi ít khi bắt được cá. Mà cá chỉ ăn cần câu của anh. Về mồi, thì có nhiều loại. Ngoài mồi trùn than, anh em tôi thường đi xúc tép ở mương, để tép qua một đêm cho thúi, trở thành màu đỏ, thì cá trê thích ăn mồi này. Trứng ổ kiến vàng, thì rất nhiều ở vườn trồng quýt nhà tôi. Thọc ổ kiến, cho rơi xuống đất, rồi nhanh tay lượm trứng trước khi kiến cắn tay chân mình. Trứng kiến thì dùng câu cá đổ mang, cá mè vinh. Chúng tôi câu ở mương, hay mấy cái đìa ở mương sau nhà Ông Ba Thợi, hay cái mương ở Xóm Trên, gần nhà anh Bạo. Câu được cá trê vàng thì đem nướng ăn với mắm gừng thì tuyệt.
Anh có biệt tài nắn đất sét thành đồ chơi. Tôi thích nhất là con “tu hú”, anh làm cho tôi. Con tu hú gồm có 4 lổ; 1 lổ ở miệng, 2 lỗ trên lưng, và 1 lỗ ở hậu môn. Muốn tu hú kêu, ta thổi vào miệng, 2 ngón tay cái nhịp lên 2 lổ trên lưng, nghe hay lắm.
Ngoài những cái tài thực tiễn nói trên, anh có tài hội họa và kiến trúc rất khéo tay.
Về hội họa, anh rất khéo tay, không bao giờ dùng cục tẩy (cục gôm – rubber) để xóa. Khi mới quen chị Lựu, anh vẻ chân dung chị với mái tóc dài, đẹp đến nỗi khi được tặng, chị Lựu phục tài anh và “chịu đèn” liền. Với lối tỏ tình đầy lãng mạn này đã đưa anh chị đến hôn nhân sau đó. Cũng tài hội họa, khi anh dạy Toán về hình học không gian cho lớp 11, hình vẽ trên bảng đen đẹp đến nỗi, khi tiết học sau thầy giáo khác không muốn xóa hình vẽ này.
Tôi phục anh nhất về tài kiến trúc của anh là khi anh chỉ cho tôi xem cái nhà anh sẽ xây cất ở số 4 đường Hát Giang. Anh dùng bìa carton, cắt thành từng thành phần của ngôi nhà, như nền nhà, vách, phòng khách, phòng ngủ, nhà bếp, cầu tiêu v.v. theo tỷ lệ. Anh tháo ra tất cả, chỉ cho tôi thấy cái nền nhà, có chiều cao, kích thước bao nhiêu. Rồi anh từ từ ráp lại, thành từng phòng, rồi đến plafont và cuối cùng là mái ngói. Tôi rất khâm phục anh. Tài hơn nữa, thợ bỏ dở công trình trốn mất khi anh tin tưởng giao hết tiền khi xây nhà gần xong. Vì vậy anh phải tự làm phần còn lại, như tự lót gạch carreau phòng khách, bắt hệ thống điện từ trên trần nhà xuống, v.v.
Anh Năm học rất giỏi, thi đâu, đậu đó mà lại đậu cao. Anh rất giỏi về môn Toán. Sau khi tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm ở Sài Gòn, anh được Trường Petrus Ký tuyển dạy. Được dạy ở trường nổi tiếng nhất Sài Gòn không phải là chuyện dễ, trong lúc mọi thầy cô khác phải về dạy ở tỉnh xa, phải chạy chọt để về dạy trường nhỏ khác ở Sài Gòn. Anh có biệt tài về dạy học, học sinh nào được anh dạy đều đỗ đạt, thành tài. Trong thời gian dạy ở Nha Trang, anh dạy ở Trường Võ Tánh, Trường Nữ Trung học, trường Bán Công Lê Quý Đôn, các tư thục, và ngay cả trường Tàu - trường Khải Minh – cũng mời anh đến dạy. Ngoài ra, anh còn mở lớp Toán, dạy ở nhà đường Hát Giang. Ngày nay, những học sinh anh đã từng dạy, đang ở trong nước hay nước ngoài, mỗi khi có dịp về Nha Trang đều đến thăm anh, và trong dịp Ngày Thầy Giáo (20/11) anh nhận vô số thư từ, email gởi cám ơn vinh danh anh.
