DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Tổ chức tiệc mừng sinh nhật trẻ thơ ở Anh



TỔ CHỨC TIỆC MỪNG SINH NHẬT TRẺ THƠ Ở ANH
Nguyễn Thị Kim-Thu

“Tên cướp biển” Adam
 
Ngày sinh nhật là ngày quan trọng đối với mỗi cá nhân trong văn hóa phương Tây, cũng như ngày chết quan trọng trong văn hóa Việt Nam. Vì vậy, tổ chức mừng sinh nhật cho con cái là bổn phận của cha mẹ, quan trọng tương tự như tổ chúc cúng giỗ cha mẹ ở Việt Nam của bậc làm con.
Trong nền văn hóa phương Tây, cũng như được luật pháp ấn định, trẻ con được cha mẹ chăm sóc nuôi nấng giáo dục rất kỹ lưỡng từ lúc mới sanh đến 16 tuổi. Sau tuổi này, bậc cha mẹ trên mặt tinh thần hay luật pháp có thể phủi tay, không còn trách nhiệm về con cái của mình. Đứa con phải tự lập là chính.
Vì vậy tôi rất ngạc nhiên là bậc cha mẹ ở Anh rất tốn kém tiền bạc, đôi khi phung phí, nhất là quần áo, đồ chơi và giải trí cho trẻ thơ, nhưng sau 16 tuổi cha mẹ lại không giúp con cái học cao hơn, hay xây dựng sự nghiệp cho con sau này.
Khai thác tâm lý làm thỏa mãn ham thích của trẻ thơ là một dịch vụ thương mại rất quan trọng. Như chồng tôi đã đề cập trong một bài trước “Kỹ nghệ khai thác tính đam mê của trẻ thơ” về quần áo, đồ chơi, v.v.., hôm nay tôi trình bày về dịch vụ tổ chức mừng sinh nhật cho tuổi thơ. Nhờ các cháu ngoại, tôi mới được biết thêm về dịch vụ này.
Từ lúc biết bò, ngoài việc cha mẹ tổ chức sinh nhật cho con ở nhà, nhà trẻ cũng tổ chức sinh nhật cho mỗi đứa. Trẻ con trong nhà trẻ được phân loại theo tuổi, vì vậy ngày sinh nhật cách nhau rất gần, tối đa là 6 tháng cho mỗi lớp 10-15 cháu, vì vậy coi như là tuần nào cũng có tổ chức sinh nhật cho cháu này hay cháu khác. Rồi với thời gian, các cháu nhỏ hiểu lần tầm quan trọng của sinh nhật. Thế là các cháu đòi cha mẹ tổ chức mừng sinh nhật với đông đủ bạn bè của chúng. Để không mất thì giờ, cha mẹ thường nhờ các dịch vụ chuyên nghiệp tổ chức mừng sinh nhật cho con mình. Tiền bạc là chuyện nhỏ.
Vì vậy, tùy theo khả năng tài chánh, cha mẹ phone đến cơ quan dịch vụ để đặt ngày giờ tổ chức, số trẻ em tham dự, và chương trình như thế nào. Trẻ con là vua, là nữ hoàng mà! Mà phải đặt hàng trước cả tháng hay hơn, vì sợ không còn chỗ.
Dịch vụ này thì nhiều lắm, từ nghèo cho tới giàu sang, tiền nào của nấy!
Cháu ngoại Adam của tôi lên 5 tuổi. Từ mấy tháng trước, cháu đã vòi vĩnh cha mẹ là phải tổ chức sinh nhật cho cháu phải y hệt hay hơn các bạn đồng lớp mà cháu đã tham dự. Mà đây là trường của dân nhà giàu, nội học phí mỗi cháu trên 16 ngàn đô Mỹ/năm. Cháu nào cũng muốn hơn bạn mình. Và cháu được toại nguyện.

Một góc phòng giải trí, nơi cha mẹ giám sát con cái vui đùa
Con gái và rể tôi chọn một trung tâm giải trí trẻ thơ bên trong nhà (indoor) kiêm dịch vụ tổ chức sinh nhật, mang tên “Kids in Action”. Đây là một nhà giải trí đồ sộ thuộc loại lớn nhất Reading, gồm sàn chơi trong nhà ở tầng dưới (không phải ngoài vườn hay sân) với diện tích 1500 mét vuông, chia làm 2 khu vực, một khu dành cho trẻ em từ 1 tháng đến 5 tuổi, và khu dành từ 5 tuổi trở lên. Phòng giải trí có cầu trượt, cầu quay, mạng lưới leo trèo lên cao, lái xe hơi chạy vòng vòng, chạy nhảy, màng ảnh TV lớn xem phim có tính giáo dục, máy trò chơi, v.v.
Trên lầu là 10 phòng lớn để tổ chức mừng sinh nhật. Mỗi phòng là một đề tài (theme), như “tên cướp biển” (Pyrates), “anh hùng” (Superhero), “Công chúa và hoàng tử” (Princesses & Princes), “Dưới biển sâu” (Under the Sea”, “bóng đá” (Football), v.v. Phòng có đề tài nào thì trang trí theo nội dung của đề tài đó, từ hình ảnh, hình vẻ trên tường, cho tới các tượng, bàn ăn, khăn bàn, chén bát, muỗng đĩa cũng phải phù hợp với nội dung đề tài.
 

