Số phận ĐBCL Viet Nam
SỐ PHẬN ĐỒNG BĂNG SÔNG CỬU LONG
Trần-Đăng Hồng, PhD
LỊCH SỬ THÀNH LẬP ĐỒNG BẰNG CỬU LONG VIỆT NAM
Cách đây 9,000 năm, đồng bằng Cửu Long Việt Nam (ĐBCLVN) chưa được thành lập, còn là vùng biển cạn với rừng ngập mặn, mực nước biển cao hơn hiện nay 3-4 m, và bờ biển còn ở chân núi Vùng Thất Sơn (1).
Cách đây 8,000 năm, mực nước biển hạ thấp dần, phù sa từ từ lắng đọng trong suốt hơn 2,000 năm, rồi sau đó nước biển lại dâng cao trong suốt 1,000 năm, rừng ngập mặn bị chôn vùi bởi phù sa, đồng thời các giồng duyên hải được thành lập dọc bờ biển. Đó là những giồng duyên hải cổ chạy từ Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, cho tới Sài Gòn hiện nay.
Cách đây 5,000 năm, Gò Ô Chùa ở Tháp Mười là một hải cảng, ngày nay cách xa biển 150 km. Như vậy, mỗi năm ĐBCL lấn ra vịnh Thái Lan khoảng 30 m/năm. Gò Ô Chùa có cao độ 5 m trên mực nước biển.
Cách đây 4,500 năm, nước biển lại hạ thấp, đặc biệt là trong thời gian khoảng 4,000 đến 2,700 năm trước đây, phù sa bồi đấp nhiều thêm và đồng bằng Cửu Long có hình dạng tương tự như ngày nay.
Hiện nay, nước biển đang trong chu kỳ dâng cao.
Cách đây 2,500 năm, bờ biển nằm ở vị trí thành phố Bến Tre và thành phố Trà Vinh. Ngày nay, thành phố Bến Tre cách bờ biển 60 km. Như vậy trung bình đồng bằng lấn ra biển theo hướng đông khoảng 24 m/năm. Cả hai thành phố này hiện nay nằm trên đất giồng cao duyên hải cổ.
Cách đây 2,000 năm, Óc Eo (nay là thị xã Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) là một hải cảng sầm uất thuộc vương quốc Phù Nam. Nay Óc Eo cách biển khoảng 45 km, như vậy ĐBCLVN lấn ra Biển Tây 22,5 m/năm.
Ngoại trừ vùng có nền đá cứng ở bắc Hà Tiên, nền móng bờ biển Nam Kỳ là trầm tích phù sa, đất mịn do các sông bồi đấp, nên rất thích hợp cho cây rừng ngập mặn cấm rễ vững chắc. Tuy nhiên, bờ biển vì vậy cũng dễ bị xoi mòn bởi sóng và dòng nước chảy.
Có lẻ cách đây 3,000 năm, chưa có con người sống ở đồng bằng Cửu Long thuộc Việt Nam, vì còn là vùng nê địa gồm rừng tràm và rừng ngập mặn, thỉnh thoảng mới nổi lên vài giồng đất cao thuộc giồng duyên hải chạy dọc bờ biển.
Cách đây 2,500 năm người Nam Á Hải Đảo (Melanesien) đến định cư ở Đồng bằng Cửu Long (1), trên các giồng duyên hải ở Bến Tre. Các di chỉ khai quật cho biết người Nam Á Hải Đảo định cư ở Vĩnh Long trước đây khoảng 2,000 năm.
Quốc gia đầu tiên ở ĐBCLVN được lịch sử ghi chép là Phù Nam, tồn tại từ thế kỷ thứ 1 đến thứ 7. Sau thế kỷ này, người Khmer nước Chân Lạp (nay là Cambodia) chiến thắng và tiêu diệt nước Phù Nam.
