DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Những phát minh quan trọng nhất trong đầu thế kỷ 21

28/1/2016


NHỮNG PHÁT MINH QUAN TRỌNG NHẤT TRONG ĐẦU THẾ KỶ 21

Trần Đăng Hồng, PhD



Khoa học kỹ thuật tiến bộ quá nhanh chóng. Chỉ trong vòng 14 năm đầu của thế kỷ 21, số lượng phát minh đã bằng tổng số phát minh của thế kỷ 20. Sau đây là tiêu biểu một số phát minh quan trọng.

1. Thiết bị Bluetooth (2000)


Bluetooth là một kỹ thuật trao đổi dữ liệu vô tuyến cho khoảng cách ngắn trong vòng tối đa 100 m, xử dụng làn sóng ngắn radio UHF có tần số 2,4 tới 2,485 GHz giữa các thiết bị cố định hay di động hay trong tòa nhà với hệ thống cá nhân. Thoạt tiên phát minh bởi Công ty Telecom Ericsson nhưng chỉ được áp dụng rộng rãi ở đầu thế kỷ 21 vào điện thoại di động, máy vi tính, và ngày nay Bluetooth là một phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày, nhất là từ khi có internet.

2. Thiết bị nghe nhạc Apple iPod (2001)


Thiết bị nghe nhạc MP3 di động đã được thông dụng từ khá lâu, nhưng khi Apple phát hành iPod cùng với phần mềm iTunes cũng của Apple năm 2001 làm một cuộc cách mạng kỹ thuật nghe nhạc với bước tiến vượt bực. Thiết bị iPod có dung lượng rất lớn, không còn phải mang theo dĩa CD hay băng cassette. Thiết bị nhẹ, gọn trong bàn tay và để vào túi, vừa đi vừa nghe nhạc thật thoải mái.

3. Tim nhân tạo AbioCor Artificial heart (2001)


Tim nhân tạo AbioCor được phát minh bởi công ty AbioMed ở Massachusetts dùng để thay tim người thành công năm 2001. Nó tự hoạt động, và nằm trong cơ thể con người, cấu tạo bằng chất nhựa plastic, với sensors sinh học, chạy điện bằng thiết kế charge điện nên không giống như tim nhân tạo trước đây cần có dây điện nối nên dễ bị nhiễm độc. Tuy nhiên, ngày nay ít xử dụng tim nhân tạo AbioCor vì kích thước khá lớn chỉ thích hợp cho ai có thân thể thật lớn, và tuổi thọ chỉ kéo dài thêm 18 tháng. Tuy nhiên đây là kiểu mẫu ban đầu, sau này có nhiều loại tim nhân tạo hiện đại hơn.

4. Mạng trình duyệt Mozilla Firefox (2002)


Firefox là mạng trình duyệt đầu tiên dám tranh dành ảnh hưởng với mạng cung cấp dịch vụ độc tôn thị trường là Microsoft Internet Explorer sau khi Netscape Navigator bị bức tử đầu tiên trong chiến danh dành chiếm thị trường. Firefox là mạng miễn phí, cho những ai xử dụng Windows nhưng không quá lệ thuộc vào các sản phẩm nhu liệu của Microsoft. Tuy nhiên, Firefox đã bị Google’s Chrome lấn vượt khá xa trong cuộc chiến mạng trình duyệt.

5. Skype (2003)


Skype đã trở thành phương tiện truyền thông cá nhân để nói chuyện không tốn tiền giữa 2 người hay nhiều người cùng lúc, kèm theo hình ảnh, chuyển texts, dữ liệu, hội thảo, ở trong cùng địa phương hay xuyên thế giới, ở bất cứ nơi nào có wifi. Trước đây, Skype chỉ thực hiện trên máy vi tính để bàn, nhưng nay áp dụng trên tablets và điện thoại di động. Vào thời điểm cuối năm 2010 có khoảng 660 triệu người xử dụng skype, chỉ nội riêng tháng 8/2015 có 300 triệu người xử dụng.

