Chuyện bên lề gia phả
CHUYỆN BÊN LỀ GIA PHẢ
“Không ai giàu ba họ, khó ba đời”, người xưa thường nói vậy. Lịch sử của một dòng họ (gia phả), cũng như lịch sử của một dân tộc, có lúc thăng, lúc trầm theo thời gian. Lịch sử dòng họ Trần-Đăng không thoát khỏi định luật tự nhiên đó. Khi đọc lịch sử dân tộc, chúng ta không chỉ để biết lịch sử mà phải biết học từ lịch sử những bài học để xử thế, làm thế nào để bảo vệ và phát triển đất nước hơn nước người. Lịch sử một dòng họ cũng vậy, không phải chỉ để biết nguồn gốc của mình, hay biết ngày cúng giổ tổ tiên, mà phải suy tầm những lời khuyên dạy hay cách xử thế của tổ tiên để tìm một hướng đi trong chiều hướng phát triển đi lên cho dòng họ.
Ngôi mả Ông Thỉ tổ (1993, chưa trùng tu)
Mả Ông Thỉ tổ (sau khi trùng tu)
Trong chiều hướng đó, tham khảo cùng với các anh tôi (Trần-Đăng Nhơn và Trần-Đăng Lộc) tôi lượm lặt từ những truyền khẩu qua nhiều thế hệ trong dòng họ để viết lại những chuyện trong dòng họ, có thể không chính xác, quá chủ quan, bởi vì là truyền khẩu, để con cháu ngày nay và những thế hệ mai sau biết chút ít về tổ tiên của mình.
Từ khi còn nhỏ, tôi vẫn thắc mắc tại sao Ông Tổ thuộc thế hệ thứ 2, vốn làm quan Trực Phủ Quận (tương đương với Tỉnh Trưởng hay Tỉnh Uỷ bây giờ), nhưng vào thời nào, với Tây Sơn hay Nhà Nguyễn, và tại sao cha làm quan mà con cháu mấy thế hệ liên tiếp (từ thế hệ thứ 3 trở xuống) chỉ đi làm ruộng và nghèo nàn?
Khó khăn trong việc sưu tầm lịch sử của dòng họ là vì Gia Phả ngày xưa viết rất giản dị, chỉ ghi tên họ và ngày tháng chết để cúng giổ, mà ngay cả không có ghi năm sanh và năm chết, nên ngày nay con cháu không biết tổ tiên sống ở vào thời gian chính xác nào trong lịch sử. Để giải đáp một phần hai câu hỏi trên, tôi truy lục tìm trong sử sách và dựa theo truyền khẩu của tổ tiên để đối chiếu thời gian và địa danh.
Theo sử, vùng Khánh Hoà trước năm 1653 thuộc Chiêm Thành, có tên là Kauthara. Chúa Nguyễn Phúc Tần chiếm Kauthara vào năm 1653 và đổi thành Phủ Thái Ninh, sau đó ít lâu đổi thành Phủ Diên Khánh. Vào năm Giáp Tí (1744), chúa Nguyễn Phúc Khoát tức Vũ Vương chia lảnh thổ Đàng Trong (từ sông Gianh đến Hà Tiên và Cà Mau) làm 12 Dinh, Phủ Diên Khánh trở thành Dinh Bình Khang (1744-1803), lảnh địa bao gồm tỉnh Khánh Hoà chạy tới Sông Phan Rang ngày nay, còn từ Sông Phan Rang trở vào Nam là Dinh Bình Thuận. Vị trí toà hành chánh và quân sự Dinh Bình Khang thuở ấy là Thành Diên Khánh ngày nay. Từ năm 1774 đến 1793, Dinh Bình Khang thuộc anh em Tây Sơn, nhưng mải tới 1778, toàn thể Việt Nam mới được thống nhất bởi anh em Tây Sơn. Khoảng năm 1780, chúa Nguyễn Phúc Ánh sai Lê Văn Quân đem binh ra lấy lại Bình Thuận và Diên Khánh, nhưng sau đó vùng này mất lại về tay anh em Tây Sơn. Tháng 3 năm Quý Sửu (1793), chúa Nguyễn Phúc Ánh sai Tôn Thất Hội, Nguyễn Huỳnh Đức và Nguyễn Văn Thành đem bộ binh từ Gia Định ra đánh Phan Rí, còn Chúa Nguyễn Phúc Ánh với Nguyễn Văn Trương và Vỏ Tánh đem hải quân vào đánh Nha Trang, lấy Dinh Bình Khang, sau đó ra đánh lấy Dinh Phú Yên. Sau năm 1793, Dinh Bình Khang thuộc vỉnh viển chúa Nguyễn. Sau khi lên ngôi (1802), năm 1803 vua Gia Long (tức Nguyễn Phúc Ánh) chia Việt Nam làm 23 Trấn và 4 Doanh, và Bình Khang Dinh đổi thành Bình Hoà Trấn. Năm 1833, Vua Minh Mạng đổi Trấn Bình Hoà thành tỉnh Khánh Hoà.
