Thằng Đông
20/2/2024THẰNG ĐÔNG
Trần-Đăng Hồng
Tôi ra đời khi Đại Thế Chiến Thứ Hai (1939-1945) bùng nổ được một năm. Những biến cố trọng đại trong thời kỳ đại chiến này, và những biến cố lịch sử tiếp theo đó trên thế giới, Á Châu và Việt Nam, đã ảnh hưởng rất lớn vào đời sống của dân chúng trong thôn làng bé nhỏ và nghèo nàn của tôi.
Cuộc đại chiến cuối cùng cũng chấp dứt. Ngày 6 tháng 8 năm 1945, Hoa Kỳ cho nổ một trái bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản. Ngày 9 tháng 8 năm 1945, Liên Xô, trước đây đứng trung lập, tấn công nước Mãn Châu thuộc Nhật Bản. Cũng ngày đó, Hoa Kỳ thả một trái bom nguyên tử thứ hai xuống thành phố Nagasaki. Đối mặt trước một cuộc xâm lược sắp xảy ra vào quần đảo Nhật Bản và việc Liên Xô tham chiến, Nhật Bản tuyên bố đầu hàng vào ngày 15 tháng 8 năm 1945, ấn định chiến thắng toàn diện trên chiến trường Châu Á cho Phe Đồng Minh.
Thống Chế Pháp Charles De Gaule, sau khi nước Pháp được giải phóng, quyết định tái chiếm Việt Nam.
Ngày 9 tháng 10, tướng Pháp Leclerc mang 40.000 quân Pháp chiếm Sài Gòn, để cố giữ miền Nam Việt Nam và Campuchia. Từ cuối tháng 10, quân Pháp bắt đầu đẩy mạnh kế hoạch phá vây, mở rộng đánh chiếm ra vùng xung quanh Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ.
Ngày 23/10 quân Pháp với 15 ngàn quân nổ súng tấn công thị xã Nha Trang.
Ngày Pháp tấn công Nha Trang, dân cả thành phố chạy tản cư về vùng quê. Gia đình Chú Bảy Tiêu ở Nha Trang chạy tản cư về ở trong nhà tôi. Đó là một cặp vợ chồng trẻ, trí thức, có lẻ rất giàu có, với đứa con trai cở tuổi tôi tên Đông, và đứa con gái khoảng 8 tuổi tên Mộng Châu. Thỉnh thoảng tôi nghe chú Bảy nói chuyện với thiếm Bảy bằng tiếng Tây.
Tôi và Đông chơi thân với nhau. Tôi dạy cho Đông những trò chơi ở nhà quê mà nó chưa từng biết. Tôi chỉ nó chơi đá dế, đổ nước vào hang dế để chúng trồi lên bắt, chỉ cách tìm trái cây trong vườn để ăn, hay hái trái dú dẽ chín mọc hoang trong hàng rào để ăn, bông dú dẽ thơm ngát, hay hút mật ngọt trong bông chuối buổi sáng sớm. Nó thích thú lắm. Vì vậy, hể Chú Thiếm Bảy Tiêu đi đâu trong làng đều dẩn Đông và tôi theo. Có lẻ thuộc gia đình giàu có, Chú Thiếm mua cho Đông ăn chả nem từ một gia đình tản cư khác trú ở nhà Xả Ba Thợi, nhờ vậy mà tôi được ăn ké những thức ăn xa xỉ mà gia đình cha má tôi không dám ăn vào thời đó.
Khi quân Pháp tiến lên Thành, gia đình chúng tôi chạy tản cư vào nhà Ông Từ Hai ở Cây Xộp, còn gia đình Chú Bảy Tiêu chạy nơi khác tôi không biết. Tôi nhớ thằng Đông, bạn thân của tôi nhiều lắm.
Sau này, tôi nghe Cô Mười Lớn kể lại về số phận của gia đình Chú Bảy Tiêu.
Cuộc chiến càng ngày càng leo thang, ban ngày thì quân Pháp kiểm soát, nhưng đêm về thì hình bóng Việt Minh về gieo nhiều thảm khốc. Chú Bảy Tiêu và em trai, nghe Cô Mười Lớn kể lại, bị Việt Minh đem chôn sống oan dưới rặng núi Đồng Bò kết tội theo Tây theo Nhật.
Sở dỉ vậy, vì khi tản cư về lại Nha Trang, Thiếm Bảy Tiêu và đứa con gái Mộng Châu bị lính Nhật hảm hiếp rồi giết chết cả hai, vất thây ở đồng cát hoang Phước Hải.
Để xoa dịu, viên si quan Nhật giúp một chiếc xe hơi để Chú Bảy Tiêu và người em trai chở thi hài Thiếm Bảy và Mộng Châu đi chôn cất. Không ngờ chính chuyện dùng xe Nhật đi chôn cất vợ con lọt vào mắt của đội ám sát của Việt Minh. Chỉ vài ngày sau, Chú Bảy và người em bị Việt Minh bắt nửa đêm, bịt mắt dẫn vào chân núi Đồng Bò, kết tội theo Nhật và bị chôn sống ở đó. Còn thằng Đông được một người quen đem về nuôi, nhưng sau này nó bị chết vì bịnh.
Nguyên một gia đình không ai sống sót. Ôi, thảm thương thay, số phận con người trong thời ly loạn !