Một chuyến về thăm quê chồng
Cha má (1983)
MỘT CHUYẾN VỀ THĂM QUÊ CHỒNG
Nguyễn Thị Kim Thu
Trước 1975, năm nào anh Hồng cũng dẩn tôi về Nha Trang, Lạc Lợi hai lần, trong dịp hè và Tết âm lịch. Tôi vốn sinh ra và lớn lên ở vùng đồng bằng Sông Hậu, nơi mà sông nước mênh mông, ruộng đồng cò bay thẳng cánh, vườn tược xum xuê cây trái thơm ngon bốn mùa, phù sa bồi đắp quanh năm. Vì quê tôi không núi, không biển, nên tôi rất thích thú mỗi lần về quê chồng, nơi có biển xanh đẹp tuyệt vời, có cát trắng phau, với núi non hùng vỉ. Mỗi một chuyến đi, tôi đã khám phá thêm nhiều điều mới lạ ở quê chồng. Từ ngày chúng tôi lấy nhau năm 1971, tôi chưa hề làm dâu một ngày nào. Bởi vì, tôi về quê chồng chỉ tối đa 2 tuần lể mỗi lần, nên cha má cũng như anh chị em bên chồng đều chăm sóc chúng tôi, từ bửa ăn, giấc ngủ, dẩn đi chơi. Dỉ nhiên tôi có rất nhiều kỹ niệm vui đẹp, nhưng kỹ niệm sâu đậm nhất của tôi là chuyến về thăm Cha Má năm 1979.
Tháng 3/1979, tôi bắt đầu làm thủ tục hồ sơ “đoàn tụ gia đình” để dẩn hai con qua Anh quốc. Anh Hồng viết thư cho biết là chắc chắn được, và bảo tôi xắp xếp sẳn sàng ra đi. Tôi cũng viết thư dặn anh Hồng là đừng gởi tiền hay thuốc men để bán, vì tôi có thể bương chải cho tới ngày đi, để anh Hồng còn tiền lo mua vé máy bay và chuyện sinh sống cho mẹ con tôi khi đến Anh. Vào thời điểm đó tôi nghĩ rằng việc ra đi đoàn tụ gia đình ở nước ngoài coi như sẽ không có ngày trở lại quê hương. Tôi quyết định dẩn các con tôi về thăm Ông Bà Nội, Cô Bác lần chót, và phải đi sớm, vì biết sau này sẽ gặp nhiều thủ tục nhiêu khê, không có thì giờ về thăm được.
Tình hình năm 1979 rất khó khăn. Lương tháng của tôi ở Đại Học Cần Thơ không đủ để ba mẹ con sống đến mười ngày, mà cháu Thành thì bịnh hoạn liên miên. Cũng như mọi người thời đó, tôi cũng phải buôn bán kiếm ăn. Ban ngày đi làm thì tôi rảo tới các khu nông trại để mua lại các phiếu tem nhu yếu phẩm của các bác lao công, vì họ nghèo quá đâu có uống sửa, ăn đường, bột mì, bột ngọt, mang giày, vải vóc, v.v. Tôi mua gom tất cả, và 3 giờ sáng hôm sau, tôi chở ra chợ Cái Răng bán sỉ kiếm lời. Nhờ vậy mà ba mẹ con sống được qua ngày. Sau 1975, tôi cũng đã đưa hai con về thăm quê Nội hai lần, lúc đó cháu Mỹ Anh quá nhỏ còn phải bồng trên tay, tài chính còn khá, nên tôi dẩn một đứa em đi theo để giúp đở tôi. Nhưng với chuyến đi 1979 này, tôi không còn khả năng mua thêm một vé xe cho em tôi theo giúp đở. Ba Má tôi e ngại, bảo tôi ra gặp thử chị Lài, giảng dạy ở Đại Học Khoa Học, là vợ của anh Hàng An quê Thanh Minh, để rủ chị cùng đi về thăm quê chồng cho có bạn. Anh Hàng An lúc bấy giờ ở Mỹ, và chị Lài cũng chờ làm thủ tục xuất ngoại như tôi. Nhưng chị không đi, chị bảo là từ ngày lấy anh An năm 1970, chị chưa bao giờ về Nha Trang lần nào, mẹ chồng nhớ cháu nội thì vào Cần Thơ thăm. Thế là tôi dẩn hai con đi một mình. Để có đủ tiền, tôi bán TV, tủ lạnh. Bây giờ gia tài tôi chỉ còn lại chiếc Honda để đi làm và chở hàng làm kế sinh nhai, còn cái Cassette recorder và cái máy đánh chử tôi đã nhờ cô Huê đưa về anh Bốn và Năm từ trước.
