DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

ĐÌNH LẠC LỢI

23/7/2024

Đình Lạc Lợi
Trần Đăng Nhơn





Đình Lạc lợi trước khi trùng tu (2008)    Đình Lạc Lợi sau khi trùng tu (2008)


Ngôi đình Lạc lợi và Miễu Giáng tọa lại tại ngã ba đường, trung tâm cuả thôn Lạc lợi.
          Trong thời thơ ấu cuả anh em chúng tôi tại làng Lạc Lợi, đinh làng và miễu Giáng là nơi linh thiêng, huyền bí và đáng sợ. Nơi đây quần tụ nhiều cây cao, bóng mát rợp ngã ba đường. Đám trẻ nhỏ chúng tôi mỗi lần đi ngang qua đây phải dở mũ, cúi đầu và lầm lủi đi, không dám hé môi nói chuyện. Ngôi Miễu Giáng nằm phiá tây, còn đình Lạc lợi nằm phiá đông ngã ba đường. Quần thể cây cao bóng cả gồm một cây đa cao ngất ngưởng, nhánh tuả rộng bốn phiá che mát ngôi miễu. Mùa ra trái, trái chín đỏ vàng trên cành cao, mời gọi chim chóc đến ăn. Tiếng chim kêu ríu rít cuả ‘ két xanh ‘ ( vẹt ), chim cu , cưỡng, sáo …suốt ngày. Thỉnh thoảng có những con “ thành hoàng, cao cát “ ( loại chim to, có mõ lớn dài, màu sắc sặc sở ) bay về ăn trái. Bên cạnh là một cây đa thứ hai cao ngất ngưởng, có hai thân mọc thẳng lên như 2 chân đứng, phiá trên là cành lá sum sê những chim ‘cưởng, sáo, quạ…’ kéo về làm tổ . Phiá góc phải cuả ngã ba là một cây cổ chi cao.
 
 
 
 
 
 Miễu Giáng ngày xưa dưới bóng cây đa 2 gốc


Dưới gốc cây cổ chi la liệt những ‘ông táo, ông lò ‘ mà dân làng mỗi năm đến ngày 23 tháng chạp mang đến đây bỏ để thay bằng những ông táo, ông lò mới. Đây là cây cổ thụ mà chúng tôi tin tưởng là có ‘bóng ma chập chờn ‘ vào mỗi buổi chạng vạng tối. Mỗi lần qua đây, chúng tôi không dám nhìn những ‘ông lò ‘, tay cầm mũ, lấm lét bước nhanh mong cho qua khỏi chỗ này càng sớm càng tốt. Phiá bên đường là một cây duối cao. Thông thường cây duối mọc theo hàng rào thì thấp, nhưng không hiểu sao cây duối này lại rất cao. Người ta đồn rằng có những đêm khuya cây duối ‘phát quang ‘ sáng rực. Chắc là ‘ hồn ma bóng quế’ lẫn khuất đâu đây. Phiá trước miễu có một cây ké cao, mà hiện nay vẫn còn với năm tháng. Năm ngoái lá cây ké trở màu vàng uá, người ta nghĩ rằng cây ké cũng ’ sắp qua đời ‘ giống như số phận của cây đa và cây cổ chi. Nhưng năm nay lá cây ké lại xanh trở lại. Chỉ tiếc một điều là những dây thanh long ( do chim ăn làm rơi hột ) mọc chi chít trên cành, sợ cây ké này không trường thọ nổi.
 
 

Ngôi Miễu Giáng ( nhìn từ ngã ba ) Ngôi Miễu Giáng ( mặt tiền )  
              
                         
          Ngôi miễu tại ngã ba này được mang tên là Miễu Giáng. Theo truyền thuyết cuả dân làng Lạc lợi, vùng này người dân thỉnh thoảng lại thấy những hiện tượng lạ vào ban đêm : những cây cổ thụ um tùm ở nơi đây lại sáng rực. Người dân tin rằng Đức Thánh Mẫu Thiên Y A Na giáng hạ vãng cảnh, nên năm 1881 dân làng phát nguyện lập Miếu để thờ bà Thiên Y đến nay.
 
