DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Ngày ấy tôi đi học

22/4/2024

NGÀY ẤY TÔI ĐI HỌC
Trần Đăng Nhơn

 
Ngày ấy, làng Lạc lợi quê tôi rất nghèo. Dân số lại ít: cả làng chưa đến 70 người lớn tuổi. Nhà cửa thưa thớt: tổng cộng chưa dến 50 căn nhà. Phần lớn là nhà tranh tre lá. Xóm dưới tương đối có nhiều nhà ngói khá giả. Xóm giửa thì chỉ có nhà tôi là cao lớn, đồ sộ. Còn xóm trên thì toàn dân nghèo. Làng không có chợ buá. Muốn mua sắm vật gì cũng phải cuốc bộ ra chợ Thanh Minh. Làng cũng không có trường học. Trẻ con trong làng thường thất học, chăn trâu bò là chính; một số khác làm người giúp việc cho những nhà khá giả. Chỉ có một số ít con cái nhà đủ ăn mới cắp sách ra trường Thanh Minh để học. Trường Thanh Minh là trường Sơ học chỉ có 3 lớp: lớp Năm, lớp Tư, lớp Ba. Ai muốn học tiềp lớp Nhì nhỏ, Nhì lớn, lớp Nhất thì phải xuống trường Tỉnh (ở Thành bây giờ). Trường sơ học Thanh Minh là trường duy nhất cho tất cả những xã ở phía tây Thành Diên Khánh.
 
Làng tôi không có người nào học hành, thi cử, đỗ đạt. Tôi không nghe có một người nào học giỏi dù chữ nho hay chữ quốc ngữ. Chỉ có Anh Tám Diêu ở xóm trên là giỏi làm những câu vè “nghe vẽ nghe ve, cái vè…”. Cha và chú Mười tôi là người biết chữ Nho lẫn chữ Quốc ngữ. Nhưng vốn liếng chữ nghiã đó cũng chỉ giúp cha và chú tôi học nghề Đông y mà thôi. Cha tôi có học thêm sách ‘Phong Thuỷ’ nên biết xem ‘ngày lành tháng tốt’ biết biết xem ‘hướng nhà’ và ‘hướng huyệt mã’.
Má tôi từ Phú Ân về làm dâu nhà họ Trần Đăng lúc người mới 18 tuổi. Má tôi không được đi học không biết chữ, nhưng thấy trong gia đình Nội tôi có nhiều người giỏi chữ như Dượng Ba, Dượng Tám làm đến chức chef gare xe lửa, nên mong muốn lũ con cái chúng tôi cũng học hành và lớn lên sẽ làm những chức như vậy. Đó là một quyết định sáng suốt cuả Má tôi mà Cha tôi rất ủng hộ nên tất cả chúng tôi đều được học hành tử tế và mở đầu cho một thế hệ có văn học như ngày nay.
 
Anh chị em chúng tôi đều bắt đầu học tại trường sơ học Thanh Minh.
Ông Bà Thủy tổ, theo lời kể, quê quán ở các tỉnh miền Bắc Trung Bộ (có thể Quảng Bình) theo con là Ông Trần-Đăng Đường làm quan ở Bình Định. Sau khi Triều-dình chiếm được đất Diên Khánh bây giờ, đặt tên là Phủ Bình Hòa, thuyên chuyển Ông Trần-Đăng Đường vào làm quan trấn giử Phủ Bình Hòa. Ông Bà Thủy tổ cùng anh em theo ở với con, lập thôn ấp Bầu Lát, tức thôn Lạc Lợi bây giờ. Vùng đất Lạc Lợi bấy giờ còn hoang vu, nên đến khai hoang và lập nghiệp và đời đời truyền cho con cháu cho đến bây giờ.
 
