Tản mạn về kim cương
TẢN MẠN VỀ KIM-CƯƠNG Nguyễn Thị Kim-Thu
Trong suốt 4 ngày, từ Thứ Bảy 2/6 đến Thứ Ba 5/6/2012, công dân Anh trên khắp thế giới, cũng như một số công dân các nước thuộc Liên Hiệp Anh (Commonwealth) như Australia, New Zealand, Canada, Jamaica, Barbados, v.v. chào mừng lễ hội Diamond Jubilee của Nữ Hoàng Elizabeth II, đánh dấu 60 năm ngày lên ngôi nữ hoàng. Đúng ra, Nữ Hoàng Elizabeth II lên ngôi ngày 6/2/1952, và ngày lễ đăng quang chánh thức là 2/6/1953. Để đánh dấu kỹ niệm những biến cố quan trọng của đời người, như hôn nhân, lên ngôi, con người dùng vật quý làm mốc cho thời gian dài của một phần thế kỷ (100 năm). Trước nhất là Bạc (Silver anniversary) đánh dấu cho 25 năm, tức ¼ thế kỷ. Tiếp theo là Vàng (Golden anniversary) cho thời gian 50 năm hay nửa thế kỷ. Cho 75 năm, dùng Kim-cương (Diamond anniversary) làm mốc ¾ thế kỷ. Tuy nhiên, Diamond Jubilee của Nữ Hoàng Anh làm trụ mốc cho thời gian 60 năm trị vì, chứ không phải 75 năm. Lý do bắt nguồn từ thời Nữ Hoàng Victoria. Trong thời đại Nữ Hoàng Victoria (lên ngôi ngày 20/6/1837 và mất ngày 22/1/1901), nước Anh trải qua nhiều biến động chính trị nhất là sau khi chồng bà, tức Hoàng Tử Albert, mất năm 1861. Nữ Hoàng Victoria quyết định cử hành Diamond Jubilee sớm hơn, vào năm 1897, tức 60 năm lên ngôi, thay vì 75 năm như đúng mốc thời gian của kim-cương. Kể từ đó, Diamond Jubilee đánh dấu mốc 60 năm trị vì. Tuy nhiên, trong hôn nhân, Diamond anniversary vẫn giữ 75 năm. Lể kỷ niệm lên ngôi 25 năm Silver Jubilee của nữ hoàng Elizabeth II cử hành vào đầu tháng 6/1977 với hai ngày cao điểm là Thứ Hai (6/6/1977) và Thứ Ba (7/6/1977). Lể kỷ niệm lên ngôi 50 năm Golden Jubilee cử hành trọng thể từ 1/6 đến 4/6/2002. Lể kỷ niệm 60 năm lên ngôi Diamond Jubilee cử hành từ ngày 2/6 đến 5/6/2012. Như vậy, nếu Nữ Hoàng Elizabeth II tiếp tục trị vì cho tới năm thứ 75, tức ngày 6/2/2027, công dân Anh sẽ cử hành Platinum Jubilee vào đầu tháng 6/2027, vào năm này, Nữ Hoàng 101 tuổi. Nữ hoàng sinh ngày 21/4/1926, nhưng toàn dân ăn mừng sinh nhật vào ngày Thứ Bảy đầu tháng 6 mỗi năm. Trong hôn nhân, để đánh dấu thời gian chung sống, các vật dụng sau đây dùng làm mốc thời gian: 5 năm: Gỗ (wood) 10 năm: Thiếc hay nhôm (Tin, Aluminium) 15 năm: Pha lê (crystal) 20 năm: Đồ sứ (China) 25 năm: Bạc (Silver) 30 năm: Ngọc trai (Pearl) 40 năm: Hồng ngọc (Ruby) 50 năm: Vàng (Golden) 60 năm: Hột Xoàn, Kim-cương (Diamond) 70 năm hay 75 năm: Platinum (nước Anh) 75 năm: Diamond & Gold 80 năm: Gỗ cây Sồi (Oak) (Ở nước Anh)
Như vậy, gỗ Sồi quý nhất trong việc ghi mốc thời gian cho biến cố đời người, mới tới Kim-cương (hột xoàn), Platinum và Vàng. Tại sao vậy, thú thật tôi không hiểu. Phải chăng, gỗ Sồi cũng là vật liệu quý đóng “hòm” (quan tài) để kết thúc một đời người. Bắt đầu bằng gỗ (5 năm) và kết thúc cũng bằng gỗ (80 năm). Phải chăng đó là triết lý thâm sâu của dân Anh ? Cát bụi trở về cát bụi. Kim-cương, hay ngọc, là loại đá quý (precious stone), hiếm có, rất khó tìm. Loại đá quý dùng làm nữ trang gọi là “gemstones”, thường trong suốt hay có màu sắc như hồng-ngọc (ruby), lam-ngọc (sapphire) và ngọc-bích (emerald). Riêng kim-cương thì không có màu, trong suốt, và lóng lánh do phản xạ ánh sáng.
