Cô Mười Lớn
CÔ MƯỜI LỚN.
Tưởng niệm Cô Mười nhân ngày giỗ của Cô: 25 tháng10 Â.L
HOA SEN TRONG BÙN
Trần Thị Lệ Son
Nhớ lời Cô dặn, kể từ ngày Cô mất, năm nào tôi cũng đều cúng Cô một mâm cơm chay.Trong tất cả các cháu, cô chỉ tin tưởng và thương yêu tôi nhiều nhất, vì cô nghĩ rằng tôi sẽ nối nghiệp cô trường trai suốt đời. Tôi đã bỏ cuộc nửa chừng, không phải tôi bị cám dỗ hoặc tham đắm mà vì lý do sức khoẻ. Không biết cô có thất vọng không? vì sau khi cô qua đời gần một năm, tôi mới thực sự”trở đũa". Tôi không cho điều đó quan trọng, vì thức ăn cốt chỉ để nuôi sống cơ thể. Chọn thức ăn nào hợp với cơ thể để sống khoẻ, sống tốt là hạnh phúc rồi.
Cô Mười Đố là em kề cha tôi. Tôi còn có hai cô nữa là cô Mười Khiết và cô Mười Lữ đều đã chết khi tôi còn nhỏ. Cô Mười Đố có làn da trắng, khuôn mặt tròn, mắt to có đuôi, rất sáng. Dáng người cao ráo, thon thả. Cô cũng thuộc hàng ”lịch sự”, ở thời mà các cô gái khác, tay lấm chân bùn, đầu đội trời, chân đạp đất. Ông bà nội cho cô vài sào ruộng, cô lấy lúa cho vay. Lúa đẻ ra tiền, cô mua thêm ruộng. Chẳng mấy chốc cô có nhiều lúa, nhiều ruộng. Cô rất hà tiện, chẳng dám tiêu xài gì. Ở với ông bà nội, vì là con gái nên cô ăn cơm với má tôi và người làm ở nhà dưới. Thức ăn chính thường là cá nhám, thứ cá rẽ tiền và rất tanh, nên cô ăn toàn muối ớt và rau chuối trong vườn. Khi đến tuổi cập kê, cô có rất nhiều chàng trai đến ứng cử để được làm rễ ông nội tôi. Cô đều lắc đầu một mực từ chối. Khi cô đến tuổi”hăm...” thì ông nội bắt đầu sốt ruột. Cô dọa:”cha gả ép con, thì giống như Kiều Nguyệt Nga đi cống Hồ, tự trầm mình xuống sông”. Thế là ông nội không dám ép nữa. Trong xóm làng, họ hàng hỏi cô:”lớn rồi, cô kén chọn kỹ quá, lấy đại cho rồi”..Cô đã trả lời:”lấy chồng chớ bộ mua cá nấu canh, ăn một bữa là xong hay sao mà không kén chọn”. Cho đến khi cô hai mươi bảy tuổi, một ông”chef de gare”ở Chợ Mới, góa vợ có một con gái, nhờ người mai mối. Thật bất ngờ! Cô lại bằng lòng !!! Biết bao lời thị phi trong ngày cưới cô. Người thì nói cô bị quả báo vì lời nói cao ngạo, nên Trời bắt lấy một ông chồng không xứng đôi vừa lứa. Còn những ông thanh niên theo đuổi cô không được, thì làm thơ chế diễu, dán trước cửa nhà ông nội. Họ cho đó là đôi đũa lệch, là”bông hoa Lài cắm bãi cứt trâu”. Ngay sau ngày đám cưới, cô bị đau tức bụng dưới, rên la dữ dội, cha tôi phải đem về thuốc thang chữa trị. Không biết đã kịp động phòng hoa chúc chưa?. Có lẽ cô tôi rất sợ chuyện”gối chăn”, nên thường xuyên về ở với ông bà nội. Cái duyên nợ trớ trêu đó không kéo được dài lâu. Khi ông nội mất, cô ăn chay trường và đi tu, sau khi cưới vợ bé cho dượng để kiếm con trai nối dõi tông đường. Cô không có con. Cô mua căn nhà đối diện nhà ông bà nội ở Thanh Minh. Về sau bị Tây bố ráp đốt cháy cùng lúc với nhà lẩm lúa của ông bà nội, Cô chỉ còn một phần nhà sau, Cô sống một mình. Khi cô Mười nhỏ [Khiết] chết, sau khi sanh em Thanh vài tháng. Cô nhận em Thanh làm con nuôi.