Bản đồ cổ nhất cho vùng ĐBCLVN được vẽ vào năm 1296 do sứ bộ nhà Nguyên sang Chân Lạp năm 1296 (Hình 1). Bản đồ này được chú thích với các địa danh viết bằng chữ Hán, được phiên âm sang tiếng Pháp và xuất bản năm 1827 với nhan đề "Description du Royaume de Cambodge par un voyageur Chinois qui a visité cette contrée à la fin du XIIIe siècle" (do Anh Tran, Đinh Viết Khiêm, Cuong Chung, Trương Phúc và Brian Wu sưu tầm).
Hình 1. Bản đồ sơ khai do sứ bộ nhà Nguyên vẽ năm 1296 cho vùng Hạ Thủy Chân Lạp
Bản đồ sơ khai này cho thấy Mũi Cà Mau có hình dạng tương tự như ngày nay.
Dựa trên bản đồ hiện nay (2019) và so sánh với bản đồ năm 1296 (Hình 1), thì trong vòng 723 năm, đống bằng Cửu Long dài thêm về hướng nam khoảng 64 km tức trung bình dài thêm 88,5m/năm.
Theo Vu Duy Vinh et al. (2016) trong suốt 4,000 năm qua, đồng bằng Cửu Long dài thêm 250 km theo hướng nam do trầm tích phù sa lắng đọng, như vậy trung bình dài thêm 55,6 m/năm.
Cho tới năm 2011, phù sa vẫn tiếp tục bồi đấp ở Mũi Cà Mau, đồng thời bờ biển cũng bị xói lở ở nhiều nơi khác (2).
Hình 2. Tình hình đất bồi và xói lở ở Mũi Cà Mau trong thời gian 1953 - 2011 (2).
Quan sát kỷ Hình 2, Mũi Cà Mau được bồi đấp nhiều trong khoảng thời gian 1953 – 1979 ở mạn phía tây bắc trong Vịnh Thái Lan, trung bình bồi đắp 154 m/năm, tuy nhiên kể từ sau 1979, phù sa bồi đấp giảm rất nhanh ở Mũi Cà Mau, và trong thời gian 2009 – 2011 coi như không còn bồi đấp nữa, trong lúc lại sạt lở nhiều ở mạn phía nam Mũi Cà Mau (2).
Trước 1975, trung bình Mũi Cà Mau tiến ra biển 60 m/năm. Cho tới hiện nay, DBCLVN rộng thêm khoảng 90 km2/năm do phù sa bồi lấn ra biển.
LƯỢNG PHÙ SA MANG VÀO ĐỒNG BẰNG CỬU LONG
Như vậy, trong vòng 9,000 năm qua đồng bằng Cửu Long của Việt Nam được thành hình, rộng lớn dần, thẳng tiến ra Biển Đông và nối rộng theo hướng nam thành Mũi Cà Mau ở Vịnh Thái Lan, nay là một đồng bằng trù phú với diện tích tổng cộng 40,577 km². Được vậy là nhờ lượng phù sa khổng lồ do Sông Tiền và Sông Hậu mang vào là chánh. Một số lượng phù sa khác, ít hơn, do nước lụt mang vào qua biên giới Miên Việt.
Số lượng phù sa mang vào Việt Nam biến đổi theo thời gian và theo mùa, tùy thuộc vào thời tiết, quản trị nước, thủy lợi, thủy điện, đê đập, v.v. ở phần nguồn.
Trong thời gian trước khi có các đập thủy điện ở thượng nguồn, riêng hai sông Tiền và Sông Hậu hàng năm chảy ra biển khoảng 550 tỷ m3 nước ngọt, trung bình chứa 0,2-1,0 kg phù sa cho mỗi m3 nước tùy mùa, tạo thành các cồn ở cửa sông, đất bồi dọc theo bờ biển, hay được dòng nước biển (hải lưu) mang bồi đấp ở Mũi Cà Mau. Trung bình, tổng cộng các sông ngòi của ĐBCL hàng năm mang phù sa khoảng 3,000 m3/giây vào tháng Tư đến 30,000 m3/giây vào tháng Chín (Brunner & Quyen, 2011).