Cụ Ông Trần Đăng Đường là quan trấn thủ Phủ Binh Hoà (Phủ Bình Hoà ngày xưa rộng bằng tỉnh Khánh hoà bây giờ). Sau khi thôi chức vụ Cụ Ông về sống bên cạnh cha mẹ và gia đình. Con cháu các đời kế tiếp Cụ Ông thì không nghe nói đến chuyện học hành, thi cử nữa mà chuyên sống bằng nghề nông. Ngày nay chúng tôi thường nghe Cha má, chú, cô tôi …thường truyền miệng là ‘một đời làm quan ba đời con cháu mạt’. Không biết câu nói này có hàm nghĩa gì, có phải để giải thích cho việc các cụ không cho con cháu đuợc học hành để ra làm quan như Cụ Ông Trần Đăng Đường không ? Mà có lẽ câu nói này đã ăn sâu vào tiềm thức cuả con cháu trong giòng họ Trần Đăng nên trong họ tôi không có một ai làm quan chức lớn trong bộ máy chính quyền bất cứ thời đại nào chăng ?
 
Cũng có một điều lạ là những người con cháu cuả giòng họ Trần Đăng sau đời cụ Tổ đến các đời tiếp theo đều không ai giàu có, không ai giỏi chữ nghiã, mà chỉ sống cuộc đời cuả một nông dân bình thường.
Mãi đến đời Bà Cố mới bắt đầu cho Ông Nôị tôi học chữ nho và học nghề đông y để cứu đời. Theo lời cha tôi kể, tính tình Ông Nội tôi hiền lành, nên thường cho bệnh nhân uống những thang thuốc có liều nhẹ, lâu thuyên giảm, nhưng không có hại cho sức khoẻ bệnh nhân. Tôi không biết Ông nội tôi có biết chữ quốc ngữ hay không vì tôi không thấy ông viết chữ quốc ngữ bao giờ.
 
Cha tôi và chú tôi đuợc Ông Nội dạy chữ nho và nghề đông y. Tôi có nghe cha tôi nói là ông có đến trường học chữ quốc ngữ nhưng không lâu. Cha tôi nổi tiếng là một thầy lang ‘mát tay’, chửa khỏi bệnh cho rất nhiều bệnh nhân trong vùng phía tây Diên khánh. Khác với Ông Nội, cha tôi cho thuốc mạnh tay hơn, nên bệnh mau dứt. Khi bệnh nhân đã bớt thì cha tôi ngưng không bốc thuốc nữa, khuyên nên cho ăn uông bỗ dưởng cho maư khỏi bệnh chứ uông thuốc chỉ tốn tiền mà thôi. Cha tôi xem chửa bệnh như một ‘hành động cứu người’ chứ không phải làm nghề để kiếm nhiều tiền. Suốt đới cha tôi làm nghề đông y chỉ đủ tiền cho chúng tôi ăn học. Còn việc làm giàu, mua ruộng, cất nhà …là tiền do Má tôi buôn bán, tảo tần mà kiếm đuợc.
 
Ngôi trường đầu tiên cuả tôi là trường Thanh Minh (bây giờ là trường THCS Nguyễn Du). Trường chỉ có 3 lớp: lớp Năm, lớp Bốn và lớp Ba. Sáng sáng, chị Hai, chị Ba và tôi cuốc bộ từ nhà ra Thanh Minh. Chị Hai tôi có nhiều bạn bè cùng lớp ở Thanh Minh, phần lớn là người Tàu lai. Chúng tôi thường ghé vào mỗi nhà người bạn để rũ nhau đi học. Tôi nhớ những thầy cuả tôi như: Thầy Thường (ở Thanh Minh), Thầy Giác (ở Quang Thạnh), Thầy Cam (ở Nghiệp Thành). Thầy Võ Dự (hiện nay còn khoẻ mạnh) không dạy tôi nhưng dạy chú Hông. Bạn học cùng làng cuả tôi là anh Đỗ Văn Sen, anh Kiều Bạo, xóm dưới thì có Huỳnh Văn Ba. Vào mỗi 3 tháng nghỉ hè thì tôi thường học tư thêm các thầy như: Thầy Thính (con thầy Tám Trung), Thầy Giáo Mười (ở xóm họ Đỗ). Chị Hai tôi lúc trẻ rất xinh xắn, da trắng hồng. Mỗi lần đi học về đến khoảng cây Giáng hương thì lại thấy anh Nguyễn Xuân Trung chờ sẳn để tán tỉnh chị Hai tôi. Anh Trung ở Quang Thạnh, học truờng Tỉnh ( trường TH Diên khánh bây giờ ) có bà con gần với chúng tôi. Anh Trung cứ lẻo đẻo bên cạnh chị Hai tôi, nhưng chị Hai tôi không bao giờ mở miệng để trả lời những câu hỏi cuả anh Trung. Chị Hai tôi bảo rằng nếu trả lời tức là ‘chịu’ nghiã là chịu đèn. Theo mãi không được gì rồi anh Trung cũng thôi luôn.
 
