Quê ngoại
QUÊ NGOẠI
Trần-Đăng Hồng
Chỉ sau vài trận mưa dầm thì ngọn Thác Đổ xuất hiện trên lưng chừng núi Đồng Bò, rầm rì tuôn làn nước bạc. Má tôi lo lắng nhìn về quê ngoại “chắc là có lụt ở quê ngoại rồi”. Thật vậy, quê ngoại tôi nằm trong một khe vực thung lủng cạnh núi Đồng Bò, có lẻ thời nguyên thủy vốn là một dòng sông đã mất ngọn nguồn, nay chỉ còn là một rọc nước hiền hoà trong mùa nắng hạn. Vì là vùng đất thấp, bao nhiêu chất phì nhiêu trên vùng cao, từ thượng nguồn Hòn Bà và rặng Đồng Bò bên cạnh, được nước mưa và lụt mang đến bồi đắp hàng năm, nên làng quê ngoại của tôi đươc trời ban cho trù phú. Chỉ nội cái tên làng Phú Ân cũng đủ nói lên sự trù phú trời ban, với đồng ruộng phì nhiêu, với những vườn cây trái đủ loại tươi tốt quanh năm, làng Phú Ân vốn được tiếng giàu có từ bao đời.
Thơm Vạn Giã ngọt đà quá ngọt,
Mía Phú Ân cái đọt cũng ngon
Mía Phú Ân trồng đám
Bát ngát như rừng…
(Ca dao)
Nhà ngoại
Ông Bà Cố Ngoại của tôi là một cự phú trong làng. Ông bà có chín người con, nhưng chỉ có một trai là Ông Tám, cha của Cậu Hai Cả. Bà ngoại tôi thứ ba, còn Bà Mười, má của Dì Tư Đức Lập, là út. Ông ngoại cũng người làng Phú Ân, nhưng thuộc gia đình nghèo. Ông ngoại vốn là một hàn sinh (học trò nghèo) nhưng thông minh, học giỏi có tiếng trong làng, vì vậy được Ông Bà Cố thương và gả con gái. Ông ngoại từng lều chỏng đi thi ở tận kinh đô Huế và sau đó vinh qui bái tổ và được bổ nhiệm làm Cai Tổng phụ trách thanh tra 6 xã ở Phủ Bình Hoà. Ông ngoại sinh vào buổi giao thời, có lẻ khoảng 1870s, lúc đó Pháp đã đô hộ Nam Kỳ (1867) và Bắc Kỳ (1883), các vua nhà Nguyễn ở kinh đô Huế chỉ còn quyền quản trị một lảnh thổ nhỏ hẹp từ Khánh Hoà đến Đèo Ngang mà thôi. Đáp lời kêu gọi của phong trào Văn Thân (1874), rồi Cần Vương (1885), các sỉ phu Nho học Miền Trung đứng lên khởi nghĩa chống Pháp. Ở Bình Hòa có 3 vị đứng lên khởi nghĩa là các ông Trần Đường, Trịnh Phong và Nguyễn Khanh lấy Đồng Bò làm căn cứ kháng chiến chống Tây, nhưng bất thành. Vì sinh trong một bối cảnh lịch sủ như vậy nên chỉ sau vài năm làm Cai Tổng, ông ngoại từ chức về nhà vui thú điền viên. Má thường kể lại là thời còn làm việc ở Phủ, vào khoảng thập niên đầu của thế kỷ 20, ông ngoại cởi ngựa, có vài lính hầu hộ vệ, để đi thị sát ở các làng xả. Vì là nhà Nho trọng Hán học, cũng như các sỉ phu nho học đương thời vốn xem chử quốc ngử là văn tự của kẻ theo Tây, ông ngoại không cho các cậu và má theo học chử quốc ngử. Ông ngoại chỉ dạy các cậu chử Hán mà thôi. Vì vậy, má tôi không biết chử quốc ngử. Mổi khi có dịp về thăm ngoại, phần đông tôi thấy ông ngồi ở bàn độc, trên bàn có vài quyển sách chử Nho. Vì còn nhỏ, tôi ít có dịp nói chuyện với ông, sau khi chấp tay bái chào ông tôi chỉ đứng lẩn quẩn ở nhà trên, im lặng nhìn và lắng nghe ông hút thuốc, tiếng nước reo òng ọc trong ống điếu thuốc lào. Điều này rất lạ với tôi và làm tôi thích thú.