Ngày nay, do việc xây đập ở thượng nguồn từ Trung quốc đến Lào và Cambodia số lượng nước và lượng phù sa mang vào Việt Nam giảm trầm trọng, cọng thêm tình trạng đào cát ở đáy sông trên suốt dòng chảy từ Lào đến Việt Nam đã gây thêm hậu quả xói lở trầm trọng bờ sông và bờ biển Việt Nam.
Nghiên cứu trong thời gian 2012 – 2014 cho hơn 50 địa điểm dọc duyên hải Nam Bộ cho thấy trầm tích phù sa lắng đọng ở cửa sông vào mùa nước chảy yếu, và lắng đọng nhiều hơn ở ngoài khơi vào mùa nước chảy mạnh, và tùy vào hướng gió mùa. Mùa gió bắc thổi mang phù sa khoảng 960,000 tấn/năm, và mùa gió nam chỉ 650,000 tấn/năm (Vu Duy Vinh et al, 2016).
Nồng độ phù sa chứa trong nước tại cừa sông chỉ còn khoảng 5% trong thời gian 2002 – 2012 theo phân tích dữ kiện của vệ tinh MERIS (5).
Tường trình của Ủy Ban Sông Mekong (Mekong River Commission) cho biết tình trạng phù sa trước 2003 và sau 2009 tại Chiang Saen giảm từ 60 triệu tấn xuống còn 10 triệu tấn/năm (giảm 83%), tại Pakse từ 120 triệu tấn/năm xuống còn 60 triệu tấn/năm (giảm 50%), tại Kratie giảm từ 160 triệu tấn/năm xuống còn 90 triệu tấn/năm (giảm 43%). Nếu tất cả các đập ở hạ nguồn hoàn thành, tiên đoán là 96% phù sa sẽ bị giữ ở các đập, và như vậy chỉ khoảng 4% phù sa sẽ được mang tới Việt Nam (4).
Tài liệu tường trình cho biết trước khi có đập ở thượng nguồn, hàng năm lượng phù sa mang vào Viêt Nam là 73 triệu mét khối (m3), nhưng vào năm 2012 chỉ còn 42 triệu mét khối (giảm 42%). Nếu tất cả 19 đập thủy điện ở thượng nguồn hoàn thành, thì lượng phù sa mang vào Việt Nam chỉ còn 10 – 15 triệu mét khối/năm (5).
HẬU QUẢ PHÁT TRIÊN KINH TẾ SÔNG MEKONG
Trong vòng 30 năm qua, kinh tế phát triển mạnh dọc sông Mekong. Tại thượng nguồn cũng như hạ nguồn, đập thủy điện phát triển rộ, đồng thời nhiều khu kỹ nghệ và đồng ruộng phì nhiêu được thành lập. Hậu quả là sông Mekong đã biến đổi nhiều và càng ngày càng trầm trọng: (i) Thay đổi dòng chảy, lưu lượng nước, lưu lượng phù sa; (ii) Sông Mekong trở nên ô nhiểm nặng vì chất thải từ các xí nghiệp, từ các thành phố và khu dân cư, thuốc diệt côn trùng, diệt cỏ và phân bón từ đồng ruộng và nhiều chất độc khác.
Trong suốt lịch sử 8,000 năm bồi đắp, lớp phù sa ở ĐBCLVN dày 0,8 m đến 1,2 m, tức chiều dày của lớp đất nằm bên trên lớp hữu cơ do rừng ngập mặn bị vùi lấp, như vậy mỗi năm đồng ruộng trong ĐBCLVN cũng chỉ dày thêm tại chỗ từ 0,1 đến 0,15 mm/năm.
Đồng bằng Cửu Long có độ cao 0-4 m trên mực nước biển, riêng vùng bán đảo Cà Mau chỉ cao hơn mực biển 0-0.5 m, trong lúc thủy triều cao 4 m, nên khả năng chìm dưới mặt biển khá lớn, nhất là vùng rừng ngập mặn hiện nay, và coi như một phần lớn đồng bằng bị đe dọa bởi thủy triều từ phía biển (11).