Người xưa thường nói ai mang tuổi Sửu thì thường cơ cực như kiếp trâu bò. Có một thời anh bị nhập ngũ vào quân đội, phải đi tác chiến nhiều nơi, từ Bảo Lộc đến vùng rừng núi Phan Thiết. Về sau, được giải ngũ trở về trường Võ Tánh. Sau biến cố tháng 4/1975, đối với chính thể mới, tội anh rất nặng, vì “bọn Mỹ Ngụy” gài anh vào trường học để theo dõi, kềm kẹp học sinh, anh đã trải qua không biết bao nhiêu lao đao lận đận, về tinh thần cũng như thể xác và kinh tế khó khăn của thời bao cấp. Cú đau tiếp theo là hạnh phúc gia đình tan vỡ, một mình anh phải “gà trống nuôi con”.
Để sinh tồn, nuôi gia đình và con cái ăn học, anh đã làm đủ nghề. Anh đem đồ nghề ra ngồi ở đường Hoàng Hoa Thám để sửa xe đạp. Rồi anh chuyển qua lọc nước suối, vô chai, khử trùng, lấy từ nước suối phun ở Suối Tre, cách Lạc lợi khoảng 5 cây số về hướng Tây. Sau đó chuyển qua sản xuất bao nhựa plastic theo nhiều kích thước cung cấp ở thị trường chợ đen. Anh đã làm đủ thứ nghề để sinh tồn và nuôi các con ăn học thành tài. Ngoại trừ cháu gái lớn Thục Linh, bị phân biệt đối xử quá khắt khe thuở ban đầu, nên chỉ tốt nghiệp sư phạm để dạy một trường làng nhỏ ngoài biển, các cháu khác đều tốt nghiệp cao bậc đại học. Cháu Phong được làm Giám Đốc một ngân hàng lớn ở Sài Gòn. Noi gương cha với đầu óc cầu tiến, cháu Khôi tìm được học bổng cao học MSC về Thú Y tại một Đại học nổi danh ở Belgium, và cháu Khánh Linh tốt nghiệp PhD ở một Đại học nổi tiếng ở Úc.
Anh cũng có biệt tài về may quần áo. Anh giúp chị trong việc may quần áo, thiết kế theo mẫu hàng hiệu rất khéo, nên có cuộc sống khá hơn nhiều so với thời bao cấp.
Một điều khá thú vị mà ai khi tiếp xúc với anh đều mến anh. Anh có biệt tài hài hước, pha trò. Anh ăn nói rất có duyên, chọc cười thiên hạ trong lúc mặt tỉnh bơ. Má nhiều lần sặc văng nước bã trầu vì cười. Còn các cháu khác thì khỏi nói, đứa cháu nào cũng thích chú/cậu.
Tôi được nghe kể lại, vì anh cao ráo, ăn nói hài hước có duyên, nên có số đào hoa, lắm bà mê mệt anh.
Anh Năm sống hoàn toàn tự lập bằng bàn tay của anh, tính anh cương trực, tự trọng, không vòi vĩnh người khác, ngay cả với cha mẹ.
Anh rất thương anh chị em và con cháu.
Năm 1993, lần đầu tiên tôi về thăm Việt Nam sau 20 năm ở hải ngoại. Chính anh đã đưa tôi đi đây đó, thăm bạn bè cũ của tôi, thăm Dinh Bão Đại ở Cầu Đá, về làng quê Lạc Lợi v.v. Đêm đêm anh dẫn tôi đi ăn mấy quán nhỏ gần nhà anh.
Theo vợ tôi kể lại, trong thời gian 1975 – 1979, hàng năm vợ tôi đều dẫn cháu Khoa và Mỹ-Anh về Nha Trang thăm ông bà nội và các cô bác.Trong thời gian vợ con tôi ở Lạc Lợi cùng với Cha Má , cứ 2-3 ngày anh về Lạc Lợi thăm vợ con tôi, trò chuyên, khôi hài rất vui vẻ. Trước ngày vợ con tôi về lại Sài Gòn Cần Thơ, anh chạy xe qua chợ Xóm Bóng mua cá biển tươi về nấu cơm đãi vợ con tôi, mặc dầu vào thời điểm này kinh tế rất khó khăn.
