DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Ảnh hưởng hâm nóng toàn cầu lên tỉnh khánh Hòa - P 1

21/3/2010

ẢNH HƯỞNG CỦA HIỆN TƯỢNG HÂM NÓNG TOÀN CẦU LÊN TỈNH KHÁNH HÒA

TS Trần-Đăng Hồng, Trần-Đăng Nhơn & KS Trần Giỏi

 

Phần 1. Hiện tượng nước biển dâng cao

 

 

Báo chí thế giới, cũng như ở Việt Nam, mấy năm gần đây trở nền ồn ào với hiện tượng hâm nóng toàn cầu, đặc biệt mỗi khi có hội nghị khoa học về vấn đề này. Thế giới đương đầu với 3 vấn đề hiện đang xảy ra:

(i)             Lượng khí CO2 trong khí quyển gia tăng do con người.

(ii)           Nước biển dâng cao.

(iii)         Biến đổi khí hậu.

Theo IPCC (Intergovermental Panel on Climate Change, 7), hai vấn đề sau được cho là hậu quả của vấn đề thứ nhất. Đây cũng là đề tài hiện còn nhiều tranh cải giữa các nhà khoa học. Ảnh hưởng của hiện tượng hâm nóng hoàn cầu lên Việt Nam và đồng bằng Cửu Long Việt Nam đã được thảo luận chi tiết (11, 12, 13, 14). Trong loạt bài này, chúng tôi muốn đề cập ảnh hưởng của hiện tượng này lên phần đất Khánh Hòa.

 


Hình 1. Bản đồ tỉnh Khánh Hòa

 

I. Khánh Hòa qua các thời đại địa chất

Cách đây trên 600 triệu năm, Khánh Hòa cũng như các tỉnh khác của Miền Trung, còn chìm dưới biển cả, chỉ có khối Kon-tum nhô lên như một hải đảo. Cách đây 570 triệu năm, khối Kon-Tum được nâng lên cùng lúc nước biển hạ thấp dần, nền móng vùng cao nguyên từ từ xuất hiện, và trong suốt thời gian dài này có 2 giai đoạn vận động tạo núi cùng lúc với 2 lần biển rút lui. Đó là vận động tạo núi Caledoni cách đây khoảng 300 triệu năm và vận động tạo núi Hecxini cách đây 250 triệu năm. Hậu quả là nhiều nếp núi thành hình, như nếp núi Trường Sơn ở phía bắc Đà Nẵng và các núi vùng cực nam Trung Việt đều chạy viền quanh địa khối Kon-Tum theo hướng tây bắc đông nam. Các núi của tây Khánh Hòa được thành hình trong thời kỳ này.

          Cách đây 40 triệu năm, vào đầu thời kỳ Neogene, một vận động toàn thế giới tạo núi Alpes (Âu Châu) cũng làm chấn động đến Việt Nam, phần núi được nâng lên như dãy Hoàng Liên Sơn, có nơi bị sụp xuống như thung lũng sông Hồng. Những đoạn nứt gãy ở Nam Trung Việt và Miền Đông Nam Việt tạo những núi lửa, dung nham phún trào tạo thành cao nguyên Trung Việt và Đông Nam Việt, sau này biến thành đất đỏ.

          Cách đây 25 triệu năm, bắt đầu tạo thành, qua nhiều thời kỳ, thời kỳ cuối cách đây 600,000 năm. Chu kỳ này tuy mạnh nhưng chỉ ảnh hưởng nhẹ đến địa hình của phần đất tỉnh Khánh Hòa ngày nay, vì bề mặt địa hình đã được cũng cố vững chắc nhờ cấu trúc hecxini ở đại Cổ sinh. Các pha uốn nếp Hy Mã Lạp Sơn làm cho toàn bộ gờ núi Trường Sơn, trong đó có phần đất Khánh Hòa, tự nâng cao đứt gãy ở nhiều nơi, sườn Đông Trường Sơn trở thành vách đứng về phía biển, trong khi đó vùng thềm lục địa tiếp cận lại bị tụt xuống thấp hơn tạo thành dạng bờ biển cao với nhiều vách đứng về phía biển.  Ngoài hiện tượng lún sụp cũng tạo thành các đường đứt gãy sâu chạy dọc bờ biển, làm cho thềm lục địa của tỉnh Khánh Hòa rất hẹp. Chu kỳ tạo sơn Hy Mã Lạp Sơn có nhiều chu kỳ lắng đọng trầm tích ven bờ, tạo thành nhiều vũng, vịnh rải rác trong tỉnh. Từ sau vận động tạo sơn này đến nay là thời kỳ yên tỉnh, ổn định của bề mặt địa hình. Tuy vậy, do tỉnh Khánh Hoà nằm gần khu vực ảnh hưởng của vành đai núi lửa Thái Bình Dương nên những chấn động nhẹ do hoạt động núi lửa cũng có thể xảy ra ở vùng thềm lục địa (1).