6. Facebook (2004)


Facebook không phải là mạng xã hội đầu tiên, mà phát xuất từ những mạng đơn giản đầu tiên như MySpace và Bebo. Tuy nhiên, chỉ sau khi ra đời năm 2004 Facebook đã vượt trội và loại các mạng kia vì sự giản dị, ai cũng có thể xử dụng, không cần phải ghi danh với các đại học hay phải có địa chỉ email. Hiện nay đã có trên 1,3 tỉ người xử dụng Facebook trên thế giới ở thời điểm tháng 8/2015, với đủ mọi giai cấp xã hội, từ học sinh tiểu học tới đại trí thức, nhà kinh doanh tới chính trị gia, từ dân thành thị đến vùng hẻo lánh, bất cứ nơi nào có internet, có wifi là có người xử dụng Facebook. Việt Nam có khoảng 30 triệu người xử dụng Facebook, và hàng ngày mỗi người Việt tham gia Facebook khoảng 2 giờ 30 phút, gấp đôi số giờ chơi trung bình trên thế giới. Phần đông người Việt dùng Facebook để “show off” (khoe khoang) về mặt du lịch, ăn nhà hàng, quần áo thời gian, nhậu nhẹt và tán gẫu.

7. YouTube (2005)


Được thiết lập bởi 3 cựu nhân viên PayPal năm 2005, YouTube đã trở nên trang mạng xử dụng video khắp thế giới. Chìa khóa thành công của mạng này là bất cứ ai cũng có khả năng truyền bá khắp thế giới với hình ảnh linh động mà không mất tiền. Chính vì vậy, nó được xử dụng để truyền bá tin tức, thông điệp chánh trị, video nhạc, quảng cáo, v.v.

8. Nintendo Wii (2006)


Trong thời kỳ cạnh tranh khốc liệt giữa hai hảng sản xuất thiết bị trò chơi game là Sony's Playstation và Microsoft's Xbox vào đầu thập niên 2000s, Nintendo xuất hiện ngoài lề với sản phẩm thiết bị và nhu liệu cách mạng cho phép người tham gia vận dụng toàn năng. Bộ phận kiểm soát Wii theo dõi cử động ba chiều. Sau Nintendo còn có thiết bị trò chơi Microsoft's Kinect.

9. Apple iPhone (2007)


iPhone của Apple là điện thoại di động thông minh có màng hình sờ vuốt đầu tiên được thế giới yêu chuộng. Một phần đáp ứng nhu cầu và sở thích của người xử dụng là dùng đầu ngón tay vuốt lên màng hình. Đây là một cuộc cách mạng kỹ thuật, sau đó nhiều hảng khác cũng phát triển sản phẩm điện thoại riêng của mình, nhưng dựa trên nguyên tắc của iPhone. Apple đã bán trên 700 triệu iphone trên toàn cầu, và nay phát triển kiểu mới iPhone 6s và 6s plus.

10. BBC iPlayer (2007)


Hệ thống truyền hình qua internet của Đài BBC phát minh iPlayer để thâu các chương trình của Đài và cho phép xem đi xem lại chương trình mình yêu thích như phim, phóng sự, v.v. theo ý thích của mình. Sau đó các đài truyền hình ITV, Channel 4 và Channel 5 cũng có các apps tương tự để giúp khán giả xem lại chương trình vào giờ thích hợp.

11. Amazon Kindle (2007)


Kindle của Amazon không phải là thiết kế đầu tiên để đọc sách điện tử trên thị trường khi ra mắt năm 2007, nhưng Kindle đánh bại hết các thiết kế tương tự như Sony, vì giá rẽ, có dung lượng rất khổng lồ chứa đựng cả kho sách trên mạng. Hiện tại Kindle của Amazon chiếm 80% thị trường sách điện tử tại Anh.

12. Google Android (2008)


iPhone của Apple ra đời năm 2007 xử dụng hệ điều hành iOS. Các hảng phone di động khác đi tìm một hệ điều hành khác để cạnh tranh với iOS của Apple. Hệ Android thoạt tiên được xử dụng cho máy ảnh, sau được Google mua lại năm 2005 và sau đó phát hành máy điện thoại di động OS năm 2008. Bây giờ hệ Android được Samsung, Sony, LG và HTC xử dụng cho điện thoại di động, và chiếm 80% thị trường phone thế giới. Bây giờ nó cũng dùng làm điện thoại thông minh như Xiaomi của Tàu và Micromax của Ấn độ.

