DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Bà Nội


17/3/2024

 BÀ NỘI
TS Trần-Đăng Hồng
 

Bà Nội (Bùi Thị Nơi)

Con cháu dòng họ Trần-Đăng, dầu bên nội hay bên ngoại, ngày nay được thành danh, đổ đạt, hay có địa vị xã hội, là nhờ hai bà. Thứ nhất là Bà Cố của tôi – Bà Trần Thị Phước, mà ngôi mộ hiện còn thấy ở trong vườn nhà Từ Đường, Memento Resort ngày nay. Công đức của Bà Cố đã được con cháu ghi nhớ trong nhiều bài viết vừa qua. Bà thứ hai là Bà Nội (ruột) của tôi.

Ông Nội có hai đời vợ. Bà Nội Lớn sanh 8 người con, 7 gái và 1 trai út, nhưng Bác Chín tên Đát đã chết hồi mới sanh. Vì vậy, với Bà Nội Lớn Ông Nội chỉ có toàn 7 cô gái. Ông Nội cao lớn, và đẹp, Bà Nội Lớn hình như cũng rất đẹp (tôi chỉ nghe nói lại, cũng không có hình lưu trên bàn thờ), nên các cô rất xinh đẹp.

Để có con trai nối dỏi tông đường, sau khi Bà Nội Lớn mất khá lâu, Ông Nội cưới Bà Nội Nhỏ, tức Bà Nội ruột của tôi. Bà Nội gốc Phú Ân Nam, nhà gần Cây Dầu Đôi khoảng chừng nửa cây số. Bà Nội ruột của tôi, rất đẹp giống như người Tây Phương có mũi cao da trắng hồng. Bà có 1 đời chồng trước, sinh được một gái – tức Cô Hai của tôi, nhưng chồng chết sớm. Như vậy, Cô Hai cùng mẹ khác cha với cha tôi. Cô Hai rất đẹp, như Tây, và các con trai (Anh Mười), con gái như các chị Nở, chị Búp, chị Giỏi rất đẹp, như người Tây phương. Anh Mười cao lớn, đẹp trai như Tây, làm hiến binh thời Việt Nam Cộng Hòa. Anh rất đào hoa, đi tới đâu cũng bị các cô theo đuổi.

Bà Nội sinh được 2 trai là cha tôi và Chú Mười, và 2 gái là Cô Mười Lớn và Cô Mười nhỏ. Cô Mười Lớn cũng như Chú Mười đều rất đẹp, giống Bà Nội.

Các cô của tôi từ dòng Bà Nội Lớn đều đẹp và có chồng có ăn học. Như Cô Ba (Trần Thị Ngân, 1891 – 1936) có chồng là Ông Nguyễn Đức Hượt (1888 – 1964) theo Việt Minh làm tới chức Ủy Ban Kháng Chiến quận Diên Khánh, có con như anh Lê Đức Tuân, có ăn học và có bằng cấp, làm công chức thời Pháp; Cô Năm Trần Thị Điền có chồng là Võ Trinh có bằng cấp cao làm thầy giáo (sinh ra chị Ba Chút); và Cô Bảy Trần Thị May có chồng là Lê Kim Hương là người giàu nhất (tức cha má chị Ba Mau) trong số các cô, vào thời đó đã có xe hơi. Cuối cùng là Cô Tám Trần Thị Túc, có chồng là Lê Địch, từng làm Trưởng Ga xe lửa.

Bà Nội rất tiếc là không nuôi Cha tôi và Chú Mười ăn học đổ đạt, mà chỉ học đủ biết viết chữ quốc ngữ, vì vào thời đó Ông Nội không cho các con học chữ quốc ngữ vì sợ theo Tây phản quốc.

Sau này, khi có đám giỗ các cô thuộc đời Bà Nội Lớn lái xe hơi về, ăn mặc và ăn nói rất lịch sự, Bà Nội mới tiếc rẻ, và dặn Cha và Chú Mười nhiều lần, là phải ráng dạy chúng tôi ăn học lên cao, phải thoát khỏi lủy tre của xóm làng Lạc Lợi và Thanh Minh, phải ra Nha Trang hay xa hơn, để học.

Nhờ vậy, các anh em tôi, và các con của Chú Mười mới có được như ngày nay, rạng danh ở trong nước cũng như ở hải ngoại.

Reading, 17/3/2024