Năm Tỵ nói chuyện rắn
1/2013 - Xuân Quý Tỵ
Trần-Đăng Hồng & Nguyễn Thị Kim-Thu
Rắn là căn nguyên của trần thế đầy đau khổ ngày nay. Theo kinh thánh, Adam sống cô đơn trong vườn địa đàng (Garden of Eden), nơi đó có đủ loại cỏ cây. Chúa truyền lệnh là Adam được phép ăn mọi cây trái trong vườn ngoại trừ “Cây kiến-thức về thiện và ác” (Tree of the knowledge of good and evil). Sau đó, Chúa tạo ra muôn thú, nhưng không có con thú nào thích hợp với Adam. Vì vậy, Chúa lấy từ xương sườn (rib) của Adam để tạo thành nàng Eva. Hai người sống trần truồng, ngây thơ và không biết xấu hỗ.
Adam và Eva
Một ngày nọ, con rắn – được cho là thông minh nhất trong loài thú – cám dỗ Eva ăn trái cấm này. Rắn nói: “Ngươi không có chết đâu khi ăn trái cấm này, ngược lại ngươi sẽ thông minh, biết được điều thiện và điều ác”. Nghe lời dụ dỗ, Eva ăn trái cấm và còn đưa cho Adam ăn nữa. Kể từ đó, hai người “sáng mắt” biết trần truồng là xấu hỗ, bèn lấy lá sung che đậy. Chúa hỏi tội, Adam đổ lỗi cho Eva, còn Eva đỗ tội cho Rắn cám dỗ. Chúa tức giận làm phép cho rắn mất hết chân, đàn ông phải lao lực vất vã để sinh sống, còn đàn bà phải đau đớn khi sanh con (http://en.wikipedia.org/wiki/Adam_and_Eve). Như vậy, rắn là nguồn gốc của tội lỗi và nguyên nhân của thế giới đầy đau khổ hiện nay. Theo Thiên Chúa Giáo, rắn biểu tượng của sự ác độc, và ác quỷ (evil).
Rắn là loài động vật có xuơng sống, đẻ trứng, thuộc loài bò sát không có chân, máu lạnh, thân có vảy. Vì thân dài và hẹp, các bộ phận đôi trong nội tạng, như 2 trái thận, không nằm thành cặp đôi mà cái trước cái sau. Chỉ có một lá phổi.
Rắn là do tiến hóa cách đây khoảng 100 triệu năm ở đại lục Gondwanaland, từ một loại kỳ-nhông lớn sống trong hang như loài Varanus (monitor lizards, tương cận với rồng đất Komodo dragon). Cũng có thuyết là rắn tiến hóa từ con mosasaurs, một loài bò sát ở biển nay đã tuyệt chủng. Mosasaurs cũng tiến hóa từ loài Varanus, là loại bò sát có 4 chân, vì vậy dầu rắn không có chân nhưng dấu vết chân thoái hóa vẫn còn thấy trên bộ xương. Về sau, Gondwanaland tách rời thành các lục địa Phi Châu, Âu Châu, Á Châu, và các đảo rải rác trên đại dương, nên rắn hiện diện ở mọi lục địa nơi có khí hậu ấm. Tuy nhiên, ở những hải đảo mới thành lập sau này không có rắn, vì chúng không có khả năng lội qua nước mặn của biển. Ngay cả rắn nước, chỉ lội trong nước ngọt (sông, hồ), nhưng không khả năng lội qua nước mặn của biển.
Rắn có khoảng 3400 loài (species) sống ở vùng khí hậu từ ấm đến nóng ở mọi lục địa, kích thước biến thiên từ nhỏ đến lớn, dài từ vài cm cho tới loài trăn khổng lồ dài 10m hay hơn. Trăn Titanoboa cerrejonensis dài 12–15 m nay đã tuyệt chủng. Hiện tại, trăn Python dài 10m, còn trăn anaconda khoảng 7,5 m và là loại rắn nặng nhất trên địa cầu. Đa số, rắn dài khoảng 1 m.
Đa số sống nơi nóng, ẩm, ở đồng bằng cho tới núi cao. Ở Hy Mã Lạp Sơn không còn thấy rắn trên cao độ quá 4900 m.
Việt Nam có khoảng 200 loài rắn, rắn độc chủ yếu nằm trong 2 loài rắn lục và rắn hổ.