Tinh thể kim-cương 10 mặt trong khối đá
Kim-cương, diamond bắt nguồn từ tiếng cỗ Hy Lạp “adámas”, có nghĩa là “không vỡ bể được” (unbreakable). Kim-cương, graphite, viết chì, than đá, và than bếp có cùng một cấu tạo căn bản, đó là Carbon (C). Cùng cấu tạo bởi nguyên tử C, nhưng tính chất cũng như giá trị của các thứ này lại hoàn toàn khác biệt. Kim-cương được tạo thành ở trong lòng trái đất, ở độ sâu từ 140 đến 190 km, tức nơi có nhiệt độ rất nóng và áp suất rất cao. Các nguyên tử C chứa trong khoáng chất ở độ sâu này được tích tụ, tinh thể lớn dần qua thời gian từ 1 tỉ đến 3,3 tỉ năm để thành viên kim-cương. Kim-cương từ trong lòng đất theo dung nham núi lửa đưa lên mặt đất. Than củi cũng được cấu tạo bởi C trong lò than với nhiệt độ vài trăm độ, ở áp suất cao hơn bình thường chút đỉnh và chỉ trong thời gian 1-2 ngày. Được thành lập trong điều kiện nhiệt độ và áp suất rất cao, qua thời gian gần bằng tuổi của trái đất (25% đến 75% tuổi trái đất 4,5 tỉ năm), nguyên tử C được sắp xếp thành khối tinh-thể có nhiều mặt. Vì nguyên tử C kết nối rất chặt, nên kim-cương rắn chắc nhất và dẫn nhiệt tốt nhất so với các kim loại khác. Vì rắn chắc và sắc bén nhất, nên lưỡi dao kim cương dùng cắt và mài giũa kim loại, máy tiện, và vi phẫu thuật. Cũng vì đặc tính rắn chắc, kim-cương được dùng tạo áp suất khổng lồ có thể tới 3 triệu atmospheres (300 gigapascals) với máy ép DAC (Diamond anvil cell). Kim-cương cũng có thể làm vật liệu bán dẫn cho microchips và dẫn nhiệt trong ngành điện tử. Ngoài các công dụng trong kỹ nghệ nói trên, kim-cương được biết nhiều nhất trong lãnh vực kim hoàn, hột xoàn. Từ tinh thể tự nhiên tiềm ẩn trong đá, phải phá vở khối đá để tìm kim-cương, và trong kỹ nghệ biến chế hột-xoàn, người ta cắt khối kim-cương thành nhiều mặt, mài, đánh bóng, tạo phản xạ ánh sáng thành quang phổ lấp lánh muôn màu. Hột xoàn được phân loại theo 4 tính chất, bắt đầu bằng 4 chữ C (4Cs): Carats (kích thước); Cut (cách cắt thành nhiều mặt), Color (màu sắc, độ lấp lánh) và Clarity (độ tinh tuyền, không có hoặc ít bọt, than). Giá trị hột xoàn tùy thuộc vào 4 tính chất trên, và càng hiếm thì càng có giá trị cao Kim-cương lớn nhất là Cullinan nặng 3.106,75 carats (tức 621,35 g). Sau khi cắt thành 9 hột xoàn lớn và 96 hột xoàn nhỏ, mài, đánh bóng, hột xoàn lớn nhất là Cullinan I (hay Great Star of Africa) nặng 530,4 carats (106,1 g), và Cullinan II (hay Lesser Star of Africa) nặng 317,4 carats (63,5g), đứng hàng thứ tư trên thế giới. Cả hai hột xoàn này thuộc hoàng gia Anh. Hột xoàn Golden Jubilee diamond lớn nhất thế giới với 545,67 carats (109,13 g) cũng thuộc hoàng gia Anh. Hoàng gia Anh được cho là sở hữu chủ của nhiều kim-cương, hột xoàn lớn và quý nhất thế giới. Điều đó không ngạc nhiên, vì đế quốc Anh có một thời gian lịch sử lâu dài chiếm phần lớn thế giới, từ Phi Châu, Nam Á Châu, Úc Châu, đến Bắc Mỹ: “Mặt trời không bao giờ lặn trên đế quốc Anh”.