Để chuẩn bị lên đường, má tôi làm cá-chà-bông, bỏ vào lon guigoz để cho các cháu ăn dọc đường. Mặc dầu em tôi Thu Hồng đang dạy học ở Sài Gòn, có nhà cửa khá tươm tất, nhưng tôi quyết định dẩn hai con đến ở nhà Cô Bảy Huê, đường Nguyễn Thiện Thuật, để chị em, cô cháu gặp nhau lần cuối. Tình cảnh Cô Huê còn bi đát hơn tôi, nhưng Cô đã dành khá nhiều đồ ăn cho ba mẹ con tôi, tôi nghĩ đó là những thức ăn dự trử cho nhiều ngày của gia đình cô, nên tôi chỉ ăn cầm chừng có lệ, chỉ cho các con tôi ăn đầy đủ để đi đường. Một đêm không ngủ, và tới 3 giờ khuya tôi dẩn con ra bến xe. Mua được 2 vé xe với giá chợ đen cắt cổ. Một đoạn đường chỉ 400 km, nhưng phải mất 18 giờ đồng hồ, vì bị công an lục soát xe cả chục lần dọc đường, rồi xe bị bể bánh. Cháu Thành ngồi một ghế, tôi bồng Mỹ Anh ngồi một ghế, đến khi tôi quá mỏi tay, thì để cháu ngồi ghế cháu Thành, còn cháu Thành thì đứng dựa vào tôi, cứ thế ba mẹ con thay phiên ngồi cho tới Nha Trang vào đúng nửa đêm. Ba mẹ con mệt lả và đói khát. Cũng may, Bốn lúc đó còn thức, chị Cúc và cháu Vũ đi buôn ở Phan Rang chưa về. Ba mẹ con vội quay ra ngủ, một giấc mê mệt.
Sáng sớm hôm sau, ba mẹ con về Lạc Lợi. Khi đến Thành, cháu Thành đòi đi xe ngựa, không chịu đi xe Lam. Chìu ý con, chúng tôi đi xe ngựa. Cháu Thành thích thú lắm, nhưng phần tôi đầy lo sợ, một tay ôm Mỹ Anh, một tay nắm cháu Thành, hai chân kẹp vào va li, vì xe chạy xốc lên xốc xuống. Tôi luôn chú ý tìm chợ Thanh Minh, để từ đó tôi có thể tìm đường về Lạc Lợi. Vì vậy, khi xe vừa quá chợ Thanh Minh, thấy bên trái có một lộ nhỏ, ba mẹ con xuống xe. Tôi bồng Mỹ Anh, tay kia xách vali. Cháu Thành xách giỏ quần áo và đồ ăn. Đi mải vào mà sao chẳng thấy cây giáng hương. Tôi bèn ghé vào một nhà để hỏi có phải đường này vào Lạc Lợi hay không. Bà chủ nhà nói “Cô phải lên một đổi nữa, chừng vài trăm thước, thì thấy con đường nhỏ, nhìn thấy có cây thật cao, thì đúng đường đó. Ủa, mà cô vào Lạc Lợi tìm ai vậy?” Tôi trả lời “Tôi là dâu của ông Thầy Mười ở Lạc Lợi, từ Sài Gòn về, không rành đường nên bị lạc”. Bà ta hỏi tiếp “như vậy cô là vợ của ai?”. “Dạ, tôi là dâu út”. Tôi cám ơn bà, và dẩn hai con trở ra đường, nghe văng vẳng lời bả nói với ai đó “Mấy con dâu của Thầy Mười đứa nào đứa nấy đều xinh đẹp quá, da trắng nỏn hà”.
Ba mẹ con nặng nề lê bước. Có đoạn đường vắng tôi thả cho Mỹ Anh đi bộ lủng đủng theo sau để tôi xách vali và giỏ đồ của cháu Thành. Khi vừa gần đến Miểu thì trời mưa như trút nước, ba mẹ con vội chạy vào một quán nhỏ bên đường tránh mưa, sau này Má nói đó là quán bà Thiều. Chờ cả mười phút mà thấy mưa không có cơ dứt hột, trong lúc chúng tôi đói lạnh, tôi quyết định ra đi dưới mưa, vừa đi vừa chạy, để về nhà cha má cho sớm.