Dựa theo mộc thần chủ Gia Phả Trần-Đăng:
Hoàng Việt Tánh Trần-Đăng Đường đệ nhất
tức tặng chức
Trực Phủ Quận Thần Chủ
mặt trước đề rõ chức tước:
Hiển khảo Bình Hòa Trấn bổn phủ.
Đốc Phước điền huyện*
Thượng, trung, hạ tam tổng.
Gia tặng chất Trực Ôn Hầu Phủ quân thần chủ.
*cước chú: “huyện” tức Phủ Diên Khánh.
thì Ông Tổ Trần-Đăng Đường làm quan tới Đệ Nhất Phẩm (cước chú: thời nhà Nguyễn, phẩm chia làm 9 hạng, túc cửu phẩm), thuộc quan văn chứ không quan vỏ, trong thời vua Gia Long (1802-1820), chứ không phải thời Tây Sơn. Bởi vì, theo Gia Phả, Ông Trần-Đăng Đường trước làm quan ở Bình Định, sau khi triều đình chiếm lại được vùng Khánh Hoà thì Ông được chuyển vào làm chức Trực Phủ và Trực Ôn Hầu. Như vậy, có thể Ông làm quan ở Bình Khang Dinh khoảng từ năm 1793 (khi Diên Khánh thuộc lại Chúa Nguyễn), hay sau đó chút ít. Khi Ông viết quyển Gia Phả đầu tiên (năm Minh Mạng thứ hai, tức 1822) Ông mới đề chức vị của Ông và địa danh mới (Bình Hoà Trấn). Như vậy, có thể Ông làm quan ở Dinh Bình Khang (sau đổi thành Bình Hoà Trấn) từ thời Chúa Nguyễn chưa thống nhất đất nước, suốt qua thời Vua Gia Long (1802-1820) và có thể một thời gian thuộc đời vua Minh Mạng. Ngày xưa viết gia phả để nhớ ngày cúng giổ, mà gia phả bắt đầu ghi về ngày chết của cha Ông, như vậy Ông Thủy tổ Trần-Đăng Long tạ thế trước năm 1822 một ít.
