DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Nghèo nàn sáng kiến

NGHÈO NÀN SÁNG KIẾN
Nguyễn Thị Kim-Thu
 
Một trong những cái văn hóa tai hại nhất của người Việt, lưu truyền từ nền văn hóa Khổng Mạnh, là sự tuần phục cái cũ, không muốn đỗi mới. Vì vậy, từ bao ngàn năm, cái xe “cút kít” vẫn còn xử dụng. Người Việt chúng ta thật sự nghèo nàn về sáng kiến, đừng nói đến chuyện có đầu óc phát minh cái lạ cái mới. Ngoài ra, nhiều người Việt tự cho mình là trên “đỉnh cao” trí tuệ, cái gì cũng biết, trong khi thật sự không biết gì. Chính vì vậy mà mình tự ru ngủ trong cái nghèo nàn của tư duy tồn cỗ, không chịu học hỏi canh tân.
Trong đời sống, có những cái thấy rất dễ, như hiển nhiên vậy, nhưng chẳng ai để ý, thấy hay thực hiện trước. Nhưng đến khi có người thấy điều đó, nảy ra sáng kiến để cải thiện, biến ý nghĩ thành hiện thực, thì ai cũng thấy chuyện đó quá dễ dàng, như vậy có gì đâu mà mình phải khen, phải học, hay đôi khi còn trề môi chỉ trích này nọ.
Ngày xưa Kha Luân Bố (Christopher Colombus) dùng tàu buồm chạy theo hướng tây, thay vì theo hướng đông như mọi nhà thám hiểm khác, và ông đã tìm ra Mỹ Châu. Thế giới ca ngợi sự khám phá vô cùng to lớn của ông, nhưng cũng có một số quan đại thần trong triều đình ganh tị, chế diễu, bảo là cứ dong buồm theo hướng tây thì tìm ra đất mới, chứ có gì hay ho đâu mà ca ngợi. Trong buổi tiệc của triều đình ban thưởng, có nhiều người khen, nhưng cũng có lắm kẻ chê ông thậm tệ. Kha Luân Bố im lặng không thanh minh, không cải chính. Giữa buổi tiệc vui vẻ, Kha Luân Bố mới đố tất cả mọi người trong bàn tiệc là “quý vị có thể làm quả trứng gà này đứng yên ở đầu nhỏ mà không ngã nằm nghiên được không?” Hàng mấy chục quan cầm thử đặt cái trứng, nhưng làm sao cái trứng có thể đứng được trên cái đầu nhọn, ngoài vị trí nằm ngang hong, bởi vì quả trứng đâu có tròn vo, để đặt đâu thì nằm đó. Cuối cùng, tất cả các quan đó nói “impossible, không thể nào có chuyện đó được”. Kha Luân Bố, từ từ đứng dậy, lấy cái trứng, đập đầu nhọn xuống bàn vừa móp, và dựng cái trứng trên phần bị móp nên cái trứng đứng yên được. Ông nói với mọi người: “Tôi tìm được Mỹ Châu cũng tương tự như cái chuyện đập móp quả trứng này, ai cũng có thể làm được, duy chỉ có một điều là không có ai trước đây nghĩ ra chuyện đó”.
Thật vậy, ai cũng nhìn thấy quả táo rơi từ cây xuống đất, nhưng chẳng ai thắc mắc ngoại trừ Isaac Newton, nhờ đó nhà bác học đã khám phá ra lực hấp dẫn (gravity) mà sau này biết bao áp dụng, mở đường vào vũ trụ bao la.
