DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Hoa Hồng Đỏ

29/4/2024

*Viết vào ngày giỗ má  23-3 Âm lịch,
Về cuộc hành trình cuối cùng của đời người mà ai cũng phải                                   chấp nhận trải qua và chuẩn bị để được hòan mỹ
 
HOA  HỒNG  ĐỎ
Trần Thị Lệ-Son
 
Ngày còn bé cho đến khi khôn lớn, và mãi cho đến khi có gia đình riêng, cái điều làm tôi sợ hãi nhất, kinh hòang nhất, khủng khiếp nhất là cái ngày cha má tôi vĩnh viễn rời bỏ cõi đời này. Tôi không bao giờ dám nghĩ đến điều đó. Tôi phủ nhận, rồi tự đánh lừa và cứ yên trí rằng điều đó không bao giờ xảy ra. Trong những lần chăm sóc cha má bệnh, tôi luôn luôn có niềm tin mãnh liệt là cha má tôi sẽ qua cơn nguy kịch, sẽ bình phục và sẽ sống mãi với anh chị em chúng tôi. Cha má tôi tất nhiên sẽ không nằm trong quy luật: sinh , lão, bệnh, tử. Cha má tôi đã tuần tự trải qua ba thời kỳ sinh, lão , bệnh. Đó là một phước đức lớn. Biết bao người chưa lão, chưa bệnh mà đã tử. Như chị Hai đó, mái tóc đen tuyền còn đang mượt mà. Làn da tươi tắn hồng hào chưa in dấu vết nhăn mà đã tức tưởi ra đi không kịp một lời trăn trối. Người ta thường nói: "Thất thập cổ lai hy". Cha má tôi đã trải qua cái tuổi "cửu thập". Thật hiếm có, nhưng tôi thấy vẫn chưa đủ, chưa bằng lòng. Tôi biết tôi tham lam lắm, nhưng biết bào chữa thế nào, khi lòng yêu thương khiến người ta mù quáng và ích kỷ. Cha má chỉ còn giai đọan cuối là "tử", kết thúc một kiếp làm người. Tôi từ chối, phản đối cái kết thúc tàn nhẫn, và không có hậu này. Tôi vẫn biết có sinh ắt có tử, có hội ngộ ắt có chia ly, có hạnh phúc ắt phải có đau khổ. Không ai thoát khỏi cái quy luật này. Làm gì có cái tuyệt đối trong cõi ta bà ô trược này, khi mà con người chất chứa những thứ tự hủy diệt mình bởi bản năng tham, sân, si...những thứ đi ngược với quy luật. Cuộc đời là vô thường mà con người cứ muốn thường mãi. Do đó cứ phải triền miên trong tuyệt vọng và mõi mòn trong ước nguyện. Tham ái là nguyên nhân của đau khổ.
 
Tôi đã về khi nghe má bỏ ăn. Má nằm thoi thóp không nói năng gì. Đôi mắt vẫn nhắm, mở nhưng không còn vẻ lanh lợi, tinh anh. Sức lực đã cạn kiệt, các cơ quan không còn lanh lẹ trong việc họat động để tiếp thu năng lượng, nuôi sống cơ thể. Như một bộ máy rệu rã, má tôi đang từ từ chết trong từng ngày một. Nửa tháng cuối cùng của cuộc đời má, tôi đã nằm bên cạnh, trên cùng một chiếc giường. Tôi theo dõi từng cử động, lắng nghe từng hơi thở, chăm chú từng diễn biến trên nét mặt. Hơn bao giờ hết, tôi thấy rất rõ ràng luật vô thường chi phối lên tất cả vạn vật. Trong bộ nhớ của tôi, ở tuổi ấu thơ tôi tìm về má, là một phụ nữ ở tuổi trung niên, dáng dấp trung bình gọn gàng, nét mặt thanh tú , da trắng, miệng hơi hô. Khi tôi là thiếu nữ thì má tôi với mái tóc bắt đầu bạc, da có nhiều vết nhăn, miệng hơi móm vì mất răng cửa. Khi tôi có chồng và có con cái thì má già rất nhanh, mái tóc bạc trắng được cắt ngắn. Miệng càng móm thêm vì rụng nhiều răng. Má trở thành một cụ bà đẹp lão. Bước đi chậm cạp, lụm cụm, tay chân đau nhức, rã rời...Ngày tôi sắp cưới vợ cho cháu Sơn thì má bị bệnh nặng. Cái bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu đã làm má bí tiểu, đau tức rên la. Ai nấy đều xót xa nhưng  đành bất lực vì không thể chia xẻ. Cơn đau làm má tiều tụy, hốc hác, tóc tai rũ rượi, áo quần xốc xếch. Má chỉ hình mình trong gương và nói "cái mụ ăn mày ở trong kia". Có lẽ lâu lắm má không soi gương. Trong ký ức má cứ nghĩ rằng má còn trẻ, đẹp và khỏe mạnh. Má không biết thời gian đã tàn phá dung nhan của má đến  độ má không còn nhận ra mình nữa.
 