Tôi thi bằng ‘Sơ lược’ vào cuối năm lớp Ba. Nhưng vì thí sinh ít nên chúng tôi phải xuống trường Tỉnh thi vấn đáp. Tôi từ giả trường Thanh Minh và bắt đầu đi học trường Tỉnh ở dưới Thành (trên 5 km cuốc bộ). Tôi vào học lớp Nhì nhỏ (lúc đó chương trình học gồm Nhì nhỏ, Nhì lớn và lớp Nhất). Bạn học trong làng nghỉ hết, nên tôi phải kết bạn với những học sinh ở Thanh Minh. Trong số đó có Huỳnh văn Bửu (bàn tay chi có 2 ngón) và anh Lê Văn Hoài (con cô Sáu cuả tôi ). Hai người đều là học sinh giỏi, trong khi tôi chỉ học làng nhàng ở bậc trung bình.
 
Lúc nầy quân đội Nhật chiếm Đông dương. Phong trào ‘yêu nước’ dâng cao, kêu gọi thanh niên nổi dậy chống Nhật và chống Pháp. Thỉnh thoảng chúng tôi lại được nghỉ học. Mỗi lần Cô Tám tôi về thủ thỉ với cha tôi về chuyện gì đó, thì tôi lại được nghỉ học. Nghỉ học là điều tôi ưa thích. Nhưng sau đó thấy không có gì, tôi phải đi học lại. Thầy dạy tôi ở lớp Nhì (hình như 3 năm sau đó thì bỏ lớp Nhì nhỏ, trở thành một lớp Nhì ) là Thầy Đinh Thuyết, lớp Nhất là Thầy Nguyễn Thành Công. Trong suốt 3 năm học tại trường tỉnh, anh em tôi (kể cả chú Lộc, chú Hồng ) phải đi bộ từ sáng sớm đến chiều tối mới về đến nhà. Buổi trưa chúng tôi ở lại trường cùng với các bạn học quê từ các xã miền trên. Từ 5 giờ sáng chúng tôi phải dạy sớm, xuống bếp nổi lửa nấu cơm. Ăn qua loa ba miếng rôì ra vườn cắt lá chuối non, làm một gói cơm. Thức ăn thường là muối ớt, muối đậu phụng, đôi khi là cá khô. Tan giờ học buổi trưa , chúng tôi bày gói cơm ra đất và cùng nhau ngồi ăn. Ăn xong thì kéo nhau ra sông Cái tắm. Có lần tôi suýt chết đuối tại bến đò Trường Lạc. Năm đó mưa rất to, giòng nước đã đào lòng sông sâu hơn ngày thường. Tôi đâu có biết nên vừa đến sông, cởi áo và nhảy xuống liền. Hụt chân giòng nước đẩy tôi ra xa, tôi hụp lặn giữa giòng nước. Các bạn tôi trông thấy, nhảy xuống kéo tôi lên. Nhờ vậy mà tôi thoát chết. Từ ngày đó đến giờ tôi rất sợ tắm sông, biển và ít khi tôi hưởng ứng những cuộc vui có dính dáng đến nước. Chiều đi học về thì đôi khi chúng tôi đi băng đồng làng Thanh Minh. Đoạn đường có ngắn hơn, nhưng lại thường bị bọn chăn trâu đuổi đánh. Bàn chân chúng tôi chai cứng và nứt nẻ ở gót bàn chân. Lâu lâu tôi phải cọ gót chân vào nền nhà nhám cho mòn bớt những vết nứt.
 
