DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Về một dòng sông

Lên mạng ngày 28/12/2008



 
VỀ MỘT DÒNG SÔNG
Nguyễn Thị Kim-Thu
 
Mến tặng các bạn quê Cần Thơ 
 
Cần Thơ gạo trắng nước trong
Ai đi đến đó thời không muốn về
 
Tôi quê ở Cần Thơ, nơi biểu tượng của thủ đô miền tây Nam Bộ – Tây Đô. Tôi được sinh ra và lớn lên trong một ngôi nhà trên bờ một nhánh sông của Hậu Giang. Ngày ngày tiếp nối, ngắm nhìn dòng sông quen thuộc khi đục khi trong, thả hồn theo đám lục bình bềnh bồng trôi theo năm tháng, từ khi còn non lá nhỏ tí teo, đến khi già mang những cọng hoa tím có trục cao, nhấp nhô theo sóng nước. Hai bên bải sông, trong khoảng đất chịu thủy triều lên xuống, là hàng cây cao lớn, mọc theo thứ tự cây bần ở ngoài cùng, tra mọc gần bờ, và ô môi ven bờ, chen chúc trên thảm cây nhỏ cốc kèn, ô rô xanh mướt. Xa xa bên trong là vườn cây xanh tốt, thấp thoáng những mái nhà. Bờ sông có hoa nở quanh năm. Hoa tra nở vàng rực bờ sông. Hoa bần có mang trái nhọn tỏa mùi thơm lôi cuốn loài ong mật, thỉnh thoảng rơi tủm xuống sông, cắm vào bùn để mọc thành cây con. Vào mùa bông ô môi trổ, cả một bầu trời dọc bờ sông nhuộm màu tím đỏ. Bông ô môi rụng theo làn gió, mảng bông tím đỏ trôi dập dìu theo sóng nước. Thỉnh thoảng có con cá đớp mồi làm tan rả cả mảng bông đang dính chụm vào nhau. Cứ mỗi lần con nước bắt đầu lớn là chim bìm bịp kêu gọi nhau rộn rã. Dòng nước chảy ngược vào sông, vào rạch, tràn vào ruộng đồng, mang theo phù sa bồi bổ đất đai.
 
Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi
Buôn bán không lời, chèo chống mỏi mê
            Đời tôi - từ tuổi ấu thơ, qua tuổi dậy thì, rồi có gia đình, cho đến ngày rời quê hương – luôn luôn gắn liền với dòng sông. Hầu hết mọi gia đình sống dọc bờ sông đều dạy con cái mình biết bơi lội từ khi chúng 4-5 tuổi. Cảnh la khóc thảm thiết khi có trẻ chết trôi, tiếng chuông mỏ lể cầu hồn bên bờ sông vào chiều hôm vắng lặng, và chuyện ma da là chuyện thường xảy ra ở vùng dọc bờ sông. Ông bà thường bảo rằng trên một khúc sông nào có đứa chết trôi, thì khúc sông đó có “noi”, oan hồn tìm đứa khác chết thay thế. Vì vậy, bảy chị em tôi được Ba Má và Ông Bà Ngoại dạy bơi khi chúng tôi vừa lên bốn tuổi. Học bơi lội trong sông rất đơn giản. Chỉ cần ôm một thân chuối chặt lấy từ vườn, đầu tiên hai tay ôm chặt thân chuối, hai chân tập đạp nước cho quen, rồi từ từ thả một tay, rồi thả hai tay, lội một mình.
            Dòng sông là nơi chơi đùa của đám trẻ nhỏ từ tuổi còn tắm ở truồng. Mỗi ngày 2-3 lần nhảy ùm xuống sông tắm lội, chơi cút bắt, lặn hụp cả một khúc sông, rồi lội đua, nhất là bọn con trai hay leo lên cành cây mọc nhô ra sông nhảy xuống nước, cành cây càng cao nhảy càng thích thú. Đến tuổi lớn hơn một tí thì mặc quần. Con gái khi phần ngực vừa phát lớn, biết e thẹn, thì mặc áo cánh để tắm sông. Nhà nội tôi đối diện bên kia sông. Mỗi lần chị em tôi muốn đến nhà nội, thay vì đi dọc theo lộ đến chiếc cầu bắt qua sông rồi đi ngược về hướng nhà nội dài hơn cây số, chị em tôi chỉ cần nhảy đùng xuống sông, thi nhau đua lội đến bờ bên kia, một đoạn sông rộng hơn 100 thước. Bụng đói lả vì bơi lội, chúng tôi chạy thẳng vào vườn, gặp thứ trái cây nào cũng hái ăn, dù còn non chát, nhưng vẫn thấy ngon lành.
Khi lớn hơn tí nữa, ở lứa tuổi dậy thì, trai gái bắt đầu tập bơi xuồng, chèo ghe và học hát hò, học làm câu hò đối đáp giữa 2 nhóm bạn gái trai để tìm người yêu. Qua bao thế hệ, có những câu hò rất hay được truyền miệng nhau, chỉ cần biến đổi vài chữ tùy theo hoàn cảnh, để thử thách trí thông minh của nhau:
Con cá đối nằm trên cối đá
Con mèo đuôi cụt nằm mục đuôi kèo
Anh mà đối đặng dẩu có nghèo em cũng ưng
 
