DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Chị Hai


 
CHỊ HAI

Trần-Đăng Hồng

 


Chị Hai lớn hơn tôi một giáp, mười hai tuổi. Trong một gia đình Việt Nam có nhiều con và bà mẹ phải xóc xáo trong việc làm giàu như cha má tôi, chị Hai và chị Ba, ngay khi còn nhỏ, đã thay má để chăm sóc đàn em, đặc biệt là tôi, vì tôi và em Huê được sanh cách nhau năm một. Các chị đã bồng tôi, đút cho tôi ăn, tắm rửa, dẩn tôi đi ngủ, v.v. như một bà mẹ. Chuyện kể rằng khi nhỏ, hai ba tuổi, tôi ham chơi. Cứ mổi lần vào giờ đi tắm buổi chiều đều có những cuộc rượt bắt giữa các chị và tôi, bởi vì tôi không chịu đi tắm. Tôi chạy quanh co giữa các hàng cây trong vườn, hai chị phải chận đầu chận đuôi mới bắt được tôi để dẩn đi tắm.

    Nhưng cũng không phải dể dàng như vậy khi tắm tôi, tôi lúc nào cũng vùng vẩy để thoát chạy, và có khi ngay lúc các chị vừa tắm tôi xong, tôi lăn ra đất dảy dụa để cho bụi đất dính vào mình trở lại. Dỉ nhiên tôi bị những phát đánh nóng bỏng vào mong.


Phải mấy năm sau khi lập gia đình má mới sanh chị Hai. Chi Hai rất đẹp, má luôn luôn ửng hồng với làn da trắng mịn. Cha tôi cưng chị lắm, vì vậy chị thường nhỏng nhẻo với cha tôi. Mổi lần muốn ăn đường phèn, cha tôi lúc nào cũng có đường phèn trong tủ thuốc, chị đến gần cha tôi, giả bộ ho khúc khắc. Cha hỏi “sao vậy con?”, chị nhỏng nhẻo chả chớt trả lời “Xâm ho”. Biết ý, cha cho một cục đường phèn, thế là chị hết ho khúc khắc.

Chuyện kể rằng năm 14 tuổi, chị bị bịnh rất nặng, có lẻ là thương hàn, bởi vì sau khi bình phục, tóc chị rụng gần hết phải cạo trọc để mọc tóc mới. Vào thời đó chưa có thuốc Tây, cha và ông nội chửa trị cho chị, nhưng bịnh chị càng ngày càng nặng. Túng thế, Bà nội và má phải đến Cây Dầu, gần quê của Bà Nội, để cầu cứu Thầy Hai. Thầy Hai là một thầy pháp, lên đồng mà cốt đồng là thần Civa, tức Thiên Y Thánh Mẩu của Tháp Bà (Po Nagar) mà giới đồng bóng gọi là Mẹ. Khi đức Mẹ nhập vào xác Thầy Hai, Thầy Hai trâm bằng một ngôn ngử xa la, có lẻ tiếng Chàm, thầy bổng đứng dậy và chạy ra khỏi nhà, chạy trên các đầu ngón chân, và khi chạy đến Cầu Bè, thầy nhảy xuống bầu và ngụp lặn dưới nước một hồi lâu. Khi trồi lên mặt nước, bàn tay thầy nắm một nắm bùn xanh, rồi thầy chạy thẳng về nhà, đặt nắm bùn xanh lên ngực chị Hai. Sau đó, chị Hai hết bịnh. Từ đó, cha má tôi rất tin tưởng thầy Hai, ký bán chị Hai cho thầy làm con nuôi. Khi nhỏ 3-5 tuổi tôi cũng được thầy Hai cho đeo một chiếc kiềng bùa phép để trừ tà ma, sau đó em Huê mang chiếc kiềng này khi tôi lớn hơn. Tôi không nhớ các em Son và Sương có còn phải đeo chiếc kiềng hộ mạng này không khi còn nhỏ. Khi nghe tin thầy Hai sắp qua đời, cha má bảo chị Hai đi Cây Dầu thăm thầy. Khi trở về chị Hai tường trình rằng thầy Hai mặt mày trở nên hung hăng, rên rỉ, tay chân quờ quạn như bị ma quỷ ám. Tôi nhớ là má nói “chắc là thầy Hai bị ma quỉ trả thù”.