Một điều mà các con tôi, cháu Khoa, nhất là cháu Mỹ-Anh, có một ấn tượng rất tốt đẹp với Bác Năm Lộc. Đó là năm 1999, vợ chồng tôi quyết tâm đưa 2 cháu về thăm Ông Nội, sợ quá trễ để gặp Ông Nội. Lúc đó, Mỹ-Anh học năm cuối Y Khoa (năm thứ 7, tốt nghiệp Bác sĩ năm 2000). Chúng tôi dự trù cho 2 cháu về sống, cùng ăn uống và trò chuyện với Ông Nội trong 2 ngày, 2 đêm ngắn ngủi ở Nha Trang (Vì hành trình còn viếng Đà Lạt, Sài Gòn, Cần Thơ, Rạch Giá, Hà Tiên, Sóc Trăng, Vũng Tàu, trong khi cháu Mỹ-Anh chỉ có 3 tuần nghỉ phép, Khoa chỉ 2 tuần). Rất tiếc, ý muốn được sống chung với Ông Nội không thành, tôi phải cho các cháu ở một khách sạn ngoài bờ biển. Tối đó, Bác Năm Lộc đội áo mưa đến khách sạn vì trời đang mưa lớn, ôm 2 đứa cháu và khóc. Tất cả ai cũng khóc theo. Sáng hôm sau, anh Năm dẫn chúng tôi và Cha đi thăm mã Má rồi về Lạc Lợi để các cháu thấy lại căn nhà, mà khi trước, lúc 3-4 tuổi nay cháu không còn nhớ. Rồi tối đó, anh cùng Khánh Linh cùng chúng tôi ra biển ngồi uống nước dừa ăn kem, ngày và đêm sau dẫn các cháu đi thăm Tháp Bà, Hòn Chồng, v.v. Tối đêm cuối cùng, anh đến thăm và tặng chúng tôi bức tranh Căn Nhà Từ Đường Lạc Lợi đóng trong khung kính với dòng chữ viết rất đẹp của anh “Một Thoáng Quê Hương”. Bức tranh đó chúng tôi còn giữ đến nay, nhưng chữ “Một Thoáng Quê Hương” nay đã phai mờ.
Sáng sớm ngày hôm sau, trong khi các cháu quỳ lạy Ông Nội, vì sợ rằng không còn dịp gặp ông Nội nữa (Ông Nội mất 3 năm sau, năm 2002), trước khi chúng tôi đi Đà Lạt, trời mưa rất lớn, anh Năm Lộc đến từ giã, và anh ôm các cháu một cách thấm thiết, thâm tình.
Anh Năm Lộc ngoài tính đôn hậu, hiền lành, thương anh chị em con cháu, tôi chưa hề nghe anh nói xấu, gièm pha ai, chứ đừng nói hảm hại người khác. Để bù lại những vất vả, khổ nhọc, lao tâm, lao lực, ở hiền gặp lành, ông trời đã thưởng anh một phần thưởng lớn. Căn nhà ở đường Ngô Thời Nhiệm trở nên khu đất vàng trong kế hoạch chỉnh trang thành phố. Nhờ vậy, với số tiền anh bán căn nhà này, anh mua căn nhà 4 tầng anh đang ở hiện nay, giữ lại một số tiền lớn để dưỡng già, phòng khi bịnh hoạn, phần còn lại anh chia đều cho các con, mỗi đứa con đều nhận một số tiền rất lớn, mặc dầu lúc này các cháu đứa nào cũng rất giàu có.
Bây giờ, tuy anh đã lớn tuổi, tuổi Đinh Sửu (1937) (87 tuổi ta), anh vẫn còn năng động như thời trẻ. Anh giữ gìn sức khỏe bằng cách đi bộ, tắm biển, đi xe đạp, v.v. Anh đam mê trồng cây bonsai trên tầng thượng nhà anh. Rất tiếc, cũng vì lớn tuổi, tôi không thể về VN để đến thăm anh, xem các công trình dưỡng lão do anh đang thực hiện và bonsai của anh.
May be an image of 2 people
Hai anh em, 1993, tại dinh thự Bão Đại, Cầu Đá.

May be an image of 6 people
Năm 1999, gia đình tôi đưa hai cháu về thăm Ông Nội. Cháu Mỹ-Anh nói Ông Nội sao giống Ông Gandhi ở Ấn Độ.

May be an image of 7 people
Anh Năm Lộc đưa chúng tôi và Cha đến thăm viếng mộ Má. Các cháu vừa cúng lạy Bà Nội


May be an image of 4 people
Anh Năm Lộc cũng đưa các cháu về thăm nhà Lạc Lợi, mà khi xưa lúc 3-4 tuổi về nơi đây nhiều lần, nhưng cháu không còn nhớ.


May be an image of 4 people and people smiling
Anh Năm Lộc đưa các cháu đến thăm Cô Dượng Ba.
Reading, 20/12/2023