 

II. Khánh Hòa ngày nay.

Diện tích tỉnh Khánh Hòa khoảng 5,197 km2, hơn 7/10 diện tích là núi, với dân số khoảng 1.066.300 người (năm 2006), giới hạn trong kinh tuyến 108°40’33" - 109°27’55" Đông, và vĩ tuyến 11°42’50" - 12°52’15" Bắc. Bờ biển dài 385 km, từ Đại Lãnh đến vịnh Cam Ranh, dọc theo đó có nhiều mỏm đá cao, vũng, cửa sông, lạch và đầm vịnh như vịnh Vân Phong, Nha Phu, Nha Trang và Cam Ranh. Ngoài khơi có trên 200 đảo lớn nhỏ, trong đó có quần đảo Trường Sa gồm hơn trăm đảo nhỏ. Hệ thống núi ở Khánh Hòa ảnh hưởng đến khí hậu, tiểu khí hậu và đa dạng sinh học, nên được đặc biệt mô tả ở đây.

Khánh Hòa được bao bọc bởi núi cao ở 3 hướng, phía tây bởi Trường Sơn, giáp giới với cao nguyên Daklak, hướng bắc với các nhánh núi cao của Trường Sơn đâm ra Biển Đông, giáp giới với Phú Yên; và hướng tây nam bởi các nhánh núi của Trường Sơn thấp hơn, giáp với Lâm Đồng. Về hướng nam, chỉ có một dải đất nhỏ ăn thông với đồng bằng Ninh Thuận. Mặt đông là biển cả.

Dãy núi Vọng Phu ở phía Bắc, ngăn cách với Phú Yên, dài trên 60 km, chạy từ dãy Trường Sơn thuộc Daklak đến Mũi Nạy ở bờ Biển Đông,  cao trên 1000 m với nhiều đỉnh cao, trong số đó có đỉnh Vọng Phu (hay Mẫu Tử, cao 2.051 m), đỉnh Hòn Đa Đa (cao 1.709 m), đỉnh Hòn Chảo (cao 1.564 m), đỉnh Hòn Chát (1.519 m), đỉnh Hòn Giữ (cao 1.264 m), Hòn Ngang (1.128 m) và Hòn Giúp (1.127 m). Ba núi Hòn Giữ, Hòn Ngang và Hòn Giúp còn gọi là núi Tam Phong hay Ba Non. Chính rặng núi này ngăn các luồng gió lạnh và bảo tố từ phương Bắc thổi đến tạo cho Khánh Hòa có khí hậu ấm áp vào mùa đông.

Cũng từ vùng núi Vọng Phu có nhiều nhánh núi phát triển theo hướng tây bắc - đông nam, tạo thành các dãy núi thấp hoặc bị chia cắt thành cụm núi, hòn núi thấp nằm xen kẽ, rải rác trong đồng bằng, hoặc ăn lan ra biển, cắt qua quốc lộ 1A tạo thành các đèo Cổ Mã, dốc Đá Trắng, dốc Thị thuộc huyện Vạn Ninh. Chính vì vậy, các đồng bằng nhỏ ở giữa các rặng núi này tạo khí hậu nóng bức hơn vì nhận gió Lào, và mưa nhiều hơn, như ở vùng Tu Bông, Vạn Giã.

Phía Đông đồng bằng Ninh Hòa là dải núi Hòn Hèo (Hoa Đằng sơn, Phước Hà sơn) chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, ba mặt nhô ra biển tạo thành một bán đảo lớn (146 km2) với nhiều đỉnh cao trên 700 mét, cao nhất là đỉnh Hòn Hèo (819 m) án ngữ giữa trung tâm bờ biển phía Đông nên khí hậu vùng đồng bằng Ninh Hòa về mùa đông ẩm thấp, mùa hè oi bức. Hòn Hèo cản sức bão từ Biển Đông thổi vào. Vì nằm trong một thung lủng hẹp, núi cao 3 mặt, Dục Mỹ có khí hậu bán sa mạc, rất khô khan vì gió Lào, nhiệt độ ngày tới 39-40 ºC, nhưng đêm thì lạnh.

Từ vùng thượng nguồn sông Chò, sông Đa Mác thuộc phía tây nam huyện Ninh Hòa, có nhánh núi nhỏ đâm ra phía biển như Hòn Giốc Thơ, quốc L1A cắt núi này tạo thành đèo Rọ Tượng. Một nhánh khác theo hướng tây bắc - đông nam ra tận bờ biển, kết thúc ở mũi Kê Gà (Hòn Rùa) cắt Quốc lộ 1A ở đèo Rù Rì cao 84 m.

Về mía nam, không còn núi liên tục đâm ra biển, chỉ có ngọn Đồng Bò.