Tội cho cô, ở quê cũng có chùa nhưng phần đông là thầy tụng và thầy cúng. Không có thầy tu chân chính, am hiểu giáo lý thâm sâu, nên cô lạc vào mê tín. Cô học thuộc làu làu văn thơ răn dạy đời, nói đến đâu là cô dẫn chứng bằng thơ đến đó. Trí nhớ cô thật tuyệt vời. Cô theo học hết ông thầy này, sang ông thầy nọ, qua nhiều năm nhưng vẫn không hiểu được Phật là gì. May sao, cuối cùng cô cũng gặp được pháp môn Tịnh Độ. Cô niệm Phật rất chí thành và khẩn thiết, với niềm tin tuyệt đối, là phút lâm chung được Đức Phật A Di Đà rước về ngự tòa sen ở Tây Phương Cực Lạc. Tôi thường nói với cô, nửa đùa, nửa thật:”ở Ta Bà này cũng có Tây Phương Cực Lạc, sao cô không đến cho nhanh, cho gần, mà đợi đến chết mới về Cực Lạc thì lâu quá”. Cô trừng mắt và gắt:”không biết đừng nói tầm bậy, mang tội”. Rồi cô đọc:”Tây Phương ở tại lòng ta”. Cô nhìn thấy xa, mà không thấy gần.”Lòng ta”là gì, cô không hiểu!”Bây giờ và ở đây”điều đó cô không chấp nhận. Với cô, tôi chỉ là con bé không hiểu biết gì hết! Cô hay kể chuyện về Đức Phật: "hồi đó ở Ấn Độ có cái bà tên La Môn ... [Bà La Môn là một tôn giáo của Ấn Độ]. Mới kể đến đó chúng tôi ré lên cười, cô không kể tiếp nữa vì lo nạt và lên lớp dạy chúng tôi. Còn chúng tôi thì bậm môi nhưng cứ khúc khích cười hoài. Thế là cô giận, nhưng giận không được lâu, vì nhà cô là cái trạm, chị em tôi thường ghé để đón xe đi Nha trang họặc đi chợ Thành. Cô cháu gặp nhau thường xuyên làm sao mà giận lâu được.
Khi em Thanh lớn lên, trở thành thanh niên, em cũng đua đòi xe cộ. Sau bao ngày thuyết phục, cô bằng lòng mua xe Honda để em chở cô đi đây, đi đó. Mỗi lần thấy em Thanh rú ga, phóng xe thì cô răn dạy: ”xe của mình mua, có giấy tờ đàng hoàng, đâu phải trộm cắp của ai mà phóng xe chạy trốn”. Răn đe mãi, thế mà cuối cùng cô cũng bị tai nạn, làm gãy xương chân. Cô phải nằm nhà thương Y tế để bó bột. Cô bán xe và từ đó em Thanh không dám nhắc đến chuyện xe cộ nữa. Nằm bên cạnh giường cô, có một phụ nữ trẻ, bị chồng bỏ theo vợ bé. Cùng lúc chị ta mang hai chứng bệnh thân bệnh và tâm bệnh. Chị ta khóc suốt ngày. Cô Mười đã khuyên giải: ”em nín đi, đừng dại gì mà khóc. Chồng là của nợ, có người rước đi em phải mừng, chớ khóc lóc làm gì!". Cô khuyên mãi, khuyên hoài câu đó, nhưng chị ta không chịu nín khóc. Cô quay sang nói với tôi: ”chưa thấy ai dại như nó, người ta lấy xong nợ đi rồi, mà cứ muốn trả nợ tiếp, thiệt ngu quá!". Nếu ai cũng đơn giản như cô, biết đi ngược dòng, thì cuộc đời này đâu gọi là bể khổ. Ngoài tình yêu cha mẹ, anh em, cô chưa hề có tình yêu nam nữ, lứa đôi thì làm sao cô hiểu và thông cảm được.
Tôi thương cô như thương cha má tôi. Khi cô bệnh xuống nhà tôi ở một tuần hoặc nửa tháng để chữa bệnh. Tôi lo cho cô cơm nước thuốc men. Cô khen tôi nấu chay ngon. Cô dặn sau này khi cô chết, tôi chỉ cần dọn thức ăn, ”hú” là cô về liền. Tính cô rất sòng phẳng, ai cho gì là cô kiếm cách trả lại ngay vì không muốn mang ơn. Cô nghĩ mang nợ, kiếp sau phải trả. Con cháu thấy cô đơn chiếc, thường biếu xén quà cáp, thì cô áy náy nói: ”cô không có gì cho lại, mang ơn lấy gì trả”.