 


 
 Lễ rước sắc từ Miễu Giáng về đình Lạc lợi ngày 10 thang 8 năm 2008
           
 
          Ngôi Miếu cũ xoay mặt về hướng tây (hướng về cây ké) là một ngôi miếu được xây bằng gạch, thấp, mái ngói âm dương. Cửa làm bằng gỗ. Lần thứ nhất, cách đây nhiều năm, trong một cơn mưa lớn, cây đa gảy một nhánh lớn làm sập một mé mái ngói cuả ngôi miếu và làm chết một cô gái người dân làng. Làng cho trùng tu lại mái ngói nhưng giữ nguyên hình dáng ngôi miếu cũ. Lần thứ hai, cách đây vài năm, cây đa 2 gốc bên trái ngã rạp làm sập hoàn toàn ngôi miếu. Dân làng xin phép chính quyền cho cất lại ngôi miếu mới.

 Do thiếu ý thức bảo tồn di tích cỗ, dù các cụ già trong làng phản đối, các viên chức trẻ cuả thôn Lạc lợi đã xây một ngôi miếu hoàn toàn hiện đại : với mái bằng ngói tây, cưả bằng sắt thép, lắp kính màu, vách sơn nước lòe loẹt màu …, xây mặt về hướng bắc thay vì hướng tây như ngôi miếu cỗ. Nét cổ kính, huyền bí …năm xưa nay không còn nưã. Rất đáng tiếc !!!
Đình Lạc lợi nằm phiá đông cuả ngã ba đường, trung tâm làng, trên một khu đất
rất rộng.
          Theo tài liệu cũ và những lời kể cuả các cụ già trong làng : vào khoảng năm 1828
( thời vua Minh Mạng ), số dân quy tụ về khai khẩn lập làng chỉ chừng 16 hộ, dân phu không quá 30 người. Trong xã hội cổ truyền, người Việt Nam ở đồng bằng đa số là cư dân nông nghiệp, chuyên sống bằng nghề nông, trồng trọt luá nước. Người dân cư trú nơi nào cũng có tập tục lập “đình” thờ vị ‘Thành hoàng‘và tổ chức lễ hội cúng hàng năm . Dân cư khai hoang lập ấp tập trung tại ‘Bầu Sấu ‘ này đã xây một ngôi đình bằng tranh tre lá , cách ngôi đình hiện nay khoảng 400m về hướng nam cuả làng ( Theo lời cuả các cụ già thì ngôi đình tranh tre ấy nằm trên cánh đồng gần nhà ông ‘ Chín Lá’ cha cuả Ông Kiều Bạo ngày nay ). Các cụ gọi là ‘ Đình Lạc Lợi ‘.                                                 
          Năm 1881, các cụ tin rằng tại ngã ba, trung tâm làng là nơi linh địa, có nhiều cây cổ thụ và ngôi Miễu Giáng linh thiêng, nên quyết định dời ngôi đình Lạc lợi về đây cho đến ngày nay.
          Năm 1882 (thời vua Tự Đức), phủ huyện ra điều lệ : nơi nào muốn thành lập làng, muốn được chính quyền hợp thức hoá thì nơi đó phải có đủ từ 50 suất đinh trở lên ( ‘ suất đinh ‘ hay còn gọi là ‘ dân phu ‘là con trai từ 18 tuổi trở lên ).. Nếu không đủ tiêu chuẩn trên sẽ bị sát nhập vào làng khác.
          Cụ Trần Đăng Quảng sinh năm 1864, làm chức quan Ngự Y ( thầy thuốc bắc ) trong phủ Diên Khánh, không muốn sát nhập vào làng khác, nên tự bỏ tiền cuả gia đình đóng đủ thuế cho 50 suất đinh ( xưa gọi là khai điêu ) để giử làng lại, không chịu nhập vời làng khác. Cụ có công rất nhiều việc thành lập làng, xây cất, trùng tu đình, miếu.
 