Ông Ngoại
Thú thực rằng tôi không có nhiều kỷ niệm về quê ngoại. Hầu hết tuổi thơ của tôi gắn bó với quê nội ở Thanh Minh và Lạc Lợi. Má tôi lấy chồng xa, nên anh chị em tôi ít có dịp về ngoại, cũng như ít khi thấy ông bà ngoại đến thăm. Lục xét lại ký ức, tôi chưa hề thấy bà ngoại đến thăm nhà cha má tôi ở Lạc Lợi, mà tôi chỉ nhớ cảnh ông ngoại, với dáng đi lòm khòm, tay mang chiếc dù đen, đến thăm chúng tôi. Mổi lần như vậy ông mang đến cho anh em chúng tôi cốm mua ở Chợ Thành. Chỉ có Tết và ngày giổ lớn tôi mới có dịp theo cha hay má về quê ngoại. Má kể lại rằng khi tôi bốn tuổi, má dẩn tôi về ngoại ăn giổ. Khi tới buổi ăn, bà ngoại làm cho tôi một chén cơm với đủ thức ăn trong đó và bảo tôi ngồi ăn chung với các con của các cậu trên một chiếc chiếu trải trên nền nhà. Má kể rằng tôi bưng chén cơm và tôi khóc. Bà ngoại thấy vậy mới hỏi rằng tại sao tôi khóc. Tôi mếu máo trả lời rằng tôi không chịu ăn ngồi dưới đất, tôi chỉ tay lên bàn trên, là bàn dành cho người lớn, và nói “Con ăn ở bàn trên kìa”. Thế là bà ngoại kê cho tôi một cái ghế đặt chêm vào bàn trên, tôi mới chịu ăn. Sau này, khi tôi lớn lên, bên ngoại đều kể lại cho tôi biết kỷ niệm ngộ nghỉnh này và cho rằng đó là báo hiệu của tương lai “ăn trên ngồi trước” của tôi. Bà ngoại cao lớn hơn ông ngoại theo trí nhớ của tôi. Nếu ông ngoại là một ông chồng “dài lưng tốn vải ăn no lại nằm” (ca dao Việt Nam) như các nhà nho đương thời, thì bà ngoại là người vợ tháo vác như bao bà vợ, bà mẹ Việt Nam thời trước “quanh năm buôn bán ở ven sông, nuôi đủ năm con với một chồng” (Thơ Tú Xương). Ngoài vườn tược, ruộng lúa, bà ngoại còn trồng dâu, nuôi tầm và ươm tơ. Má tôi, vào thời chưa lấy chồng, cũng rành việc nuôi tầm ươm tơ. Mợ Hai cũng tiếp tục nghiệp dư của mẹ chồng trong việc trồng dâu nuôi tầm. Đặc sản của quê ngoại là bưởi Thanh trà, cam và sa pô. Má tôi thì ca ngợi bánh tét của ngoại nấu vào dịp Tết, bánh tét có màu xanh nhờ gói bởi lá chuối hột đặc biệt chỉ trồng để gói bánh, và hình như còn bỏ vào thùng nấu bánh một đồng tiền kẻm, một bí quyết gia truyền, để có một màu xanh đẹp theo như lời má nói.
Gia đình ngoại
Má và Cậu Bảy (1993)
Anh Hai Chi và cậu Mười
Ngoài Cậu Hai, tôi còn có Dì Ba, Cậu Năm, Cậu Bảy, Cậu Chín và Cậu Mười, ở chung quanh nhà ông bà ngoại. Vì vậy, cứ mổi lần về chúc Tết bên ngoại, một lịch trình không bao giờ thay đổi: về nhà ngoại trước nhất để lạy ông bà rồi chúc tết ông bà ngoai, sau đó đến nhà Cậu Hai, sau lưng nhà ngoại, rồi nhà Dì Ba, gần bên Rọc, rồi nhà Cậu Năm, cách nhà Cậu Hai một khoảng vườn, rồi nhà Cậu Bảy kế bên, và kế đó là nhà Cậu Chín. Sau đó, trở về nhà ngoại ăn trưa. Tới xế, đi ngược lại, ra tới quốc lộ, là đến thăm Cậu Mười, đồng thời chờ đợi xe ngựa về lại Thành, rồi Thanh Minh. Cứ vậy tái diển hàng năm.