Phía Tây Khánh Hòa là vùng núi rộng và cao thuộc Rặng Trường Sơn với đỉnh núi Hòn Giao (cao 2.062 m), Hòn Bà (cao 1.575 m), giáp giới với cao nguyên Daklak, Lâm Đồng có độ cao trên 700 m. Vùng núi này bao gồm các huyện Khánh Vĩnh (cao đô trung bình 100 – 200 m), Khánh Sơn (cao độ trung bình 400 – 500 m), một phần huyện Diên Khánh (cao độ trung bình 60 m). Thung lũng sông Tô Hạp có độ cao trung bình khoảng 400 m. Ngoài ra, ở vùng núi này còn có nhiều thung lũng nhỏ, trong số đó có thung lũng Ô Kha, là một thung lủng hẹp ở giữa 2 vách núi cheo leo, nên tạo những luồng gió mạnh rất nguy hiểm cho ngành hàng không. Vùng núi phía tây, tây nam và phía nam là ''bức tường khí hậu'' ngăn gió tây nam thổi vào tỉnh Khánh Hòa, làm thay đổi hướng, cường độ. Khánh Hòa oi bức (gió Lào) và nắng hạn trong mùa gió tây nam vì ảnh hưởng Foehn của Trường Sơn. Ngược lại, vào mùa gió đông bắc, Trường Sơn hứng nước mưa, nên mưa nhiều và dai dẳng (Vũ lượng khoảng 2000 mm/năm) (5).

Ngược lại với đồng bằng, nhờ cao độ trên 1000 m của nhiều ngọn núi (Hòn Giao, Hòn Bà, Vọng Phu.. chận mây từ Biển Đông thổi đến nên mưa nhiều hơn và suốt năm có mây mù che phủ đỉnh núi. Chẳng hạn, Hòn Bà (cao 1.575 m) có tới 251 ngày mưa một năm, với vũ lượng tới 2.700 mm/năm, trong lúc Nha Trang chỉ có lượng mưa trung bình 1.355,6 mm/năm.    

 

III. Hiện tượng nước biển dâng cao

Con số quan trắc của 23 trạm trên thế giới cho biết từ năm 1900 đến 2000, nước biển dâng cao 18 cm, tức trung bình dâng cao khoảng 1,8 mm/năm trong thế kỷ qua.

 

1. Vận tốc nước biển dâng cao

Tiên đoán vận tốc nước biển dâng cao trong tương lai vẫn còn là một đề tài nghiên cứu, thảo luận giữa các nhà khoa học, và đang gây nhiều bàn cải.

Nước biển dâng cao vì 2 lý do: (i) trương nở vì nhiệt độ gia tăng, và (ii) băng hà tan. Theo các nhà khoa học, nước đại dương trương nở do nhiệt độ nước gia tăng mới là nguyên nhân quan trọng làm nước biển dâng cao.

Theo mô hình toán học dựa vào nhiều giả thiết của IPCC (7), nước biển sẽ dâng cao từ 0,90 mm/năm đến 8,80 mm/năm, tùy thuộc theo nhiều yếu tố, với trị số trung bình 4,80 mm/năm. Vì có nhiều chỉ trích cho rằng các giả thiết không sát thực tế, IPPC điều chỉnh lại (năm 2007) mô hình và kết luận rằng nước biển sẽ dâng cao thêm giữa 19 cm và 59 cm vào năm 2100.

Bởi vì chiều cao nước dâng tùy thuộc vào vị trí địa dư, nền móng bờ biển (có vững hay không), thủy triều, gió bão, áp xuất không khí, hiện tượng El Niño hay La Niña, và nhiều yếu tố khác, nên việc đo đạc khó chính xác, và không cho cùng một kết quả. Chẳng hạn, riêng năm 1997/1998, năm có El Niño, nước biển vùng Thái Bình Dương dâng cao thêm 20 mm, nhưng sau đó trở lại bình thường.

Nước biển ở xích đạo và vùng nhiệt đới vốn đã nóng nên gia tăng nhiệt độ không khí vài ba độ không gia tăng nhiệt độ nước biển bao nhiêu, trái với vùng ôn đới. Ngoài ra, vì nước tan từ băng hà ở Nam Cực hay Bắc Cực, nên làm nước dâng nhiều ở các độ cao (tức vùng ôn đới), vì vậy khi tiến về càng gần xích đạo thì nước dâng càng ít hơn, vì phải mất một thời gian rất dài để di chuyển và một số lượng nước rất lớn phải bốc hơi vì càng gần xích đạo nhiệt độ không khí càng lớn, bốc hơi càng nhiều.

Sau đây là một số quan trắc dâng nước biển thực sự để có thể dựa vào đó tiên đoán mực nước dâng trong tương lai.

Trên phạm vi toàn cầu, kết hợp 23 trạm quan trắc rãi rác trên khắp thế giới từ năm 1900 đến 2000, nước biển dâng cao 18 cm, tức trung bình dâng cao khoảng 1,8 mm/năm trong thế kỷ qua.