Nếu nước biển dâng cao thêm 0,2 m, khoảng 706 km2 đất ở ĐBCLVN bị chìm ngập, và nếu dâng cao 0,6 m sẽ có khoảng 994 km2 đất bị chìm ngập (6). Theo Bộ Nông Nghiệp VN, nếu mực nước biển dâng cao 1 m, ĐBCL sẽ mất từ 15,000 đến 20,000 km2 đất.
Hậu quả của việc thay đổi dòng chảy và lưu lượng. Vào mùa khô (tháng 11 đến tháng 5), các đập tích trữ nước để chạy thủy điện nên hạ lưu thiếu nước cho canh tác, và nước mặn vì vậy xâm nhập vào nội địa càng thêm trầm trọng. Ngược lại, vào mùa mưa lũ, vì an toàn, đập thường xả lũ bất thường và không báo trước cho hạ lưu biết, nên thường gây lũ lụt, phá hoại mùa màng, thiệt hại gia súc và người, tạo xói lở trầm trọng ở hạ lưu, nhất là ở Campuchia và Việt Nam.
Hậu quả của việc thiếu phù sa. Vì đa số phù sa lắng tụ trong các đập ở thượng nguồn, nên nước sông Tiền sông Hậu chứa rất ít phù sa, có khi nước trở nên trong vắt. Hậu quả nước chảy vào đồng ruộng không còn phù sa lắng tụ bồi dày thêm, đất kém màu mỡ. Nước sông thiếu phù sa để lấn ra biển và chuyển tới Mũi Cà Mau. Nạn xói lở bờ biển thêm trầm trọng, vì rừng ngập măn thiếu chất dinh dưỡng, già cỗi chết dần.
Hậu quả của ô nhiểm nước sông gây nhiều tác hại lên sức khỏe của thú (kể cả tôm cá) và người. Thiếu nước sinh hoạt sạch bắt buộc dân chúng phải xử dụng ngước ngầm. Hầu như nhà nào ở vùng đất dọc duyên hải Biển Đông và Biển Tây đều đào giếng ngầm ở độ sâu trên 20 m để có nước ngọt cho sinh hoạt. Nghiên cứu nước ngầm tại ĐBCLVN do Đại học Utrecht (Hoà Lan) thực hiện cho biết khai thác nước ngầm thái quá hiện nay là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong một loạt các yếu tố khiến đồng bằng sụt lún, trung bình khoảng một cm mỗi năm (8). Theo nghiên cứu này, mỗi ngày 2,5 triệu lít bị rút khỏi tầng nước ngầm của đồng bằng. Bởi vì, số lượng khổng lồ nước mất đi trong túi nước ngầm nên làm giảm áp lực trong cấu trúc địa chất, khiến đồng bằng lún xuống, trung bình 1 cm/năm (8). Chẳng hạn, trong 25 năm qua ĐBCLVN đã sụt xuống 18 cm (0,72 cm/năm), có nơi như Sóc Trăng, Bạc Liêu đến 30 cm (1,2 cm/năm) (9). Ngoài ra, mực nước biển đang trên đà dâng cao trung bình 3-4 mm/năm ở khu vực Vịnh Thái Lan trong diễn trình hâm nóng toàn cầu hiện nay.
Nghiên cứu do Đại học Utrecht thực hiện tiên đoán trong vòng 100 nữa (8, 9), ĐBCLVN sẽ chìm trong nước biển, bởi vì một số khu vực như Tứ Giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười và U Minh có cao độ thấp hơn mực nước biển, còn các thị xã thuộc bán đảo Cà Mau, kể cả thị xã Cà Mau, có cao độ trên dưới 1 m so với mực nước biển. Các nhà khoa học thuộc Đại học Utrecht tiên đoán là vào năm 2100 chỉ còn những vùng đất nằm trên giồng đất duyên hải cổ như Bạc Liêu (5m). Sóc Trăng (4m), Bến Tre (5m), Vĩnh Bình (5m), hay trên giồng đất cao dọc hai bên Sông Hậu, sông Tiền như Cần Thơ (3m) Long Xuyên, Mỹ Tho sẽ trở thành các hải đảo (Hình 3).