Hột xoàn Cullinan I gắn trên vương miện hoàng gia Anh
Trung Hoa cũng nỗi tiếng về “Ngọc Tỷ Truyền Quốc”. Lịch sử Tàu kể rằng Tần Thủy Hoàng sau khi diệt được 6 nước và thống nhất toàn bộ Trung Quốc (221 trước tây lịch), quy định rằng "tỷ” là từ dành riêng để gọi ấn của hoàng đế, và được chế và khắc trên ngọc, "ngọc tỷ". Còn ấn của quan văn, võ thì được chế bằng đồng. Để chứng tỏ quyền uy tối cao của mình, Tần Thủy Hoàng ra lệnh cho người thợ ngọc tên Tôn Thọ dùng một loại ngọc quý nổi danh thời đó là loại ngọc họ Hòa, để tạo cho ông một "ngọc tỷ" làm bảo vật truyền quốc, gọi là "Ngọc tỷ truyền quốc". Ngọc họ Hòa là báu vật truyền từ thời Xuân Thu ở nước Sở. Đến khi vua Tần diệt nước Sở thì nắm được ngọc họ Hòa. Tôn Thọ chế ra ngọc tỷ vuông vức bốn tấc, phía trên khắc hình con rồng cuộn khúc, tinh xảo khéo léo, phía dưới khắc tám chữ triện: “Thụ mệnh vu thiên, ký thọ vĩnh xương”, có nghĩa là “Nhận mệnh trời ban, tồn tại mãi mãi”. Từ đó, "Ngọc tỷ truyền quốc" trở thành vật tượng trưng ngôi vị hoàng đế. Ai làm chủ được “Ngọc Tỷ Truyền Quốc” là như được trời ban quyền hoàng đế cai trị muôn dân. Các vua mới lên ngôi, dù chính thống hay tiếm quyền, đều cố tìm cách chiếm hữu ngọc tỷ để chứng minh tính cách thần thánh của mình, vì mình là người "được mệnh làm vua do trời ban". Khi Lưu Bang nhà Hán tiến quân vào Hàm Dương, vua Tần Tử Anh trao Ngọc Tỷ truyền quốc để xin hàng. Về sau, Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán, ép Hoàng hậu trao ngọc tỷ cho mình, nhưng hoàng hậu từ chối, ném mạnh xuống đất nên ngọc tỷ sứt bể một góc. Về sau, Vương Mãng bị quân khởi nghĩa giết chết, ngọc tỷ chuyền tay nhau qua nhiều người, và cuối cùng được Lưu Tử chiếm hữu lập nhà Đông Hán. Cuối thời Đông Hán, Đổng Trác thao túng triều đình. Tôn Kiên đem quân vào kinh đô Lạc Dương, Đổng Trác bỏ chạy. Tôn Kiên lấy được ngọc tỷ. Tôn Kiên nghe lời Viên Thuật đem quân tiến đánh Kinh Châu của Lưu Biểu, bị tử trận. Con Tôn Kiên là Tôn Sách phải nương nhờ Viên Thuật. Thuật bèn cướp đoạt ngọc tỷ rồi xưng đế. Viên Thuật bị Tào Tháo và Lã Bố đánh bại. Thủ hạ của Thuật là Từ Lục đem ngọc tỷ truyền quốc dâng cho Tào Tháo. Tào Tháo tuy nắm được ngọc tỷ nhưng sợ mang tiếng cướp ngôi nhà Hán nên chỉ xưng vương. Năm 220, con Tào Tháo là Tào Phi lên thay cha, phế vua Hiến Đế lập ra nhà Tào Ngụy, ngọc tỷ truyền quốc chính thức thuộc về họ Tào. Năm 265, Tư Mã Viêm ép vua Ngụy là Tào Hoán phải nhường ngôi, lập ra nhà Tấn, ngọc tỷ lại rơi vào tay dòng họ Tư Mã. Nhà Tấn diệt vong, ngọc tỷ lần lượt qua các triều đại Hán Triệu (Hung Nô), rồi Hậu Triệu, Nhiễm Ngụy, Đông Tấn, Lưu Tống, Nam Tề, Lương, Trần, Tùy, Đường, Hậu Lương, Tống, Kim, Nguyên (Mông Cổ), cuối cùng là nhà Thanh. Ngọc tỷ truyền quốc truyền đến vua cuối cùng nhà Thanh là Phổ Nghi. Sau Cách mạng Tân Hợi (1911), Phổ Nghi bị phế, ngọc tỷ đưa vào Bảo Tàng Cố cung. Như vậy “Ngọc Tỷ Truyền Quốc” của Tàu truyền tay qua nhiều triều đại trong suốt 2134 năm. Mặc dầu được tin tưởng hễ làm chủ được ngọc tỷ là làm vua muôn đời, sự thật không có triều đại Trung Hoa nào vĩnh viễn. Có sinh có tử. Đó là lẽ tự nhiên. Kim-cương, ngọc quý, tiềm ẩn trong đá, khó thấy được. Vì vậy, có câu “bỏ kim-cương ra, nhặt sạn đá thay vào” để ám chỉ những kẻ u mê không thấy được người tài giỏi để dùng, mà chỉ dùng người xua nịnh. Cũng cùng cấu tạo bởi nguyên tử Carbon, nhưng kim-cương có giá trị khác xa với cục than. Cũng giống như con người, cũng xương thịt cũng máu đỏ, nhưng người có “chất xám” thì ai cũng quý trọng hơn kẽ phàm phu. Ngọc chỉ đẹp, rạng rỡ, khi được thợ kim hoàn tinh xảo mài giũa tinh vi. Con người, cũng vậy, phải học hỏi lâu dài mới thành người tài giỏi. Ngọc kia chẳng giũa chẳng mài
Cũng thành vô dụng, cũng hoài ngọc đi
Reading, viết vào ngày lễ Diamond Jubilee nữ hoàng Anh, tháng 6/2012 |