Người phương tây, nhờ có nền văn hóa phóng khoáng, được đào tạo trong nền giáo dục nhân bản, có tư duy độc lập và sáng tạo, nên lúc nào cũng thấy cần phải cải thiện những cái hiện hữu cho tốt đẹp hơn. Một cậu bé mới 10 tuổi, ban đêm đi đái khuya, mắt nhắm mắt mở, không nhìn thấy rõ lỗ cầu tiêu, nên thường ria ra ngoài. Cậu bé nảy ra ý tưởng, tại sao không sơn quanh lỗ cầu tiêu với sơn có dạ quang (luminescence) để thấy rõ lỗ cầu tiêu trong đêm tối? Thế là ngay sau đó có cơ sở thương mại mua sáng kiến này của cậu bé. Cũng chuyện cầu tiêu, các cậu các ông thường lãng ý, đái ria ra ngoài. Một sáng kiến của một cậu bé khác là vẽ hình một con ruồi y như thật đang đậu trên mức nước của lỗ cầu tiêu. Thế là từ đó, các cậu các ông nhắm vào con ruồi để ria nước đái. Nhờ vậy, các trường học các cầu tiêu công cộng tiết kiệm được tiền thuê nhân công lau chùi cầu tiêu.
Vào siêu thị, ta để ý là mọi sản phẩm đều được cải thiện hàng ngày, không những về nội dung (như phẩm chất) mà còn cải thiện bao bì bên ngoài, cho nhẹ hơn, an toàn, dung tích nhỏ lại, v.v. Chẳng hạn, trước đây cuộn giấy đi cầu (toilet roll) có lỗ tròn ở giữa thật to, nay thì nhỏ xíu, nhờ vậy một bịch 9 cuộn trở thành nhỏ hơn, và hãy tưởng tượng một xe vận tải trước đây chở 100 ngàn cuộn giấy thì nay chở được 120 ngàn cuộn, giá thành rẽ hơn, và nhờ vậy dễ cạnh tranh.
Có sáng kiến cải thiện hay phát minh, và biến sáng kiến thành hiện thực là điều cần thiết để cạnh tranh và xã hội nhờ đó tiến triển. Từ những cải thiện nhỏ nhặt có thể đưa đến các thành công vĩ đại.
Nhờ vào đâu mà công ty Lee’s Sandwiches thành công và phát triển ở hầu hết các thành phố lớn ở Mỹ? Sau khi định cư ở thành phố San Jose Bắc Cali, ông Lê Chiêu mua một xe tải làm nhà hàng di động để bán bánh mì thịt, thoạt tiên ông nhắm vào người Việt. Tuy nhiên, ông có thêm sáng kiến biến cải các món thịt nhét vào bánh mì có khẩu vị thích hợp cho khách hàng người Mỹ. Khách hàng người Mỹ ào ào đến mua bánh mì của ông để ăn trưa trong sở làm, vì vừa ngon, vừa giản dị hợp túi tiền, vừa gậm bánh vừa làm việc. Ông bán xe hàng di động, mua một tiệm chuyên bán bánh mì nhét thịt mang tên Lee’s Sandwiches, rồi sau đó ông có 2 tiệm. Tới nay, ông có hàng trăm tiêm Lee’s Sandwiches ở khắp mọi thành phố ở Hoa Kỳ, không thua gì Mc Donald hay KFCcủa Mỹ.
Ở Việt Nam, từ Bắc chí Nam, ai ai cũng đều biết ăn, biết làm bánh xèo. Mỗi vùng đều có món bánh xèo đặc sản, dựa trên sản phẩm đặc hữu của địa phương. Mấy năm gần đây, du khách cũng như “Tây Ba Lô” tìm đến Phong Điền Cần Thơ để ăn “Bánh Xèo Phong Điền”. Đây là một sáng kiến độc đáo, thay vì làm bánh xèo đặc sản Cần Thơ với nước dừa, giá hay củ sắn, thịt và tôm thông thường, thì chủ nhân thay thế củ sắn bằng “cũ hũ dừa”, vừa ngọt, vừa thơm, vừa béo rất hấp dẫn khẩu vị.
Một sáng kiến khác lôi cuốn “Tây Ba Lô” và du khách Việt là món “Pizza hủ tíếu”, dùng hủ tiếu chiên dòn với nhân thịt hay rau cải, tương tự như Pizza của Ý
hutiu2-4647-1379585349.jpg
'Pizza hủ tíếu', đặc sản đất Cần Thơ
Vì vậy, muốn thành công, ở bất cứ lãnh vực, ngành nghề gì, chúng ta cần phải phát huy sáng kiến, biến sáng kiến thành hiện thực. Chúng ta phải từ bỏ cái tư duy khư khư tồn cỗ do một nền văn hóa phản tiến bộ của dân Hán áp đặt từ mấy ngàn năm qua.
 
Reading, 10/2013.
Nguyễn Thị Kim-Thu