Sau khi điều chỉnh các yếu tố có thể làm sai lạc, Đại học Colorado tại Boulder (16) kết hợp số đo của 213 trạm quan trắc trên thế giới trong thời gian 175 năm (từ 1807 đến 1982) thì nước biển dâng cao từ 1,2 mm/năm đến 2,4 mm/năm, với trị số trung bình 1,60 mm/năm (Bảng 1)

 

 Quan trắc vận tốc nước biển dâng (mm/năm) trên toàn cầu

Nước dâng (mm/năm)

Sai số
(mm/năm)

Thời gian
(Năm)

Số trạm quan trắc

Tài liệu tham khảo

      1.43

±0.14

1881-1980

152

Barnett, 1984

      2.27

±0.23

1930-1980

152

Barnett, 1984

      1.2

±0.3

1880-1982

130

Gornitz & Lebedeff, 1987

      2.4

±0.9

1920-1970

40

Peltier & Tushingham, 1989

      1.75

±0.13

1900-1979

84

Trupin & Wahr, 1990

      1.7

±0.5

N/A

N/A

Nakiboglu & Lambeck, 1991

      1.8

±0.1

1880-1980

21

Douglas, 1991

      1.62

±0.38

1807-1988

213

Unal & Ghil, 1995

X= 1.60

±0.34

 

 

 

Bảng 1. Theo tài liệu Đại học Colorado tại Boulder, Hoa Kỳ (16).

 

Theo các trắc lượng từ vệ tinh trong khoảng thời gian 1993 đến nay thì nước biển dâng từ 2,4 đến 3,2 mm/năm. Các nhà khoa học cho rằng các con số này không chính xác bằng quan trắc thực sự bởi các trạm trên bờ biển.

Tại Hoa Kỳ, các quan trắc tại San Francisco (Thái Bình Dương) nước dâng trung bình 2,1 mm/năm;  dọc Đại Tây Dương tại New York, 2,5 mm/năm;  Baltimore 2,8 mm/năm; Key West (Florida) 1,7 mm/năm. Nước biển dâng cao nhất là tại New Orleans (Louisiana) và Galveston (Texas) 10 mm/năm vì nền bờ biển vịnh Mexico lún sụp. Ngược lại nước biển hạ thấp 4 mm/năm tại Sitka (Alaska) vì nền móng bờ biển nâng cao.

Trên bờ Đại Tây Dương ở Âu Châu, tại biển Amsterdam (Hòa Lan) theo quan trắc từ 1850 đến nay (155 năm) thì nước biển dâng trung bình 1,7 mm/năm.

Các vùng nói trên nằm trong vùng Ôn đới.

Tại Australia, từ 1880 đến nay (125 năm), nước biển dâng trung bình 1 mm/năm.

Quan trắc tại 58 trạm dọc Thái Bình Dương phần Á Châu cho biết là vận tốc nước biển dâng cao biến đổi tùy vị trí địa lý, nền bờ biển có vững bền hay không và áp xuất không khí khi đo (2). Trung bình cho cả vùng Á Châu dọc Thái Bình Dương nước dâng 2,77 mm/năm. Trung bình bờ biển Trung quốc dâng 2,5 mm/năm trong 30 năm qua. Tại Hồng Kông có 2 trạm quan trắc đều có kết quả nước biển dâng 2,3 mm/năm trong 50 năm qua, nhưng nền đất lún sụt 0,4 mm/năm, nên nước biển thật sự chỉ dâng 1,9 mm/năm. Tại bờ biển Bohai (Trung quốc), vận tốc nước dâng không thay đổi trong mấy thập niên qua, nhưng tại cửa biển sông Dương tử, nước dâng 6,2 mm/năm vì châu thổ bị lún sụp.

Tại Thái Lan, các quan trắc cho biết nước biển gia tăng cùng vận tốc với các nước lân cận, ngược lại tại trạm Sattahip và Ko lak cũng ở Thái Lan, đo hàng tháng mực nước biển trong 56 năm liên tiếp từ 1940 đến 1996 thì nước biển hạ thấp trung bình -0,36 mm/năm (17).

Tại Việt Nam có tổng cộng 21 trạm quan trắc hải tính dọc bờ biển và trên các hải đảo. Trong số này có 7 trạm quan trắc khá chính xác, từ bắc xuống nam là Hòn Dấu (ngoài khơi Hải Phòng, thiết lập năm 1956), Hòn Ngư (ngoài khơi Cửa Lò, Nghệ An, 1961), Đà Nẵng (1963), Qui Nhơn (1963), Vũng Tàu (1918), Phú Quốc (1976) và DK-1-7 (thuộc Trường Sa, 1995) (9).

Theo kết quả quan trắc, nước biển dâng 1,9 mm/năm tại Hòn Dấu trong thời gian 1960-2000; trong lúc 1,75 mm/năm tại Qui Nhơn, nhưng 2,56 mm/năm tại Vũng Tàu và Đà Nẵng. Bờ biển Đà Nẵng bị xói lở, và có lẻ nền móng của Vũng Tàu bị lún sụp.

Nha Trang gần Qui Nhơn, có cùng nền móng vững chắc, nên có lẻ nước biển dâng với vận tốc 1,75 mm/năm, hay cao hơn chút đỉnh, tối đa 1,9 mm/mm như Hòn Dấu.

Giả sử với vận tốc nước dâng tại Nha Trang là 1,75 mm/năm, nước biển sẽ dâng cao hơn hiện nay 0,50 m vào năm 2296, và cao hơn 1 m vào năm 2582.