Sau cơn bệnh đó má không chịu cười, có lẽ trên não có tổn thương ở vùng thần kinh cười? Tôi chọc cười và thọc lét, má cũng không nhỏen miệng. Má ít nói, thầm lặng, có khi ngồi hằng giờ, tâm trí phiêu lưu mãi tận nơi đâu. Mỗi buổi chiều, tôi  tranh thủ vào thăm và tắm cho má. Má thường ngồi ở ghế xích đu trước hiên nhà, mắt nhìn về phía mặt trời lặn. Tôi hay hỏi "má nghĩ gì vậy". Lúc nào má cũng trả lời "có nghĩ gì đâu", nhưng tôi biết má nhớ Lạc Lợi, nhớ ngôi nhà, nhớ con cái... Có lần má nói với tôi “thằng Hồng nó đi lâu quá, bây giờ má không nhớ cái mặt nó ra làm sao". Nhớ con cái má chỉ biết hồi tưởng lại quá khứ. Anh Hồng, chị Huê, em Sương ở cách xa má hơn nửa vòng trái đất. Má không có một khái niệm về trái đất, về nước Anh, nước Mỹ, chỉ biết là xa lắm. Máy bay phải bay qua mấy cái biển lớn. Má nói dễ sợ quá, rủi máy bay rớt xuống biển thì sao. Rồi má bắt đầu quên. Một chuyện má cứ nhắc đi, nhắc lại rất nhiều lần, hỏi đi hỏi lại, kể đi kể lại. Má còn không phân biệt mình đã ăn cơm chưa. Thế là má đã "lẫn" rồi. Thỉnh thỏang má tiểu tiện trong quần hoặc chun vào hốc kẹt cửa nhà sau đại tiện. Dĩ nhiên là má đâu nhớ làm vệ sinh. Do đó việc chăm sóc má rất là vất vả. Chị Cúc rất tận tụy và chịu đựng. Chị đã làm một việc khó làm. Nhiều ngày má không đại tiện được, chị dùng găng tay moi từ hậu môn của má những cục phân cứng ngắt, khô queo và hôi thúi nồng nặc. Tất cả anh chị em trong gia đình ai cũng cảm phục và rất biết ơn chị.
 
Mỗi lần tắm cho má là lòng tôi lại xót xa. Má như một em bé ngoan ngõan để tôi cởi áo quần, kỳ cọ, tắm rửa. Nhớ ngày nào còn bé, má đã tắm cho tôi; cũng những động tác này, hôm nay tôi đã làm cho má. Má không thể  tự chăm sóc mình, không kiểm soát   được hành động của mình. Chao ôi! Má thật đáng thương làm sao! Nhin má mà tôi chỉ muốn khóc, vì biết ngày xa má vĩnh viễn sẽ đến gần, rất gần. Nhìn thân hình tiều tụy chỉ còn da bọc xương, đôi mắt sâu hoắm, hai má lõm vào. Còn đâu má của tôi ngày nào. Sự sống của má kéo dài bằng những chai serum, cho tới lúc tĩnh mạch của má không tiếp nhận được nữa. Cha bắt mạch nói chỉ trong một hai ngày nữa là má sẽ đi.  Lời cha phán, dù đã biết trước, tôi vẫn thấy như sét đánh ngang đầu. Má như cây đèn  đã cạn hết dầu, chỉ còn leo lét, sẽ tắt bất cứ lúc nào. Tôi thật sự bấn lọan, chao đảo. Trong đầu cứ vang lên: "má sắp chết rồi". Sự trùng hợp hay điềm báo có sự tang tóc,  những bầy mối dày  đặc từ trên plafond nhà dưới bay túa ra, ào ạt tràn vào phòng má và tản ra khắp nhà. Phải dùng thuốc diệt  côn trùng mới thanh tóan hết đàn mối. Rồi cái đêm kinh hòang đó đã đến. Tôi đã chứng kiến sự từ giả cõi  đời của má: một cách nhẹ nhàng, thanh thản. Má như chìm sâu vào giấc ngủ. Tôi không ngờ tôi bình tĩnh đến như vậy. Tôi đứng giữa các anh chị em đang có mặt, tham dự giây phút tiễn đưa má sang một thế giới khác. Chị Huê và tôi liên tục niệm Phật, cố gieo cho má một chút duyên. Thật là kỳ lạ! Má tôi nằm đó nhưng vẻ mặt hốc hác, tiều tụy, mệt mỏi vì kiệt sức đã biến mất; thay vào đó là nét mặt hồng hào, tươi tắn, đôi môi khép kín như đang thảnh thơi trong giấc mộng êm đềm. Má tôi chưa có nhân duyên sâu sắc với Phật. Thuở trẻ má có đi chùa, sau này khi tôi có sự hiểu biết thì không thấy má đi chùa nữa. Thời gian tôi ăn chay trường, tôi có mua cho má một xâu chuỗi để đầu giường, nhắc nhở má niệm Phật , nhưng má lúc nhớ lúc quên và sau cùng má quên luôn xâu chuỗi. Suốt đời má sống hiền thiện, đạo đức, nhân từ. Tôi tin rằng má tôi sẽ tái sinh vào nơi an lành, hạnh phúc vì gieo nhân nào sẽ gặt quả đó.
 