Khi đến chổ cây me, tôi thấy má đang cầm chổi quét nước mưa ở hàng ba. Má nghe tiếng chân đi, vội đưa tay lên che mắt, nhìn ra hướng chúng tôi, nhưng không nhận ra ba mẹ con. Bấy giờ tôi mới nói vọng lớn “Tụi con ở Cần Thơ về đây má”. Má mừng hốt hoảng, nói vói vào trong “Ông ơi, mẹ con thằng Thành ở Càn Thơ về này ông”. Thế là cha má cùng chạy ra, mừng rở, xách va li, dẫn cháu Thành, bồng Mỹ Anh vào nhà. Ba mẹ con ướt như chuột lột, hai đứa nhỏ run cầm cập. Cha vội vàng đốt bếp lửa, má thay quần áo cho hai đứa nhỏ, dẩn lại gần bếp để cho ấm, cha dùng khăn hơ nóng ấp lên hai đứa nhỏ. Biết chúng tôi đói lả, má liền ra chuồng gà lượm mấy trứng đem luộc cho hai đứa nhỏ ăn tạm, má vội vàng nấu cơm, chạy ra vườn hái gì đó, rồi vào lục lọi trong tủ ăn. Chỉ trong vòng hơn nửa giờ, một buổi ăn đạm bạc đã xong xuôi, vì cha má đâu có biết trước để chuẩn bị. Mặc dầu đạm bạc, nhưng đối với ba mẹ con lại rất ngon, vì chúng tôi đói lả người. Trong bửa ăn, cha ngồi kế vuốt ve cháu Thành, còn má thì chăm sóc Mỹ Anh. Buổi chiều hôm đó trời tạnh mưa. Tôi thấy cha vào tủ thuốc, lấy tiền đưa cho má, sau đó má đi chợ Thanh Minh. Má đi thắm thoát, chỉ khoảng hai giờ sau là má xách một giỏ thức ăn, cá thịt về nhà. Cô Sương và Y Sa cũng vừa về tới. Chị em mừng rở, tay bắt mặt mừng. Tối hôm đó, vì biết chúng tôi mệt lả, cha má để chúng tôi ngủ sớm. Cha dắt cháu Thành lên ngủ với cha ở bộ ngựa, tay ông nựng cháu, và cháu ngủ ngon lành. Tôi và Mỹ Anh ngủ trên giường nhỏ, còn má và My Sa ngủ ở giường đối diện.
Chúng tôi ngủ một giấc ngon lành cho tới gần sáng. Khi nghe thấy tôi động đậy, thức dậy, cha má mới ngồi dậy. Cha má nói là đã thức từ lâu, nhưng ráng nằm thêm, sợ làm mất giấc ngủ của chúng tôi. Cha dậy, cặm cụi đun lửa bếp, nấu nước, pha trà, rồi hai ông bà ngồi ở ghế bàn độc nói chuyện với tôi. Cha má nói, hỏi đủ thứ, từ nổi khó nhọc ngày hôm qua, chuyện ở Cần Thơ, hỏi thăm về chuyện sum họp của chúng tôi, v.v. Cha dặn má mua thức ăn ngon cho ba mẹ con tôi. Chúng tôi đã thực sự sống những ngày rất hạnh phúc bên cha má, cô Sương và hai cháu Y Sa, My Sa.
Sáng nào cũng vậy, sau khi trà nước, nói chuyện với tôi, nựng cháu Thành, Mỹ Anh, cha xách chổi ra quét hiên, quét sân. Tôi vội vàng theo cha để quét, nhưng cha không cho, bảo còn sớm, sương còn nhiều, tôi không quen khí hậu sẽ bịnh. Sau đó, cha đi xách nước đầy hai lu, lóng phèn, xách nước đổ vào lu nước trong cầu tiêu. Xong rồi cha ra ngoài vườn, ôm một mớ củi khô vào bếp, và hỏi má có còn gì để giúp má nữa không. Bây giờ mặt trời đã lên cao, cha mới vào nhà, lên chổ tủ thuốc làm việc. Cha gọi cháu Thành vào chơi lẩn quẩn bên cha, cha cho hoặc miếng bánh hay cục đường phèn. Có lúc cha ra ngoài vườn, tưới cây, chăm sóc cây cối. Cha làm suốt ngày, lúc trong nhà, khi ngoài vườn, không ngơi nghỉ. Tới giờ nấu cơm, cha vào bếp nhúm lửa dùm cho má, rôi sau đó cha tiếp tục việc của cha. Tới chiều, cha lại quét sân. Bấy giờ cha mới cho tôi quét sân cùng cha, cho vui chứ thật sự tôi chả giúp được gì. Hai cha con trò chuyện thân mật. Sau cơm chiều, cha má nói chuyện với tôi, vuốt ve nựng các cháu, cho tới khi ngủ.