Chàng trai phải thật bén nhạy, thông minh, mới đối nổi các chữ nói lái trong hai câu hò của cô gái:
 
Anh muốn nhờ em mua mắm cá, nhưng má cắm biểu đừng
Con chim vàng lông đáp xuống vòng lang, nhảy hát tưng bừng
Bây giờ anh đối được, em đã hứa rồi thì đừng có quên.
 
Có khi cô gái hỏi khó quá, như câu:
Thấy anh hay chữ em hỏi thử đôi lời
Vậy chớ hồi tạo thiên lập địa ông trời ai sanh?  
 
hoặc:
Thấy anh ăn học lảo thông
Lại đây em hỏi thử khăn lông mấy đường?
 
Không đối đáp được, chàng tìm cách thoái thác bằng:
 
Thôi thôi em về em đếm hết cỏ trong vườn
Rồi ra đây anh nói có mấy đường khăn lông
 
Đôi lúc nàng cũng mượn dòng  sông để tỏ rỏ tình yêu:
Sông dài con cá lội biệt tăm
Phải duyên chồng vợ mấy năm em cũng chờ
 
Nhiều cuộc hò đối đáp trên bờ sông, trên dòng sông khi chèo ghe, trong đồng ruộng đã tạo nên duyên vợ chồng.
            Tại vùng sông rạch, chợ bao giờ cũng ở bờ sông, kế bên một chiếc cầu. Mỗi xóm đều có một bến đò để đưa khách đi chợ sớm chiều, trẻ con đi học. Phương tiện di chuyển đến chợ mua bán hay trường học đều bằng ghe xuồng. Ngoài ra, còn có những ghe bán hàng vặt, trái cây, rau cải, cá tôm, vải vóc, v.v. chèo dọc theo sông rạch vang tiếng rao hàng đến tận mọi nhà ven sông. Trên sông lớn, nhiều ghe lớn bán hàng sỉ và lẻ, đậu chụm lại nhau thành một chợ nổi.
 