Má chết rồi. Má nằm im đó. Đâu còn việc gì để làm cho má nữa. Ngồi than khóc ư? Mấy ngày qua tôi đã âm thầm khóc rất nhiều rồi. Giờ đây để lấp khỏang trống này, tôi và chị Huê tiếp tục niệm Phật cho đến sáng. Niệm đến khô cả họng, khan cả tiếng.
 
Chôn cất má xong xuôi rồi, không còn má trong ngôi nhà, trên chiếc giường, chiếc võng, trên chiếc ghế salon... Tôi tìm má, tưởng tượng má còn ở những nơi đó. Có phải là má đã mất hẳn rồi không? Hãy nhìn xem những giọt mưa tí tách rơi trước hiên nhà. Nó đi đâu? Nó nhập bọn chảy ra ao, hồ, sông, biển... rồi bốc hơi thành mây, rồi trở lại thành mưa, cứ thế luân lưu mãi. Lòai động vật sinh ra con, ra trứng. Lòai thực vật sinh ra trái, ra hạt hoặc cây con để duy trì sự sinh tồn. Cha má đã để lại tám người con. Chị Hai vẫn còn đó với sự hiện diện của năm đứa con. Thân xác cha má hòa tan trong đất nước, gió, lửa, nhưng vẫn tồn tại trong đàn con, đàn cháu. Tôi thấy cha má trong thân thể của tôi, của các anh chị em tôi…  và tiếp nối các thế hệ cháu, chắt và  tiếp nối không ngừng. Cha má đâu có chết. Chết chỉ là từ ngữ chỉ sự vắng mặt, chứ không là mất hẳn. Nhớ lời dạy của Thiền Sư Nhất Hạnh: “khi nào con nhớ cha mẹ, con hãy nhìn bàn tay con”. Khi tôi hiểu sâu sắc lời dạy này, tôi thường nâng niu, vuốt ve bàn tay, thân thể tôi; vì đó là gia tài quý báu mà cha mẹ đã trao truyền. Tôi thường hôn lên tay, tưởng tượng như hôn lên má của hai đấng sinh thành; như chạm vào da thịt nồng ấm mà thuở nào tôi đã gối đầu lên cánh tay, chòang tay ôm qua bụng và hay sờ vào vú.
 
Chín năm đã trôi qua, tôi vẫn da diết nhớ, nhất là những lần thức giấc nửa khuya. Một sự hụt hẩng, trống vắng và chơi vơi. Tôi mang cảm giác của người bị mất báu vật mà không bao giờ tìm lại được. Tôi phải liên tục nhìn và âu yếm ve vuốt bàn tay. Tôi áp bàn tay lên môi, lên má và thầm nói rằng ”cha má vẫn còn ở bên con, không rời xa giây phút nào, con không mất cha má”. [Dĩ nhiên tôi thực hiện phương pháp này khi chỉ có một mình, nếu không người khác họ tưởng tôi bị bệnh tâm thần].
 
Ý tưởng này đã giúp tôi tìm lại thăng bằng trong cuộc sống, giúp tôi thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, rủ bỏ bớt phiền muộn, âu lo; vì tôi đã chấp nhận sống thuận theo quy luật của cuộc đời. Sinh mạng của con người vô thường, đồng hành cùng sự sinh diệt  của tế bào trong từng giờ, từng phút. Tôi thường băn khoăn tự hỏi,  có phải từ thuở ấu thơ tôi không được ở gần cha  má, nên cái cảm giác thiếu thốn tình cảm cứ dai dẳng đeo bám suốt cuộc đời; như người ăn cơm chưa bao giờ được no, nên khát khao, thèm thuồng đã ăn sâu vào xương tủy. Do vậy, tuy đã già mà niềm thương nhớ về cha má vẫn dạt dào, sâu đậm như thuở nào. Không đợi đến ngày Vu Lan, không cần một nghi lễ, tôi đã tự cài cho mình một hoa hồng đỏ, màu hồng thắm, đượm ngát hương thơm, với tâm tư rạng ngời hạnh phúc:” cha má chưa bao giờ chết”.
 
Trần thị Lệ-Son
 [tháng 4/2008]