Trái tim mẹ hiền
5/4/2024CỤ BÀ TRẦN THị PHƯỚC
Cảm tưởng của đứa cháu gái viết về bà Cố,
sau khi đọc gia phả của Họ Tộc Trần Đăng
TRÁI TIM MẸ HIỀN
Trần thị Lệ Son
Người ta thường nói: "phía sau sự thành công của người đàn ông, có bóng dáng của ngườ đàn bà". Người đàn ông trong bài tôi viết là ông Nội tôi, nhưng người đàn bà không phải bà nội, mà là bà Cố.
Như trong gia phả ghi lại, ông Tổ đời thứ tư là ông Trần Đăng Bình người mà tôi gọi là Ông Cố. Ông Cố là người chồng không chung thủy. Mặc dù đã có bà cố và bảy người con: năm trai và hai gái, nhưng trái tim đa tình đã không chịu đập đúng nhịp. Ông đã san sẻ tình yêu với một bóng hồng khác. Bà cố, tuy là bảy con nhưng tuổi đời chỉ khoảng ngoài ba mươi, vì ngày xưa nữ giới lấy chồng rất sớm. Bà Cố là người rất cương quyết và dứt khoát. Vì không chịu cảnh chồng chung, nên bà đã ly thân. Cái vườn rộng và ngôi nhà lẩm cổ kính với mái ngói âm dương, là nơi cư ngụ của hai mẹ con bà cố. Thôn xóm vắng vẻ, đìu hiu, nhà cửa thưa thớt, chung quanh là ruộng đồng bao la, ngút ngàn. Bà đã cùng con trai út sống những chuỗi ngày lạnh lẽo, cô đơn vì thiếu bóng dáng đàn ông. Bà thiếu chồng, con trai thiếu cha. Với một nửa đời xuân sắc còn lại, bà đã sống chịu ảnh hưởng Nho giáo: tam tòng [tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử]. Chồng bà không chết, nhưng bà vẫn ở vậy nuôi con. Hận chồng, trả thù chồng, bà quyết tâm đầu tư vào đứa con bé bỏng, thiếu thốn tình phụ tử. Trong buồn phiền, sầu muộn, bà đã dùng nghị lực vươn lên khỏi tuyệt vọng, tìm lối thoát, chứ không buông xuôi, than trách oán hờn. Tôi đã hình dung ra được nỗi đau tột đỉnh của bà khi bị chồng phụ bạc; và trái tim tan nát, uất nghẹn khi phải chia cắt đàn con. Thân phận đàn bà, thế cô, yếu đuối, bà không thể đảm nhận, gánh vác hết đàn con còn lại.
Hạnh phúc tan vỡ, bà căm hận tình địch, và người chồng bạc tình, bạc nghĩa, bà quyết tâm dạy dỗ ông Nội, khác với đường lối của ông Cố. Như nghệ nhân, họa sĩ, bỏ hết sức lực, tâm huyết vào tác phẩm của mình. Bà đã làm cuộc cách mạng văn hóa, đã đồng ý cho ông Nội đi học chữ Nho và học Đông Y. Bà đã phóng tầm mắt đi rất xa, qua khỏi những cánh đồng ruộng ngút ngàn. Tách rời cái cày, cái cuốc, cái bừa ra khỏi cuộc đời ông Nội. Hai mẹ con cùng một chí hướng. Ông Nội quyết chí theo con đường đèn sách, bút nghiên. Kinh nghiệm, qua những năm tháng thăng trầm, cơ cực của nghề nông, qua bao đời của các thế hệ cha ông đời trước, ông Nội sớm nhận ra cái quan trọng và sức mạnh đầy tiềm năng của cái CHỮ. Ông tiến thân bằng cái chữ, bằng giấy mực và cái bút lông. Cái bút lông nhỏ nhắn, xinh xắn và nhẹ tênh, đã mở đầu cho trang sử mới của dòng họ Trần Đăng.
