21/6/2015
NHỮNG PHỤ NỮ ĐƯỢC GIẢI
NOBEL HÒA BÌNH
Nguyễn Thị Kim-Thu
|
Mỗi giải thưởng được cấp phát bởi mỗi ủy ban riêng; Viện Hàn Lâm Khoa Học Hoàng Gia Thụy Điển cấp giải thưởng Nobel cho lãnh vực khoa học Vật lý, Hóa học và Kinh Tế; Viện Hàn Lâm Thụy Điển cho Văn chương; Học Viện Karolinska cho Sinh học hay Y học; còn Hội Đồng Nobel Na Uy cho giải Nobel Hòa Bình. Mỗi cá nhân lãnh giải Nobel nhận một tấm huy chương (medal), một bang chứng nhận và một số tiền thưởng (thay đổi hàng năm).
Kể từ 1901 đến 2014, giải Nobel (kể cả Kinh tế) được cấp phát 567 lần cho 860 người và 25 tổ chức, trong số này có 46 phụ nữ (5,3%). Trong số 46 phụ nữ:
-16 phụ nữ giải Nobel về Khoa học gồm Vật Lý, Hóa Học, Sinh học hay Y học mà tác giả
đễ đề cập trong bài trước.
- Văn chương: 13 phụ nữ
- Hòa Bình: 16 phụ nữ
- Kinh tế: 1 phụ nữ
Danh sách phụ nữ đoạt giải Nobel Hòa Bình.
1. Bertha von Suttner (9/6/1843 – 21/6/1914)), Áo – Hunggary. Đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1905, là phụ nữ thứ hai đoạt Nobel sau Bà Marie Curie năm 1903. Bà cổ động hòa bình thế giới, là nhà văn tác giả “Lay Down Your Arms”, và là Chủ Tịch Danh Dự của Văn Phòng Hòa Bình Thế Giới tại Bern, Switzerland.
2.Jane Addams (6/9/1860 –21/5/1935), Hoa Kỳ. Bà là nhà Xã hội học, Triết học, lãnh tụ phong trào “Quyền bầu cữ của phụ nữ” và “Hòa bình thế giới”, Chủ tịch “Quốc tế Liên đoàn Phụ nữ vì hòa bình và tự do”. Bà đoạt Nobel Hòa Bình cùng với Ông Nicholas Murray Butler (Hoa Kỳ) năm 1931.
3. Emily Greene Balch (8/1/1867 –9/1/1961). Hoa Kỳ. Bà là giáo sư kinh tế, và xã hội học, bà hoạt động hòa bình và là Chủ tịch danh dự của “Quốc tế Liên đoàn Phụ nữ vì hòa bình và tự do” ở Thụy Sỉ. Bà được giải Nobel Hòa Bình năm 1946 cùng với Ông John Raleigh Mott (Hoa Kỳ).
4. Betty Williams (sanh 22/5/1943 - ). Bắc Ái Nhĩ Lan, UK. Bà cùng với bà Mairead Corrigan thành lập “Phong trào Hòa Bình cho Bắc Ái Nhĩ Lan”, về sau đổi thành “Cộng đồng dân yêu chuộng hòa bình” một tổ chức cổ võ tìm giải pháp hòa bình cho Bắc Ái Nhĩ Lan. Bà cùng với bà Mairead Corrigan được giải Nobel Hòa Bình năm 1976.
5. Mairead Corrigan (sanh 27/1/1944 - ). Bắc Ái Nhĩ Lan, UK. Bà cùng với bà Betty Williams thành lập “Phong trào Hòa Bình cho Bắc Ái Nhĩ Lan”, về sau đổi thành “Cộng đồng dân yêu chuộng hòa bình” một tổ chức cổ võ tìm giải pháp hòa bình cho Bắc Ái Nhĩ Lan. Bà cùng với bà Betty Williams được giải Nobel Hòa Bình năm 1976.