Giả sử với vận tốc 1,90 mm/năm (như Hòn Dấu), nước biển sẽ dâng cao 0,50 m vào năm 2273, và cao hơn 1 m vào năm 2536.

 

2. Vận tốc gia tăng trong thập niên qua và các năm tới?

Những quan trắc mới đây, trong thời gian 1993-2003 trên toàn thế giới, cho thấy có sự gia tăng đột ngột lên 2,8 ± 0,4 mm/năm đến 3,1 ± 0,7 mm/năm (7). Tuy nhiên, nếu quan sát các biểu đồ nước biển trong quá khứ lâu dài thì đây chỉ là biến thiên bình thường, khi trồi khi sụt trong thời gian ngắn. Theo khoa học gia Holgate ở Viện Hải Dương Học Proudman Oceanographic Laboratory ở Liverpool, Anh Quốc, trong thế kỷ qua (1904-2003) có 10 lần nước biển dâng và hạ (Hình 2), vận tốc nước biển dâng có khi tới 5 mm/năm (năm 1980), hay trên 4 mm/năm (1910, 1939, 1958, 1992), hay có khí nước hạ thấp xuống (1922, 1962, 1988) và vì vậy sẽ sai lầm nếu chỉ dựa dữ liệu đo trong ngắn hạn, như IPPC dựa vào thập niên 1993-2003. Theo ông, nếu dựa trên dữ kiện 100 năm, thì nước biển toàn cầu chỉ dâng 1,75 mm/năm (6).


Hình 2. Biến đổi mực nước biển theo thời gian đo tại 9 trạm trên thế giới trong thời gian 100 năm qua. Các đường thẳng đứng là sai số (Holgate, 6)

 

3. Nước biển sẽ dâng cao tối đa bao nhiêu?

Hàng năm, khoảng 8 mm nước của toàn cầu rơi xuống các địa cực và núi cao dưới dạng tuyết và biến thành băng hà. Nếu băng hà này không tan để thành nước chảy ra biển thì hàng năm biển cạn thêm 8 mm. Nếu băng hà ở rìa tan nhanh, hơn 8 mm/năm, thì nước biển dâng cao.

Khối băng hà ở Bắc Cực nếu có tan hết cũng không đóng góp đáng kể vào nước biển dâng cao.

Nếu rìa băng hà ỏ Greenland và rìa băng hà ở bán đảo Nam Cực tan, nước biển sẽ dâng cao thêm 0,5 m.

Nếu toàn thể băng hà ở Greenland tan, nước biển sẽ dâng cao 7,2 m.

Nếu tất cả băng hà ở Nam Cực tan, nước biển sẽ dâng cao 61,1 m.

Nếu tất cả các đập chứa nước ngọt trên toàn cầu, nhất là các túi nước khổng lồ ở vùng địa cưc, cùng vỡ một lúc, nước biển sẽ dâng thêm 5-6 m.

Nếu tất cả các biến cố trên xảy ra cùng một lúc, nước biển sẽ dâng cao thêm 75 m. Chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra. Thứ nhất, các băng-hà-vĩnh-cửu ở ngọn núi cao trên 5.500 m ở nhiệt đới (như Everest) hay ở vùng tuyến cao trên 70º Bắc và Nam, hàng năm đều nhận tuyết rơi và càng dày thêm. Dầu có gia tăng nhiệt độ thêm vài độ cũng chỉ ảnh hưởng ít ở phần rìa băng hà. Thứ hai, nếu băng các vùng rìa có tan, cũng phải mất vài ngàn năm, và không thể tan hết được. Đây là một định luật thăng bằng của trụ - băng hà tan ở vùng này, thì băng hà thành lập thêm ở vùng khác. Chẳng hạn, phía đông của Nam Cực tuyết và băng hiện được bồi đắp thêm khoảng 18 mm/năm, trong lúc phía tây của Nam Cực băng hà tan chỉ 9 mm/năm. Ngoài ra, khi nhiệt độ gia tăng, nước biển bốc hơi thành mây và tạo sự thăng bằng nước ở thể lỏng và thể hơi ở một nhiệt độ nào đó. Số lượng mây gia tăng cũng là một yếu tố quan trọng làm giảm thể tích nước ở đại dương.

 


Hình 3
. Biến đổi mực nước biển toàn cầu trong 900 ngàn năm qua (hình trên), và chi tiết hơn trong 140 ngàn năm qua (hình dưới) (Wikipedia, 18).

