Chuyện xưa nay mới kể
30/12/2022CHUYỆN XƯA NAY MỚI KỂ
Nguyễn Thị Kim-Thu
Người xưa thường nói “Nơi chôn nhau cắt rún (hay rốn)” để ám chỉ nơi sinh ra mình, quê hương gắn bó từ thuở ra đời. Khi đứa bé vừa được sinh ra, hai việc bà mụ phải làm tức khắc là cắt cuống “rún” (umbilical cord), ra khỏi cái “nhau” (placenta), sau đó đứa bé mới cất tiếng khóc chào đời.
Đa số trẻ sơ sinh bắt đầu thở và khóc trong vòng vài giây đồng hồ sau khi sinh ra.
Sau khi sinh ra, bà mụ tức khắc kẹp dây rún (umbilical cord) và cắt.
Cái nhau (placenta) là bộ phận bao bọc thai nhi, cung cấp oxy, chất dinh dưỡng nuôi thai nhi lớn dần, giúp bài tiết chất dơ thừa trong máu thai nhi. Cái nhau bám vào thành tử cung và dây rún phát xuất từ đó (Hình 1).
Cha mẹ có thể xin bác sĩ/bà mụ mang cái nhau về nhà. Theo văn hóa Á đông (ngày xưa), cái nhau được đem chôn ở nơi đặc biệt.
Phần cuống rún trên bụng em bé, dài khoảng 2-3cm, khô dần và cuối cùng rụng đi thường trong vòng một đến ba tuần sau khi sinh, để lại lổ rún (belly button).
Chồng tôi gốc Nha Trang của Miền Trung. Theo tập tục truyền thống bao đời của gia đình bên chồng, để đứa bé thông minh học hành đỗ đạt, cái nhau phải được chôn ở một vị trí có phong thủy tốt. Cái nhau được đặt trong một cái nồi nhỏ (nồi gọ) bằng đất nung, có nắp đậy, dùng đất sét gằng quanh nấp thật kín, và đem chôn ở nơi gò cao (không bị ngập nước), không có cây cao che phủ, nơi có nhận đầy đủ ánh sáng mặt trời suốt ngày. Khi tôi về quê chồng, má chồng tôi chỉ cho tôi thấy nơi cái nhau của chồng tôi được chôn, và bà nói “nhờ chôn ở chỗ này mà nó học hành thông minh, thi đâu đậu đó mà lại đậu cao”. Bà khiêm tốn không nói chồng tôi được di truyền “gene” tốt từ hai bên nội ngoại nổi tiếng đỗ đạt từ bao đời.
Vì vậy, khi tôi sinh ra cháu Khoa, chồng tôi xin bác sĩ lấy nhau cháu mang về nhà, cho vào một nồi đất nung có nấp kín, y như cha mẹ chồng tôi làm. Chồng tôi đem chôn trong khu đất Đại Học Cần Thơ (Khu 1), bên cạnh văn phòng làm việc của chồng tôi.
Đến khi tôi sinh cháu Mỹ-Anh, chồng tôi đang học ở Anh Quốc, nên Ba tôi làm y như chồng tôi, cái nhau của Mỹ-Anh được chôn tại một gò đất cao trong Khu II Đại Học Cần Thơ, trên bờ sông, nơi thật quang đảng, nhận ánh nắng mặt trời suốt ngày. Cũng như má chồng tôi đã nói ở trên, nhờ vậy mà hai đứa con của tôi, Khoa và Mỹ-Anh, học hành đỗ đạt cao.
Hình như ở Miền Nam không có tục chọn nơi chôn “nhau” theo phong thủy. Ngược lại, Má tôi thì giữ rún khô của các chị em tôi chung trong một hộp kín, mục đích là để “chị em thương yêu đùm bọc lẫn nhau suốt đời dầu sau này mỗi đứa có gia đình riêng”. Cũng vậy, Má tôi giữ hai rún khô của Khoa và Mỹ-Anh cùng trong một hộp, và tôi mang theo qua Anh khi đoàn tụ gia đình. Hiện giờ, Mỹ-Anh giữ cái hộp này. Có lẻ nhờ vậy mà hai anh em rất thương mến nhau.
Mời quý thân hữu xem hình ảnh hai anh em Khoa và Mỹ-Anh quấn quít bên nhau từ nhỏ đến bây giờ.
Hình 1. Sơ đồ thai nhi (Fetus) vài giờ trước khi sanh, chui qua cổ tử cung (Cervix). Trong sơ đồ này, cái nhau (Placenta) bao bọc thai nhi, dính vào thành tử cung (Uterus) và dây rún (umbilical cord) phát xuất từ đó.
Hình 2. Cháu Khoa ( 3 tuổi) thương em Mỹ-Anh khi vừa chào đời
Hai anh em chơi cầu lông
Mỹ-Anh có cúp trophy
Mỹ-Anh đi thăm khi Khoa học ở Manchester
Mỹ-Anh đi thăm Khoa ở Paris
Xmas 2022