Má thì lúc nào cũng lo miếng ăn cho chúng tôi. Sáng sớm, má dậy chiên cơm, nấu cháo cho hai đứa nhỏ. Tôi thích cơm chiên của má. Còn món cá nục kho của má thì tuyệt vời. Ở Cần Thơ không có cá nục, mà má kho với một tí nước, cá mềm nhủn, nêm mắm muối, đường, vừa ngọt lịm, vừa măn mẳn, nên tôi thích lắm. Mỗi ngày má đều thay đổi món ăn, nay canh chua giá cá liệt, mai canh thập tàn, mốt cá thu, v.v. Tôi thấy má, xách rổ thoát ra vườn, khi vào thì thấy hoặc rau, hoặc trái mít, buồng chuối, v.v. Má dú chuối trong một lu bự, với một cây nhang cháy, cho mau chín. Rồi má ngâm gạo. Tôi hỏi má làm gì. Má nói trưa nay ăn bánh xèo. Thế là má xay gạo. Má làm rất gọn gàng, không mỏi tay. Tôi xin má xay thử, nhưng tay tôi xay không đều, gạo nước bay tung toé, chỉ vài phút là mệt nhừ. Ngược lại má làm gọn hơ, chốc lát là xay xong. Thế là buổi trưa có một buổi ăn bánh xèo ngon tuyệt. Hôm khác, thấy má lại quán bà Thiều, mang về đậu xanh và đường. Buổi xế có một nồi chè thơm rựng. Chiều nào má cũng đi chợ Thanh Minh, có khi tôi theo má. Má đi thoăn thoắc, tôi còn trẻ mà không đi theo má kịp. Gặp người quen má đều giới thiệu tôi là “vợ thằng Hồng ở Càn Thơ”. Má nói Càn Thơ chứ không Cần Thơ. Má chỉ hỏi là ba mẹ con tôi muốn ăn gì, rồi má chọn. Tôi dành trả tiền, má không cho. Tôi biết đây là thời buổi khó khăn nhất trong cuộc đời cha má, không còn ai đến hốt thuốc như ngày xưa, vì ai ai cũng quá nghèo khổ, bịnh hoạn chỉ dùng toàn lá rễ cây thuốc nam. Ruộng đất cũng đã hiến, không còn lợi tức nào. Cha má chỉ sống nhờ vào tiền dành dụm, dấu kín ở đâu đó trong nhà. Hàng ngày thấy cha dúi tiền cho má đi chợ để cho con dâu, cháu nội có những buổi ăn tươm tất, tôi thật đau lòng, cảm động, nhưng không biết làm gì hơn.
Trưa nào, tôi với Cô Sương cũng nằm chung ở dưới nhà kho kế bếp để nói chuyện. Cô đưa cho tôi xem quyển album của một thời vàng son của Cô và chú Hưng. Cô kể cho tôi nghe về những ngày cuối tháng Tư/75, cảnh chú Hưng đi cải tạo, v.v. Tôi chỉ biết an ủi, không làm gì được hơn. Vì cô Sương hể làm hết công tác ruộng giao phó thì có thể về nhà, nên có một lần tôi ra đồng giúp Cô Sương cho mau xong việc để buổi chiều rổi rảnh chị em nói chuyện. Tôi học ngành nông nghiệp, canh tác lúa là nghề của tôi mà. Hôm đó, cô Sương được phân công xịt thuốc diệt sâu. Tôi bèn xắn quần lội xuống ruộng, bao cặp mắt của các chị nông dân trố nhìn. Tôi mang bình xịt thuốc vào, chỉ cho Cô Sương cách xịt thuốc hiệu quả ở gốc thân lúa, mặt dưới lá lúa, và chọn hướng gió để thuốc không bay ngược vào mình. Các bà nông dân thấy lạ, bu sát chúng tôi để nhìn. Tôi vội trổ nghề, tìm một bụi lúa có triệu chứng “bạc đầu” (white head), nhổ lên, xé thân gốc để bắt con sâu đục thân (stem borer) để chỉ cho mọi người. Tôi cũng vạch gốc lúa để chỉ đám rầy nâu bu đen. Bấy giờ các chị nông dân có vẻ phục tôi, bèn hỏi cô Sương tôi là ai. Cô Sương có dịp giới thiệu “Đây là vợ của anh Hồng dạy nông nghiệp ở Cần Thơ mới về”.
