Tìm hiểu về dòng họ Trần-Đăng
24/12/2023
TÌM HIỂU VỀ DÒNG HỌ TRẦN-ĐĂNG
TS Trần-Đăng Hồng
Lịch sử dòng họ Trần-Đăng được ghi trong Gia Phả chứa trong Mộc Thần Chủ được thờ trên bàn thờ chánh (Hình 1). Gia phả đầu tiên được viết bằng chữ Hán năm niên hiệu Minh Mạng thứ 2, ngày 28 tháng 5 năm Nhâm Ngọ (1822) do ông Trần-Đăng Đường viết. Nội dung mục lục viết tên, tuổi, ngày chết của tổ tiên, không có ghi năm sinh hay năm chết, bắt đầu từ ông bà thỉ tổ (Ông Trần-Đăng Long) với mục đích để cúng giỗ là chủ yếu.
Về sau, Ông Trần-Đăng Thứ (thế hệ thứ 5) viết bổ sung. Vào năm Khải Định thứ 9 (1924), vì thấy bản viết không được đẹp, em ông Trần-Đăng Thứ là ông Trần-Đăng Quảng (ông Nội của tôi) viết tay lại Trần-Phái Mục-lục và đề ngày 28 tháng Giêng năm Quí Hợi (1924).
Năm Canh Ngọ, 1990, Ông Trần-Đăng Dung (thế hệ thứ 6, cha tôi) dịch phổ ký Mục lục ra tiếng Việt, đồng thời có thêm danh tính của những thành viên mới cho đến đời anh chị em chúng tôi.
Năm Mậu Dần, 1998, Ông Trần-Đăng Nhơn (anh tôi, thế hệ thứ 7) tiếp tục ghi tiếp danh tính những đời kế tục.
Phái tộc cao đời nhất của dòng họ là Ông Trần-Đăng Long. Ngày chết của Ông là 19 tháng 9 âm lịch và chôn cất ở ngôi mộ lớn gần đường đi lên cầu Suối Đăng, thôn Lạc Lợi, xã Diên Hòa, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa ngày nay (Hình 2, 3, ngôi mộ ông thỉ tổ).
Dựa theo mộc thần chủ Gia Phả Trần-Đăng:
Hoàng Việt Tánh Trần-Đăng Đường đệ nhất
tức tặng chức
Trực Phủ Quận Thần Chủ
mặt trước đề rõ chức tước:
Hiển khảo Bình Hòa Trấn bổn phủ.
Đốc Phước điền huyện*
Thượng, trung, hạ tam tổng.
Gia tặng chất Trực Ôn Hầu Phủ quân thần chủ.
*Huyện tức Phủ Diên Khánh
Ông Tổ Trần-Đăng Đường làm quan tới Đệ Nhất Phẩm (cước chú: thời nhà Nguyễn, phẩm chia làm 9 hạng, tức cửu phẩm, Đệ Nhất Phẩm là bậc cao nhất), thuộc quan văn chứ không phải quan vỏ, trong thời vua Gia Long (1802-1820) và Minh Mạng (1820 -1841).
Ông Tổ Trần-Đăng Đường làm quan tới Đệ Nhất Phẩm (cước chú: thời nhà Nguyễn, phẩm chia làm 9 hạng, tức cửu phẩm, Đệ Nhất Phẩm là bậc cao nhất), thuộc quan văn chứ không phải quan vỏ, trong thời vua Gia Long (1802-1820) và Minh Mạng (1820 -1841).
Ông tổ viết gia phả đầu tiên này là Ông Trần-Đăng Đường tự Hoàng Việt, giữ Trấn Bình Hòa. “Hiển khảo” là cách xưng tụng trong văn tự ngày xưa của người con đối với cha là ông Trần-Đăng Long (ví dụ: Hiển tổ khảo tức ông nội, hiển tổ tỷ tức bà nội; hiển khảo tức cha; hiển tỷ tức mẹ).