6. Mother Teresa (26/8/1910 – 5/9/1997) còn được gọi là “Mẹ Teresa Calcutta” là nữ tu Công giáo Rôma người Albania, và là nhà sáng lập Dòng Thừa sai Bác Ái ởCalcutta, Ấn Độ.Bà lãnh đạo Thừa Sai Bác Ái (Missionaries of Charity) và trở nên một nhân vật toàn cầu nổi tiếng với các hoạt động nhân đạo cứu giúp người nghèo và những người sống trong hoàn cảnh tuyệt vọng. Bà được trao Giải Nobel Hòa bình năm 1979 như một sự vinh danh cho các hoạt động nhân đạo của bà.
7. Alva Myrdal (31/1/1902 – 1/2/1986), Thụy Điển, là nhà xã hội học và chính trị, chính Bà là người cổ võ đưa Thụy Điển thành quốc gia phúc lợi. Cuối thập niên 1940, bà hoạt động cổ võ cho phúc lợi toàn cầu, được Liên Hiệp Quốc tuyển dụng làm trưởng bộ phận chính sách phúc lợi và chủ tịch Ủy Ban Xã Hội của UNESCO 1950 – 1955. Bà được trao Nobel Hòa Bình năm 1982 cùng chung với ông Alfonso Garcia Robles (Mexico).
8. Aung San Suu Kyi (sinh 19/6/1945 - ), Miến Điện (Burma, Myanmar). Bà là lãnh tụ đảng đối lập, chủ tịch Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ của Miến Điện. Trong cuộc tổng tuyển cử 1990 đảng của Bà chiếm 81% (392 trên 485 ghế trong quốc hội). Tuy nhiên trước bầu cử Bà bị bắt ở tù tại gia kể từ 20/7/1989 đến 13/11/2010, Bà là một trong những tù nhân lương tâm nỗi tiếng thế giới. Bà được Nobel Hòa Bình năm 1991 vì “tranh đấu phi bạo lực cho dân chủ và nhân quyền”.
9.Rigoberta Menchú (sinh 9/1/1959) người bản địa nước Guatemala. Bà được giải Nobel Hòa Bình năm 1992 vì “ghi nhận những hoạt động cho công bằng xã hội và hòa giải dân tộc-văn hóa dựa trên sự tôn trọng các quyền của các dân tộc bản địa”.
10. Jody Williams (sanh 9/10/1950), Hoa Kỳ. Bà là người hoạt động chính trị chống việc xử dụng mìn cá nhân, bảo vệ nhân quyền nhất là cho phụ nữ. Bà thành lập và phối hợp viên “Chiến dịch Quốc tế Cấm Xử dụng Mìn”. Bà được giải Nobel Hòa Bình năm 1997 vì "hoạt động cổ võ cấm xử dụng và tháo gở mìn sát thương cá nhân”.
11. Shirin Ebadi (sanh 21/6/1947). Iran. Bà làm luật sư, hoạt động nhân quyền, thành lập “Trung tâm Bảo vệ Nhân quyền tại Iran” đặc biệt chú trọng quyền của phụ nữ và trẻ em. Bà được giãi Nobel Hòa Bình năm 2003, vì "công cuộc chiến đấu cho dân chủ và nhân quyền”.
12. Wangari Maathai (1/4/1940 – 25/9/2011). Kenya. Bà hoạt động chánh trị và bảo vệ môi trường. Bà sáng lập “Phong trào trồng cây xanh”, “Bảo vệ môi trường” và “Quyền của Phụ nữ”. Bà được giải Nobel Hòa Bình năm 2004, vì "đóng góp vào phát triển bền vững, dân chủ và hòa bình”.
13. Ellen Johnson Sirleaf (sanh 29/10/1938). Bà hiện là Tổng Thống nước Liberia. Bà được giải Nobel Hòa Bình năm 2011 cùng với Bà Leymah Gbowee (Liberia) và Bà Tawakel Karman (Yemen), vì "công cuộc đấu tranh phi bạo lực cho sự an toàn của phụ nữ và quyền của phụ nữ để tham gia đầy đủ trong việc xây dựng hòa bình”.
