DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Động đất tại Nepal

3/5/2015








ĐỘNG  ĐẤT  TẠI  NEPAL

Trần-Đăng Hồng,
PhD



Vào ngày 24/4/2015, một trận động đất mạnh với cường độ 7,8 Richter xảy ra tại trung tâm địa chấn cách thủ đô Kathmandu 80 km. Trận động đất mảnh liệt, tàn phá nhà cửa đền đại tại thủ đô Kathmandu và khắp lãnh thổ, với tống số tử vong vượt quá 5000 người và trên 6500 người bị thương (cập nhật ngày 28/4) . Nạn nhân sẽ còn gia tăng, có thể tới 10 ngàn người, vì chưa cập nhật đầy đủ và còn nhiều vùng xa và núi cao mất liên lạc. Tại ngọn Everest, trận động đất làm tuyết chài , ít nhất làm 18 du khách leo núi chết.
Trận động đất rất mãnh liệt, đất rung tới tận New Dehli và bắc Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Tây Tạng với tổng số người chết sơ khởi ở các nước này là 61 người.
 
 
Theo ước lượng ban đầu của cơ quan Liên Hiệp Quốc (UN Resident and Humanitarian Coordinator for Nepal) thì có khoảng 8 triệu dân sống trong 39 quận bị ảnh hưởng, trong số này có khoảng 1,1 triệu dân sống trong 11 quận bị ảnh hưởng nặng nề. Nhà cửa bị sụp đổ, đường sá cầu cống bị hư hại, hệ thống nước bị hủy, không có điện, v.v. Ước tính khoảng 1,4 triệu người cần thực phẩm khẩn cấp, chưa kể ảnh hưởng lâu dài đến nền nông nghiệp.
Đây không phải là trận động đất khủng khiếp đầu tiên ở Nepal. Nepal và cả vùng núi Hy Mã Lạp Sơn rộng lớn là vùng bị động đất thường xuyên.
Trận động đất ngày 24/4 xuất phát tại tâm chấn cách thủ đô Kathmandu 80 km, nơi mà cơ quan US Geological Survey cho là vùng có nguy cơ địa chấn nhất trên thế giới. May mắn là địa chấn xảy ra ở độ sâu tương đối cạn, cách mặt đất 15 km, nên phạm vi ảnh hưởng chỉ trong vòng đường kính 200 km. Nếu sâu hơn nữa, sự tàn phá sẽ khủng khiếp hơn và xa rộng hơn.
 
Nepal earthquake map
Trung tâm địa chấn ngày 24/4/2015
 
 
Nepal là xứ của động đất thường xuyên và kinh hoàng
Trong vòng 100 năm qua, có 4 lần động đất xảy ra ở vùng này với cường độ 6 Richter hay cao hơn và được khảo cứu khoa học và tường trình đầy đủ. Từ thời xa xưa lịch sử Nepal có ghi chép những trận động đất khủng khiếp.
Ngày 7/6/1255. 1/3 dân số thủ đô Kathmandu bị chết kể cả vua Abahya Malla, hầu hết đền đài nhà cửa bình địa. Dựa trên thiệt hại, các nhà khoa học ước tính động đất có cường độ 7,7 Richter.
Năm 1260. Một trận động đất tàn phá kinh đô, tiếp theo là bệnh tật và đói kém.
Tháng 9/1408. Thủ đô Kathmandu bị tàn phá, thiệt hại lớn về nhân mạng và gia súc
Tháng 6 & 7/1767. Toàn quốc bị động đất, 21 lần địa chấn và dư chấn (after shock) xảy ra trong 24 giờ.
Năm 1823. 17 trận động đất liên tục xảy ra tại thung lũng kinh đô Kathmandu.
Tháng 8 hay 9/1833. Hai trận động đất tại Kathmandu. 4214 nhà tại Kathmandu và 18.000 nhà trên toàn quốc bị sập.
1834. 4 trận động đất xảy ra trong tháng 6 và 7 năm 1834, tiếp theo là mưa lụt.
16/1/1934, trận động đất với cường độ 8,4 Richter mang tên trận động đất Nepal-Bihar giết 10.600 người và tàn phá thủ đô Kathmandu, là trận động đất mãnh liệt nhất trong lịch sử Nepal. Tại Bắc Ấn Độ, nhà cửa bị chon vùi tới độ sâu 1m.
1980. trận động đất cường độ 6.5 Richter xảy ra ở tây Nepal, 125 người chết, 248 bị thương nặng, 11.600 nhà đổ, 13.414 nhà bị hư hại.
1988. Động đất ở các tỉnh phía đông Nepal, cường độ 6,9 Richter, với 721 người chết, 6.553 bị thương.
1993. Động đất ở miền Trung và miền Tây Nepal
1994. Động đất ở Miền Tây Nepal.
1995. Động đất ở Miền Tây Nepal.
1997. Động đất ở Miền Trung và Miền Tây Nepal.
2001 Động đất ở Miền Tây Nepal.
2002. Động đất ở Miền Trung Nepal.
2003. Động đất ở Miền Tây Nepal.
18/9/2011. Động đất mang tên Hy Mã Lạp sơn (Himalayan earthquake) xảy ra tại biên giới Nepal – Sikkim của Ấn Độ, cường độ 6,9 Richter tiếp theo là 130 dư chấn, với 111 tử vong.
Dựa trên lịch sử các trận động đất lớn ở Nepal, trung bình cứ mỗi 40 năm thì Nepal có một động đất cường độ 7,5-8 Richter, và mỗi 80 năm là có một động đất cường độ trên 8 Richter. Nepal đứng hạng quốc gia thứ 11 trên thế giới chịu nhiều động đất, còn nói về thiệt hại về người và tài sản thì thuộc hạng 1 thế giới.
Sự tác hại của động đất, theo các nhà khoa học, gia tăng 10 lần cho mỗi 1 cường độ Richter gia tăng.
 
