DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Ung thư ở Việt Nam - Phần 2

2/3/2024

BỊNH UNG THƯ Ở VIỆT NAM
Trần-Đăng Hồng, PhD
 
Phần 2. Tình trạng ô nhiễm không khí
 

Càng ngày, tình trạng ô nhiễm không khí càng gia tăng ở các thành phố lớn Việt Nam, nhất là các thành phố ở bên trong nội địa, như Hà Nội, Sài Gòn, Cần Thơ. Các thành phố ven biển tương đối ít ô nhiễm hơn, vì nhờ gió biển.

Các yếu tố chính của ô nhiễm không khí là bụi mịn và chất độc.

Ô nhiễm không khí là sự xuất hiện của các loại bụi, bụi mịn, bụi siêu mịn hoặc các khí như CO, SO2, NO2. Các hạt bụi tồn tại trong không khí có vai trò quan trọng quyết định chất lượng bầu không khí. Các loại bụi mà mắt thường chúng ta có thể nhìn thấy hay cảm nhận được là các hạt bụi có kích thước lớn. Bên cạnh đó còn có các hạt bụi mịn PM2.5 thì mắt thường không thể nhìn thấy hay cảm nhận. Bụi mịn PM2. 5 là những hạt bụi li ti có trong không khí với kích thước 2,5 micron (µm) trở xuống (so với sợi tóc con người thì nó nhỏ hơn khoảng 30 lần).

 Chính loại bụi mịn PM2.5 là tác nhân gây ra các vấn đề bệnh đường hô hấp nghiêm trọng như: các phản ứng viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, tấn công sâu vào mạch máu và tim.
 
1. Thực trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam
Việt Nam là quốc gia xếp thứ 36 trong tổng 177 quốc gia có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất trên toàn cầu. Theo thống kê của Iqair, nồng độ bụi mịn PM2.5 tại Việt Nam vượt quá 4,9 lần so với mức độ không khí cho phép.

Theo bảng xếp hạng các thành phố có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất thế giới ngày 31/10/2019 (Airvisual), tình trạng ô nhiễm không khí Hà Nội đứng thứ 16, còn Sài Gòn đứng thứ 53. Thời gian có nồng độ bụi mịn, siêu mịn cao thường là vào ban đêm và sáng sớm vì đó là các khoảng thời gian gió lặng cùng với nhiệt độ giảm hơn so với ban ngày càng làm cho không khí ô nhiễm không thể khuếch tán, duy trì ở mức độ cao.

Tình trạng ô nhiễm môi trường tại Việt Nam càng ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Trong đó, Hà Nội đứng đầu bảng về chỉ số ô nhiễm không khí. Chỉ số AQI tại Hà Nội trung bình là 202, sau đó là Bắc Ninh: 171, Thanh Hoá: 165, Sài Gòn: 161, An Giang: 154, Thái Nguyên: 153, Lạng Sơn: 118.

Nồng độ bụi mịn PM2.5 tại Hà Nội cao gấp 21,9 lần so với giá trị tiêu chuẩn về chất lượng không khí hàng năm của WHO. Tại Sài Gòn gấp 16,4 lần so với tiêu chuẩn chất lượng không khí hàng năm của WHO.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liên tục cảnh báo mối đe dọa từ ô nhiễm không khí tới sức khỏe con người. Nguồn gốc của tác nhân gây ô nhiễm không khí đến từ các hoạt động của con người như khí thải của các xe cơ giới, hoạt động công nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng, nhiệt điện, lọc dầu, đốt rác thải công nghiệp, nông nghiệp, các hoạt động nấu ăn, sưởi ấm nhiên liệu.

Theo thống kê năm 2018, lượng phát thải bụi mịn PM2.5 đến từ những nguyên nhân sau:

40% đến từ việc đốt bỏ phụ phẩm công nghiệp
17% từ đun nấu dân sinh
13% đến từ giao thông đường bộ
12,7% đến từ cháy rừng
11% từ các hoạt động công nghiệp
3,3% từ nhà máy nhiệt điện
3% từ các hoạt động khác

Ô nhiễm không khí là sự xuất hiện của các loại bụi, bụi mịn, bụi siêu mịn hoặc các khí như CO, SO2, NO2. Các hạt bụi tồn tại trong không khí có vai trò quan trọng quyết định chất lượng bầu không khí. Các loại bụi mà mắt thường chúng ta có thể nhìn thấy hay cảm nhận được là các hạt bụi có kích thước lớn.
 
