Những ngày thơ ấu - Phần 1
25/11/2023Hồi ký: NHỮNG NGÀY THƠ ẤU
Phần 1. Vườn cây nhà tôi
Trần-Đăng Hồng
Hàng tuần, cứ mỗi chiều thứ sáu, sau khi đi học về, tôi đạp xe đạp từ Nha Trang về nhà quê ở Lạc Lợi. Đoạn đường dài khoảng chừng 15-17 cây số, chỉ khoảng một giờ đạp xe. Và chiều chủ nhật, tôi đạp xe trở lại Nha Trang với một bị đầy gạo và trái cây cho anh em ăn nguyên tuần.
Vườn nhà tôi lớn lắm, có đủ loại trái cây, nên quanh năm đều có trái để ăn.
Tôi đã đề cập các loại cây và vị trí của chúng trong bài “Vườn Cây Ngày Xưa” vừa đăng cách đây vài ngày.
Như một thói quen, mỗi chiều thứ sáu, con chó Gòn ngồi chờ tôi về, khi thấy tôi tới Ngã Ba đầu ngỏ thì chạy tới quấn quít mừng tôi. Và trong suốt thời gian tôi ở nhà quê lúc nào nó cũng bên cạnh tôi, đi đâu nó cũng đi theo, ngồi nghỉ trưa tại trường kỷ, nó nằm dưới chân tôi, tôi lấy chân chà xát lên thân mình nó thì nó khoái lắm. Và tới chiều chủ nhật khi tôi đèo bị gạo và trái cây lên đường đi Nha Trang thì nó lẻo đẽo theo tôi ra tới Cây Giáng Hương, chờ tôi đi khuất nó mới quay về nhà.
Cây mừng quân (chùm quân, hồng quân - Flacourtia Jangomas) mọc sát hàng rào phía đông. Trái chín vào dịp hè, tròn như trái nho, có hột bên trong, ăn có vị chua ngọt, đặc biệt làm răng và môi nâu như ăn trầu. Cây mừng quân có nhiều gai mọc từ gốc lên thân, nên leo hái phải cẩn thận. Tôi không sợ gai, nhưng chỉ sợ rắn, vì nhiều lần thấy rắn trên cây.
Trên nền nhà, thì quít cha trồng, vào dịp Tết quít hồng rất ngọt.
Dọc nền nhà là hai cây ổi, một ổi sẻ chín đỏ có nhiều hột, ăn rất ngon. Cây ổi kế bên là ổi sành trái to, ít trái, tôi không thích lắm.
Cũng dọc theo hàng rào, cha trồng rất nhiều cây bưởi. Bưởi này cha lấy giống ở Chợ Mới gần Nha Trang. Bên trong thì vô số cây mảng cầu, có điều là hầu hết khi trái chín thì bị sâu ăn, nên khi ăn phải cẩn thận, phần đông chỉ ăn một nửa trái. Dọc hàng rào, gần cổng có cây hồng đào, thỉnh thoảng cũng có trái nhưng chát lè. Ngay cổng vào có cây me, còn nhỏ, cũng có trái, tôi vừa ăn trái vừa ăn lá non. Gần cổng có cây chùm ruột, có trái quanh năm.
Chung quanh ao, cha trồng mấy cây dừa xiêm lùn, có nhiều trái. Thêm vào đó là 2 cây dừa bung cao ngất trời, nhiều trái, chỉ có con anh Ba Bán mới dám leo lên hái. Tôi thích nhất là có 1 cây nhản ở bờ ao, thỉnh thoảng vài ba năm có trái một lần, trái thơm, ngọt và cơm dày.
Trở lại nền nhà có một cây mít ráo. Trái rất lớn, cơm dày, có mật khi chín. Trên cây có vô số ổ chim mía, chim dòng dọc, ổ chim bện bằng lá mía và cỏ, v.v. treo lủng lẳng trên cây. Chim bay vô ra liên tục, rối tít hót cả ngày.
