DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Một ngày dài nhất trong đời

14/12/2009

Một ngày dài nhất trong đời

Trần Đăng Hồng

 

Đúng 30 năm trước (14/12/2009). Chưa tới 6 giờ sáng, trời hảy còn tối, giá rét và sương mù dày dặc của đầu mùa Đông, Richard lái xe đến nhà tôi để đưa tôi và anh Dũng ra phi trường Heathrow đón vợ con hai đứa chúng tôi. Theo như điện tín của vợ tôi gởi đến trước đây vài ngày, vợ con tôi và vợ con anh Dũng sẽ khởi hành ngày 13 tháng 12 năm 1979, như vậy sẽ đến phi trường Heathrow lúc 8 giờ sáng ngày 14 tháng 12.

            Lương tâm thế giới bị đánh động bởi phong trào thuyền nhân vượt biển với bao hiểm nguy, chết chóc, vì đắm thuyền, hải tặc cướp bóc và phụ nử bị hảm hiếp trên Biển Đông và Vịnh Thái Lan, Ủy Ban Tị Nạn Liên Hiệp Quốc nhóm họp tại Geneva (Thụy Sỉ)  thỏa thuận với Việt Nam chương trình đoàn tụ cho những gia đình ly tán. Tôi, anh Dũng và một số anh em thuộc các Đại học ở Việt Nam du học ở Anh nằm trong diện ưu tiên này. Và khi chúng tôi làm đơn đến Bộ Ngoại Giao Anh thì chỉ sau một thời gian ngắn, Tòa Đại sứ Anh ở Hà Nội liên lạc với vợ tôi và vợ anh Dũng làm thủ tục đoàn tụ. Vợ tôi gặp rất nhiều khó dễ trong phần thủ tục của Việt Nam, từ khóm phường cho tới cấp cao, trước khi được giấy phép ra đi.

            Khi được thông báo có giấy phép xuất cảnh, tôi và anh Dũng mua vé máy bay chưa ghi ngày khởi hành gởi về Đại lý Air France ở Sài Gòn, vợ tôi và vợ anh Dũng chỉ cần đến đại lý cho biết ngày đi để lấy vé.

            Hai tuần trước ngày lên máy bay, tôi nhận một điện tín của vợ tôi thông báo là đang gặp khó khăn, chắc không thể khởi hành vào ngày đã dự định. Từ bao nhiêu tháng trước, vợ chồng tôi liên lạc rất thường xuyên qua thư từ dùng tiếng lóng chỉ chúng tôi biết, phải 2 đến 3 tuần mới nhận được thư, để giải quyết những khó khăn gặp phải. Vấn đề đau khổ nhất cho vợ tôi là phải giải quyết miếng đất của chúng tôi, vốn ở một vị trí rất tốt trên đường Nguyễn Viết Thanh, tức đường 3 tháng 2 bây giờ. Đó là tài sản dành dụm của chúng tôi trong 10 năm làm việc, cộng với phần gia tài cha má tôi chia cho để chúng tôi lập nghiệp ở Cần Thơ, và nhất là bao mồ hôi, bao kỹ niệm hai vợ chồng đã gầy dựng, từ những hàng cây ăn trái tôi sưu tập cho tới chi tiết thiết kế nhà cửa vườn tược, ao cá, v.v. mà chúng tôi hằng ấp ủ. Vợ tôi không muốn mất nó, chính vì vậy mới gặp nhiều khó dễ. Tôi nhiều lần gợi ý kín đáo qua thư từ là phải ra đi càng sớm càng tốt, dầu với bàn tay trắng. Cuối cùng, vì biết không thể nào giữ được tài sản, vợ tôi phải khóc thầm, “tự nguyện” làm giấy ủy quyền cho nhà nước quản lý tài sản, chứng minh là không còn bất động sản hay tiền bạc gì nữa, để được cấp chiếu khán. Từ đó, vợ tôi chính cống trở thành người “vô sản”. Sau này, có người quen nói là miếng đất đó trị giá tối thiểu 500 “cây”, có người bảo cả ngàn “cây”. Thú thực, bây giờ chúng tôi cũng không biết trị giá thực sự và cũng không quan tâm nữa, vì đã đánh đổi được với những thứ quí giá hơn.  Bốn ngày trước ngày khởi hành, tôi nhận một điện tín nói hy vọng đi được trên chuyến bay và yêu cầu tôi và anh Dũng ra đón ở phi trường như đã nói ở trên.

            Vì vậy Anh Dũng từ Ipswich, cách Reading khoảng 200 km, đến ngủ ở nhà tôi đêm trước, vì từ Reading đến phi trường Heathrow chỉ 60 km. Richard hứa mang xe hơi đưa tôi và anh Dũng ra phi trường để đón 2 gia đình. Lúc đó, tôi chưa có xe hơi vì tấc cả tài chánh dành cho nhà cửa, và tiện nghi tối thiểu cho vợ con, vì đây là đầu mùa đông rất lạnh lẻo và đầy tuyết giá. Tôi đã dự bị rất chu đáo, một ngôi nhà khá đẹp vừa mới xây cất xong còn phảng phất mùi sơn, với một số tiện nghi tối thiểu cho hai vợ chồng và hai đứa con nhỏ.