Chị Hai và chị Ba đã đóng góp rất nhiều vào sự làm giàu của cha má tôi. Khi tôi bắt đầu có trí nhớ, tôi biết các chị tôi đã vất vả cùng má trong việc trông coi ruộng vườn, đặc biệt vào mùa thu hoạch lúa, các chị phải giúp má trong việc đi coi thợ gặt ở những cánh đồng gần nhà, trong lúc cha tôi phải đi coi thợ gặt hàng nửa tháng ở sở ruộng Đồng Hộ cách nhà trên 10 cây số. Ngoài mùa gặt, các chị trồng rau rồi sáng sáng hai chị em gánh rau bán ở Chợ Thành. Vào ngày rằm và mồng một hai chị làm bánh bò màu xanh đỏ, bánh ít, bánh thuẩn, v.v. để bán ở chợ. Sở dỉ tôi nhớ kỷ như vậy vì tôi thường lân la theo các chị để được ăn những cái bánh không có tiêu chuẩn để bán. Khi tôi đi học lớp năm (lớp 1 bây giờ) ở Thanh Minh, có thầy Đạo ở Hà Dừa cứ theo hỏi tôi về hai chị, vì ông ta si một trong hai chị, nhưng lúc đó còn quá nhỏ tôi không biết thầy si chị nào của tôi.

Khoảng cuối thập niên 1940’s, Việt Minh nổi dậy khắp nơi, đêm đêm về làng khủng bố, ám sát những người làm việc cho Tây, tống tiền các điền chủ giàu có, và bắt thanh niên vào rừng làm kháng chiến quân. Để đối phó, nhà cầm quyền Pháp bắt tất cả đàn ông và trai tráng phải vào đồn để ngủ hàng đêm. Vì vậy, đêm đêm trong nhà chỉ còn má, hai chị, tôi và Huê, bởi vì lúc đó tôi mới 4-5 tuổi, chưa phải là đối tượng để bắt của Việt Minh. Cha và các anh tôi đều đi ngủ ở đồn. Vào một đêm khuya trời đen như mực, tôi bổng thức dậy vì tiếng động, tôi thấy má tôi đang khóc và lạy một toán kháng chiến quân khoảng sáu bảy người. Họ đến bắt Chị Hai và Chị Ba. Vì má tôi khóc lóc, năn nỉ và lạy họ, và tiếp tế họ nhiều tiền bạc và thực phẩm, cuối cùng họ chỉ bắt chị Hai dẩn đi. Sáng hôm sau, cha má vội vả đi trình ông Tổng Quyến ở đồn Thanh Minh, rồi nhà chức trách ở Quận Diên Khánh về sự bắt cóc của chị Hai, nếu không gia đình tôi sẽ bị khổ lụy vì họ cho rằng cha má có con tình nguyện theo Việt Minh. Một mặt cha má nhờ Dượng Sáu ở Phước Tuy bí mật liên lạc với kháng chiến quân để chuộc chị Hai. Tôi không biết cha má đã tốn bao nhiêu vàng để chuộc chị Hai. Cuối cùng, tôi không nhớ là bao lâu, vào một buổi sáng tinh mơ Dượng Sáu đến báo với cha má là chị Hai đã được thả và đang ở nhà Cô Dượng Sáu. Thế là một lần nữa cha má phải đút lót vàng cho nhà cầm quyền để tránh cảnh chi Hai bị tra khảo và tù tội vì theo Việt Minh. Để tránh việc có thể tái diển cho hai đứa con gái, cha má quyết định cho anh Năm Thọ làm lể cưới Chị Ba sớm hơn, mặc dầu còn tang ông bà nội, và gởi chị Hai ra Nha Trang tá túc ở nhà bà con. Vì vậy, khi Bà Ba, má của Thiếm Mười, gợi ý muốn làm mai cho cháu ruột của bà là anh Bốn Hà cho Chị Hai, thì cha má đồng ý liền, vì còn chị Hai chưa có chồng thì còn là một mối lo lắng rất lớn của gia đình, về làng thì sợ Việt Minh bắt, mà để ở Nha Trang thì sợ thân gái ở chốn phồn hoa hư hỏng. Gả phứt cho rồi. Đó là quyết định của cha má. Điều đó làm chị Hai buồn và khóc, bởi vì chị Hai cũng chưa gặp mặt anh Bốn Hà. Anh Bốn Hà lúc đó đang dạy học ở tận Dỉ An, Thủ Đức. Vào cuối thập niên 1940s, xe lửa Sài Gòn Nha Trang bi Việt Minh cho nổ mìn hàng ngày, việc di chuyển rất là khó khăn, nguy hiểm và tốn kém. Luu thông an toàn chỉ là bằng máy bay, nhưng rất tốn kém và khan hiếm vào thời đó. Hình như là anh Bốn Hà chỉ đến nhà cha má một hai lần gì đó mà chị Hai có thể biết mặt anh trước khi làm lể cưới.

