Nha Trang, ngày ấy và bây giờ
11/4/2024NHATRANG, NGÀY ẤY & BÂY GIỜ
Trần Đăng Nhơn
Lần đầu tiên tôi đến Nhatrang lúc tôi 12 tuổi. Năm ấy 1945 cuộc cách mạng mùa thu thành công lật đổ triều đình nhà Nguyễn. Vua Bảo Đại thoái vị tại Huế. Tỉnh Khánh hoà tổ chức biểu tình tại sân Vận động thành phố Nhatrang. Tất cả ngườI dân khắp các quận huyện đều tề tựu về Nhatrang để chào mừng chiến thắng.
Quê tôi thuộc quận Diên khánh cách xa Nhatrang 17 cây số. Khi chánh quyền mới được thành lập thì mọi người nam, phụ, lão, ấu trong xã đều phải gia nhập đoàn thể. Tôi lúc đó là Thủ Qũy của đoàn thiếu niên của xã. Vì vậy đoàn thiếu niên chúng tôi phải có mặt trong đoàn biểu tình cùng với các đoàn phụ lão, thanh niên, phụ nữ của xã. Ngày ấy phương tiện đi lại chỉ có xe ngựa. Nhưng với đoàn biểu tình đông như vậy thì chỉ còn cách đi bộ.
Chúng tôi ra đi vào khoảng 2 giờ khuya và phải có mặt tại sân vận động Nhatrang đúng giờ hành lễ. Chúng tôi đi theo hàng ngũ sau một băng rôn, vừa đi vừa hô khẩu hiệu vang rền. Không khí cách mạng năm ấy làm mọi người hăng say nên chúng tôi đi không thấy mệt. Chúng tôi không biết đã mất bao nhiêu tiếng đồng hồ để vượt qua 17 cây số đó. Cuối cùng đoàn biểu tình cũng đến Nhatrang đúng giờ dự lễ. Vì còn quá nhỏ nên tôi không nhớ trong buổi lễ có những gì đã diễn ra. Tôi chỉ thấy trên khán đài bằng gỗ có rất nhiều cán bộ đứng đọc diễn văn. Thỉnh thoảng lại hô vang những khẩu hiệu. Buổi trưa đói bụng, cha tôi mua cho một khúc bánh mì.
Đối với tôi Nhatrang lúc đó chỉ là một khỏan sân vận động Nhatrang với một cái khán đài bằng gỗ quay mặt về hường mặt trời mọc. Tôi nhớ đoàn biểu tình được hướng dẫn đi vào qua đường Bréda (đường Phan Chu Trinh bây giờ) và khi ra về theo đường Yersin. Chúng tôi có đi qua một nhà máy chạy ầm ầm mà người ta gọi là “ nhà đèn “ . Phía bên trái đường Yersin thì là động cát rộng mênh mông. Nhà cửa thưa thớt, chỉ thấy “ nhà thờ Núi “ là to lớn vĩ đại.
Đoàn người buổi sáng ra đi thì hăng hái, hô vang khẩu hiệu, bây giờ chiều đã xuống, đường còn dài, mạnh ai nấy đi, lầm lủi lếch thếch lội bộ trở về. Ngày ấy đường sá chỉ dùng cho xe ngựa, xe bò và người đi bộ nên còn lát đá, chật hẹp. Hai bên đường thì trồng cây muồn, cây mu u …đoàn người mò mẫm đi trong đêm tôi. Chúng tôi về đến nhà vào khoảng 12 giờ đêm. Đó là con đường quốc lộ số 1.
Ngày nay, con đường đã hoàn toàn thay đổi. Đoạn đường từ Nhatrang lên đến cầu chợ Ông Bộ đuợc đổi tên đường 23.10 (ranh giới thành phố Nhatrang ngày nay). Trong thời kỳ chiến tranh lúc còn người Mỹ ở VN, con đường đã được Hãng RMK làm lại thật đẹp. Tuy con đường có mở thêm chiều rộng, nhưng cũng chỉ là một con đường xe chạy 2 chiều, nhỏ hẹp. Qua thời gian dài sử dụng cho đến khỏang năm 1995 thì con đường đã hư hõng nhiều mà không được tu sửa. Từ ngày Nhatrang trở thành thành phố du lịch, con đường Thành – Nhatrang đã được mở rộng thành đuờng có giải phân cách ở giữa trồng cây xanh và cỏ, hai bên có 3 làn xe chạy: 2 làn xe dành cho xe 4 bành và 1 làn bên lề dành cho xe 2 bánh. Hàng ngày công nhân trồng cỏ và cây cảnh trên giải phân cách, trang điểm cho con đường mát mắt. Ban đêm đèn diện sáng choang từ Nhatrang cho đến Thành, không còn cảnh đạp xe trong đêm tối tù mù như những năm xưa.
Những cây cầu như cầu Dứa, cầu chợ Ông Bộ, cầu Sông Cạn (nay mang tên cầu Trần Qúy cáp) ngày xưa chật hẹp, uốn khúc nay được đập bỏ và xây lại thành cầu rộng rải, thẳng tấp.
Hai bên đường 23.10 nhà cửa cao tầng mọc lên san sát. Ngày xưa 2 bên đường là ruộng lúa nay được chia thành lô 5X20 m bán cho dân chúng cất nhà. Hầu như khoản đường từ Nhatrang lên Thành đều có nhà cửa mọc lên san sát. Ở xa lâu ngày trở về rất khó mà tìm được nhà quen vì phong cảnh năm xưa hoàn toàn đổi khác.