Đơn độc một mình, lại là phụ nữ, nuôi con đi học xa là một điều khó thực hiện ở vùng quê hẻo lánh vào thời đó [cách đây khoảng 140 năm]. Bà Cố chắc phải tần tão, bương chải, và kiên trì để có đủ tài chính cung cấp cho ông Nội ăn học. Lòng hiếu học và lòng thương mẹ, ông Nội đã vượt qua bao trở ngại, khổ nhọc để đạt được ước nguyện. Ông Nội đã không phụ lòng mong mỏi của bà Cố, sau bao năm học tập ông được bổ dụng làm Y Sanh tỉnh Khánh Hòa. Quả thật cái CHỮ đã đưa ông Nội đến một giai cấp cao sang hơn, được mọi người kính nể hơn. Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh, nghề thuốc đã vang danh tên tuổi ông Nội, lừng lẫy một thời. Qua nhân cách, đạo đức, và sự am hiểu thâm sâu giáo lý Phật giáo, ông Nội đúng là Lương Y Như Từ Mẫu. Y đức của ông khiến người đời phải kính nể.
Nhà ông Cố tôi thuộc hạng giàu có, ông có nhiều ruộng đất và có thú sưu tầm đồ cổ. Do vì có "phòng nhì" và hai dòng con, nên sự giáo dục con cái không được chu toàn. Con cái hư hỏng, bài bạc, nghiện ngập. Khi ông Cố chết, con cái bán hết ruộng đất, đồ cổ, để tiêu xài hút xách, lâm vào cảnh nghèo nàn, túng quẩn.
Bà Cố là một phụ nữ thông minh, có trí tuệ, và rất có bản lĩnh. Khi ông Cố mất, bà đến để tang chồng bằng cái khăn điều đỏ, thay vì màu trắng bình thường. Thâm ý của bà ra sao chúng ta không hiểu được, nhưng đó là một điều khác thường. Một phụ nữ yếu đuối, tầm thường không dám làm điều đó. Màu đỏ là màu máu hay là màu của chiến thắng. Phẩn uất? Hận thù? hay là tim bà đang rỉ máu? Giờ phút cuối cùng bà vẫn chưa tha thứ hay sao??. Quả thật bà có một tâm hồn mạnh mẽ, kiên quyết và đầy bản lãnh.
Tôi tự hỏi nếu ông Cố không lập "phòng nhì", ông bà vẫn sống hạnh phúc với đàn con; thì ông Nội tôi có được học hành làm đến chức Y Sanh và chúng tôi có được như ngày hôm nay không?. Nếu cái nhân duyên lấy vợ bé là một điều bất hạnh cho bà Cố và ông Nội; thì đối với thế hệ cha, chú và chúng tôi, đó là một cơ hội đổi đời. Một biến cố để làm nên trang sử mới. Đây là cái mốc mà bà Cố đã làm nên cái ranh giới, mà các con cháu nhiều đời sau thừa hưởng công đức to lớn của bà. Cha và chú tôi đã thoát khỏi "giai cấp bần cố nông". Tất cả đã lùi vào dĩ vãng, chấm dứt cuộc đời lam lũ ruộng đồng. Các thế hệ về sau đều được học hành thành đạt.
Nếu tôi đọc cuốn gia phả Trần Đăng sớm hơn, ngày cha tôi còn sống, thì những điều thắc mắc đã được giải đáp tường tận. Bây giờ biết hỏi ai, khi những bậc tiền bối đã quy tiên và những chuyện quá khứ càng lùi xa vào dĩ vãng [thuở mà chưa có ai được sinh ra]. May mắn lắm là chỉ được nghe kể lại !
Nếu tôi biết sớm ngôi nhà lẫm là ngôi nhà của bà cố để lại, là ngôi nhà kỷ niệm mà ông Nội đã sống với bà Cố thuở thiếu thời; thì tôi đã không rất đỗi vui mừng khi cha tuyên bố: "sẽ đập phá, lấy gỗ quý làm nhà mới". Lúc đó tôi thật vô tâm, hời hợt, cạn nghĩ, chỉ chuộng cái mới, cái đẹp; mà không hề có chút gì luyến tiếc, bùi ngùi cái nơi mà cha tôi, các cô, chú và cả thảy anh chị em chúng tôi, đều được khai sinh ra từ nơi đó.
Thuở bé, tôi không thích ngôi nhà cổ này vì nó ẩm thấp, tối tăm. Thỉnh thoảng có con rắn lạc đường, trốn vào hốc kẹt sau mấy cái lu, mái đường, nằm im khoanh tròn, đã từng làm tôi khiếp vía. Những con bò cạp, chực chờ đêm tối để chích nọc độc. Những con cuốn chiếu lớn, nhỏ đủ cỡ, bò lổm ngổm rong chơi quanh cái sân gạch, dưới mái hiên nhà, có khi bò vào luôn trong nhà. Có những con cuốn chiếu to hơn cọng đũa, màu đen mun, bóng lóang, có hàng trăm cái chân, ngọ nguậy, di động không ngừng, chỉ nhìn thấy tôi đã lạnh người, nổi da gà.