Hình 3. Với tình trạng xử dụng nước ngầm hiện nay sẽ gây nên lún sụp mặt đất, cộng thêm hiện tượng nước biển dâng cao, ĐBCLVN sẽ chìm trong biển (màu lục), chỉ còn những đảo (màu xanh).
TÀI LIỆU THAM LHAO3 CHÁNH
1. Wikipedia. Đồng bằng Cửu Long. http://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%93ng_b%E1%BA%B1ng_s%C3%B4ng_C%E1%BB%ADu_Long
2. Tran Thi, A. Tien Thi Xuan, H. Phan Nguyen, F. Dahdouh-Guebas, & N. Koedam (2014). Application of remote sensing and GIS for detection of long-term mangrove shoreline changes in Mui Ca Mau, Vietnam. Biogeosciences, 11, 3781–3795.
3. Brunner, J. & Quyen, N.H. (2011). Land cover change assessment in the coastal areas of the Mekong delta 2004-2009. Department of Remote Sensing Technology-GIS-GPS, Space Technology Institute (STI) Vietnam Academy of Science and Technology (VAST).
4. Vu Duy Vinh, Sylvain Ouillon, Nguyen Van Thao and Nguyen Ngoc Tien (2016). Numerical Simulations of Suspended Sediment Dynamics Due to Seasonal Forcing in the Mekong Coastal Area. Water 2016, 8, 255; doi:10.3390/w8060255.
5. Wolanski, E.; Ngoc Huan, N.; Trong Dao, L.; Huu Nhan, N.; Ngoc Thuy, N. Fine sediment dynamics in the Mekong River Estuary, Vietnam. Estuar. Coast. Shelf Sci. 1996, 43, 565–582. [CrossRef]
6. Thanapon Piman and Manish Shrestha (2017). Case study on sediment in the Mekong River Basin: Current state and future trends Stockholm Environment Institute, Project Report 2017-0. https://www.sei.org/publications/sediment-mekong-river/
7. Katie Kalmusky (20/8/2018). Vietnam's Mekong Delta Could Disappear in Less Than a Century. https://theculturetrip.com/asia/vietnam/articles/vietnams-mekong-delta-could-disappear-in-less-than-a-century/
8. David Boyle (17/02/2019). Nghiên cứu: Đến năm 2100 đồng bằng sông Cửu Long có thể chìm dưới nước. https://www.voatiengviet.com/a/nghien-cuu-den-nam-2100-dong-bang-song-cuu-long-co-the-chim-duoi-nuoc/4790006.html
9. Kính Hòa RFA (21/02/2019). Sông Mekong, có phải ngày tàn đã đến? https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/mekong-the-last-days-02212019114540.html?fbclid=IwAR1f4fqU64tToSI3GUgwAhR_SNlAUn7DSEDn05asqSvhnH1m14z7fun3wds
10. Hung Nguyen Nghia, José Miguel Delgado, Andreas Güntner, Bruno Merz (2014). Sedimentation in the floodplains of the Mekong Delta, Vietnam Part II: Deposition and erosion. Hydrological Processes 28 (7).
11. UNDP (2008). Viet Nam’s Community Based Adaptation. Country Programme Strategy (CBA CPS). http://www.undp-adaptation.org/projects/websites/docs/Final_CBA_CPS_(SGP_Viet_Nam).doc
12, Anh Tran, Đinh Viết Khiêm, Cuong Chung, Trương Phúc và Brian Wu (2019). https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1589083501168887&set=a.1479814435429128&type=3&eid=ARA8ACxuHpeyjdxBlBp-bSSPDBjVv5zelpbWiI7fOu4NmgdAmBeEErXPCkoTsWKM75VOgCcQBGaDSzhU .
Reading 21/3/2019