Cháu Thành và Mỹ Anh, như chim sổ lồng, chạy nhảy đưổi bắt nhau cùng với Y Sa và My Sa suốt ngày. Tội nghiệp cho các con tôi, vắng cha, ở nhà ngoại, trước nhà là đường, sau nhà là sông, nên má tôi giử chúng cả ngày trong nhà. Nay được dịp nhà rộng vườn lớn nên tha hồ chạy nhảy. Vừa mới sáng sớm cháu Thành vội chạy ra sân, cha phải kêu vào vì sợ trúng sương nhiểm bịnh. Cha ôm lấy nó, đút cho một miếng bánh, cha rờ đầu, rờ cổ, rờ lưng, v.v. thằng nhỏ đơ mình chịu đựng chứ không dám nhúc nhích. Rồi cha dẩn nó vào nơi tủ thuốc. Trong khi cha làm việc thì nó chơi với cái bàn nghiền tán thuốc bằng sắt, nó thích thú lăn cái bánh sắt. Tôi sợ cha phiền lòng, bảo nó đừng phá thì cha bảo “cứ để cho nó chơi”. Một buổi sáng nó theo cha ra sân trước, nhìn cha trồng bông. Trong lúc cha ra vườn sau, thì nó nhổ từng cây bông cha vừa trồng xong lên xem gốc, rồi bỏ xuống. Tôi hoảng hồn la nó, vội vàng trồng lại thì cha ra. Cha chỉ nói “tổ cha nó”, rồi cha cặm cụi trồng lại, tưới nước. Sống ở Cần Thơ, cháu Thành quen với việc đi cầu tiêu cá tra. Về nhà cha má, mỗi lần đi cầu, nó lính quính không biết chổ nào. Má bảo cháu Y xách chiếc cuốc cùn đào cho nó một lổ. Có lẻ nó thích thú với lối đi cầu này. Một lần, cháu Y chạy vào mét tôi “Mợ ơi, anh Thành đòi đi cầu, con đào cho ảnh một lổ, ảnh ngồi xuống, rồi bảo con đi đào lổ khác, cứ vậy tới mấy lổ mà ảnh cũng không chịu đi cầu”. Cháu Mỹ Anh thì theo bà nội, chơi với My Sa. Một bửa, Mỹ Anh ngồi trên tam cấp, hát ví von bài hát học ở mẩu giáo “lên giây đồng hồ, nhớ má thấy mồ …”. Cháu My Sa bắt chước hát theo. Mỹ Anh khóc rống lên, bảo là bài hát của nó, My Sa không được hát. Cô Sương, thấy vậy dổ Mỹ Anh thôi khóc, bằng cách giả bộ đánh My Sa. Cháu My Sa tưởng là đánh thật, ấm ức khóc tức tưởi suốt buổi, tôi dổ dành cũng không nín. Cháu Mỹ Anh phá phách lắm. Ngồi chơi bên cửa nhà trên, cháu rờ những nhánh lá tre bằng sắt trên khung cửa, thuận tay gở rời mấy lá. Tôi hoảng hồn la nó, cha ra không nói gì, cha căm cụi tìm cách hàn gắn lại. Mấy ngày sau, cũng chính mấy lá tre bằng sắt này nó đi vấp phải, chảy máu làm ung độc, nó khóc suốt mấy ngày đêm cho tới khi về Cần Thơ mới lành.
Cuộc vui nào rồi cũng có lúc chấm dứt. Trong những ngày cuối cha má trở nên ít nói, đăm chiêu. Mỗi khi nhìn ba mẹ con tôi, mắt cha trở nên đo đỏ, ương ướt, cha hít mủi rối nhìn đi nơi khác. Tôi lặng lẻ nhìn cha ôm bé Thành, đôi khi mắt cha sưng đỏ. Tôi không dám nhìn cha lúc đó, bèn lánh đi nơi khác để hai ông cháu gần nhau. Má thì dấu được cảm xúc, má im lặng vuốt ve hai đứa. Tới giờ chia tay, Cha kêu tôi lại. Cha cầm đưa cho tôi một xấp tiền, bảo tôi lấy để chi phí dọc đường. Tôi không nở lấy, tôi nói với cha là tôi còn nhiều tiền, tôi trả lại cha. Nhưng cha vẫn ép, cuối cùng tôi chỉ nhận một tờ giấy bạc tượng trưng cho cha vui lòng, nói là để mua bánh cho hai đứa nhỏ dọc đường. Tôi vội vả xách va li, không dám nhìn lại cha, để tôi dấu đi giọt nước mắt. Má theo ba mẹ con tôi đi Nha Trang. Cô Sương bịn rịn đẩy chiếc xe đạp chở Mỹ Anh cho tới ngoài đường Thanh Minh.