Sau biến cố năm 1975, vì ảnh hưởng thời cuộc, vì tuổi tác già nua đau yếu, bệnh tật và cũng để thuận tiện cho các con chăm sóc, cha má đã xuống Nha Trang ở với anh chị Bốn Nhơn. Ngôi nhà Từ Đường nhờ một đứa cháu họ xa trông giữ. Chẳng mấy chốc ngôi nhà xuống dốc một cách trầm trọng, trông thật điêu tàn. Cha tôi không một lần về thăm. Cha nói ra đi coi như là chết rồi, không trở lại nữa. Tôi biết cha rất đau lòng khi phải xa nơi chôn nhau cắt rún, nơi đã trải qua ba thế hệ tiếp nối nhau, với vô vàn kỷ niệm. Cha tôi đã rất bi quan và tuyệt vọng, khi nhìn về tương lai không có người chăm sóc, vì các cháu nội trai đều làm việc ở Saigon. Cha đã cho phép anh Nhơn bán ngôi nhà Từ Đường. Anh Bốn đã rao bán nhiều lần nhưng chẳng ai mua, hoặc trả với giá rẻ mạt. Nhờ vậy mà khu vườn có mả bà Cố và ngôi nhà vẫn còn tồn tại. Chắc hẳn là ông Nội rất yêu thương bà Cố, nên mới chôn cất bà ngay trong khu vuờn nhà. Sớm hôm thăm viếng, nhang khói, cho đỡ nhớ thương. Hoặc giả, bà Cố vẫn còn hận ông Cố, nên không chịu về nằm cạnh ông trong nghĩa trang gia tộc. Giả sử ngày đó, khu vườn được bán đi, bây giờ chắc chắn sự ân hận sẽ luôn ám ảnh con cháu. Một người đã dày công vun đắp cho nhiều thế hệ tương lai. Người đã đem văn hóa, văn minh và sự giàu có sung túc cho các thế hệ sau này, mà con cháu không gìn giữ được nấm mồ thì quả thật là bất hạnh và vô phước. Người đời sẽ đàm tiếu thị phi: một dòng họ mạt vận mới bán nhà Từ Đường. Không phải cha tôi không hiểu điều đó, bởi vì những năm tháng cuối của cuộc đời, ông nghiền ngẫm kinh Phật và thực hành lời Phật dạy: "VẠN PHÁP ĐỀU KHÔNG". Thân này đã là KHÔNG thì ruộng vườn, nhà cửa làm sao trường tồn, vĩnh cửu được. Ông không chấp là "của TA". ông không muốn sỡ hữu một cái gì, vì đa thọ đa khổ.
May sao, gia tộc chúng tôi vẫn còn phước lớn. Cháu Liêm đã giữ được khu vườn, ngôi mộ bà cố và ngôi nhà. Công đức của cháu Liêm cũng không nhỏ, khi đã hồi sinh lại khu vườn lịch sử và ngôi nhà kỷ niệm. Thông thường, khi xem một vỡ kịch, hay một tuồng cải lương đặc sắc, hoặc khi nghe một bản nhạc thánh thót, du dương, say đắm lòng người...Chúng ta chỉ chú trọng đến dàn diễn viên hay ca sĩ trình bày, mà ít ai chú ý đến soạn giả hay nhạc sĩ đã bỏ ra biết bao tâm huyết để sáng tác. Nếu chúng ta chỉ biết nhắc đến công ơn và tán thán đức độ của ông Nội, mà quên đi tấm gương hy sinh cao cả của một người đàn bà; đã quên đi thời xuân sắc của mình, để suốt một đời tận tụy, chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dổ con thành đạt, hiển vinh; mở đầu cho nhiều thế hệ về sau thành công rạng rỡ.. thì quả là bất công và vô ơn. Công đức của bà Cố thật to lớn và sâu dày. Bà cố đã đi vào huyền thoại. Vượt qua bao đắng cay vì tình duyên đổ vỡ, bất hạnh trong hạnh phúc gia đình, bà đã lập được kỳ công. Trong những kỳ quan trên thế giới, không một kỳ quan nào đẹp bằng trái tim người mẹ. Trái tim người mẹ mãi mãi là kỳ quan diễm tuyệt và diệu kỳ.
Viết xong ngày 18 tháng 12 năm 2007
Trần Thị Lệ Son