Lái xe chạy vòng vòng trong khu giải trí trước giờ tiệc

 
Trò chơi năng động trước giờ tiệc
Cháu tôi chọn đề tài “tên cướp biển”. Phòng tiệc của cháu được trang trí khung cảnh một đảo trên biển của vùng nhiệt đới, với chiếc thuyền buồm treo cờ sọ người với 2 xương cánh tay chéo nhau, tên cướp biển bịt một mắt, mang súng lục bên hong và mã tấu cầm tay, với đoàn thủy thủ mặt mày dữ tợn. Cướp biển dĩ nhiên là phải có một hộp kho tàng (treasure box). Vì tổ chức sinh nhật cho cháu, nên Adam được cải trang thành tên hải tặc, với bộ đồ quần áo, giầy, vớ, mũ, bịt một mắt, tay giả có khìu móc, súng và mã tấu. Còn các bạn của cháu, nếu muốn, cũng được cải trang như vậy, nhưng cha mẹ phải trả tiền phục vụ này. Trong phòng tiệc, người phục vụ cũng ăn mặc theo lối hải tặc. Bánh sinh nhật cũng có dấu hiệu hải tặc. Bàn ăn, khăn bàn, khăn giấy cho mỗi cháu, ly uống, chén đĩa, v.v. đều có dấu hiệu hải tặc.
 

Bốn bức tường chung quanh phòng là hình vẻ thuyền buồm hải tặc. Còn trên bàn tiệc thấy có dao kiếm, mủ và bàn tay hải tặc có móc. Một bạn của cháu cũng mặc bộ áo hải tặc.
 

Cháu tôi trong bộ đồ hải tặc. Cháu không đội mũ và mang băng bịt một mắt hải tặc.
 
Tổ chức một buổi tiệc như vậy kéo dài 2 giờ. Khoảng 1 giờ rưởi là dành cho các cháu vui đùa ở khu giải trí dưới lầu. Sau đó, các cháu được dẫn lên phòng tiệc để làm lể mừng sinh nhật, kéo dài 30-45 phút. Các cháu ngồi vào bàn tiệc và được các nhân viên phục vụ. Cha mẹ ngồi xem ở bục cao đằng sau.


Cô phục vụ cũng ăn mặc hải tặc. Trên bàn tiệc mọi thứ cũng có dấu hiệu hải tặc, từ khăn bàn, khăn ăn, chén bát, dao, nĩa và ly uống.
Buổi tiệc chấm dứt, trước khi ra về, nhân viên phục vụ trao cho mỗi cháu tham dự một gói quà gồm bánh sinh nhật và đồ chơi có mang dấu hiệu của nhà dịch vụ, để quảng cáo cho buổi tiệc kỳ tới.
Công ty dịch vụ nhận tổ chức tối thiểu cho 10 cháu và tối đa 20 cháu cho mỗi phòng, và với giá 15 Anh Kim (khoảng 23 đô la Mỹ) mỗi cháu. Và một buổi tiệc với tổng cộng 15 cháu như của cháu Adam, cha mẹ phải trả khoảng 7 triệu đồng Việt Nam trong 2 giờ. Đúng là tư bản trên đà giãy chết.
Cháu Adam chọn đề tài “tên cướp biển” làm tôi chợt nhớ đến kỹ niệm bị cán bộ ngoại giao mắng tôi cách đây 34 năm mà tôi đã kể trong bài “Đặt tên con”. Tôi bị mắng vì cái tên “Mỹ Anh”, là mẹ của hai cháu bây giờ, lúc đó mới 4 tuổi. Trong ngày hẹn ở văn phòng thuộc Bộ Ngoại Giao tại Sài Gòn, tôi dẫn hai con đến phỏng vấn làm thủ tục visa trước khi được phép lên máy bay đoàn tụ với chồng.
Tại văn phòng làm thủ tục, đến lượt, tôi dắt hai con đi theo cùng với nhiều giấy tờ chứng minh và hình ảnh nhận dạng tôi và hai con thật rõ ràng. Ông nhân viên, qua hình dạng khuôn mặt khắc khổ, với lưỡng quyền cao, má hóp, miệng hô chu ra, giọng nói khó nghe, đứng gần tỏa mùi thuốc Lào nồng nặc, tôi càng thêm sợ. Ông chăm chú đọc từng hồ sơ, nhìn ảnh, rồi nhìn chúng tôi chòng chọc, rồi lật lại hồ sơ đọc một cách thong thả, như đang tìm một vết sơ hở nào trong hồ sơ.
Cuối cùng, ông ngẩng mặt nhìn tôi, rồi nhìn đứa con gái mới 4 tuổi đang đứng nép vào mình tôi vì cháu sợ người lạ. Ông nhìn vào mặt tôi rồi gằn giọng nói “Chị còn bản chất Ngụy nhiều quá. Bộ chị không biết Mỹ là thằng đế quốc xâm lược đầu sỏ, còn Anh là thằng đế quốc “cướp biển", mà chị còn đặt ghép 2 tên đó cho con”. Thật là bất ngờ, tôi chưa bao giờ tiên đoán điều này sẽ xảy ra, tôi sửng sốt, vội vàng kéo mái tóc dài che dấu một phần mặt rồi nói “Thưa ông, ông Nội cháu đặt tên chứ không phải tôi”. Tôi chỉ nói được có thế, rồi cuối mặt dấu giọt nước mắt và nỗi ấm ức của mình. Cuối cùng ông xếp hồ sơ lại rồi nói thêm: “Nếu có sanh thêm con, nhớ cẩn thận lựa tên để đặt cho con nhé! Thôi được dzồi”. Thật hú vía.
Kỹ niệm đó ám ảnh tôi cho tới ngày nay. Và tôi cứ thắc mắc là tại sao cháu ngoại mới 5 tuổi lại chọn đề tài này đễ ăn mừng sinh nhật.
 
Reading, 5/2013
Nguyễn Thị Kim-Thu