Hình 1: Ổ chim mía hay dòng dọc
Tôi thích nhất cây mít ướt sau nhà lẩm. Cây này rất nhiều trái. Những trái ở gốc gần mặt đất rất lớn, nặng cả chục ký. Ngược lại những trái ở trên cành thì trái nhỏ, khoảng 1 kí lô. Tôi thường leo lên cao, búng vào trái thì biết trái nào đã chín. Tôi thường ngồi trên cây ăn nguyên trái. Hình ảnh này ám ảnh tôi cho tới bây giờ, thỉnh thoảng chiêm bao thấy leo lên cây ăn mít. Má thường làm bánh mít từ những trái mít to ở cây mít này. Trái thật chín, tươm mật, lấy hết hột, phần cơm Má đem nấu trong nồi đồng rất lớn, quậy đều cho nhuyển, rồi trải lên lá chuối đặt trong nia, tráng thành một lớp dày chừng 5 mm, rồi đem phơi nắng cho tới khô, Sau khi khô, Má cắt thành từng ô nhỏ đặt trong thố, để dành ăn, thay kẹo vì bánh mít rất ngọt và dẻo.
Trong vườn thì vô số chuối. Thường thì có người đến hái chuối đem ra chợ bán, Má chỉ lấy tiền một phần. Ngoài ra Má cũng làm bánh chuối. Chuối chín, cắt làm đôi theo chiều dọc, ép cho dẹp, rồi đem phơi khô. Đấy là món ăn chơi cho anh em tôi khi mở Nha Trang. Tôi thích nhất là ăn trái thơm trong vườn. Thơm thường hay chín khuất trong bụi, khó thấy, thường bị sóc ăn một phần. Sáng nào tôi cũng dẫn con chó ra vườn tìm trái thơm chín và săn sóc. Theo lệnh của tôi, con chó chạy rượt theo mấy con sóc chạy ra hàng tre rồi leo lên cao. Chó đứng dưới sủa lên, tôi dùng ná bắn sóc. Sóc chuyền từ cây này qua cây tre khác. Và cuối cùng nó chạy thoát qua bên kia hàng rào.
Ngoài các loại cây ăn trái nói trên, má có trồng cây Huỳnh tinh (arrow root, Maranta arundinacea) để lấy bột huỳnh tinh. Tinh bột được trích từ củ chưa già, vì để già củ chứa nhiều xơ và ít tinh bột. Củ non chứa tới 85-90% tinh bột. Củ huỳnh tinh sau khi rữa sạch được để vào cối giả nhuyễn, khuấy với nước sạch, những xơ được vớt ra bằng tay và rây nhuyễn, dung dịch nước bột lỏng như sữa được để lắng xuống đáy thau, kế đó chắt nước để ráo. Sau đó tinh bột được phơi khô trên những tấm trải bằng vải.
Hình Cây Huỳnh Tinh, hoa, hệ thống củ, củ huỳnh tinh
Để ăn bột huỳnh tinh, trước nhất cho bột vào một ly, cho vào ít nước quậy cho nhuyễn, rồi dùng nước sôi để vào ly, nước bột sẽ chín, trong, và sềnh sệt. Muốn ngọt thì cho đường vào. Vào mùa thi cử, Má thường cho tôi ăn bột huỳnh tinh khuấy với tròng đỏ hột gà, hoặc với sữa đặc có đường (Sữa Ông Thọ) rất bổ dưỡng và ngon miệng, để có sức thức khuya học bài.
Khi tôi vào làm việc ở Cần Thơ, Má lúc nào cũng cho tôi mang về một ký bánh mít và một ký bột huỳnh tinh, trong dịp nghỉ hè hay Tết. Cảm động nhất và làm tôi khóc nhiều ngày. Tôi đi du học ở Anh năm 1974, vì biến cố Tháng 4/1975, tôi phải sống tha hương biệt xứ. Năm 1983, Dì Tư Đức Lập ở Paris về Nha Trang, lên Lạc Lợi thăm Cha Má. Khi về lại Pháp, má gởi cho tôi một kilô Bánh Mít khô. Một ki lô tình thương gởi nửa vòng trái đất! Vừa ăn vừa khóc, nhớ thương cha mẹ già ở quê nhà.
Reading 23/11/2023