2. Bệnh do ô nhiễm không khí
Theo như thống kê của tổ chức Y tế thế giới WHO, trong mỗi năm thế giới có tới 7 triệu ca tử vong sớm do hô hấp với ô nhiễm không khí. Trong đó, bụi PM2.5 chính là nguyên nhân chủ yếu với loại bụi siêu mịn này có thể đi sâu vào trong cơ thể con người.

PM2.5 đặc biệt nguy hiểm hơn vì chúng bé đến mức có thể luồn lách vào các túi phổi, tĩnh mạch phổi và xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu.

PM2.5 là nguyên nhân gây nhiễm độc máu, máu khó đông khiến hệ tuần hoàn bị ảnh hưởng, làm suy nhược hệ thần kinh điều khiển hoạt động của cơ tim gây ra các bệnh tim mạch. Những hạt bụi mịn xâm nhập vào cơ thể, làm giảm chức năng của phổi, gây viêm phế quản mãn tính, gây nên bệnh hen suyễn và ung thư phổi. Đồng thời, khiến tình trạng bệnh trở nặng hơn và có thể tử vong, làm cho thai nhi chậm phát triển, trẻ sinh ra nhẹ cân, nhiều khả năng bị suy nhược thần kinh và tự kỷ.

Ngoài ra, PM2.5 còn chứa nhiều kim loại nặng có khả năng gây ung thư, hoặc tác động đến DNA và gây ra đột biến gen.

Tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng báo động và ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ của con người. Hơn 1.300 người ở TP Hồ Chí Minh tử vong mỗi năm gây ra do sự ô nhiễm không khí.

Theo ước tính của Viện nghiên cứu ảnh hưởng sức khỏe, cứ 10 người có 9 người hít thở không khí có chứa bụi PM2.5 với nồng độ cao hơn 10 µg/m3. Hiện nay, tại nhiều tỉnh, thành phố có lượng bụi PM2.5 đều vượt mức cho phép theo Bộ Tài Nguyên Môi Trường Việt Nam năm 2021.

Ở trẻ em và cả người lớn, khi tiếp xúc ngắn hạn hay dài hạn với ô nhiễm không khí có thể dẫn đến giảm chức năng phổi, nhiễm trùng đường hô hấp và hen suyễn nặng hơn. Bằng chứng mới nổi cũng cho thấy ô nhiễm không khí xung quanh có thể ảnh hưởng đến bệnh đái tháo đường và sự phát triển thần kinh ở trẻ em.

Ô nhiễm không khí là nguyên nhân hàng đầu gây nên các căn bệnh nguy hiểm như hen suyễn, tim mạch, ung thư, hô hấp, chứng COPD (Chronic Obstructive Pulmonary Disease, tức loại bệnh khó thở, kể cả chứng bệnh phổi và Viêm phế quản mản tính).

Ở người lớn có sức khoẻ bình thường cũng có thể gặp các triệu chứng như dị ứng mắt, da, mũi và cổ họng; ho, khạc đờm, tức ngực, khó thở khi hít thở trong bầu không khí bị ô nhiễm.

Còn đối với người có sẵn bệnh phổi như hen suyễn, COPD tính có thể làm tăng các triệu chứng của bệnh như khó thở nhiều hơn kèm theo tức nặng ngực, ho nhiều hơn, thở khò khè. Các nghiên cứu cho thấy ở những thời điểm thời tiết khắc nghiệt hoặc bị ô nhiễm không khí cao, tần suất nhập viện do các căn nguyên về bệnh đường hô hấp và tim mạch tăng cao hơn.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi bụi mịn giảm 20 - 70 μg/m3 thì tỷ lệ người có nguy cơ tử vong do các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí cũng giảm 15%.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ô nhiễm không khí và các bệnh đường hô hấp Ô nhiễm không khí và các bệnh đường hô hấp | Vinmec
2. Phạm Thế Hiệu 23/01/2024. Thực trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam và giải pháp. Thực trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam và giải pháp 2023 (systemfan.vn)
 
Reading, 02/3/2024