Chờ tới Tết Congo
CHỜ TỚI “TẾT CONGO”
Nguyễn Thị Kim-Thu
Người Việt trước đây có mấy câu nói – có thể gọi là thành ngữ - liên quan đến tên của nước khác mà thường là có ý xấu. Chẳng hạn, hứa mà không thực hiện thì “hứa lèo”, phát hành đồng tiền không có giá trị thì là “tiền lèo”; chữ “lèo” ở đây là phát âm từ chữ “Lào”. Còn nói về một việc sẽ không bao giờ hiện thực thì “chờ tới Tết Congo”, hay “chờ tới Tết Ma Rốc”. Chữ “Tết” ở đây là tết cổ truyền của mỗi dân tộc hay bộ lạc, sắc tộc. Chẳng hạn, người Việt ăn Tết Nguyên Đáng (Tết Ất Mùi năm nay), nhưng các sắc tộc trong nước ta cũng có những ngày tết riêng của sắc tộc đó.
Như vậy xứ Ma Rốc (Morocco) và Congo không có Tết hay sao? Người Việt Nam chung đụng với văn hóa Phi Châu qua hình ảnh của lính Lê Dương (phát âm từ Légion étrangère của quân đội Pháp gồm thành phần lính thuộc địa) tức Tây Đen thời Pháp thuộc. Đó là các lính da đen ở Bắc Phi Châu như Ma Rốc, Algerie, hay từ các nước ở Trung Phi Châu (Central Africa) trong đó có Congo.
Qua sự chung đụng, người Việt thấy các lính Lê Dương này không có ăn Tết Tây (1/1 dương lịch) như Tây Da Trắng (Pháp), vì vậy người Việt nghĩ rằng nước Ma Rốc hay Congo không có Tết để ăn mừng. Sở dỉ lính Ma-Rốc không ăn Tết Dương Lịch 1/1 của lịch tây phương, vì họ theo đạo Hồi Giáo Islam. Đạo Hồi cấm dân ăn tết dương lịch 1/1 vì đó là tết của người theo Công Giáo, vốn cho là cấm kỵ đối với Hồi Giáo. Cho tới nay, cũng còn một số quốc gia theo Hồi Giáo cấm dân chúng ăn mừng trong dịp đầu năm dương lịch.
Như vậy vào thời trước 1950 Ma-Rốc không có ăn mừng Tết Tây 1/1, nhưng họ có tết cổ truyền của họ, theo lịch Hồi Giáo, thường xảy ra vào tháng 2 dương lịch, gọi là tết Aid Al Adha hay Aid el-Khebir. Lể hội Tết này có tính cách tôn giáo, tôn vinh đấng Abraham. Một ngày Tết quan trọng khác là Fatih Mouharam là ngày đón mừng Năm Mới Hồi Giáo thường xảy ra vào tháng 3 dương lịch.
Ngày nay, theo nếp sống Âu hóa mới, các thành phần học thức và giới thượng lưu ăn mừng Tết Tây 1/1, đồng thời họ ăn Tết cổ truyền của họ, thành thử từ tháng 1 (Tết Tây), qua tháng 2 (tết Aid Al Adha) đến tháng 3 (tết Fatih Mouharam) là ba tháng triền miên ăn Tết với nhiều lễ hội tưng bừng.
Lễ hội Tết ở Ma-Rốc
Đặc biệt là ở thành phố Marrakech có lễ hội Dakka Marrakchia nổi tiếng. Từ hơn ngàn năm, Marrakech là nơi tụ họp của giới thương hồ khắp Châu Phi đến trao đổi hàng hóa và buôn bán, với các đoàn lữ hành cởi lạc đà qua sa mạc mang theo các sản phẩm nổi tiếng của địa phương, đặc biệt là các thảm màu sắc sặc sở nổi danh thế giới. Vì vậy, lễ hội Dakka Marrakchia , thường tổ chức vào giữa tháng 2, lôi cuốn du khách khắp thế giới. Ở lễ hội này ta sẽ gặp màu sắc y phục sặc sở của hàng trăm sắc tộc Phi Châu, trình diễn nhạc và vũ điệu rất lạ mắt.
Tại Phi Châu có tới 2 nước mang tên Congo; nước Cộng Hòa Dân Chủ Congo (Democratic Republic of the Congo) có kinh đô Kinshasa nên còn gọi là Congo-Kinshasa, trước đây gọi là Zaïre, vốn là thuộc địa của Bỉ (Belgium), nên cũng còn gọi là Congo-thuộc-Bỉ; và nước Cộng Hòa Congo (Republic of Congo) còn gọi là Congo-Brazzaville vì có kinh đô là Brazzaville, vốn là thuộc địa của Pháp nên còn gọi Congo-thuộc-Pháp. Cả hai quốc gia này lấy tiếng Pháp làm ngôn ngữ chính, vì có tới mấy trăm ngôn ngữ khác nhau.
Congo-Kinshasa gồm khoảng 250 sắc tộc, có trên 150 ngôn ngữ, chiến tranh liên miên giữa các sắc tộc, là quốc gia nghèo và tụt hậu nhất thế giới. Mỗi bộ lạc có một ngày tết cổ truyền riêng, nên cả quốc gia không có một ngày tết cổ truyền thống nhất, vì vậy chính phủ đành phải chọn tết dương lịch 1/1 là ngày tết chính thức, sau khi đất nước được độc lập.
Cũng như vậy, Congo-Brazzaville gồm trên 70 sắc tộc, với 60 ngôn ngữ, và chiến tranh liên miên, cũng chọn ngày 1/1 làm ngày Tết. Nhảy múa và nhạc, nhất là Rumba là sở trường của người Congo.
Phụ nữ Congo múa hát trong ngày lễ hội đầu năm
Cũng cần nói thêm là trước 1950, thời lính Lê Dương đến Việt Nam, người Congo không có ăn Tết Tây. Chỉ sau ngày dành được độc lập từ 1960, chính phủ Congo chọn ngày 1/1 Tết Tây làm Tết Congo. Vào ngày này, công sở được nghỉ. Chỉ có giới công chức hay giàu có mới ăn mừng Tết Tây. Còn dân trong các bộ lạc thì có những lễ hội riêng của họ tổ chức trong ngày tháng khác.
Reading, Tết Ất Mùi
Kim Thu