 


 
Giấy chứng nhận di tích cấpTỉnh       Bên trong đình Lạc Lợi
 
 
 
          Thời thơ ấu cuả chúng tôi, Đình Lạc lợi là nơi chúng tôi thường lui tới để xem những lễ hội tổ chức hàng năm, để vui đùa với bạn bè, để bắn chim, để học hè... . Lúc đó ngôi đình Lạc lợi nằm trên khu đất rộng, rất uy nghi. Cổng đình làm bằng gổ tròn. Hai bên có 2 cây bồ đề cao lớn. Phía trước đình trồng 2 hàng dương liểu tận đến bức bình phong bằng gạch. Bên ngoài phiá trước bình phong là một cột cờ cao, có lồng gỗ. Muà nắng gió thổi qua hàng dương liểu nghe tiếng reo vi vu. Tôi nhớ có 2 ‘cây thị’ nằm mép bờ rào. Hàng năm đến muà ra trái, chúng tôi và một số bạn đến đó hái trộm trái thị. Nghe đồn cây thị có ma vì hương thơm ngào ngạt quyến rủ lủ ‘ma’. Chúng tôi phải rủ những đứa bạn không sợ ma mới dám đến trèo lên hái trái. Phiá sau đình có một cây xoài ‘ cà lâm ‘ rất lớn. Xoài cà lâm ăn không ngon vì hột lớn mà cơm ít, cắn vào thì nước xoài chảy ướt cả áo. Bóng mát cuả cây xoài che phủ cả một vùng phiá sau đình, nên chúng tôi thường ngồi hóng mát vào những buổi trưa hè sau khi làm một vòng quanh làng để bắn chim.




 
 Cảnh quang Đình Lạc Lợi ( hướng mặt về ngã ba ).Lễ rước sắc đang vào đình Lạc Lợi
 
 
Trong đình có nhiều bàn thờ ‘ chính điện và tả hữu ‘ Gia đình tôi cúng nhiều đồ thờ cho đình như : Ong nôi tôi, cha tôi, đều có cúng những lư hương, liển, câu đối để thờ . Năm 18 tuổi, tuổi nhập đinh ( tức đăng ký làm dân đinh cuả làng ), tôi cúng cho đình làng một lư hương bằng đồng. Làng cấp cho tôi một sào ruộng vì lúc đó tôi đậu được bằng Tú Tài. Ngày nay những lư hương và chân đèn bằng đồng ấy đã bị lũ trộm lẽn vào đình lấy cắp mất. Thật đáng tiếc. Cũng may là hiện nay vẫn còn 2 bộ liễn gỗ treo trên cột và trên tường. Đó là 2 bộ liễn cuả Ông Nội và cha tôi.
 
 


  
Hai trong số 12 sắc phong cuả các vua Triều Nguyễn
 
 
+Nhân dịp trùng tu ngôi đình Lạc lợi, Trần Đăng Liêm giám đốc khu du lịch Memento, có cúng cho đình một bộ lư đồng, chân đèn, cổ bồng …gồm 7 món.


          Sát bên phải cuả ngôi đình có một ngôi nhà bằng ngói, không có cưả, xây theo hình vuông, nên được gọi là ‘nhà vuông’. Nhà vuông là nơi tụ họp, sinh hoạt cuả dân làng. Vào những ngày lễ lạc, cúng đình thì đây là nơi đông người, ra vào tấp nập. Phiá sau nhà vuông là một nhà ngang nhỏ dùng làm nhà bếp để nấu nướng khi đình có lễ lạc.
          Phía ngoài đình có một cái giếng, nước trong, nhưng có màu hơi đục như nước cơm. Nhà tôi có 3 cái giếng nhưng cái nào nước cũng đục và có phèn, không dùng được. Tôi và chú Lộc thỉnh thoảng phải đến giếng đình khiêng nước về dùng.
          Tôi nghe dân làng tôi thường ca ngợi công lao xây dựng làng Lạc lợi cuả cụ Trần Đăng Quảng – ông nội tôi. Nhưng vì quá lâu ngày không có mấy ông cụ cao niên còn sống sót để kể lại những công việc làm cuả ông Nội tôi đối với làng Lạc lợi. Nhưng tất cả mọi người lớn tuổi đều nói rằng Ông nội tôi là người hiền. Ông nổi tiếng nhờ làm nghề thuốc bắc, giỏi chữ nho. Ông hay hoà giải những vụ kiện tụng trong làng, giúp đở những người nghèo khó. Mỗi đầu năm học ông nội tôi mua giấy, bút, mực …để phát cho học trò nghèo trong làng đi học ( Ngày nay con cháu họ Trần Đăng đã lập Qũy Hoc bổng Trần Đăng Quảng để cấp học bổng cho học sinh nghèo vào mỗi đầu năm học ).
          Người góp nhiều công sức trong việc xây dựng ngôi đình Lạc lợi là cha tôi – ông Trần Đăng Dung - từng giử chức Lý trưởng làng Lạc lợi trong nhiều chục năm trời . Từ ngày tôi biết thì ngôi đình làng được xây bằng gạch quét nước vôi màu vàng, mái lợp ngói âm dương. Ngaỳ còn thơ ấu, ngôi đình Lạc lợi và miễu Giáng đối với tôi là to lớn, uy nghi, và linh thiêng. Nghe người ta nói chính cha tôi là người đứng trông coi xây cất ngôi đình.