            Theo chương trình, máy bay đến Heathrow lúc 8 giờ sáng. Chúng tôi đến phi trường từ 7 giờ sáng, trời còn tối om, lạnh lẻo và sương mù dày dặc. Richard cảm thông chúng tôi, nên không hề khó nhọc thức sớm tự nguyện làm tài xế cho chúng tôi. Bởi vì phi trường thời đó có tới 3 cổng đến, cổng số 1, 2, và 3 (bây giờ có 5 cổng), không biết 2 gia đình sẽ đến cổng nào. Vì vậy, tôi đứng chờ ở cổng 1, anh Dũng ở cổng 2, và Richard ở cổng 3. Bởi vì Richard không biết mặt vợ con của 2 chúng tôi, nên Richard vẻ trên tấm carton thật lớn tên Kim-Thu và Nguyên để khi hai gia đình vừa ra cổng là biết có người đón. Thế là chúng tôi chia tay, mỗi người đến mỗi cồng đứng chờ, và hể ai đón đựợc trước thì dẫn đến cổng số 1, nơi tôi đứng. Vào thời này, chưa có điện thoại di động, nên chúng tôi không có cách nào liên lạc với nhau, mặc dầu chỉ cách nhau khoảng 500 m, từ cổng này đến cổng nọ.

            8 giờ sáng đã trôi qua, rồi 9 giờ cũng không thấy bóng dáng ai, 10 giờ cũng không nghe tin tức gì. Tôi bắt đầu lo âu, rồi thất vọng, đinh ninh rằng vào giờ chót nhà nước không cho lên máy bay. Tôi hồi họp nhìn đồng hồ, 11 giờ, rồi 12 giờ trưa. Trong lúc đầy tuyệt vọng thì Richard đến báo cho tôi biết là hắn đã liên lạc với tấc cả các hảng máy bay đến Heathrow hôm nay để xem có tên của vợ con chúng tôi trong danh sách hành khách không. Không có. Chúng tôi đói lả và đầy tuyệt vọng. Chờ thêm đến 2 giờ chiều, các hảng máy bay cho biết cũng không có tin tức gì. Richard khuyên chúng tôi về nhà, để hắn lo liệu. Chúng tôi đành về nhà, lặng thinh, không nói năng một lời, mỗi người chui vào giường nằm, không ăn uống và buồn nản. Hoàn toàn tuyệt vọng.

            Vào khoảng 6 giờ chiều, trời đã tối hẳn, nghe tiếng chuông ngoài cửa, tôi vội vàng ra mở cửa thì gặp Richard. Hắn vội vả đến cho biết là phi trường vừa  điện thoại thông báo tin vợ con chúng tôi đã đến phi trường Heathrow và đựoc họ chăm sóc trong phòng đợi chờ chúng tôi đến nhận.

            Chúng tôi lao ra xe, vội vàng đến phi trường Heathrow. Giờ hồi họp đã đến. Chúng tôi phóng vào phòng đợi, gặp nhau, tôi ôm vợ, choàng tay qua hai đứa con, nghẹn ngào khóc. Tôi không nhận ra con tôi, nếu chúng không đứng kề bên vợ tôi. Vợ tôi ốm yếu, xanh xao, tiều tụy, không còn vẻ tươi trẻ của ngày nào. Chỉ mới có một thời gian 5 năm mà vợ tôi bị thay đổi mau đến thế.

            Chúng tôi tất cả 9 người, 5 người lớn kể cả Richard và 4 trẻ nít, chen nhau ngồi trong chiếc xe Ford Escort 3 chổ ngồi dành cho khách. Richard cẩn thận lái xe trở về Reading, im lặng vì tôn trọng sự đoàn tụ của gia dình 2 chúng tôi. Cũng may, là không ai có hành lý lớn, vợ tôi, cũng như chị Dũng, mỗi người chỉ có một hành lý nhỏ với ít bộ quần áo cho các con, và trong túi mỗi người chỉ được phép mang theo “Mười Đô la”. Để tránh bị làm khó dễ ở phi trường, vợ tôi không mang theo một thứ gì cả, kể cả chiếc nhẩn cưới và hình ảnh kỹ niệm của chúng tôi. Mười năm làm việc ở Việt của tôi đã đánh đổi bằng sự đoàn tụ gia đình để từ đó chúng tôi lập lại cuộc đời.

            Phải mất một thời gian khá lâu, vợ tôi mới lấy lại được phong độ.

            Ba mươi năm đã trôi qua. Hàng năm, vào dịp này chúng tôi đều làm kỹ niệm tưởng nhớ “ngày dài nhất cuộc đời” mà tôi đã trải qua từ niềm hy vọng, rồi tuyệt vọng, buồn nản, và cuối cùng vui mừng gặp lại nhau. Cũng trong dịp này chúng tôi nhắc nhở các con tôi cái lý do tại sao mình ở đây, và phải nhớ đến ơn thâm sâu còn nợ.

            Chúng tôi xin tri ân đất nước Anh đã đùm bọc, Tòa Đại Sứ Anh đã tận tình hướng dẩn thủ tục cho vợ con tôi. Chúng tôi không bao giờ quên sự giúp đở của Richard Ellis, một người bạn tốt, và những người bạn Anh khác đã giúp đở và khuyến khích vợ con tôi trong những ngày tháng đầu tiên trên đất nước xa lạ. Chúng tôi cũng không quên ơn cô giáo Ase Koval, ngoài giờ dạy học ở trường, cô còn đến tận nhà dìu dắt, dạy các con nói đúng chuẩn tiếng Anh và chở chúng đi thăm viếng nhiều nơi để mau thích ứng với môi trường sống mới.

Ba chục năm đã trôi qua. Cứ mỗi lần mùa đông đến, nhìn bầu trời ảm đạm, lòng tôi nặng trĩu nổi u buồn của kẻ tha hương. Tuy bất hạnh phải sống cuộc đời xa xứ, nhưng cũng tự biết rằng chúng tôi được diểm phúc lớn sống ở một thế giới có “tình người”.

 

Reading, 13/12/2009

Trần-Đăng Hồng

Mùa Đông đầu tiên sau khi đoàn tụ - Cuối năm 1979


Mùa Xuân đầu tiên tại Prospect Park - April 1980