Một câu hỏi khác của tôi là cha làm quan, sao con cháu đi làm ruộng mấy đời? Để giải thích sự thăng trầm của dòng họ Trần-Đăng, mỗi người ở mổi thế hệ có những giải thích khác nhau, dựa trên phúc đức và trừng phạt của tổ tiên. Ông Nội của chúng tôi kể lại cho Cha tôi, rồi truyền lại cho chúng tôi là Bà Cố của Ông Nội tôi, gốc người Phú Lộc, ỷ chồng làm quan Trực Phủ Quận mà phung phí tiền của, nên mất đức. Ví dụ, chuyện kể rằng Bà bắt lính hầu đi chợ mua đầu heo về chỉ để ăn lưởi heo và tai heo mà thôi. Có lẻ, vì không dám phạm thượng với tổ tiên, mà con cháu không kể lại những gì Ông Tổ đã làm, điều tốt hay điều xấu, cho đời sau biết, mà chỉ kể về Bà Tổ, vốn là người ngoại tộc? Ông Nội dặn Cha tôi là con cháu sau này làm nghề gì thì làm, nhưng đừng làm quan vì làm quan rất thất đức. Nhớ rằng vào thời phong kiến, và ngay cả ngày nay, quan ở một tỉnh có quyền sinh sát, và ngày xưa quan cũng là ông toà xử án. Phải chăng Ông Nội của tôi ám chỉ Ông Tổ làm quan mà con cháu không hưởng được phúc đức? Ngày xưa, “sỉ”, tức nghề do trí thức, được kính trọng nhất trong các nghề “sỉ nông công thương”. Theo Ông Nội, nghề sỉ có đức nhất là nghề dạy học và y dược, vì xả hội chậm tiến thời đó chưa có nhiều nghề nghiệp trí thức khác. Ông Nội được dân chúng gọi là Ông Giáo Tám vì Ông làm chức Y Sanh của tỉnh. Suốt đời Ông cổ vủ việc học, Ông cấp phương tiện (tiền và sách vở) cho người nghèo hiếu học, và nhắn nhủ Cha tôi và Chú tôi là phải cho con cháu ăn học và chọn nghề có đức mà làm. Thế hệ anh em chúng tôi và các con của Chú tôi và các bà con xa gần mang họ Trần-Đăng, đều học hành thành đạt và đều thành danh là nhờ phúc đức gây nên từ ông Nội của chúng tôi.
Thêm vào đó, Cha tôi thường dặn dò con cháu là không nên đổi họ, phải giữ họ Trần-Đăng, và phải thờ phụng tổ tiên cho phải đạo. Cha tôi dựa vào gia phả cho biết là họ Trần-Đăng được giữ từ thế hệ 1 cho tới bây giờ. Tuy nhiên ở thế hệ 4, 5 và 6 có vài chi bỏ chữ Đăng, chỉ còn họ Trần mà thôi, và Cha tôi cho biết là tất cả con cháu của những người từ bỏ Trần-Đăng đều nghèo khó và dốt nát suốt mấy đời liên tiếp. Chính vì vậy mà sau này Cha tôi bảo anh Trần Xướng, Trần Chúc (thuộc Chi trưởng, thế hệ 7) phải sửa lại họ con cháu trở lại Trần-Đăng thì con cháu chi này mới làm ăn khá trở lại. Hiện nay, sau khi đổi lại họ Trần-Đăng, ở thế hệ thứ 9 trong chi này đã có một số Trần-Đăng tốt nghiệp Kỷ sư, Bác sỉ.
Tôi có một giả thuyết để giải thích về sự suy vong dòng họ từ thế hệ thứ ba. Ông Tổ vốn đã làm quan ở Bình Định, sau chuyển về làm quan ở Diên Khánh, sau đó mới lấy vợ ở Phú Lộc, chứng tỏ Ông lấy vợ lập gia đình trể. Con trai duy nhất của ông lại là con thứ ba, con út, nên có thể khi ông về hưu thì con trai còn nhỏ. Vì là con trai duy nhất được cưng chìu, mà mẹ có tánh phung phí tiền bạc, có thể ông Tổ của thế hệ thứ ba không học hành thành công, không đổ đạt để làm quan, nên phải về làng sống về nghề nông do ruộng đất của ông nội và ông cha tạo dựng. Chuyện cha mẹ giàu có, có ăn học, mà sanh con không chịu học hành theo ý cha mẹ là chuyện thường xảy ra trên đời.