Đám cưới chị Hai được cử hành giản dị, khác với đám cưới rình rang của Chị Ba trước đó. Tôi nhớ, ngày hôm đó trời mưa rả rích, những cơn mưa dai dẳng của tháng mười – mưa làm thúi đất - với những cơn gió bấc lạnh lùng làm tê tái da thịt. Chiếc xe ngựa bên đàng trai không thể chạy được đến nhà tôi vì đường quá lầy lội, phải dừng ở ngoài cây Dáng Hương, và họ đàng trai – không có chú rể – phải bì bỏm lội bộ trên con lộ sình lầy dưới cơn mưa rả rích. Vâng, đám cưới chị Hai, không có mặt anh Bốn Hà. Chiến tranh đã làm chị tôi buồn tủi một lần thứ hai – vào giờ chót anh Bốn Hà không về Nha Trang được vì không có phương tiện di chuyển trong thời buổi chiến tranh. Chị Năm, em gái anh Bốn Hà, thay anh mình làm chú rể, cùng với chị Hai làm lể tơ hồng. Tôi nhớ là khi đèn cưới được thắp lên, trong khi chị Hai và chị Năm lạy, thì một đèn bị gió thổi suýt tắt mấy lần. Theo dị đoan, đây là một điềm gở. Sau đám cưới, chị Hai đáp máy bay vào Dỉ An sum họp với chồng. Sau một thời gian ở Dỉ An, anh Bốn Hà bị động viên vào quân đội, rồi anh chị chuyển về Nha Trang. Tôi nhớ lúc đó tôi đang học lớp nhì (lớp bốn) tiểu học Nha Trang, tôi thường đến thăm chị, lúc đó ở đưòng Sinh Trung, nhờ chị khâu dùm chiếc nút bị lỏng chỉ, hay mạng dùm chiếc áo bị rách vì đá banh. Tôi thích bồng cháu Tân, rất khấu khỉnh, da cũng trắng hồng như da mặt chị Hai. Giọng chị rất ngọt ngào. Một lần, chị đang nói chuyện với một bà hàng xóm khi tôi đến thăm, tôi để ý là lúc nào chị cũng bắt đầu bằng tiếng “dạ” khi nói một câu, nghĩa là, trong vòng 5 phút nói chuyện của chị tôi có thể đếm 3-4 tiếng “dạ” thoát từ đôi môi hồng và dể thương của chị.


Khi còn thời trai trẻ, anh Bốn Hà là một kiện tướng bóng bàn (ping pong) và cờ tướng thuộc tầm cở liên tỉnh, vì vậy anh ít khi có mặt ở nhà khi ngoài công sở. Mọi việc ở nhà, từ nuôi con cái, giáo dục, chợ búa, sự nghiệp nhà cửa đều do một tay chị đảm đương. Khi còn học ở Nha Trang, tôi thường ghé thăm chị. Tôi thương chị lắm, và chị cũng thương tôi nhiều.

Sau khi đậu Tú Tài, tôi vào Sài Gòn để chuẩn bị thi vào đại học. Lúc đó, anh Năm Lộc đang dạy trường Petrus Ký, Saì Gòn. Một buổi sáng, tôi và anh Năm Lộc nhận một điện tín khẩn báo tin chị Hai mất. Chị bị băng huyết khi sanh cháu Trí. Tôi và anh Năm tức tốc mua xe đò về Nha Trang để kịp đưa đám ma của chị vào sáng hôm sau. Cũng tại chiến tranh, thay vì đến Nha Trang vào chiều tối hôm đó, chiếc xe đò anh em tôi đi đến Nha Trang vào chiều ngày hôm sau, vì dọc Rừng Lá Việt Cộng đã đấp mô và gài mìn, anh em tôi phải ngủ trên xe trong Rừng Lá đêm đó. Về tới Nha Trang thì đám táng đã cử hành từ sáng rồi. Ở nhà anh Bốn Hà chỉ còn má, cha đã trở về quê giử nhà. Tôi thương chị nên tôi quyết định đêm đó ngủ ở nhà anh chị Hai, và tôi xin được ngủ trên chiếc giường mà trước đó 48 giờ, trong khi chờ khẩn liệm, chị được đặt nằm sau khi chở từ nhà thương về. Tôi thương chị và tôi cầu khấn mong được gặp chị. Trong giấc ngủ say sưa vì sau một hành trình 36 giờ vất vả trên xe đò, tôi thấy một ánh lửa, sáng choang, to bằng cái dỉa, từ một góc mùng bay vào mặt tôi với một vận tốc rất nhanh, tôi la lên và hoảng hốt lăng mình né tránh. Nghe tiếng tôi la thất thanh, anh Bốn Hà, má và cả nhà đều thức dậy chạy vào phòng thì thấy tôi đang nằm dưới đất, cuộn tròn trong chiếc mùng như con thú bị lưới. Đó là đêm ngủ cuối cùng của tôi ở nhà chị. Tôi biết chị rất thương tôi.

Reading, 23 tháng 7 năm 1999

Trần-Đăng Hồng