 
Chợ nổi Cái Răng
  
            Dòng sông trở nên đẹp và thơ mộng vào những buổi chiều. Các cô gái quê ở tuổi dậy thì thường ngồi trên cầu rủ mớ tóc dài đen óng gội đầu, với bộ quần áo ướt ôm sát da thịt, trông như một bức họa hết sức liêu trai.
            Vào những đêm rằm lớn, ngày cúng cô hồn, những chiếc tàu làm bằng giấy đặt trên bè chuối được thả trôi sông, chở một mâm có đủ đèn nhang nghi ngút, giấy vàng mả, bộ tam sên, gà luột, v.v. Ánh đèn cầy nhấp nhô theo ngọn sóng, trong đêm hiu quạnh, tiếng gió rì rào, dòng sông trở nên huyền bí lạ thường.
Hàng năm, vào ngày lể Hai Bà Trưng, các trường nử trong thành phố tổ chức thi nử công, gia chánh, thể thao. Trong mục thể thao có phần thi lội trên sông. Trong tuổi thiếu niên, có một lần tôi đoạt giải nhất thi lội qua sông. Đây là một nhánh sông khá rộng. Lội đua qua sông rất khó, vì phải tính vận tốc dòng nước chảy, nếu không dòng nước đẩy đưa ta xa mục tiêu. Vì đã quen thuộc với dòng sông gần nhà này, tôi đã đến đúng đích mau hơn mọi người. Tiếng nổ máy của chiếc ca nô chạy theo hộ tống, những tràng vổ tay, tiếng reo hò cổ vỏ của khán giả, bạn bè đứng hai bên bờ sông, tôi vẫn còn nhớ rỏ âm vang cho tới ngày nay.
            Sông Hậu Giang rộng bao la, đứng bên bờ này không thấy được người đứng bên kia bờ, chỉ thấy một rừng cây xanh thẩm mịt mù. Dòng sông Hậu Giang nơi tôi ở cũng đã từng ghi nhiều trận thủy chiến trong lịch sử.
            Giờ đây dòng sông đã thay đổi nhiều. Một số kinh rạch chảy vào sông bị lấp, biến thành mặt bằng xây cất nhà cửa. Rạch Tham Tướng nay gần như không còn nữa. Chợ Tham Tướng cũng bị đổi tên. Hai trăm năm trước, ở nơi này Tham Tướng Mạc Tử Sanh liều mình cứu chúa trong một trận thư hùng ác liệt với quân Tây Sơn để chúa Nguyễn Ánh có cơ thoát thân. Đất Cần Thơ là nơi trú ẩn của chúa Nguyễn Ánh. Dân chúng Cần Thơ che dấu ngài. Rạch Long Tuyền (rạch vua) và Xã Long Tuyền ở Bình Thủy là nơi ngài từng trú ẩn. Chuyện dân gian kể rằng trên bước đường bôn tẩu, thuyền quân Tây Sơn đã tiến sát gần bắt kịp thuyền chúa Nguyễn Ánh trên Hậu Giang, thì trời bổng trở gió to sóng lớn, mây đen mù mịt, thuyền nhỏ của Ngài chạy thoát vào một con rạch nhỏ, yên tịnh, với cây cối um tùm, trong lúc sóng gió trên sông Hậu Giang làm thuyền quân Tây Sơn đấm chìm rất nhiều. Nhớ ơn nhánh sông đã cứu mình, ngài đặt tên Bình Thủy. Cũng trên bước đưòng bôn tẩu, trốn tránh trong rừng cây dọc sông, một ngày nọ lương thực hết cạn. Không còn gì để no lòng, ngài bèn ăn thử một loại trái mọc hoang dọc sông, nhờ vậy mọi người qua cơn đói. Ngài hỏi tên lính cận vệ của địa phương về tên của cây này. Tên lính trả lời là “Cây Bần”. Ngài nói “Cây này đã cứu ta, sao có tên xấu xí nghèo hèn như vậy. Từ nay phải gọi là “thủy liểu”. Nhưng dân chúng vùng quê tôi, vốn mộc mạc, không quen nói văn hoa kiểu cách, nên tên cây bần vẫn tồn tại tới ngày nay.
            Sau 30 năm xa xứ, mỗi lần nhìn sông Thames tôi chợt nhớ sông Hậu Giang quê tôi. Con sông rộng bao la, mênh mông, chất chứa tình người.
            Dòng sông vẫn lửng lờ, êm đềm trôi ra biển cả, như tự thửơ nào. Nhưng quê hương tôi đã trải qua nhiều biến đổi.
 
Sông kia rày đã nên đồng
Chổ làm nhà cửa, chổ trồng ngô khoai
Đêm dêm tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.
(Thơ Tú Xương)
 
 
Anh quốc, mùa Giáng Sinh 2008
Nguyễn thị Kim-Thu