 

Trong 900 ngàn năm qua, biển cũng đã trãi qua nhiều lần dâng cao và hạ thấp (Hình 3, trên). Trên mỗi đỉnh cao, biển cũng dâng lên, hạ xuống, với biên độ thấp chừng 2-3 m (Hình 3)

Cách đây 120 ngàn năm, mực nước biển cao hơn hiện nay 6 m. Vào thời đại băng hà cách đây 18 ngàn năm, nước biển thấp hơn mực nước hiện nay 120 m. Sau đó, băng hà tan và nước biển dâng cao lại. Cách đây 9 ngàn năm nay, biển Đông cao hơn hiện nay 3 - 4 m, và sau đó bắt đầu thấp dần trong suốt 2 ngàn năm đến mực nước hiện tại. Cách đây 6 ngàn năm, nước biển Đông lại dâng cao trong suốt 1 ngàn năm và cao hơn hiện nay 3 m. Cách đây 4,5 ngàn năm nước biển bắt đầu hạ thấp trở lại và cách đây 2,5 ngàn đến gần đây, mực nước biển ổn định. Dấu tích vỏ hàu, vết mòn xâm thực trên đá ở Hòn Chồng, vách núi La San, và Cầu Đá có cùng độ cao hơn mặt nước khoảng 3 m, đó là vết tích nước biển cao nhất. Bây giờ nước biển lại dâng cao.

Các nghiên cứu về san hô cổ đại cũng cho biết mực nước Biển Đông trong vòng cách đây 6.500 - 7.050 năm có ít nhất 4 lần nước dâng lên/hạ thấp, với chu kỳ cách khoảng 450 năm, và mực nước chỉ giao động khoảng 20 – 40 cm, có lúc cao hơn hiện nay từ 1,71 đến 2,19 m (4).




Hình 4
. Giao động mực nước Biển Đông trong 7 ngàn năm qua (4)

Dựa theo lịch sử tiến và lùi của biển Đông trong 9 ngàn năm qua, có lẽ nước biển tại Nha Trang sẽ dâng cao tối đa khoảng 3 m hơn ngày nay, và chuyện đó sẽ xảy ra vào khoảng năm từ 3590 đến 3725.

 

4. Vùng nào của Nha Trang đe dọa sẽ bị ngập?

Ai đã từng ở Nha Trang đều biết là thành phố Nha Trang tương đối cao, đường dọc biển (trước kia là đại lộ Duy Tân, nay là Trần Phú) có cao độ 3 m. Nếu dùng xe đạp đi từ bờ biển đoạn khách sạn Hải Yến (Beau Rivage hotel ngày xưa) thẳng đến nhà thờ núi rồi tới ga xe lửa, Mã Vòng, chúng ta sẽ thấy đạp khá nặng vì lên dốc thoai thoải. Riêng phi trường Nha Trang () có cao độ 7 m.

          Ngược lại, nếu đi từ Bưu Điện đến Chợ Đầm thì xuống dốc, sau đó thì lại lên dốc cho tới Mã Vòng. Khu Chợ Đầm, và Khu Rọc Rau Muống, vốn trước kia là 3 cái đầm nước bị lấp để xây cất nhà cửa và chợ, là khu vực thấp nhất của thành phố, có độ cao từ 1.5 đến 2 m trên mực nước biển. Tương tự như vậy, mé đất hẹp chạy dọc Sông Cái từ cửa biển cho tới Chợ mới. Đây là khu vực bị đe dọa.

          Khi nào Nha Trang bị đe dọa? Hiện tại, chỉ khi có bão lớn, sóng có thể dạt lên tới đường cái dọc biển, nhưng chưa đe dọa gì.

          Nếu nước biển dâng thêm 0,50 m, khi có bão lớn, sóng có thể dạt vào sâu hơn bên trong vài trăm mét, và các nhà dọc biển có cơ nguy hiểm. Vào mùa bình thường thì không sao cả. Chuyện đó sẽ xảy ra vào khoảng năm 2273 – 2296.

Nếu nước dâng cao thêm 1 m, thì vùng Chợ Đầm, Rọc Rau Muống, dọc bờ sông và các cồn, cù lao ở sông Cái có nguy cơ ngập lụt vào mùa mưa lũ hay có bão lớn. Chuyện đó sẽ xảy ra vào khoảng năm 2536 – 2582.

 

  

Hình 5. Thành phố Nha Trang bây giờ (trái) và khi nước biển dâng cao 1 m (phải)

 

5. Vùng nào của Khánh Hòa đe dọa sẽ bị ngập?

Vùng đồng bằng Khánh Hòa có cao độ trung bình 60 m. Từ bờ biển Nha Trang đi theo hướng tây, thì cao độ tăng dần. Diên Khánh có cao độ trung bình 140 m, chổ thấp nhất của đồng bằng cao 6 m. Kể từ đây cao độ gia tăng nhanh, đến Khánh Vĩnh có cao độ trên 700 m, vì là sườn đông của dãy Trường Sơn. Ở phía Nam, phi trường Cam Ranh có cao độ 12 m. Tiến về phía tây là huyện Khánh Sơn có cao độ 398 m trên sườn Trường Sơn.

Sau đây là những vùng thấp dọc bờ biển Khánh Hòa, sẽ bị đe dọa khi nước biển dâng cao quá 0,5 m.