14. Leymah Gbowee (sanh 1/2/1972). Liberia. Bà hoạt động hòa bình trong “Phong trào Hòa Bình của Phụ nữ”, có công trong việc chấm dứt nội chiến lần thứ 2 ở Liberia năm 2003. Bà được giải Nobel Hòa Bình năm 2011 cùng với Bà Ellen Johnson Sirleaf (Liberia) và Bà Tawakel Karman (Yemen), vì "công cuộc đấu tranh phi bạo lực cho sự an toàn của phụ nữ và quyền của phụ nữ để tham gia đầy đủ trong việc xây dựng hòa bình”.
15. Tawakel Karman (sanh 7/2/1979). Yemen. Bà là nhà báo, nhà chính trị, nhà hoạt động nhân quyền, lãnh đạo nhóm “Nhà báo Phụ nữ Độc lập”. Bà trở nên khuôn mặt quốc tế vì cuộc “Cách Mạng Mùa Xuân Á Rập 2011”, được mệnh danh là “Đàn bà sắt” (Iron Woman) và “Người Mẹ của Cách Mạng Yemen”. Bà được giải Nobel Hòa Bình năm 2011 cùng với Bà Ellen Johnson Sirleaf (Liberia) và Bà Leymah Gbowee (Liberia), vì "công cuộc đấu tranh phi bạo lực cho sự an toàn của phụ nữ và quyền của phụ nữ để tham gia
đầy đủ trong việc xây dựng hòa bình”.
16. Malala Yousafzai (sanh 12/7/1997). Pakistan. Cô là người hoạt động cho quyền học hành của phụ nữ tại thung lũng Swat ở vùng tây bắc Pakistan, là nơi Taliban cấm phụ nữ đi học. Cô trở nên nổi tiếng thế giới vì mới 11-12 tuổi cô đã hoạt động kêu gọi quyền phụ nữ được đi học, cô viết blog mô tả cuộc sống của cô dưới thời Taliban, cô được báo chí và truyền hình phương Tây phỏng vấn nhiều lần.
Buổi xế trưa ngày 9/10/2012, đang ngồi trên xe bus đi học thì một người đến hỏi tên cô rồi dí súng bắn cô 3 phát. May mắn chỉ một viên đạn trợt qua trán trái rồi xuống vai, làm cô bị thương nặng và bất tỉnh trong mấy ngày. Cô được chở đến nước Anh, điều trị tại bệnh viện Queen Elizabeth Hospital in Birmingham. Cuộc ám sát cô Malala Yousafzai làm bùng nổ việc thế giới ủng hộ Malala trong đòi hỏi quyền học hành của phụ nữ và kết án khủng bố. Cô được giải Nobel Hòa Bình năm 2014, ở tuổi 17, cùng với ông Kailash Satyarthi (Ấn Độ), vì "công cuộc đấu tranh chống lại sự đàn áp đối với trẻ em và người trẻ tuổi, và quyền học hành của tất cả trẻ em”. Cô là người trẻ tuổi nhất được giải Nobel.
Cũng như phụ nữ lãnh đạo quốc gia bùng phát sau năm 1960 (mời đọc “Những Phụ Nữ lãnh đạo quốc gia trên thế giới”), số phụ nữ được Nobel Hòa Bình cũng gia tăng mạnh sau năm 1960.
Số phụ nữ được giải Nobel Hòa Bình trong thời gian:
1900 - 1919: 1
1920 - 1939: 1
1940 - 1959: 1
1960 - 1979: 3
1980 - 1999: 4
2000 - 2015: 6
TÀI LIỆU THAM KHẢO
http://www.nobelprize.org/nobel_prizes/
http://en.wikipedia.org/wiki/List_of_female_Nobel_laureates