Như vậy, chỉ có má tôi là sống xa ông bà ngoại. “Tiến về nội, thoái về ngoại”, người xưa thường nói vậy. Thật đúng vậy, đó là hình ảnh trái ngược của hai chị em, má tôi và Dì Ba. Má tôi lấy chồng nhà giàu, hạnh phúc, làm nên sự nghiệp vẻ vang, nên suốt cuộc đời má là sống bên quê chồng, chỉ có tết nhất và giổ quảy má mới về thăm quê ngoại. Cũng chính vì vậy mà tôi không có nhiều kỷ niệm vơí tình cảm lưu luyến bên ngoại. Dì Ba tôi cũng lấy chồng xa, theo chồng làm việc xa tận Ba Ngòi, hơn 50 cây số. Nhưng thật đáng thương cho số phận của Dì, Dì lấy phải ông chồng không ra gì. Dượng Ba đánh đập Dì, và khi bụng mang dạ chửa anh Hai Nhạc, thì Dượng bỏ Dì để theo vợ bé. Dì Ba trở về quê ngoại, sống dưới sự bao che đùm bọc của ông bà ngoại. Vì đau buồn cho số kiếp, cho tình duyên tan vở, trong lúc sanh đẻ anh Hai, Dì buồn tủi khóc than cho đến nổi mù cả đôi mắt. Dì trở nên mù loà. Má tôi thương Dì lắm. Một lần theo má về thăm ngoại, má dẩn tôi đến thăm Dì. Má dặn là đừng nói năng gì hết, coi Dì có nhận ra không. Hai mẹ con đến cổng nhà Dì, thấy Dì đang ngồi ngoài luống rau, tay lần mò để phân biệt từng cây rau với ngọn cỏ để nhổ. Má tôi đứng lặng nhìn, rưng rưng nước mắt. Một chập sau, Má tằng hắng, Dì vội ngẩn đầu lên, nheo nheo đôi mắt, rồi nói “ủa, mẹ con Sâm về hồi nào vậy “. Má tôi thứ Sáu, nhưng Dì kêu má theo tên của chị Hai. Cuộc đời Dì là chuổi đêm dài mờ mịt, đầy khổ đau và nghèo nàn đeo đuổi. Mặc dầu mù loà, Dì vẩn làm lụng như người sáng mắt, Dì nuôi gà, nuôi heo, làm vườn, trồng rau trên mảnh đất ông bà ngoại chia, và nhờ vậy nuôi anh Hai Nhạc ăn học như mọi người. Khi anh Hai Nhạc khôn lớn, có nghề nghiệp, thì Dì mới hết khổ.
Kỷ niệm ấu thơ của tôi bên ngoại thật nghèo nàn để có thể hun đúc tình cảm lưu luyến trong tôi với quê ngoại. Ngay cả khi bà ngoại mất, lúc đó tôi đang học lớp nhì ở Nha Trang, tôi về dự đám tang ngoại, nhưng trong lòng không có cảm giác buồn vì ngoại mất như tôi đã có với ông bà Nội. Tuy nhiên, giờ đây, trong không khí tỉnh mịch, âm u của đêm Đông giá lạnh của trời Âu, tâm tư tôi đang hướng về quê ngoại. Tôi hình dung đến núi Đồng Bò hùng vỉ, với những ngọn đồi trọc chập chùng, lưa thưa với vài hàng cây bạch đàn mà cành lá rủ buồn run rẩy xào xạc trong gió Đông. Tôi hình dung đến ven một suối nước mọc đầy lau sậy, dưới chân một ngọn đồi, trong một góc làng tỉnh mịch của Phú Ân quê ngoại- “Nghĩa Địa Chín Khúc” - nơi mà Cha Má tôi đang có một giấc ngủ ngàn thu. Bây giờ, Má đã thật sự trở về quê ngoại, cùng với Cha tôi, vỉnh viển muôn đời.
Cha má tôi đang có giấc ngủ ngàn thu bên quê ngoại Phú Ân
Christmas 2001.
Trần-Đăng Hồng