DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Chùa Phật Lớn quê tôi

10/8/2022

CHÙA PHẬT LỚN QUÊ TÔI
Trần-Đăng Hồng
 
 
Hình lấy từ Google ngày nay. Theo trí nhớ của tôi thì ngày xưa (77 năm trước) cổng Tam Quan cũng không khác mấy

Kể từ lúc bắt đầu tuổi đi học đến bây giờ, tôi chưa hề đi lễ chùa thật sự như một tín đồ chân chính, ngoại trừ vài lần đi “ăn cơm chùa” trong các dịp lễ Phật Đản ở Chùa Long Sơn Nha Trang với tượng đài Phật Trắng trên đỉnh núi cao có thể nhìn thấy từ rất xa khi tiến gần về thành phố. Tuy nhiên, tôi vẫn không quên những kỷ niệm thời thơ ấu của tôi, cách đây trên ¾ thế kỷ, khi tôi 5-7 tuổi gì đó, tôi theo Má đi lễ chùa. Tuy không mộ đạo nhiều lắm, má tôi cũng thường đi chùa lễ Phật, bởi vì sống trong một đại gia đình mộ đạo Phật từ bao đời, nhất là từ ông bà nội và các cô chú của tôi mà tôi biết rất rõ, cô Mười Lớn của tôi đã cạo tóc đi tu từ thời son trẻ.
Đó là ngôi chùa làng, thuộc địa phận làng Thanh Minh, nhưng nằm trên con đường dẫn đến làng Quang Thạnh. Đối với tôi, đó là một ngôi chùa rất linh thiêng, mang tên Chùa Phật Lớn. Tôi không rõ ngôi chùa có tượng Phật rất lớn, hay đó là ngôi chùa lớn nhất trong vùng này, có lẻ cả hai giả thuyết đều đúng cả. Phải nói là linh thiêng vì ngôi chùa nằm trong khung cảnh thiên nhiên rất hùng vĩ, ngôi chùa chỉ cách chân núi Hòn Một vài trăm thước, trên đỉnh núi cao chót vót cũng có một am của một thầy tu, lưng còm, chỉ khoát một chiếc áo nâu sồng, ngồi tụng niệm. Dưới chân núi Hòn Một là một bầu sen rộng lớn vài ba chục mẫu với đủ loài chim sống dưới nước như vịt trời, le le bơi lội giữa đám sen đầy bông và gương sen. Trước mặt Chùa Phật Lớn cũng có một bầu sen, là một phần của Bầu Lát bao quanh làng tôi. Từ làng tôi, có thể nhìn thấy Chùa Phật Lớn, rất gần, vì chỉ bên kia bầu, nhưng muốn đi đến đó phải đi vài ba cây số, ra Thanh Minh, đi đến chân núi Hòn Một, rẽ trái mới đến chùa.
Từ thời nhỏ, đêm khuya nghe tiếng chuông chùa ngân vang cũng đoán được là mấy giờ sáng để thức dậy. Trưa trưa nghe tiếng chuông Nhà Thờ ở Cầu Hà Dừa là biết đúng 12 giờ trưa. Tuổi thơ của tôi đều là kỷ niệm của mọi hoạt động hàng ngày, chính là chuyện đi học, từ âm vang tiếng chuông gõ mỏ của chùa buổi sáng sớm và tiếng chuông nhà thờ buổi trưa. Nhất là trong tháng Mười âm lịch, "Ông tha mà bà chẳng tha, làm cho trận lụt hăm ba tháng Mười", là mùa của lũ lụt hàng năm, giữa đêm khuya mà nghe tiếng chuông chùa, tiếng mỏ, phèng la, đó là báo động của chùa cho dân trong vùng biết là nước lụt từ sông Cái đã chảy đến Bầu Sen, chảy qua cổng Tam Quan Chùa Phật Lớn, tràn vào Bầu Lát rồi vào làng tôi.
Tuổi thơ ấu của tôi, lúc 5-6 tuổi, là cảnh chạy nhảy trong cánh đồng bao la trước nhà, theo các anh tôi đi câu cá, bắn chim. Trong một lần như vậy, má tôi đứng trước sân nhà hú tôi về để theo má đi lễ chùa Phật Lớn. Má thường chỉ dẫn tôi đi theo cho có bạn.
Theo trí óc mơ hồ của tôi cách đây trên 75 năm, Chùa Phật Lớn lớn lắm, không biết rộng là bao nhiêu. Cổng chính Tam Quan lúc nào cũng đóng kín, chỉ đi vào bằng cổng phụ bên hong. Bên trong là một sân lát gạch không lớn lắm, đầy chậu kiểng trồng cây cổ kính, một loại bonsai ngày nay. Chánh điện sơn son thiếp vàng, bàn thờ chính là một tượng Phật rất lớn. Vì quá tôn nghiêm tôi không dám nhìn, chỉ cúi đầu vái lạy kế bên má tôi. Bên hong chùa là một nhà khách, khá lớn có nhiều phòng, có bàn và bộ ván lớn để khách thập phương ngồi. Một lối đi không lớn lắm giữa chùa và nhà khách, dẫn ra vườn sau chùa. Trước mắt là sừng sững những lăng mộ hình nón rất cao, là nơi chôn cất của các vị sư tiền nhiệm. Có lẻ ngôi chùa có một lịch sử rất lâu đời vì có rất nhiều lăng mộ như vậy. Vì đây là một ngôi chùa làng, nên không có các vị sư thật sự, mà chỉ là các thầy cúng giữ chùa. Vào thời đó, vị giữ chùa là Thầy Tám, cùng con trai là anh Thỉnh, làm các nghi lễ tụng niệm trong chùa, lễ tụng kinh ở nhà trong làng khi có đám ma. Chính Thầy Tám và anh Thỉnh làm lễ tụng kinh thất tuần khi ông bà nội tôi mất. Thầy Tám rất thân với cha tôi, mặc dầu tuổi lớn hơn cha tôi nhiều.
Đại gia đình dòng họ nhà tôi rất mộ đạo Phật, như đã nói ở trên. Các cô tôi, nhất là Cô Tám, đứng ra may áo cà sa cho Thầy Tám. Chiếc áo màu vàng, nhưng được ráp từ từng mảnh lớn nhỏ khác nhau, mang ý nghĩa là người lãnh đạo tôn giáo phải sống khổ hạnh, phải áo quần đùm vá.
Reading, Lễ Vu Lan 2022 (12/8/2022)
Trần-Đăng Hồng
Cước Chú. Theo các tài liệu hiện nay trên Google, Chùa Phật Lớn ngày nay có tên là "Sắc Tứ Minh Thiện Tự" có lịch sử rất cổ kính khoảng 350 năm, do Hiệp Đức hầu Nguyễn Phước Chiểu kiến lập vào khoảng năm 1673 (Quý Sửu), vào đời vua Lê Huyền Tông, năm thứ 10, là ngôi chùa cổ nhất tỉnh Khánh hòa. Ngôi chùa được di dời qua nhiều địa điểm.
Năm 1892 (Nhâm Thìn) đời vua Thành Thái năm thứ tư, chùa được xây dựng trên vị trí hiện nay: thôn Thanh Minh, xã Diên Lạc, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, do Tổ Phổ Quang kiến lập.  
Ngôi chánh điện chùa Sắc tứ Minh Thiện  trang nghiêm như hiện nay được đại trùng tu vào năm 1968 (Mậu Thân), dưới đời Hòa thượng trú trì Thích Huệ Đăng.