Đi đến Chợ Thành, má bảo mẹ con tôi đứng chờ. Má rảo bước vào chợ mua một miếng thịt bò và bó cải để đải mẹ con tôi trước khi về Sài Gòn. Trong thời gian ngắn ngủi ở Nha Trang, ở nhà Bốn, tôi cũng cố đi thăm Cô Son Chú Kỳ, anh chị Ba, anh Năm Chị Lựu. Tôi nhớ Cô Son đã cho chúng tôi một bửa ăn có rất nhiều món nấu rất công phu. Chị Ba cũng dấm dúi cho ba mẹ con tôi một gói chuối khô lớn. Hình như kế sinh nhai của anh chị lúc ấy là nghề làm chuối khô. Ai ai cũng dành những ưu ái nhất cho mẹ con tôi. Vì đây là lần cuối gặp nhau. Tôi cũng rất cảm động về sự ưu ái của cháu Quang. Cháu cứ lẩn quẩn bên tôi và cháu Thành suốt ngày, hỏi tôi có cần gì cháu giúp không. Cũng nhờ cháu, mà tôi khỏi phải đứng xếp hàng nhiều giờ ngoài bến xe để mua vé về Sài Gòn, cháu làm việc đó. Vào buổi chiều, tôi thấy cháu Quang ngoắc bé Thành ra ngoài hiên. Tôi nhìn theo. Tôi thấy cháu rút tiền từ túi áo rồi nhét vào túi bé Thành, bảo bé Thành giữ lấy. Tôi vội chạy ra ngăn, không cho cháu Thành nhận tiền, nhưng cháu Quang năn nỉ, bảo là cho bé Thành để kỹ niệm, chứ mai mốt đâu còn gặp nữa. Tôi cảm động chỉ nhận chút ít đưa cho bé Thành, và trả lại cháu Quang số tiền còn lại. Tới bây giờ tôi vẫn không quên cử chỉ ưu ái của cháu Quang hôm đó.
Sau 28 năm, tôi mới có dịp trở về ngủ lại ở ngôi nhà cha má, trong dịp giổ họ vừa qua (28/10/2007). Bao nhiêu kỹ niệm êm đềm với cha má bừng sống dậy ở tôi. Đâu đâu, tôi cũng thấy thấp thoáng hình ảnh cha má của ngày ly biệt.
Vào buổi sáng sau ngày giổ họ, trời còn mờ sương, cây cỏ trong vườn tươi mát nhờ trận mưa của đêm qua, những đám rong rêu màu xanh đen trước sân nhà còn nhơn nhớt dứơi chân, anh chị em chúng tôi tập thể dục taichi, những lời nói đùa chọc ghẹo nhau trở thành tiếng cười dòn dả. Mặc dù mặt trời chưa lên cao, mà không khí thấy ấm áp lạ thường. Tôi bổng nghe tiếng chổi quét sau nhà, tôi chợt nghĩ đến cha. Rồi tôi thấy có bóng người mang giỏ thấp thoáng đi vào cổng, tôi chợt nhớ hình ảnh má đang xách giỏ đi chợ về. Nhưng không phải, sự thật đó là các hoạt động của nhân viên Memento trong buổi sáng sớm.
Anh chị em tôi phải rời Memento để đi thăm mộ cha má. Xe bắt đầu chạy, tiếng bánh xe nghiền lên sỏi đá nghe rào rạo, lòng tôi se thắt lại. Tôi chợt nhớ cha má trong giờ phút chia ly 28 năm trước. Rồi tôi ngầm nhìn anh Bốn, anh Năm, anh Hồng, cô Son, tự nhiên tôi nảy ra một ý nghĩ rất ngộ. Không, cha má đâu có mất, ngôi nhà cha má vẫn còn kia, và huyết thống cha má vẫn còn đang tiếp tục chảy trong các người con của cha má.
Reading, 12/1/2008
Nguyễn Thị Kim Thu.