 
 Hai bộ liễn của gia đình Trần Đăng chúng tôi đã cúng đình
 
          Ngaỳ xưa đường sá nhỏ hẹp, quanh co, muà mưa bùn lầy. Cha tôi xin phép chính quyền cho vạch lại con đường theo đường thẳng, một ngã nối với Cầu Bè, một ngã nối với cầu Suối Đăng, một ngã băng qua cánh đồng nối với Cầu Rọc, tiếp giáp với làng Thanh minh. Đình là nơi giao tiếp cuả ba con đường.
          Cầu Bè sở dĩ được gọi như thế vì cầu đó được làm sát mặt nước. Bầu Sấu ngày xưa rất sâu, lại có cá sấu nhưng nước tù đọng,không chảy được. Nhưng qua muà mưa nước lớn thì nước từ trên nguồn tràn về làm trôi cầu là câu chuyện xãy ra hằng năm. Câu Bè hầu như làm đi làm lại không biết bao nhiêu lần. Khi thì “ cầu tre lắt lẻo”, khi thi “cầu ván đóng đinh”. Vào những muà lũ lụt, nước tràn qua cầu, chảy rất xiết khiến cầu phải bị trôi. Sau cơn lụt dân làng phải bắt tạm cầu tre qua lại, chờ làng xin ngân khoản để làm cầu gỗ khác. Làng tôi được phân chia điạ giới với các làng lân cận bằng 3 cây cầu : Cầu Bè, Câu Suối Đăng và Cầu Rọc. Nhưng theo tôi được biết thì cầu tre có mặt thường xuyên hơn cầu gỗ. Do đó trong những năm chiến tranh, làng tôi thường tránh được những trận giao tranh ác liệt giửa hai phiá cũng nhờ sự giao thông trắc trở này
Những năm về trước, khi mặt nước bầu Sấu chưa có bèo lục bình, dân làng thường dùng ghe để câu cá, đánh lưới. Bầu Sấu là một nguồn lợi thuỷ sản cho Chú Bốn Gai, Anh Tám Lẻo, anh Ba Bán đánh bắt cá. Ngày nay ước gì dân các làng ven bầu Sấu ( như xã Diên hoà, Diên Lạc ) cùng chung sức vớt hết bèo lục bình thì bầu Sấu trở nên một nguồn lợi thủy sản đáng kể, một cảnh đẹp cho du lịch bơi thuyền, câu cá …Trong thời đại du lịch phát triển, những nguồn sông nước ao, hồ thiên nhiên, nếu biết tận dùng sẽ thu được nhiều tiền bạc cho làng.
          Đầu cầu bên phải cuả Cầu Bè có một miếu nhỏ thờ một cô gái chăn trâu chết đuối. Cô chết nhằm giờ linh thiêng nên linh hồn thường hiện về vào những buổi hoàng hôn, vắng vẻ. Năm chị Hai tôi ( Bà Trần Thị Sâm ) lên khoản 16 tuổi bị bệnh thương hàn. Cha tôi chưả trị bằng thuốc bắc mãi cũng không hết bệnh. Cha tôi bèn mới ông Thầy Hai Cối ( thầy pháp ) ở Phú Ân lên dùng pháp thuật để trừ tà. Vào một ngày mưa to gió lớn, nước bầu Sấu dâng cao và chảy xiết, Ông Thầy Hai Cối “lên đồng” miệng trăm trối những tiếng lạ lùng ( người ta bảo Bà Thiên Y thánh Mẫu nhập cốt cuả thầy ) thầy chạy một mạch lên Miễu Gíáng ( miễu thở Đức Thiên Y A Na, người Chàm ) rồi chạy thẳng ra Cầu Bè, nhảy ùm xuống nước, lặn một hồi lâu mới trồi lên, tay nắm một nắm bùn. Ông leo lên bờ chảy thẳng về nhà bôi nắm bùn đó lên ngực chị Hai tôi. Thầy Hai Cối ngã ra bất tỉnh, miệng uạ ra nước lênh láng. Những ngày sau đó, bệnh chị Hai tôi thuyên giảm lần và hết bệnh. Sau này khi cúng tạ vong linh tại một hòn đảo nhỏ tại phiá bên kia đầu cầu Bè, tôi thấy Chị Hai tôi bốc xôi, chè ăn trước mặt mọi người, nét mặt vô hồn. Cho đến bây giờ tôi không hiểu và cũng không biết giải thích cái hiện tượng siêu nhiên đó bằng cách nào !!! Làng thấy vong hồn cô gái ấy linh thiêng nên lập miếu thờ, cúng vái hàng năm cho đến ngày nay.