Qua khỏi đèo Cả về phía nam là đoạn bờ biển thấp thuộc bãi biển Đại Lãnh. lẽ Vạn Ninh là nơi đông dân cư có độ cao thấp nhất, chỉ cao hơn mặt biển 2 m. Từ mũi Đôi đến mũi Hòn Cho có đoạn bờ biển thấp và bãi cát. Sau đó là bờ biển cao.

Bờ biển huyện Vạn Ninh, từ Ninh Mã đến bán đảo Hòn Khói, là một đoạn bờ biển thấp, có nhiều cửa sông, cửa lạch nhỏ đổ ra biển.

Bờ biển quanh bán đảo Hòn Khói là bờ biển thấp. Bờ biển phía đông của bán đảo Hòn Khói đến mũi Diêm là đoạn bờ biển thấp, vì là vùng  thấp nên thích hợp làm ruộng muối. Nhưng từ mũi Diêm vòng xuống phía đông nam là đoạn bờ biển cao.

Bên trong bán đảo Hòn Hèo là đầm Nha Phu. Đây là vùng thấp, gồm phần đất phía đông - nam của các xã Ninh Hà, Ninh Lộc thuộc huyện Ninh Hòa, với nhiều cửa sông, cửa lạch như Lạch Ngòi Sau, cồn Ngao, Nga Hầu... tạo thành một vùng bồi lắng phù sa khá rộng.

Dải bờ biển phía tây - nam đầm Nha Phu phát triển về phía Nha Trang cũng là đoạn bờ biển tương đối thấp, xen lẫn chân núi thấp nhô ra biển.

Bờ biển vịnh Nha Trang thuộc loại cao.

Đoạn bờ biển giữa núi Chụt và Hòn Khu Ông (vùng Cửa Bé) là một đoạn bờ biển thấp với nhiều cửa sông, cửa lạch, tạo thành một vùng bồi lắng phù sa, cát mịn. Từ phía nam Cửa Bé tới Vịnh Cam Ranh là có bờ biển cao.

Bờ biển phía tây của vịnh Cam Ranh bắt đầu từ phía nam đến chân mũi Sộp là dạng bờ biển thấp với nhiều bãi cát trắng. Tiếp theo là bờ biển cao cho tới địa phận Ninh Thuận.

Đây là vùng tương đối ít dân cư, hiện nay phần đông nuôi hải sản (chủ yếu nuôi tôm) và ruộng muối.

 

6. Chúng ta phải làm gì trước đe dọa nước biển dâng cao ?

Còn quá sớm để chúng ta thiết lập hệ thống đê dọc biển, bởi vì 2 lý do : (i) Chuyện đó sẽ xảy ra sớm nhất cũng phải 250 năm nữa (khoảng năm 2273) ; (ii) Các vùng đông dân cư đều có cao độ trên 3 m, việc thiệt hại do bị ngập lụt không bao nhiêu (ngoại trừ khi có bảo lớn, sóng biển lớn, hay Tsunami). Ngược lại, trên vùng đất thấp, chúng ta sẽ có lợi nhiều hơn vì diện tích nuôi hải sản gia tăng. Nền nông nghiệp tương lai của Khánh Hòa là phải hiện đại hóa ngành nuôi thủy hải sản. Nông nghiệp nước ngọt (như trồng lúa, v.v.) không mang lại giàu có cho dân Khánh Hòa. Như vậy, trước mắt chúng ta phải làm gì?

 

(i) Phải ưu tiên làm giàu cho dân Khánh Hòa qua phát triển du lịch, công nghiệp lớn (như đóng tàu) và nhỏ (đặc biệt cho ngành hải sản, v.v.). Tác giả đã đề cập vấn đề này một ít trong bài « Khánh Hòa Ngày Mai » (15). Một khi dân đã giàu có, đất nước phồn vinh, thì xây đê cao bao nhiêu, với kỹ thuật tân tiến nhất cũng không thành vấn đề.

 

(ii) Tránh xây cất các công trình xây dựng, các khu công nghiệp ở vùng đất thấp dưới 10 m trên mực nước biển.

 

(iii) Phát triển mạnh và cập nhật tối tân ngành nuôi hải sản hơn nữa để hưởng lợi trong tương lai một khi nước biển dâng cao hơn.

 

(iv) Phải bảo vệ bờ biển ở các vùng thấp bằng trồng lại, hay trồng mới, rừng ngập mặn. Hiện nay, vì vô ý thức, rừng ngập mặn vùng Khánh Hòa, cũng như trên khắp nước bị phá hủy trầm trọng. Trước 1975, Khánh Hòa có khoảng 3000 ha rừng ngập mặn, năm 2000 chỉ còn 100 ha, lý do chính là dân phá rừng ngập mặn để nuôi tôm (8). Hiện tại toàn tỉnh Khánh Hòa có 20 địa điểm bờ biển bị xói lở (3), trong số này  có 7 địa điểm xói dài <200 m ; 8 địa điểm dài từ 200 đến 1000 m ; 3 địa điểm dài từ 1000 m đến 2000 m ; và 2 địa diểm dài từ 2000 m đến 6000 m (3). So với các tỉnh khác của Miền Trung, tình trạng xói lở bờ biển ở Khánh Hòa chưa trầm trọng lắm, tuy nhiên 2 địa điểm xói lở đáng quan ngại là Vạn Giã (Vạn Ninh), xói lở nhiều từ sau năm 2000 với vận tốc 40-60 m/năm, và Phước Đồng (Nha Trang) với vận tốc 30 m/năm (3). Đây cũng là vùng nuôi tôm quan trọng, việc phá rừng ngập mặn là nguyên nhân chính gây ra xói mòn bờ biển. Nên xây dựng đê biển tại vùng này, đồng thời trồng cỏ Vetiver trên mặt và bờ đê để bảo vệ đê, cấp thiết tái tạo rừng ngập mặn phía biển.