Theo Gia Phả, quê quán dòng họ Trần-Đăng không được nói rỏ, chỉ nói ở tỉnh phía bắc Trung Việt, có lẻ là Quảng Bình. Ông Trần-Đăng Đường trước làm quan ở Bình Định, sau khi triều đình chiếm lại được vùng Khánh Hoà thì Ông được chuyển vào làm chức Trực Phủ và Trực Ôn Hầu.
Như vậy, có thể Ông làm quan ở Bình Khang Dinh khoảng từ năm 1793 (khi Thành Diên Khánh thuộc lại Chúa Nguyễn), hay sau đó chút ít. Khi Ông viết quyển Gia Phả đầu tiên (năm Minh Mạng thứ hai, tức 1822) Ông mới đề chức vị của Ông và địa danh mới (Bình Hoà Trấn).
Câu hỏi là lãnh thổ Dinh Bình Khang mà Ông làm quan gồm những địa phận nào? Sau khi lên ngôi (1802), năm 1803 vua Gia Long chia Việt Nam làm 23 Trấn và 4 Doanh, và Bình Khang Dinh đổi thành Bình Hòa Trấn. Năm 1833, Vua Minh Mạng đổi Trấn Bình Hòa thành tỉnh Khánh Hòa. Như vậy, Ông Trần-Đăng Đường được xem như người đứng đầu cai trị tỉnh Khánh Hòa vào thời Vua Gia Long (1802-1820) hay đầu thời vua Minh Mạng (1822).
Từ khi còn nhỏ, tôi vẫn thắc mắc tại sao Ông Tổ thuộc thế hệ thứ 2 (Ông Trần-Đăng Đường), vốn làm quan Trực Phủ Quận (tương đương với chức Tỉnh Trưởng), có ngạch cao nhất Đệ Nhất Phẩm, có bằng cấp học vị cao của quan văn, tại sao cha làm quan mà con cháu mấy thế hệ sau (từ thế hệ thứ 3 trở xuống) chỉ đi làm ruộng và làm chức cao nhất là xã trưởng của làng Lạc Lợi mà thôi?
Ông Nội tôi (thế hệ thứ 5) dặn Cha tôi là con cháu sau này làm nghề gì thì làm, nhưng đừng “làm quan” vì làm quan rất thất đức. Nhớ rằng vào thời phong kiến, và ngay cả ngày nay, quan ở một tỉnh có quyền sinh sát, và ngày xưa quan cũng là ông tòa xử án. Phải chăng Ông Nội của tôi ám chỉ Ông Tổ làm quan mà con cháu không hưởng được phúc đức?
Ông Nội cũng kể lại cho Cha tôi, rồi cha nói lại cho chúng tôi là Bà Cố của Ông Nội tôi (tức vợ của Ông Trần-Đăng Đường), gốc người Phú Lộc, ỷ chồng làm quan Trực Phủ Quận mà phung phí tiền của, và có thể đã xúi chồng làm chuyện tham ô thất đức? Ông Nội cũng dặn cha tôi hãy cho con cháu làm nghề tạo nghiệp đức, nhất là nghề dạy học và y dược, vì xả hội chậm tiến thời đó chưa có nhiều nghề nghiệp trí thức khác. Tuy nhiên Ông Nội cũng dặn:
Nhất thế Lại - Tam thế bại * *
Nhất thế Y - Tam thế suy.
Hai câu này có nghĩa là làm quan mà tham ô, nhũng lạm là thất Lộc, con cháu phải trải 3 đời lụn bại; Làm nghề thuốc mà tham tiền, không có lương tâm, 3 đời con cháu sẽ suy tàn. Muốn làm 2 nghề đó thì con cháu phải thật là Thanh liêm và Đạo đức (Lương Y).