 
Miễu ấp tại cầu bè
 
 
          Như tôi đã mô tả Đình Lạc Lợi và Miễu Giáng ngày trước với những cây cổ thụ cành lá sum sê, dưới mỗi gốc cây vô số bình vôi, ông lò nằm ngổn ngang …làm cho lũ trẻ chúng tôi mỗi lần đi ngang phải rùng mình sợ sợt , dở mũ cúi đầu. Ngày nay nơi này trơ trọi quá, không có một bóng cây cao lớn. Miễu Giáng thì xây cất lại bằng xi măng, sắt thép, cửa kính, sơn phết loè loẹt mất vẽ linh thiêng cuả nơi thờ tự Đức Thiên Y Thánh Mẫu.
          Trong lần trùng tu Đình Lạc Lợi năm 2008 này, những người có trách nhiệm cuả thôn có tinh thần tồn cổ , biết gìn giử lại nét xưa, biết tôn tạo lại những gì đã hư nát giống như xưa, dựng lại cột cờ bằng gỗ , dời bức bình phong ra xa để sân đình rộng rải hơn, trồng thêm cây cối như cây đa, cây bồ đề, cây phượng vĩ...
          Có lẽ trong tương lai chúng ta phải cần có một vài lần trùng tu nưã thì mới đem được nét xưa lại cho Đình Lạc Lợi và Miểu Giáng :
-         lợp ngói móc hay ngói âm dương thay cho những tấm tôn trên mái nhà vuông bên cạnh đình,
-         thay những cưả kính màu cuả Miểu Giáng bằng những cưả gổ như cửa cuả Đình Lạc Lợi.
-         quét tường ngôi Miễu Giáng lại bằng nước vôi hay nếu sơn nước thì dùng màu mè ít loè lẹt hơn
-         đập bỏ nhà mẫu giáo để khuôn viên cuả đình được rộng rải khang trang hơn,
-         Tạo cảnh quang ( như đào hồ sen, trồng cỏ ) xung quanh ngôi đình và Miễu Giáng.
-         Xây cổng đình mới hướng về ngôi Miễu Giáng.
-         Bắt đèn tại ngã ba đường, trung tâm thôn Lạc Lợi.
-      Trồng lại hàng rào xung quanh Đình và Miễu bằng cây dâm bụt hay trà xanh hay cây hoa lài …để du khách đi ngang phải ghé lại chụp vài bức ảnh kỹ niệm. Có như vậy mới xứng đáng là một di tích lịch sử đã được công nhận và xếp hạng.
-       Trồng thêm nhiều cây xanh ( như cây đa, cây cổ chi, cây thị, cây bàng, cây phượng …) có bóng mát để vài chục năm sau nơi ngã ba này cũng rợp bóng cây cổ thụ như ngày xưa vẫn có.
 
 
Ngày 10 tháng 8 năm 2008
Trần Đăng Nhơn
 
 ( đăng trong website Trần Đăng )
http://myweb.tiscali.co.uk/hbtdp