DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

PHIẾM LUẬN VỀ BÀ NỘI BÀ NGOẠI

19/02/2025

PHIẾM LUẬN VỀ BÀ NỘI BÀ NGOẠI
Nguyễn Thị Kim-Thu
 
Người đời có câu “ Nhứt Mẹ, nhì Cha, thứ ba Bà Ngoại”, ám chỉ làm con làm cháu phải hiểu rằng các bậc này  lần lượt là người thương ta nhất.

Trên đời không có ai nghe chửi Bà Ngoại, mà toàn chửi bên Nội.

Mời nghe cách chửi của 3 vùng, Miền Tây (kể cả Sài Gòn), Miền Trung và Miền Bắc.

Câu chửi ở Miền Tây VN: ‘Bà nội cha mày’; ‘Tao chửi 7 đời cố tổ nội nhà mày’.

Câu chửi ở vùng Huế, Quảng Trị: “Cái thứ chết một đời cha, chết ba đời con, đẻ non, đẻ ngược, chân ra trước, đầu ra sau, đẻ sót nhau, chết mau, chết sớm, chết trẻ, đẻ ngang nhá’’; ‘Mả cha mi’.

Cũng ở xứ Huế, người ta cũng nghe những tiếng chửi tương tự như vậy. Cũng có khi có bài bản và vần điệu du dương hơn, như chuyện mất gà:

Cao tằng tổ đĩ, cao tằng tổ khảo, cố tổ gia tông cả ông, cả bà, cả cha, cả mẹ, chú bác, anh em, họ nội, họ ngoại, xa gần ân ái, họ gái họ trai, dưới âm phủ đội mũ mà lên, trên thiên đàng xếp hàng mà đi xuống, bay hãy vén mái tai, gài mái tóc đặng chống tai lên cho rõ, chống cửa ngõ cho cao, chặt hàng rào cho thấp để mà nghe tao chửi đây nè. Tau chửi cho tan nát tông môn họ hàng cái quân khốn kiếp, cái quân vô hậu kế đợi đã ăn hết của tau bảy con gà xám, tám con gà vàng. Bay ăn chi mà ăn ác nhơn ác nghiệp, ăn một lần một chục rưỡi con gà. Bay ăn cho chồng bay sợ, cho con bay kinh, bay ăn cho ngả miếu sập đình, cho mồ cha bay chết hết để một mình bay ngồi đó mà ăn. Đồ cái quân ăn chó cả lông, ăn hồng cả hột. Cái quân không sợ trời đánh thánh đâm… bay ăn mần răng mà hết chục rưỡi con gà?

Chửi ở Miền Bắc thuộc hàng nghệ thuật chửi cao siêu hơn, có vần có điệu.  Lời chửi của một bà Miền Bắc trong tác phẩm “ Bước Đường Cùng” của nhà văn Nguyễn Công Hoan trong vở kịch “ Mất Gà” cho thấy tính “ chửi dai, chửi dài”, “có vần có điệu” như sau:

Làng trên xóm dưới, bên sau bên trước, bên ngược bên xuôi! Tôi có con gà mái xám nó sắp ghẹ ổ, nó lạc ban sáng mà thằng nào con nào, đứa ở gần mà qua, đứa ở xa mà lại, nó dang tay mặt, nó đặt tay trái, nó bắt mất của tôi, thì buông tha thả bỏ nó ra, không tôi chửi cho đới!
Chém cha đứa bắt gà nhà bà ! Chiều hôm qua, bà cho nó ăn hãy còn, mà bây giờ nó bị bắt mất. Mày muốn sống mà ở với chồng với con mày, thì buông tha nó ra, cho nó về nhà bà. Nhược bằng mày chấp chiếm, thì bà đào mả thằng tam tứ đại nhà mầy ra, bà khai quật săng thằng ngũ đại lục đại nhà mày lên. Nó ở nhà bà, nó là con gà, nó về nhà mày, nó biến thành cú thành cáo, thành thần nanh đỏ mỏ; nó mổ chồng mổ con, mổ cả nhà mày cho mà xem.
Ơi cái thằng chết đâm, cái con chết xỉa kia! Mày mà giết gà nhà bà thì một người ăn chết một, hai người ăn chết hai, ba người ăn chết ba. Mày xuống âm phủ thì quỷ sứ thần linh nó rút ruột ra…”.
 