Nước Anh, là một đảo lớn có 3 loài rắn bản địa. Ái-Nhĩ-Lan (Ireland), một hải đảo kế bên, có cùng chung vỉ tuyến và khí hậu tương tự với Anh, nhưng không có rắn. Để giải thích tại sao không có rắn ở Ái-Nhĩ-Lan, các người mộ đạo cho rằng Thánh Patrick đã xua đuổi tất cả rắn ra khỏi Ái-Nhĩ-Lan. Thánh Patrick, một nhà truyền đạo sống ở thế kỹ thứ 5 được phong thánh vào thế kỹ thứ 7, và được xem là vị thánh bảo hộ xứ Ái-Nhĩ-Lan. Ngày nay, dân Ái-Nhĩ Lan có ngày nghỉ lể St Patrick’s Day vào ngày 17/3. Theo truyền thuyết, trong 40 ngày tu luyện tuyệt thực trên một ngọn đồi cao thì Ông bị một đàn rắn đến tấn công. Ông dùng gậy đánh đuổi cả bầy rắn chạy xuống biển tẩu thoát qua nước khác. Kể từ đó, Ái-Nhĩ-Lan không có rắn.
Theo các nhà khoa học, thì rắn không thể di cư bằng cách bơi qua biển. Cách đây 15000 năm, lục địa Âu Châu còn là vùng băng hà, nên không có rắn. Cách đây 7-8 ngàn năm, băng hà tan, từ phương nam rắn di cư đến phương bắc, nơi nào có khí hậu ấm. Cách đây 6500 năm, đảo Anh còn dính liền với lục địa Âu Châu qua một dãi đất làm cầu nối, vì thời đó biển Manche (Channel sea) còn cạn, nên có 3 loài rắn ở lục địa đến sinh sống ở Anh. Ngược lại, cách đây trên 8 ngàn năm, đảo Ái Nhĩ Lan đã tách rời khỏi đảo Anh, theo thuyết lục địa xa rời. Ngoài ra, đây là thời đại băng hà tan rã, làm nước biển dâng cao, Ái-Nhĩ-Lan càng xa cách đảo Anh, và đảo Anh tách rời khỏi lục địa Âu Châu. Vì vậy, sau khi cầu nối với lục địa bị chìm ngập, không có loài rắn mới nào di cư được vào đảo Anh và Ái-Nhĩ-Lan, vì chúng không có khả năng lội qua biển Manche hay biển Ái-Nhĩ-Lan. Như vậy, từ thời cổ đại, đã không có loài rắn nào ở Ái-Nhĩ-Lan, mà đảo này chỉ có độc nhất một loài kỳ nhông (viviparous lizard) sống được ở nơi tương đối lạnh, đến cư ngụ ở đảo này cách đây 10000 năm. Loài kỳ nhông này có thân hình dài giống hình dạng con rắn mà có thể Thánh Patrick lầm tưởng là rắn.
Rắn, như các loài bò sát khác, đẻ trứng và nhờ mặt trời sưởi ấm qua các đống rơm rạ cỏ rác để nở ra rắn con. Ái-Nhĩ-Lan không có điều kiện khí hậu này, nên rắn du nhập không thể sinh sôi nẩy nở được ở ngoài thiên nhiên, ngoại trừ trong điều kiện của sở thú.
Không riêng gì Ái-Nhĩ-Lan, nhiều phần đất trên thế giới không có rắn, như các vùng lạnh lẽo ở gần hai cực địa cầu, Tân-Tây-Lan (New Zealand), Iceland và Greenland. Ngay cả các vùng ấm áp như Hạ-Uy-Di (Hawaii), một số đảo ở Thái Bình Dương, Đại Tây Dương hay Ấn Độ Dương cũng không có rắn bản địa. Ngoài ra, con người không ưa rắn hay sợ rắn, nên không ai mang rắn du nhập vào đất nước mình. Một con rắn cái sổ chuồng sở thú ở Hạ Uy Di đã gây thảm khốc cho động vật hoang dã địa phương, rắn sinh sôi nẩy nở nhanh vì không có thù-địch thiên nhiên.
Rắn đẻ trứng trong hang, trong đụn đất, đá, cỏ, rác, và nhờ sức nóng của mặt trời đun ấm và nở ra rắn con. Sau khi nở, rắn con tự đi tìm mồi, cũng là lúc dễ bị sinh vật thù địch hãm hại. Rắn mẹ đôi khi cũng ăn rắn con. Một vài loài rắn biết bảo vệ ổ trứng của nó, như loài King cobras ở Ấn Độ, bằng cách sống quanh quẩn chỗ đẻ trứng. Loại trăn Python, biết ấp trứng, dùng thân mình cuộn tròn ôm trọn ổ trứng cho tới khi nở. Ở một vài loài rắn, nhất là ở xứ lạnh, trứng ở trong bụng cho tới khi nở, và chui ra khỏi mẹ cùng lúc với vỏ trứng, coi như rắn đẻ ra con.