Mùa Xuân, tết năm 1987 do tôi ham làm bánh tét, trong lúc đang bị cảm cúm, nên tôi đã bị cơn bệnh thập tử nhất sinh, kéo dài bốn tháng trời mà không bình phục nổi. Tôi thiếu máu và Calci trầm trọng. Cha má nhiều lần khuyên nhủ và năn nỉ tôi ăn mặn trở lại, để còn phải sống mà nuôi ba đứa con còn nhỏ dại. Dùng dằng, dây dưa mãi; tám tháng sau tôi mới quyết định “trở đũa” vì tương lai ba đứa con cần có mẹ. Trong thời gian tôi còn đang điều trị, thì cô Mười phát bệnh. Thiếu người cơm nước, chăm sóc thuốc men, nên cô suy yếu dần. Cô tuyệt thực, chỉ uống nước cháo và chuyên tâm niệm Phật chờ vãng sanh. Những ngày cuối cùng cô chỉ còn bộ xương khô. Gương mặt tròn trịa ngày xưa giờ như cái đầu lâu. Chỉ còn đôi mắt là vẫn sáng và lanh lợi. Tôi đã khóc thật nhiều. Cô bệnh không đúng lúc. Nếu tôi khoẻ mạnh thì chưa chắc cô đã chết. Vợ chồng tôi đã cứu cô rất nhiều lần, lần nào cô cũng trối trăn, dặn dò đủ thứ. Lần nào cô cũng khen anh Kỳ mát tay và tôi nuôi bệnh khéo. Đã hết bệnh mà còn mập ra. Cô hấp hối, tôi lật đật về nhìn cô lần cuối. Cô sắm sẵn áo, mũ, vật dụng để về nước Phật. Cô đón nhận cái chết đến từ từ... bàn chân, đầu gối, bụng, ngực...cô vẫn nói nói leo lẻo và trút hơi thở cuối cùng một cách êm ái, nhẹ nhàng. Tôi cầu nguyện cô được về nơi mà lòng cô mong muốn, ngày đêm cô hằng cầu nguyện. Cô cũng đã nhiều lần đến Tây Phương Cực Lạc mà cô không hề biết. Cô nói cô niệm Phật, lòng cô rất thư thái, nhẹ nhàng, rất an lạc; dù chỉ có một mình, cô vẫn thấy rất vui. Trong thâm tâm cô, cực lạc là ở một nơi xa xăm; chỉ khi chết người ta mới tới được, để hưỡng mọi thứ hạnh phúc mà thế gian này không có được, chưa đủ tiêu chuẩn để được nhập cư vào.
Tôi nghĩ rằng không quá đáng khi ví cô như hoa Sen, một loài hoa vượt khỏi bùn lầy mà vẫn giữ được hương thơm thanh khiết, trong sạch. Cô sống trong cuộc đời ô trược, đầy những thói hư tật xấu, buông trôi theo ái, dục, danh lợi, tiền tài. Cô đi ngược lại, sống âm thầm, an phận, tri túc, thoát vòng ái dục, không muốn thọ lảnh ân huệ của bất cứ ai. Cô còn được thừa hưỡng gia sản tinh thần quý báu của ông nội là đức tính ngay thẳng, minh bạch, trong sạch và chân thật. Cô chỉ có một cái tội là giọng nói cô quá sắc sảo, lý sự, rành rẽ làm dễ mất lòng người. Những đứa cháu như chúng tôi thường xuyên bị la rầy vì phong cách tuổi trẻ, không hợp với ý cô. Nhưng không đứa nào giận cô cả.
Hôm nay ngày 25 tháng 10 âm lịch, tôi nấu một mâm cơm chay, với những thức ăn cô thích. Tôi không dám ”hú” như cô dặn. Tôi trịnh trọng đặt lên bàn thờ, có hoa quả trái cây, có nhang thơm, khấn vái hương linh cô về chứng giám và hưởng thức ăn.
Không biết cô có về không? Cô đang ở cảnh giới nào? Tôi luôn luôn tưởng nhớ đế cô khi cuối tháng muời, cái mùa của lụt lội khó quên này: ”ông tha mà bà chẳng tha, còn lo cái lụt hai mươi ba tháng mười”.
Sàigon, ngày 4/12/2007
Trần Thị Lệ Son