 

(v) Phải giáo dục con em từ thế hệ này để thành nề nếp trong các thế hệ tới là phải biết bảo vệ thiên nhiên, tài nguyên, môi trường và biết sự quan trọng của rừng.

 
   

 






Hình 6
. Vùng lãnh địa Khánh Hòa bị đe dọa ngập nước biển ̣(Từ trái sang phải: Hiện nay 0 m, dâng cao 1m, dâng cao 2 m, dâng cao 3 m, dâng cao 5 m)

 

Tài liệu chính tham khảo:

 

1. Dư Địa Chí Khánh Hòa: Lịch sử kiến tạo địa chất.

2. Dong-Jiing Doong, Tai-Wen Hsu, Li-Chung Wu & Chia Chuen Kao (2009). Sea Level Rise at East Asia Coasts based on Tide Gauge Analysis. Proceedings of the Nineteenth (2009) International Offshore and Polar Engineering Conference Osaka, Japan, June 21-26, 2009

3. Ngo Ngoc Cat, Pham Huy Tien, Do Dinh Sam & Nguyen Ngoc Binh (2005). Status of coastal erosion of vietnam and proposed measures for protection. In: Overview of mangrove forests of Vietnam. Agricultural Publishing House, Hanoi.

4. Ke-Fu Yu, Jian-Xin Zhao, Terry Done and Te-Gu Chen (2009) Microatoll record for large century-scale sea-level fluctuations in the mid-Holocene Quaternary Research Volume 71, Issue 3, May 2009, Pages 354-360

5. Khánh Hòa http://vi.wikipedia.org/wiki/Kh%C3%A1nh_H%C3%B2a

6. S. J. Holgate (2007). On the decadal rates of sea level change during the twentieth century, Geophysical Research Letter, 34, L01602

7. Institute of Strategy and Policy on Natural Resources and Environment of Vietnam (2009).  Vietnam assessment report on climate change.

8. Nguyen Thi Thanh Thuy (2006). Restoration of Mangrove Forest and Improving the Awareness of the Local Communities on the Protection of Mangrove Ecosystems. http://www.ruffordsmallgrants.org/rsg/projects/nguyen_thi_thanh_thuy

9. Pham Thi Thuy Hanh and Masahide Furukawa (2007). Impact of sea level rise on coastal zone of Vietnam. Bull. Fac. ScL, Univ. Ryukyus, No. 84, 45 – 59.

10. Tài liệu của Proudman Oceanographic Laboratory, Liverpool, UK: Monthly and Annual Mean Sea Level Station Files from the Permanent Service for Mean Sea Level (PSMSL)

11. Trần Đăng Hồng (2006). Hâm nóng toàn cầu và Việt Nam. Phần 1: Hiện trạng và dự đoán tương lai. http://www.trandang.net/Default.aspx?g=posts&t=265

12. Trần Đăng Hồng (2007). Hâm nóng toàn cầu và Việt Nam. Phần 2: Ảnh hưởng vào động thực vật Việt Nam. http://www.trandang.net/Default.aspx?g=posts&t=266

13. Trần Đăng Hồng (2007). Hâm nóng toàn cầu và Việt Nam. Phần 3.   Việt Nam phải làm gì để giảm thiểu “khí thải nhà kiếng” gây hâm nóng toàn cầu. http://www.trandang.net/Default.aspx?g=posts&t=267

14. Trần Đăng Hồng (2008). Ảnh hưởng biến đổi khí hậu toàn cầu lên đồng bằng châu thổ Cửu Long Việt Nam. http://www.trandang.net/Default.aspx?g=posts&m=697&#697

15. Trần Đăng Hồng (2007). Khánh Hoà Ngày Mai. http://www.trandang.net/Default.aspx?g=posts&t=84

16. Vô danh. http://en.wikipedia.org/wiki/Current_sea_level_riseCurrent sea level rise

17. Vongvisessomjai, S. (2006). Will sea-level really fall in the Gulf of Thailand? Songklanakarin J. Sci. Technol. 28 (2): 227-248.

18. Wikipedia. Sea level. http://en.wikipedia.org/wiki/Sea_levela level.

 

Phần 2: Biến đổi khí hậu

Phần 3: Ảnh hưởng lên Khánh Hòa

3/2010


References and further reading may be available for this article. To view references and further reading you must purchase this article.