Tại sao Nepal thường bị động đất
Nepal là quốc gia nằm trong vùng địa chấn nên bị động đất thường xuyên. Bề mặt trái đất không yên tỉnh, các lục địa hiện vẫn còn di chuyển. Hy Mã Lạp Sơn (Himalayas) được kiến tạo do sự va chạm lục địa giữa mảng Ấn-độ (Indian plate) và mảng Á-Âu (Eurasian plate). Khoảng 45 triệu năm về trước, mảng lục địa Ấn-độ di chuyển về hướng Bắc với vận tốc 45 mm/năm, va chạm vào mảng lục địa Á-Âu tại vùng Nam Tây Tạng, vì nằm chèn bên dưới nên đẩy vùng này dâng cao tạo thành Hy Mã Lạp Sơn. Cao nguyên Arakan Yoma ở Myanma và quần đảo Andaman và Nicobar thuộc vịnh Bengal cũng được hình thành do sự va chạm này. Hiện nay mảng Ấn-độ vẫn còn tiếp tục di chuyển, sự va chạm tạo thành đường đứt gảy dọc theo sườn phía nam của Hy Mã Lạp Sơn dài hơn 1000 km từ Ấn Độ tới Tây Tạng, và Hy Mã Lạp Sơn được nâng cao thêm 5mm/năm. Sự di chuyển mảng lục địa tạo áp lực cọ xát và năng lượng tích tụ chỉ được giải tỏa bằng động đất. Vì vậy, các hoạt động địa chấn như động đất thường xuyên xảy ra theo đường đứt gảy. Thung lũng Kathmandu nằm trên đường nứt gảy chính này. Ngoài ra, theo các nhà khoa học địa chấn thì Nepal còn có 92 đường nứt gảy phụ khác tạo ra động đất ở khắp lãnh thổ.
 
Tập tin:Himalaya-formation.gif
Hành trình hơn 6.000 km của mảng Ấn Độ trước khi nó va vào mảng Á-Âu cách đây khoảng 45 triệu năm
 
Nepal là nơi được các nhà khoa học địa chấn đến nghiên cứu nhiều nhất: Cơ quan US Geological Survey (USGS), University of Colorado Boulder, California Institute of Technology in Pasadena (Hoa Kỳ), cơ quan CEA (Pháp), Earth Observatory of Singapore, University of Cambridge (Anh), Indian Institute of Science (Ấn độ).
Cách đây 2 năm, các nhà khoa học địa chấn đã tiên đoán một trận động đất cường độ trên 8 Richter sẽ xảy ra, nhưng không biết vào ngày tháng nào. Họ dựa vào năng lượng tích tụ khổng lồ dọc theo đường đứt gãy chờ ngày phóng thích. Chẳng hạn GS James Jackson, Đại học Cambridge ở Anh đã tiên đoán từ năm 2013 là vùng thung lũng Kathmandu sẽ bị động đất. TS Vinod Kumar Gaur của Ấn Độ cũng tiên đoán tương tự “Các tính toán cho biết năng lượng đã tích lũy đủ để có trận động đất cường độ 8 Richter. Tôi không thể xác định là nó có thể xảy ra ngày mai hay không, nhưng có lẻ sẽ xảy ra trong thế kỹ này, và hễ xảy ra càng trể động đất sẽ càng mãnh liệt hơn”.
 
 
Các nhà địa chấn Mỹ của cơ quan USGS còn tiên đoán là sẽ có thêm khoảng 30 dư chấn cường độ 5 Richter sẽ xảy ra trong vòng tháng tới, vì một dư chấn 6,6 Richter đã xảy ra.
 
Địa điểm các dư chấn của trận động đất ngày 24/4/2015 tại Nepal
 
 
Tài liệu tham khảo
Alexandra Witze. Major earthquake hits Nepal. Tạp chí Nature ngày 26/4/2015.
Tilottam Paudel. A report on earthquake in Nepal.
 
Reading, 28/4/2015