Lưỡi rắn chẻ đôi, lúc nào cũng thấy le ra thụt vào. Rắn dùng lưỡi để bắt mùi, gửi tín hiệu đến bộ phận phân tích của khứu giác (vomeronasal) nằm trong miệng để phân loại con mồi và phương hướng trước khi tấn công bắt mồi. Lưỡi cũng dùng để tìm hiểu thù địch có nguy hiểm hay không để kịp lẫn trốn. Trăn anaconda có thể dùng lưỡi để tìm mồi trong nước.
Mắt rắn không có mí, nên không nháy mắt, nhìn trừng trừng con mồi, nên con người cho nó biết thôi miên. Mặc dầu mắt rắn thấy được mọi vật khi có ánh sáng, nhưng nhản lực tương đối yếu, chỉ nhận biết rõ ràng khi con mồi cử động. Vì vậy, với bản năng sinh tồn, khi gặp rắn, con mồi đứng im bất động, giả chết, để rắn không thấy, như là bị thôi miên. Chỉ một cử động nho nhỏ của con mồi cũng đủ làm con rắn biết để vồ. Một vài loài rắn, nhất là trăn, có cơ quan phát tia hồng ngoại (infra red) nên nhìn thấy con mồi ban đêm, nhất là con thú máu nóng (như chuột).
Vì nhản lực yếu không thấy xa, bù lại rắn có bộ phận tiếp giáp với đất rất nhạy cảm với sự rung động của mặt đất hay lá cây, nên rắn nhận định được có con thú di động gần đó, rắn dùng lưỡi đánh mùi, dùng mắt quan sát để phân biệt con mồi để bắt hay thù địch để lẩn trốn.
Vì không có chân, rắn không đi được, mà chỉ trườn qua sự uốn éo của thân nhờ các cơ bắp thịt đặc biệt, và nhờ hàng vảy ở bụng tiếp xúc với mặt đất nhám để rắn lướt tới. Nếu mặt tiếp xúc thật trơn, không có gì để bám víu, rắn không di chuyển được. Rắn ở sa mạc không lướt tới mà lại lướt ngang để đến mục tiêu. Thường ta nói rắn “bò”, sự thật là trườn, vì cử động bò cần có tay và chân. Rắn di chuyển tương đối nhanh trên đất bằng, lội trong nước, và quấn leo lên cây được. Rắn di động thật im lặng, không gây tiếng động.
Rắn ăn thịt các động vật có thể xác nhỏ hơn hay bằng nó, như ếch nhái, chuột, cá. Nó cũng ăn cả rắn khác loài, hay cùng loài, ngay cả con ruột của nó. Vì không có răng đặc biệt để nhai, hay tay chân để xé con mồi, rắn chỉ nuốt trọng nguyên con mồi. Bộ xương hàm ở miệng rắn có kiến trúc rất đặc biệt, hàm trên và hàm dưới không dính nhau, có thể co giản, nhờ vậy có thể nuốt trọng con mồi có đường kính lớn hơn đầu và thân xác nó lúc bình thường. Ngoài ra, vì bộ răng xỉa vào trong, và các cơ thịt chỉ vận động để nuốt vào, nên khi ngậm được con mồi thì không cách nào nhả con mồi được. Vì vậy, khi 2 con rắn dành nhau ngậm một con mồi, thì phải có một con bị con kia nuốt trọng luôn. Vì quan sát không kỹ, nhiều người tin là rắn có thể làm tình với rắn khác loài. Cũng vậy, có chuyện hoang đường con rắn làm tình với con chồn. Sự thật là vì 2 con cùng dành một con mồi, con rắn quấn con chồn để chồn thả mồi, nhưng cuối cùng chồn xơi tái cả mồi lẫn rắn.
Rắn không có tai, nên nó không nghe. Tuy nhiên nó có bộ phận ở bụng tiếp xúc với đất rất nhạy cảm với độ rung của đất hay lá cây để biết có con mồi hay thù địch chung quanh. Vì không có tai, nên nó không nghe tiếng sáo của người “bán thuốc sơn đông” hay ông phù thủy. Ở Ấn Độ hay Trung Đông, người bán dạo dọc đường thường dùng rắn làm trò tiêu khiển người mua để quảng cáo hàng. Ông ta mang một giỏ chứa rắn hổ mang. Ông dùng ống sáo thổi, con rắn bò ra khỏi giỏ, cất đầu lên cao, hạ thấp, xoay vòng như múa theo điệu nhạc. Sự thật, nó không nghe được tiếng sáo, nó cử dộng không phải theo điệu nhạc mà theo cử động của ống sáo.
