DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Phong thủy quê tôi

17/2/2024

PHONG THỦY QUÊ TÔI
Trần-Đăng Hồng
 
Khi Ông Trần-Đăng Đường về làm quan cai quản tỉnh Khánh Hòa trụ sở đặt ở Cổ Thành Diên Khánh, cách đây hơn 200 năm, Ông nghiên cứu phong thủy và chọn thôn Lạc Lợi làm nơi lập nghiệp vĩnh viễn cho cha mẹ (là Cụ thỉ tổ Trần-Đăng Long và Hồ Thị Thuận), em gái và cả dòng họ ở Quảng Bình. Tại sao Ông không chọn nơi nào gần Cổ Thành Diên Khánh, trong vòng 1 km như Phú Lộc (bên vợ của Ông), hoặc Phú Khánh, hay Hà Dừa, mà chọn nơi xa xôi ở thôn Lạc Lợi, cách xa 5 km đường chim bay, còn đi bộ ngoằn nghèo phải tới 7-10 km?
 
Thôn Lạc Lợi của tôi bao vây ở ba mặt chung quanh bởi một con bầu, mang tên Bầu Sấu (có lẻ thời đó nhiều Cá Sấu) hay Bầu Lát (vì mọc nhiều cỏ lát dọc bờ) khá rộng lớn, bắt đầu và chấm dứt cũng trong phạm vi của thôn Lạc Lợi, chạy ngoằn nghèo uốn khúc giống như một con rồng dài cở ba cây số, đầu rồng ở Suối Đăng nhìn về núi Hòn Bà, đuôi chuôi vào cánh đồng Thanh Minh. Bầu làm ranh giới thiên nhiên với các thôn Quang Thạnh và Thanh Minh (Xem hình bản đồ Satellite).
 
Còn một mặt kia là một lạch nước chảy khá lớn, rộng hơn 10 m, nước chảy siết vào mùa mưa như một con sông nhỏ, bắt nguồn từ Suối Cam của Hòn Bà, chảy ngoằn nghèo như một con rắn lượn, đầu rắn cũng hướng về Hòn Bà, còn đuôi khi tới Cầu Rọc thì gặp đuôi con rồng nói trên ở Bầu Sấu, trước khi dòng nước chảy tưới vào cánh đồng Thanh Minh. Lạch nước này là ranh giới thiên nhiên giữa thôn Lạc Lợi với thôn Gò Cà.
 
 
Tôi không biết phong thuỷ có linh ứng cho con cháu hay không, tôi không dám khẳng định, tôi chỉ biết chắc chắn rằng, nhờ vị trí địa dư bao quanh bốn bên bởi bầu rộng và mương lớn, mà thôn tôi rất an lành trong mấy cuộc chiến tranh mà tôi từng chứng kiến.
 
Trong thời Tây, nếu các thôn ấp chung quanh bị Tây ruồng bố, đốt phá nhà dân nhiều lần, thì thôn tôi vẫn an lành, chưa hề có lính Tây đến lần nào.
 
Trong thời Việt Minh Việt Cộng nổi dậy (1945-1975), đêm đêm du kích lén lút về khủng bố ở các thôn ấp chung quanh, thì dân thôn tôi vẫn ngủ yên lành, bởi vì muốn vào được thôn làng tôi, bắt buột phải qua một trong ba cái cầu khá dài - Cầu Bè, Cầu Suối Đăng và Cầu Rọc - không có đường nào khác, mà trong thời trước là ba cái “Cầu tre lắt lẻo, gập ghềnh khó đi”, nếu vô được tới làng mà lở dân rút bớt một nhánh cầu đi, thì coi như không có đường về. Cũng có một hai lần đụng độ giữa nghĩa quân và Việt Cộng, nhưng ở phía bên kia cầu, thuộc phần đất Thanh Minh hay Quang Thạnh, chứ không bên trong thôn ấp quê tôi.
 
Ba con đường dẩn vào làng từ ba cái cầu này gặp nhau tại ngả ba trung tâm làng, nơi có một cái đình, một cái miểu rất cổ kính, trang nghiêm, và ngày xưa, trước 1948, còn có một cái điếm canh bằng gạch. Đây là khu vực rất linh thiên, Miểu được xây dựng để thờ Bà Thiên Y Thánh Mẩu (núi Hòn Bà), vì ngày xưa Bà có xuất hiện làm sáng rực cả rừng cây cổ thụ nơi này. Đây là địa điểm cao nhất trong làng, ngay cả lụt lớn nhất năm ngọ (1923) và năm thìn (1940) nước lụt cũng chỉ mấp mé khu này, trong lúc ngập tới mái nhà ở khu Cầu Rọc.
 
 
Một điều kỳ diệu nữa của phong thủy thôn tôi là cả dòng họ của tôi, sinh sống trong thôn hay ở nơi khác, không có một gia đình nào bị mất mát nhân mạng hay thương tật trong mấy cuộc chiến vừa qua. Con cháu cho là phúc đức của ông bà.
 
Nhờ vậy con cháu nay đã tới thế hệ thứ 9 được an cư lạc nghiệp, lập được nhiều sự nghiệp vẽ vang, ở trong nước cũng như ở ngoài nước.
 
 


Hình Thôn Lạc Lợi chụp từ Satellite
 
 
Reading, 15/02/2024