Tôi sợ nhất là những tháng mùa đông. Sáng sớm thì lạnh căt da. Sương mù dăng đầy cánh đông, nhiều khi cách nhau 5 mét là không thấy nhau. Buổi chiều thì mưa dầm, gió bấc. Trời chiều sụp xuống rất nhanh. Chúng tôi phải vừa đi vưà chạy để kịp về đến nhà trước tốí. Đoạn đường chúng tôi sợ nhất là từ cây Giáng Hương vào đến Cầu Bè. Hai bên là hàng tre dại, xa xa là những ngôi mộ, suốt đoạn đường không một cái nhà. Chúng tôi vừa chạy qua cây Giáng Hương vừa dỡ mũ, miệng lâm râm: ‘Trời mưa thì mặc trời mưa, đầu tôi không nón Ông chưà tôi ra’. Ông đây là Ông Sấm, Bà Sét.
 
Từ Thanh Minh về nhà theo 2 con đường: đường Cầu Mới dưới Thanh Minh và đường Cây Giáng Hương. Đi đường Cầu Mới phải đi qua một cái miễu rất linh thiêng thờ một người thắt cổ tự tử nên chung tôi ít dám đi. Tuy đường Cây Giáng Hương có vắng vẻ nhưng dù sao cũng quen thuộc và ít nhất cũng còn có thể gặp người quen đi chợ.
 
Thủa ấy, xe đạp là phương tiên đi lại cuả người giàu. Học trò như chúng tôi không dám mơ tưởng tới. Tới nhớ năm tôi học lớp nhất là lúc tôi 17 tuổi ta. Cha tôi muốn tôi lấy vợ sớm nên đã mua cho tôi một chiếc xe đạp nguyên chiếc nhập khẩu từ nước Pháp hiệu Talbot. Chiếc xe rất đẹp, có ‘ 3 líp’ tự động. Chiếc xe nhập ngoại như vậy chỉ có các công chức cuả quận Diên khánh được chính phủ Pháp viện trợ mà thôi. Nhưng vì tôi không chịu lấy vợ nên cha tôi cũng không cho tôi đi thường xuyên. Sau này khi việc lấy vợ cuả tôi nguôi ngoai, rồi tôi lại xuống Nhatrang học lớp Đệ Thất trường Võ Tánh, cha tôi mới cho hẳn tôi chiếc xe này.
 
Năm 1950, tôi đậu bằng Tiểu học. Cha má tôi muốn tôi đi học tiếp. Lúc bây giờ Trường Võ Tánh Nhatrang còn mang tên Collège de Nhatrang. Muốn vào trường này tôi phải vượt qua một kỳ thi tuyển gọi thi Concourt. Đây là trường Trung học dành chung cho học sinh cuả 3 tỉnh: Khánh hoà, Ninh thuận và Bình thuận. Cuộc đọ sức như vậy rất cam go. Sức học cuả tôi thuộc loại trung bình nên kỳ thi này quả thật là quá khó. Nhưng có lẽ nhờ mồ mã Ông Bà ‘phát đạt’, giòng họ Trần Đăng đã đến lúc lên hương nên phù hộ cho con cháu vượt qua được. Kết quả là tôi đậu chót trong bản xếp hạng 80 thí sinh trúng tuyển. Nhưng dù sao vẫn là đậu.
 
Cuộc đời tôi thay đổi từ đây. Lần đầu tiên một thằng bé có họ Trần Đăng vượt ra khỏi lủy tre làng để bơi ra sông, ra biển lớn. Đây cũng là bước mở đầu cho một thế hệ trẻ có học hành, đổ đạt …
 
Việc tôi đậu vào trường Trung Học Nhatrang (sau này đổi thành Trường Võ Tánh) là một nguồn khích lệ lớn lao để Cha Má tôi cố gắng nuôi các anh em chúng tôi ăn học đến nơi đến chốn.
 