Qua khỏi Vòng xoay Mã Vòng, bên tay mặt có chùa Long Sơn với Tượng Phật Trắng trên đồi Trại Thủy. Chùa được mở mang rông hơn, là một địa điểm du lịch đầu tiên của người Phật tử từ xa đến. Dọc 2 bên đường từ Mã vòng lên Thành có rất nhiều nhà hàng nổi tiếng : nhà hàng Hoàng Lan gần cầu Chợ Mới chuyên tổ chức đám cưới dành cho gia đình thuộc thứ hạng bậc trung. Giá cả phù hợp với mức sống trung bình nên vào những ngày “ tốt ” nhà hàng có thể tổ chức 4 đám cưới cùng 1 lúc.
Qua khỏi đường rầy xe lửa, bạn sẽ gặp một khu rất nhiều quán ăn bán thịt vịt. Ngày nay vì có dịch cúm gà vịt, nên khách thưa thớt, chứ nếu không thì khi về thăm quê hương thế nào bạn cũng được mời đến đó. Hiện giờ tại khu vục này có một công ty xây dựng tư nhân đang san lấp đất khu đồng ruộng xã Ngọc Hiệp, tiếp giáp phía trên đuờng rầy xe lửa cho đến cầu Dứa để xây cất một khu dân cư hiện đại với những chung cư cao tầng, siêu thị, công viên, khu giải trí …
Phiá bên trái là một nhà hàng “nhậu” vào buổi chiều và tối : nhà hàng Đập Nước. Đoạn sông cầu Dứa đã bị nhà hàng này chặn giòng (một phần) để xây dựng nhà hàng. Không biết rồi đây giòng nước vào muà lũ lụt có kịp chảy thoát hay sẽ đọng lại làm nên thiên tai. Con người phá hoại thiên nhiên chắc chắn sẽ phải trả giá !!!
Cây cầu Dứa năm xưa đã bị đập bỏ và nay thay vào đó là một cây cầu rộng, chạy thẳng theo trục đông – tây theo chiều con đường chứ không quẹo co như chiếc cầu cũ. Phú Vinh (có nhà thầy Lê Văn Đào) ngày nay toàn nhà lầu chứ không còn nhà thấp lè tè nữa. Bên tay phải, rẽ vào khoảng nửa km sẽ gặp một nhà hàng “Hồ Sen Quán” với các các món ăn đồng quê. Nhà hàng này cũng xây trên giòng nước cuả sông Cạn.
Khu vực Cầu bè là khu cà phê vườn. Ban đêm dưới ánh đèn xanh đỏ là nơi thanh niên thiếu nữ hẹn hò nhau. Hiện nay trên đoạn đường này cũng xuất hiện một số nhà hàng mới, kiến trúc theo hướng lấy đồng quê làm chủ đề. Nhà hàng Sáu Lượng xuất hiện sớm nhất từ khi nên kinh tế VN chuyển hướng từ kinh tế “bao cấp” sang kinh tế thị trướng.
Cây Dầu Đôi năm xưa xum xuê cành lá, mấy năm trước đây có lúc trở mình rụng lá, khô cành muốn chết. Chánh quyền phải bỏ ra mấy trăm triệu đồng để cứu cây. Ngày nay cành bị cưa bớt, lá mới mọc lại chứng tỏ cây dầu lịch sử này còn sống. Miếu nhà yêu nước Trịnh Phong dưới cây Dầu Đôi cũng được trùng tu lạI, khang trang. Cây Cầu Sông Cạn năm xưa nay được xây cất lại và đổi tên là Cầu Trần Qúy Cáp. Khu mồ mã, bên cạnh cầu, nơi xử chém nhà yêu nước Trần Qúy Cáp nay được san lấp lai bằng phẳng và xây Trung Tâm Văn Hóa thiếu nhi huyện Diên Khánh.
Cuối cùng là thành cổ Diên Khánh. Qua một thời gian không ai trông coi và có lúc bị xem như tàn tích của chế độ phong kiến Nhà Nguyễn, nên mạnh ai nấy phá, nay chỉ còn lại hào thành và bốn cửa thành. Nhờ vấn đề du lịch được coi trọng, nên chính quyền đã sửa sai bằng cách công nhận đây là Di tích Văn hoá lịch sử cấp quốc gia. Hiện nay 3 cửa thành : Đông, Tây, Nam đã được trùng tu. Bờ thành cũng đuợc dấp lại một số đoạn để có cái mà du khách chụp hình kỷ niệm.
Qua khỏi cửa Đông và cửa Tây cuả thành Diên khánh, chúng ta sẽ đi trên con đường trải nhựa, hẹp nhưng xe cộ đông đúc để đi lên huyện Khánh Vĩnh, một thị trấn miền nuí từng là chiến khu kháng chiến thời chống Pháp và Mỹ. Tháng 5/2007 vừa qua chính quyền 2 tỉnh Khánh hoà và Lâm đồng đã khánh thành một con đường mới (xe hơi chạy 2 tiếng rưởi đồng hồ ) băng qua nhiều ngọn núi cao, đèo ngoằn ngèo, từ Khánh Vĩnh đến hồ Than Thở Đalạt, mở ra một triển vọng tốt đẹp cho nền du lịch 2 tỉnh. Theo quy hoạch cuả tỉnh Khánh hoà, trong tương lai một con đường cao tốc sẽ mở từ Nhatrang băng qua cánh đồng huyện Diên khánh , qua Cầu Lùng để lên Khánh Vĩnh rôi từ đó đi Đàlạt.
Viết lại và bổ sung
Nhatrang, ngày 19 tháng 6 năm 2007