Cá heo, bạn của người trên sóng nước
19/9/2015CÁ HEO, BẠN CỦA NGƯỜI TRÊN SÓNG NƯỚC
Nguyễn Thị Kim-Thu
Hình 1. Cá heo
Từ ngàn xưa, loài người sống vùng sông lớn và biển cả đều có những chuyện thần thoại về cá heo (dolphin) vì chúng thân thiện với loài người, vui đùa với người đi ghe trên sóng nước, cứu giúp người hoạn nạn và thông báo điềm dữ về bão tố sóng thần, v.v.
Những chuyện truyền khẩu về cá heo trên thế giới thì nhiều lắm, dân tộc nào cũng có. Chẳng hạn, trên sông nước Tiền Giang và Hậu Giang ông bà ta đã kể nghe nhiều chuyện thi đua giữa đàn cá heo và ghe buồm. Khi gặp đàn cá heo, người đi ghe ra tay khoát dấu thi đua, chúng lặn rồi trồi lên trước ghe đầu cá ngó lại ghe rồi kêu nói gì đó có vẻ đặc thắng, rồi chúng ngụp lặn xuất hiện đàng sau ghe như là thua, rồi lại trồi lên trước ghe khoảng cách xa cả đoàn cá nhảy tung lên trời, như chiến thắng, và tiếp tục trò chơi như vậy.
Chuyện kể thì nhiều lắm, chuyện viết trên giấy mực đầu tiên có lẻ là nhà hiền triết Aristotle của Hy Lạp trước Thiên Chúa Giáng Sinh. Câu chuyện về con cá heo tên Simo và một cậu bé kết bạn thân. Hàng ngày, cậu bé ra biển tắm mang theo ít bánh mì cho cá ăn, rồi cởi lên mình cá lội rong chơi ngoài biển. Một ngày nọ, cậu bé chết vì bịnh. Cá Simo ngày nào cũng bơi đến chỗ hẹn, trồi lên, kêu những tiếng ai oán. Một thời gian ngắn sau, người ta thấy xác Simo chết ngay tại chỗ hẹn, thân thể gầy mòn vì nhịn ăn để chết theo bạn người.
Gần đây, nhà nữ sinh học hải dương Maddalena Bearzi viết trong quyển Beautiful Minds năm 2010 kể về chuyện bà đang nghiên cứu theo dõi một đàn cá heo trong một buổi sáng đầy sương mù đang săn đuổi cá trích ở vùng biển Los Angeles. Tự nhiên, có một con cá heo vội vàng lội hướng ra khơi, kêu những tiếng lạ lùng, và tất cả đàn cá heo bỏ cuộc săn để lội theo con cá đầu đàn này. Tàu nghiên cứu của bà bám sát theo đàn cá để xem chuyện gì. Đàn cá lội xa bờ thêm khoảng 5 km, chúng dừng lại, và lội thành một vòng tròn. Bà Bearzi và các nhà khoa học khác vô cùng kinh ngạc là tại trung tâm vòng tròn là xác một bé gái chết trôi nỗi bồng bềnh.
Báo chí kể chuyện anh chàng Todd Endris đang lướt sóng (surfer) ở biển Monterey, California thì cá mập tấn công ba lần. Khi nghe kêu cứu, một đàn cá heo lướt tới ngăn cản và xua đuổi cá mập, rồi bu quanh thân thể Endris hộ tống đẩy chàng vào bờ.
Ở Úc, anh chàng lướt sóng Dave Rastovich đang nằm dài trên tấm váng lướt để chờ đợt sóng cao sắp đến thì kinh ngạc thấy một con cá heo lướt tới ủi vào đầu một con cá mập đang sấn tới tấn công. Nhờ vậy anh chàng được cứu sống.
Báo chí Pháp đăng tải, vào ngày 16/10/1993, khi đang đánh bắt cá ngoài khơi cảng Conquet thuộc vùng Bretagne của Pháp, chiếc tàu đánh cá nhỏ của gia đình Colombier bỗng gặp một cơn bão biển. Những con sóng lớn liên tiếp ập vào chiếc tàu đánh cá khiến nó có thể vỡ tung bất kỳ lúc nào. May thay, một đàn cá heo đông đến 12 con xuất hiện, bao quanh chiếc tàu, mõm của chúng đều quay về hướng Tây như hàm ý cho những người trên tàu biết rằng phải đưa tàu về hướng đó thì mới có cơ may sống sót. Thuyền trưởng Patrick Colombier ra lệnh mở hết tốc lực vượt qua các cơn sóng lao theo đàn cá heo. Nửa giờ sau, họ bắt gặp hòn đảo nhỏ Sainte Barte, rồi neo tàu nấp cho đến khi bão tan. Để biết ơn đàn cá heo cứu mạng ngư dân, chính quyền thành phố Conquet đã cho xây dựng một tượng đài hình cá heo đặt ngay tại cảng.
Cá heo không những thân thiện và cứu giúp người khi nguy cấp mà còn biết lễ nghĩa. Ở đảo Tangalooma ở Úc, một nơi nghỉ dưỡng thanh tịnh, du khách thường đứng nơi nước cạn để đút mồi cho đàn cá heo. Sau khi ăn xong, đàn cá bơi ra biển, lặn hụp một lúc rồi trồi lên lội vào bờ, mỗi con ngậm một hải sản như lươn, cá thu, mực và trao cho du khách như một tặng phẩm. Bà Bearzi đã quan sát chuyện này tới 23 lần.
Cá heo cũng là bạn trung thành của người nhất trong loài thú mà không cần biết bạn là ai. Chó được mang tiếng trung thành với người nuôi chúng. Ngược lại cá heo không cần biết bạn là ai. Câu chuyện được tường trình là một con cá heo được mang tên Pelorus Jack đã sống trong 24 năm (1888-1912) để hộ tống ghe tàu khi qua eo biển Cook Strait đầy sóng gió hiểm nguy ở New Zealand. Nhiệm vụ tự nguyện của cá heo Pelorus Jack là hướng dẫn các ghe thuyền nhỏ đi qua những chỗ nguy hiểm, nó lội trước, hễ nó lội qua trái hay phải thế nào thì người lái ghe tàu làm y theo nó thì an toàn, nếu làm sai thì đụng phải đá ngầm. Nếu tự nhiên cá heo dừng lại, ghe tàu phải dừng lại chờ để nó tìm một lối an toàn. Chuyện cá heo Pelorus Jack được truyền khắp thế giới và là nguồn cảm hứng của nhiều nhạc sỉ, nhà văn, như Mark Twain, để lại nhiều tác phẩm ca ngợi nó.
Hình 2. Tượng cá heo và bé gái tại Tower Bridge, London
Reading, 9/2015