Vào ngày đó, học sinh nào đậu được vào trường Collège de Nhatrang là một vinh dự lớn. Cha tôi mừng quá chở tôi bằng xe đạp xuống Nhatrang mua sách, vở để chuẩn bị vào trường. Tôi nhớ tôi đã mua quyển tự điển ‘Hán Việt Từ Điển‘ cuả Hoàng Xuân Hãn. Bây giờ nghĩ lại, tôi không hiểu tại sao tôi lại mua quyễn sách này. Cha tôi thì mừng quá nên tôi xin gì cũng cho chứ đâu có biết chữ nghĩa gì mà khuyên bảo.
Tôi xuống Nhatrang ở nhà anh chi Ba Nhung-Thọ ở dường Banque d’agricole ( tức đường Nguyễn Trường Tộ bây giờ ). Sau này khi anh Thọ nhập ngũ vào quân đội, tôi phải đi ăn cơm tháng và ở nhiều nơi khác nữa. Có lúc tôi ở trọ tại nhà Ông Mười gần nhà Máy đèn ( bây giờ là đường Quang Trung ). Nhà không có cầu tiêu, mỗi buổi sáng tôi phải đạp xe đi đến tận động cát bên kia đường Lê Thánh Tôn (Khu Xóm Mơí ngày ấy là một đồi cát mênh mông, mọc đầy cây xương rồng, cây mai núi, cây ma dương … Nhìn về xa xa thấy miếu Âm hồn và núí Đồng bò). Khi chú Mười bán nhà ở Thanh Minh, mua ngôi biệt thự tại đường Lý Thánh Tôn Nhatrang. Cha tôi muốn gửi tôi ở trọ với gia đình chú, nên có hùn chút ít tiền với chú Mười. Nhưng sau vài tháng, cha tôi thấy có điều bất tiện nên muốn chúng tôi (lúc đó chú Lộc cũng đậu vào lớp Đệ Thất trường Trung học Nhatrang) ra thuê riêng nhà ở với anh em anh Đỗ Thúc Vỵ ở đường Sinh Trung. Việc thuê nhà ở Sinh Trung cũng không kéo dài lâu. Cuối cùng cha tôi quyết định mua nhà, nhưng tìm nhà vưà ý quá khó nên cha tôi quyết định thuê dài hạn gian nhà cuả Ông Hồ Ngọc Từ sát bờ sông, ở xóm Mò O, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nhà vừa cất xong, cha tôi bèn mướn căn cuối và trả tiền trước suốt 10 năm. Sau này khi mãn hạn thuê 10 năm, tôi còn thuê thêm 2 năm nữa ( Xem bài viết về ngôi nhà này cuả cô Trần Lệ Son ).
 
Với quyết tâm cho chúng tôi có một nơi ở ổn định để ăn học, cha má tôi đã không ngại tốn kém tiền bạc. Số tiền thuê nhà trong 10 năm, cha có thể mua một căn nhà nhỏ. Nhưng hình như cha tôi không có ý định cho chúng tôi định cư nơi đất thị thành. Nhưng dù sao ngôi nhà này cũng đã góp công lớn trong việc giúp anh em chúng tôi vươn lên trên con đường học vấn. Sau này chú Hồng, Cô Son cũng từ ngôi nhà này bước chân vào học ngôi trường Võ Tánh, còn cô Huê vào học trường Tư thục Văn Hoá ở Nhatrang.
 
Trường Trung học Nhatrang thuở ấy còn học tạm tại dãy nhà bên phải cuả Trường Nam Tiểu học cuả Thầy Đốc Thành (Thầy Đoàn Thành). Trường chỉ có 2 lớp Đệ Thât (lớp 6), một lớp Đệ Lục (lớp 7) một lớp Đệ Ngũ (lớp ?, một lớp Đệ Tứ (lớp 9). Tôi được xếp vào học lớp Đệ Thất 2 với sĩ số học sinh là 40. Học sinh lớp tôi đến từ các thành phố Phan Thiết, Phan rang và Nhatrang Khánh hoà. Dân Diên khánh xuống chỉ có Trần Điền, Trần Đình Du, Đỗ Thúc Vỵ, Trầm văn Sáu và tôi.
 