13. Spotify (2008)


Dịch vụ âm nhạc trực tuyến Spotify ra đời đúng lúc thiên hạ ăn cắp, sang lậu, vi phạm tác quyền nhạc ở đỉnh cao nhất. Spotify cho phép nghe nhạc không tốn tiền và hợp pháp. Người nghe nhạc phải chọn một trong hai phương pháp, thứ nhất nghe không tốn tiền nhưng bắt buộc có gián đoạn bởi quảng cáo, hoặc thứ hai ghi danh với một số tiền nhưng nghe nhạc trực tuyến không có quảng cáo. Nhờ Spotify, số người nghe nhạc bằng điện thoại di động ghi danh gia tăng nhiều, nay có khoảng 75 triệu người xử dụng Spotify với khoảng 20 triệu người ghi danh trả phí.

14. 4G (2008)


Năm 2008, Liên Minh Viễn Thông Quốc Tế (International Telecommunications Union) đề nghị một số điều kiện cho tiêu chuẩn thế hệ viễn thông thứ tư (fourth generation, 4G). 4G cung cấp băng thông rộng internet (broadband) nhanh chóng hơn 3G, chứa nhiều dung lượng truyền tải, hổ trợ điện thoại IP, dịch vụ chơi game, HD cho TV, hội nghị qua video, điện toán xử dụng “cloud”. 4G cung cấp dịch vụ cho khoảng 75% dân số ở Anh.

15. Apple iPad (2010)


Năm 2007, Apple ra mắt điện thoại thông minh iPhone, thì năm 2010 iPad được chào đời. iPad không phải là thiết bị đầu tiên thuộc lại tablet, nhưng được thế giới ngưởng mộ và coi như độc tôn trên thị trường máy vi tính loại xách tay. Tuy nhiên các loại tablets xử dụng Android làm hệ điều hành cũng đã từ từ cạnh tranh mảnh liệt vì có nhiều loại, nhiều hảng và giá rẻ hơn nhiều. Apple ra mắt iPad thế hệ mới là iPad Pro để tranh chiếm lại thị trường

16. Nissan Leaf (2010)


Xe hơi chạy điện là chiều hướng sản xuất xe không thải khí CO2 để bảo vệ môi trường và ngăn chận nhiệt độ gia tăng toàn cầu, xe hơi chạy điện còn trong giai đoạn phôi thai, hiện nay chỉ có khoảng 30 xe chạy điện có khả năng chạy trên xa lộ được sản xuất đại trà. Loại xe chạy điện hàng đầu được sản xuất để chạy trên xa lộ là Nissan Leaf, đã bán trên 35 quốc gia với khoảng 170.000 chiếc.

 

17. IBM Watson winning Jeopardy (2011)


IBM Watson là một hệ thống máy vi tính thông minh nhân tạo có khả năng trả lời mọi câu hỏi của con người qua tiếng nói tự nhiên. Vào năm 2011, IBM Watson trong buổi trình diễn sống Jeopardy trên truyền hình đã đánh bại hai đối thủ đang giữ vô địch trong lãnh vực này. Đây là bước đầu quan trọng trong việc phát triển thông minh nhân tạo, một lãnh vực đã phát triển rất mạnh trong các năm qua như Microsoft Kinect và Apple Siri.

 

18. Xe không người lái - Google driverless car (2012)


Google chưa ra mắt loại xe hơi không cần tài xế, nghĩa là tự lái trên đường phố hay xa lộ, đã trắc nghiệm thành công năm 2012, nhưng phải chờ tới 2017 mới có thể sản xuất đại trà sau khi phải hoàn thiện nhiều nhu liệu và thiết kế. Xe chạy với vận tốc tối đa 43 km/giờ, và có khả năng hoạt động trong mọi cảnh huống giao thông trên đường đi. Anh quốc đang chuẩn bị sửa đổi luật đi đường, thiết kế lại đường giao thông với nhiều chỉ dẫn điện tử hướng dẫn dọc đường để thích ứng cho xe hơi không người lái sẽ thịnh hành vào năm 2030.

Tài liệu tham khảo:

http://www.telegraph.co.uk/technology/picture-galleries/11298840/Most-important-inventions-of-the-21st-Century-in-pictures.html#?frame=3553860

Reading, 1/2016