Trăn quấn con thú trước khi ăn
Nhiều người tin là rắn trường thọ, vì có khả năng “lột da sống đời”. Sự thật, đời sống của rắn cũng ngắn ngủi. Để tăng trưởng thể xác, hàng năm rắn phải lột bỏ lớp da có vảy bên ngoài để lớn.
Rắn cũng được tin tưởng là có trí nhớ để trả thù kẻ hại nó. Huyền thoại về con rắn hóa thành nàng Thị Lộ, qua cái chết bất đắt kỳ tử của vua Lê Thái Tông để trả thù dòng họ Nguyễn Trải nói lên điều này. Sự thật, bộ óc của rắn nhỏ xíu, nên không có trí nhớ hay độ thông minh để trả thù. Khi gặp người, rắn lẫn trốn, chỉ cắn khi tự vệ, chứ không phải chủ đích tấn công.
Làm con người, phần đông ai cũng sợ rắn, nhất là sợ rắn cắn. Nọc rắn đều độc với động vật nhỏ, đa số vô hại với người. Chỉ có một số ít loài rắn có nọc độc làm chết người.
Rắn cắn truyền nọc độc làm con mồi bất động hay chết. Nọc rắn chính là một loại nước miếng, trong đó có chứa nhiều độc tố đánh vào hệ thần kinh (meurotoxin) làm con mồi bất động, nhiều độc tố phá hủy máu (hemotoxin) và nhiều loại protein khác để giúp tiêu hóa con mồi. Có một số động vật miễn nhiễm với nọc rắn, như chồn, chim bìm bịp, v.v. mà thức ăn là rắn. Cũng chính vì ăn rắn độc, con người tin tưởng rằng “rượu ngâm bìm bịp” trị được bá bệnh, nhất là đau nhức mỏi, xổ độc, liệt dương, v.v. Chim bìm bịp trên đà tuyệt chủng vì sự tin tưởng này.
Ở Âu Châu, ví ảnh hưởng của Cơ-đốc-giáo, rắn biểu hiệu cho sự ác độc, nham hiểm, yêu quỹ. Ngược lại, ở Á Châu ảnh hưởng của Ấn Độ Giáo và Phật Giáo, rắn được tôn thờ. Trong các thần thoại Á Châu, thần rắn Naga có nhiệm vụ bảo vệ các chư thần hay đức Phật khi thiền. Các tượng rắn được đặt ở cổng các đền thờ để canh gát nơi tôn nghiêm.
Trong văn hóa Việt Nam, rắn tượng trưng cho những gì xấu xa, nham hiểm, ác độc. Nghĩa ít xấu nhất là rắn mắt, cứng đầu. Thuở nhỏ, Lê Quí Đôn rất cứng đầu và biếng học. Bị cha quở phạt, Lê Quý Đôn tức thì làm bài thơ “Rắn đầu” để tạ tội, đặc biệt trong mỗi câu có tên một loại rắn:
Chẳng phải liu điu vẫn giống nhà
Rắn đầu biếng học, chẳng ai tha
Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ,
Nay thét mai gầm rát cổ cha.
Ráo mép chỉ quen tuồng nói dối,
Lằn lưng cam chịu vết roi tra.
Từ nay Trâu Lỗ chăm nghề học.
Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia.
Trong ngôn ngữ bình dân Việt Nam có câu “Chằn ăn trăn quấn” để ám chỉ hay lời rủa dành cho loại người hung dữ, ác độc, phần đông ám chỉ đàn bà, “đồ thứ chằn ăn trăn quấn”. Còn đối với các sư phá giới làm điều tục lụy thì gán “Sư hổ mang”. Và trong xã hội, ai ai cũng sợ loại người “khẩu Phật tâm xà”, bởi vì “Nọc người hơn mười nọc rắn”. Trong Truyện Kiều, thi hào Nguyễn Du cũng có một câu về rắn (câu 2016)
“Miệng hùm nọc rắn ở đâu chốn này”
Trong tầm cở quốc gia, câu “Cõng rắn cắn gà nhà” ám chỉ người phản quốc. Trong lịch sử Việt Nam, chuyện “Cõng rắn cắn gà nhà” được ghi rõ ít nhất trong 3 sự kiện lịch sử: Trần Ích Tắc (con thứ năm của vua Trần Thái Tôn) chạy theo quân Nguyên, Trần Khang (hay Trần Thiêm Bình, con vua Trần Nghệ Tông) theo nhà Minh, Lê Chiêu Thống theo quân Thanh, là ba vết nhơ trong lịch sử Việt Nam.
Reading, 1/2013
Trần-Đăng Hồng & Nguyễn Thị Kim-Thu