Vốn là một học trò thôn quê, tôi rất rụt rè, nhút nhác. Tôi chỉ dám kết bạn với Đoàn Ngọc, Đinh Viết Hạp, Hoàng Ngọc Lân …làm bạn thân. Đối với các bạn nữ, tôi e thẹn, không dám kết bạn với ai. Trong các môn học như: Việt văn, Toán, Lý Hóa, Vạn vật, Pháp văn …tôi học hành siêng năng, nhưng chưa bao giờ xuất sắc. Môn ngoại ngữ thứ 2 lúc đầu tôi chọn Hán Văn, nhưng vì rất ít người ghi danh học nên tôi phải chuyển qua Anh Văn. Trong những năm Đệ Thất, Đệ Lục tôi học Anh văn với Thầy Lê Văn Đào. Anh văn là môn học mới, cách đọc khó khăn, nhưng phần ngữ pháp Anh văn thì tương đối dễ hiểu hơn ngữ pháp cuả Pháp văn. Với đầu óc đơn giản cuả một nông dân, tôi không thể nào hiểu nỗi cách chia động từ tiếng Pháp theo các thì (temps): thì passé simple, passé composé, passé antérieur …rồi ngữ vựng tiếng Pháp lại phân biệt giống đực, giống cái: la table (cái bàn, giống cái) nhưng le banc (cái ghế, giống đực). Vì lý do đó tôi ghét môn Pháp văn và rất chăm học môn Anh văn. Năm Đệ thất, dù cố gắng hết sức nhưng vốn liếng tiếng Anh cuả tôi không sao khá được. Lúc bấy giờ GS Lê Bá Kông có xuất bản hàng tuần tạp chí “Trao dồi Anh ngữ” tại Sàigòn. Tôi mua và học theo tạp chí này. Kết quả tiến bộ trông thấy. Thầy Lê Văn Đào thường buộc học sinh phải học thuộc lòng mỗi ngày 10 từ, đặt 10 câu rồi ghi vào trong vở. Tôi bắt chước những câu trong tạp chí Trao dồi Anh ngữ để đặt 10 câu. Thầy Lê Văn Đào khen tôi có nhiều tiến bộ và thường gọi tên tôi là “Đặng Trần Nhơn”.
 
Trong những năm học đầu, tôi nhớ nhà quay quắt. Hàng tuần cứ đến chiều thứ 4 và chiều thứ 7 (Trường cho nghỉ học ngày thứ 5 và chủ nhật ), tôi đạp xe về nhà. Con đường dài trên 17 km đối với tôi rất quen thuộc. Có nhiều buồi chiều muà đông, trời mưa tầm tả, tôi vẫn đạp xe về. Trời muà đông mau tối, cưả Đông (lúc đó có chiến tranh, Thành do quân Pháp chiếm đóng) đóng cưả sớm, tôi không sao qua được. Đường đi vòng qua Mã Xá thì âm u, có tiếng đồn quá nhiều ma, không ai dám qua khi trời tối. Tôi đành phải ghé nhà Chú Mười Đàng ở chợ Thành (anh em bạn Dì cuả Cha) để ngủ tạm.
 
Thắm thoát mà 4 năm sắp trôi qua. Trường Võ Tánh chuyển về đường Ba Đa Lộc (nay là Lý Tự Trọng ) vào năm tôi học lớp đệ Ngũ

Các em tôi như Chú Lộc, Chú Hồng, Cô Son đều đậu vào trường Võ Tánh.

Cuối năm lớp Đệ Tứ, tôi thi đậu bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp.
Trường mở thêm 2 lớp Đệ Tam (Ban A & B) và chúng tôi là những học sinh đầu tiên cuả cấp Trung Học Đệ Nhị Cấp. Tôi muốn học Ban Văn chương (Ban C), trong đó có môn ngoaị ngữ mà tôi ưa thích, nhưng vì học sinh ít và thiếu giáo sư giảng dạy, nên trường chỉ mở 2 lớp Ban A và B mà thôi. Tôi đành phải chọn Ban B.

Lúc bấy giờ, cuộc sống thị thành đã làm tôi vơi bớt nổi nhớ nhà. Hơn nưã trong nhà lúc nào cũng có các em như Lộc, Hồng, Huê, Son …Má thường cho Vui xuống đi chợ, nấu ăn. Má cung cấp tiền hàng tuần cho Vui đi chợ. Chúng tôi yên tâm ăn học. Sang năm đệ Tứ, anh bạn Trần Huỳnh Châu từ Hội an vào Nhatrang học cũng đến ở nhà tôi.