Dầu lý giải thế nào, chúng ta phải thừa nhận rằng chúng ta được thừa hưởng cái gene di truyền “ăn học” từ Ông Tổ, vì muốn làm quan văn vào thời đó là thời Chúa Nguyễn đã trị vì liên tục (1738-1945) phải là người có ăn học đàng hoàng, khác với một triều đại mới thành hình, có thể có những người ít học nhưng có công được chọn làm quan. Có cái gene tốt, nhưng không có cơ hội, vì nhiều lý do, để gene phát triển cũng bằng thừa. Lý do có thể là do thiếu giáo dục gia đình (gia giáo), có thể vì hoàn cảnh nghèo, có thể vì hoàn cảnh lịch sử. Ông Cố và Ông Nội tôi, cũng như Ông Ngoại tôi, sống vào buổi giao thời của hai nền văn hoá và lịch sử, từ chử Nho ra Quốc Ngử, từ Vua Nguyễn đến thực dân Pháp. Là các nhà Nho và ái quốc, Ông Nội cũng như Ông Ngoại không cho Cha, Chú, Má và Cậu tôi theo tân học (quốc ngữ và tiếng Pháp), vì theo tân học là sẽ làm tay sai cho thực dân Pháp. Vì vậy mà Cha Chú Má tôi không có cơ hội trên đường học vấn mặc dầu Cha Chú tôi rất thông minh. Không hẳn theo tân học đều là người phản quốc, mặc dầu sự thật có rất nhiều tân học phản quốc trong lịch sử. Cái chính là phải có gia phong, tức là phải có truyền thống đạo đức của mổi gia đình. Vì vậy, rất khó quyết định khi lở sống vào buổi giao thời. Cha tôi sống ở địa phương tranh tối tranh sáng, tranh chấp giữa Pháp và kháng chiến Việt Minh, rồi giữa Quốc Gia và Cộng Sản. Cha đã từ chức và nhiều lần từ khước không tham gia chính quyền địa phương (làng xả) trước thời gian tranh sáng tranh tối đó. Sau này tôi mới biết Cha khôn ngoan, bởi vì có nhiều người háo danh ham quyền lộc tham gia chính quyền đều bị Việt Minh rồi Việt Cộng thủ tiêu sau này. Cha quyết tâm gởi chúng tôi ra Nha Trang ăn học, mặc dầu Cô Tám nói thẳng vào cha tôi “Bộ mày muốn mấy đứa con mày theo Tây?”. Chú tôi đã phải bán nhà ở Thanh Minh để ra sống ở Nha Trang. Nhờ những quyết định khôn ngoan đó mà anh chị em tôi, các con của Chú tôi được thành danh ngày hôm nay. Chọn con đường nào sau biến cố 75? Trở cờ theo chế độ mới để được ân sủng nhất thời (nhưng chưa chắc con cháu khá hơn)? Hay để con cháu bị vạ lây, không có cơ hội được ăn học và tiến thân? Phải chọn con đường nào để không phải trở cờ theo gió mà con cháu vẫn có cơ hội tiến thân? Đó là nan đề của thế hệ chúng tôi trong buổi giao thời. Các anh chị em tôi đã khôn ngoan chọn được con đường, dầu rất khó khăn vất vả, để vừa không mang tai tiếng, mà lại có kết quả rất tốt đẹp. Các cháu tôi ở trong nước đã học hành đổ đạt và thành danh hơn mọi người, đó là nhờ phúc đức của tổ tiên, kết hợp với gene được kế thừa, và sự lựa chọn về nghề nghiệp trước buổi giao thời (nên không bị ảnh hưởng nhiều) và chọn lựa cách xử thế trong buổi giao thời. Dĩ nhiên cũng có nhiều giải pháp tốt đẹp khác để thoát bế tắc của buổi giao thời, chẳng hạn việc chọn lựa vượt biên của 3 triệu Việt kiều đang sống ở hải ngoại.
Việt Nam đầy rẩy những tranh chấp quyền lực, bất ổn chính trị liên tục và nhiều bất công xã hội trong suốt chiều dài lịch sử bốn ngàn năm. Ngoài việc học hành cho thành đạt, con cháu sau này phải sáng suốt chọn lựa, chọn lựa nghề nghiệp cho chính mình, cho con mình, mà nghề nghiệp không gây thất đức, hay bị trả thù, và chọn lựa cách xử thế thích hợp để nếu lở sinh vào buổi giao thời vẫn có thể sinh tồn và phát triển dòng họ.
Viết tại Reading, Anh Quốc.
Ngày 15 tháng 6 năm 2004,
nhằm ngày 28 tháng Tư năm Giáp Thân là ngày giổ của Cha tôi.
Con kính dâng lên Cha
Tiến Sỉ Trần-Đăng Hồng
(Thế hệ 7, chi thứ)