Như vậy, không có ai chửi phía Ngoại, mà chửi toàn phía bên Nội. Có lẻ bắt nguồn từ cảnh xung khắc giữa Con Dâu và Mẹ Chồng từ thuở xa xưa. Hơn nữa, mẹ chồng đâu có bảo đảm cháu nội mình là con chính thống của con trai mình hay con của hàng xóm? (khi chưa có kỹ thuật xác định gen DNA). Ngược lại, dầu là con của làng xóm, cháu ngoại vẫn là con cúa con gái, vẫn là cháu ruột của mình.

Người xưa từng nói ‘Tiến về Nội, Thoái về Ngoại’. Khi vinh hiễn thì bên Nội hưởng, nhưng khi thất bại thì bên Ngoại cưu mang. Chuyện đời là vậy.


Hảy nghe các bản nhạc ca ngợi Bà Ngoại:
 
Về Quê Ngoại – tác giả nhạc sĩ Hàn Châu.
Mời nghe tâm sự của một chàng trai Bình Định, vì chiến tranh, phải chạy giặc lưu lạc tới tận Miền Tây, sau 20 năm biệt xứ, nay cùng người yêu trở về quê hương Bình Định, nơi có rừng dừa Bồng Sơn, có Sông Lại Giang, để thăm Bà Ngoại:
 
Anh xin mời em đi về miền Trung xa lắc lơ, nơi quê hương anh, có hàng dừa xanh, có ngàn câu hò thắm tình dân tộc.
Anh xin mời em đi về quê ngoại một lần thôi, nơi anh chào đời, ngoại ru bùi ngùi  “ôi cha chết rồi, con sống mồ côi”.
Qua bao ngày thơ khói lửa tràn lan, anh bỏ đi. Hơn hai mươi năm chẳng về làng xưa chắc ngoại đã già, tóc bạc da mồi. Ôi quên làm sao kỷ niệm êm đềm của tuổi thơ anh mê từng mùa cơn gió dật dờ ru anh giấc nồng thiêm thiếp vào mơ.
Đây là quê hương anh một giòng sông xanh nước chảy êm đềm. Đây là bà ngoại anh sống đời buồn tênh trên mảnh vườn hoang.  
Hôm nay anh về vun lại hàng cau cho ngoại ăn trầu ngoại sống dài lâuCho anh lấy lại tuổi thơ ban đầu đã mất từ lâu .
 
Và, hảy nghe bài Vọng cổ ‘Về Quê Ngoại
 
Dòng sông nào chảy giữa lòng tôi.
Như con sóng nôn nao thương về quê ngoại.
Lâu quá không về nên ngoại buồn ngoại lẫy.
Nặng gánh gia đình nên bỏ ngoại phải không con?
.......
Ngoại ơi con là đứa cháu mồ côi mà ngoại nuôi con khôn lớn,
từ buổi lên năm lên bảy tuổi đầu.
Từ đó ngoại cưng, ngoại yêu cháu mồ côi của ngoại,
con nhớ trong lòng không dễ gì quên.
....
 
Vậy mà ba tháng nửa năm con chưa về thăm ngoại một lần.
Thương là thương ngoại tuổi già lụm cụm,
như thân cò lặn lội giữa đồng khuya.
Lúc ra cầu ao là hố bom sâu,
khi qua ruộng bờ mương đứt nối.
Thương cháu có chồng xa trái bần chua
ngoại cũng gửi là ngoại muốn cho con đỡ nhớ quê nhà.
........
Ngoại ơi, dòng sông này gắn bó cả đời con,
bởi bóng nước in sâu dáng hình của ngoại.
Con như thấy dáng ngoại già bắt cá hái rau,
lòng thanh bạch trọn đời không thay đổi.
.....
Mai đây rồi ngoại già trăm tuổi,
để lại trong con một nỗi nhớ trên đời.
Ngoại già ở túp lều tranh
lâu chưa thăm viếng, chưa đành dạ con.
Nay về thăm ngoại ven sông,
run run gậy trúc ngoại ôm con ngậm ngùi.
 
Ôi, Bà Ngoại quá thân thương!
Ở Miền Nam, nhất là ở Miền Tây, thanh thiếu niên gặp những bà già quê mùa, lam lũ, trong chợ buôn bán hàng lẻ, hay ngoài đường đều xưng hô là “Ngoại”, chẳng hạn như “Ngoại bán gì đó?”, “Ngoại bán cho con cái này”, “Ngoại ăn gì chưa, con mua cho Ngoại” một cách thân thương, trân trọng. Tuy nhiên, khi gặp những bà già giàu sang, vì tự trọng để tránh tiếng “thấy sang bắt quàng làm họ”, nên chỉ gọi trỏng là ”” mà thôi.
 
Reading, 19/02/2025
 
Cước chú: Tất cả tài liệu được sưu tập từ Google