Lúc này chúng tôi có người bạn lớn tuổi: Anh Ba Chương. Anh Ba Chương làm ở sở Công Chánh là người anh đở đầu cho bọn bạn bè trẻ trong xóm cuả chúng tôi như: Diễn, Hoà, Len, Đại, Đính … Anh Ba Chương thường tổ chức những buổi đi săn ở miền nuí Ninh hoà, đi câu cá ngoài hải đảo. Vui nhất là mỗi buổi tối trước ngày Tết âm lịch. Chợ Tết thường tổ chức trên dường Phan Bội Châu. Nam thanh nữ tú dạo chợ tết rất đông vui. Bọn chúng tôi theo anh Ba Chương mỗi đêm dạo ít nhất cũng 2 tours từ đường Phan Bội Châu lên Độc lập rồi mới trở về. Nhưng từ ngaỳ 28 tết là anh em chúng tôi phải về nhà để chuẩn bị Tết. Từ nhỏ đến giờ tôi chưa bao giờ không ăn tết với cha má ở quê nhà.

Năm 1957 tôi thi đậu phần thi viết bằng Tú Tài I tại Nhatrang nhưng phải vào Sàigòn thi vấn đáp.

Để tiếp tục việc học, tôi phải khăn gói vào Sàigòn để học lớp Đệ Nhất tại Trường Chu Văn An ở Sàigòn. Anh Bốn Hà lúc bây giờ là Chuẩn Uý tòng sự tại trường Huấn luyện Không quân Nhatrang có quen với Anh Bảy Tài, từng là lính không quân tại Nhatrang. Anh Bốn Hà đã giới thiệu tôi vào ở nhà anh Bảy Tài tại đường Trần Hưng Đạo Sàigòn. Bác thương tôi nên đã xem tôi và sau này cả các em tôi (Lộc, Hồng, Son ) là con cháu trong nhà. Chúng tôi nhờ vậy mà yên tâm ăn học tại đất khách quê người. Ngày nay anh em chúng tôi thành đạt được cũng nhờ công ơn cuả Bác. Ngày Bác ra đi vĩnh viễn, anh em chúng tôi vào chung lo an táng cho Bác và xin bịt khăn tang như con cháu cuả Bác.

Năm 1958, tôi thi đậu Tú Tài phần 2.

Cùng năm ấy tôi làm đơn xin đi dạy học và nhận được giấy bổ nhiệm về làm giáo sư tại trường Trung học Võ Tánh Nhatrang. Tôi dự định sẽ chỉ dạy học tạm vài năm, chờ chính phủ mở trường Đại Học Nông Lâm Súc ở Bảo Lộc để dự thi. Trong tâm tư tôi lúc ấy chỉ muốn trở thành một kỹ sư canh nông để về phục vụ quê nhà.

Nhưng thời gian trôi qua, nghề giáo đã giử chân tôi mãi cho đến hôm nay . Tôi bắt đầu cảm thấy yêu nghề giáo, yêu học trò. Tôi ghi danh học thêm Anh Văn tại trường Đại học Văn Khoa Sài gòn. Năm 1967 tôi xin chuyển vào dạy trường TH Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ Sàigòn để tiện việc học. Năm 1968 tôi đậu băng Cử nhân Anh Văn cũng là năm vợ chồng tôi sinh ra cháu gái, đặt tên Trần Đăng Như Nguyện (như ý nguyện cuả chúng tôi: bằng cử nhân và đứa con gái sau 2 đưá con trai).
Năm 1973 tôi xin thuyên chuyển qua Viện Đại Học Cộng Đồng Duyên Hải Nhatrang. Thế là ý nguyện muốn trở thành giáo sư Đại học đã đạt. Tôi không còn mong muốn gì hơn nưã.

Bây giờ tuổi già đã đến. Cũng đã đến lúc ngồi hồi tưởng lại những việc đã qua.

Nhìn thấy các con tôi, các cháu tôi và các cháu con cuả các anh, chị, em tôi … rất chăm lo cho việc ăn học cuả con cái. Tôi rất mừng. Hiện nay, kể cả con rể, cháu rể, dòng họ Trần Đăng đã có 3 Tiến sỉ (PhD), 4 Bác Sỉ, 4 Luật sư, 13 MSc và Thạc Sỉ, 11 Cử nhân và BSc, 10 Kỷ sư, 1 Dược sỉ, và 2 tốt nghiệp Đại học Sư Phạm.

Nhatrang, 7/1/2008
Trần Đăng Nhơn