Tôi có một giả thuyết khác để giải thích về sự suy vong dòng họ kể từ thế hệ thứ ba. Ông Tổ Trần-Đăng Đường vốn đã làm quan ở Bình Định, sau chuyển về làm quan ở Thành Diên Khánh, sau đó mới lấy vợ ở Phú Lộc, chứng tỏ Ông lấy vợ lập gia đình trễ. Con trai duy nhất của ông lại là con út (Ông Trần-Đăng Nguyên), nên có thể khi ông về hưu thì con trai còn nhỏ. Vì là con trai duy nhất được cưng chìu, mà mẹ có tánh phung phí tiền bạc, có thể ông Tổ của thế hệ thứ ba không chịu học hành, không đỗ đạt để làm quan, nên tiếp tục sống ở thôn làng về nghề nông do ruộng đất của ông nội và ông cha tạo dựng.
Ông cố của tôi có tới 11 người con từ hai dòng vợ. Ông nội tôi là con út trong số bảy con của dòng vợ chánh (Bà Trần Thị Phước). Ông Cố dẩn sáu con lớn về ở với bà vợ thứ. Bà cố ruột của tôi (Bà Trần Thị Phước) vì vậy sống ly thân tại ngôi vườn cha tôi ở hiện nay cùng con trai út là ông Nội tôi. Các anh chị của ông nội tôi và con cháu thuộc các dòng này đều không được ăn học nhiều và nghèo, chỉ sống vào nghề nông. Chỉ có ông nội được mẹ ruột nuôi nấng, cho ăn học và gầy nên sự nghiệp lớn cho ông nội và con cháu sau này. Ông được bà cố cho đi học chữ (Hán) và học nghề thuốc đông y và được bổ nhiệm làm chức Y Sanh của tỉnh Khánh Hòa vào thời Vua Khải Định. Chức Y Sanh được xem như Giám Đốc Sở Y Tế của tỉnh, chăm lo chữa trị bệnh cho các quan và gia đình của tỉnh (trụ sở Cỗ Thành Diên Khánh). Trong hình chụp để lại cho con cháu thờ phụng, ông mặc triều phục quan văn, cũng áo rộng xanh có rồng, đầu đội mão, mang hia (Hình 4). Bà cố ruột của tôi khi mất được chôn trong mảnh vườn nhà tôi (Hình 5), nay vẫn còn thấy ở Memento Resort (Hình 6).
Chính Bà Cố ruột Trần Thị Phước đã mở đầu một trang sử mới tốt đẹp cho dòng họ Trần-Đăng con cháu của Bà. Ông Nội, cha và Cô Chú tôi, rồi anh chị em tôi và con cháu sau này đều ăn học, đỗ đạt cao và thành tài.
Khi Ông Tổ Trần-Đăng Đường làm quan ở Khánh Hòa, ông dựa theo phong thủy và chọn thôn Lạc Lợi, cách Thành Diên Khách 3 cây số, làm nơi an cư lạc nghiệp cho ông khi về hưu và con cháu sau này. Ông đem cha mẹ, anh và hai em gái cùng họ hàng từ Quảng Bình vào lập nghiệp ở nơi đây. Vào thời đó (1822), thôn Lạc Lợi còn hoang vu, chưa có người ở, vì người Chàm đã di tản về phương Nam từ khi bị thất trận năm 1653, khi Kauthara (tỉnh Khánh Hòa) lọt vào tay người Việt. Con cháu của ông tiếp tục sinh sống ở đây cho tới bây giờ, có rất nhiều con cháu thành danh, hiện đang ở trong nước hay nước ngoài.
Hình 1. Mộc Thần Chủ được thờ trên bàn thờ chính
Hinh 2. Vợ chồng tôi đến cúng mộ Ông Thỉ tổ (Ông Trần Đăng Long) năm 2007
Hinh 3. Mộ Ông Bà Thỉ Tổ được xây cất năm 2010, có hàng rào bao quanh, sợ trâu bò dậm phá.
Hình 4. Ông Nội tôi với bộ triều phục
Hình 5. Từ lúc còn nhỏ, mỗi khi về Lạc Lợi tôi đều ra vườn chấp tay lạy Bà Cố ruột (Bà Trần Thị Phước).
Hình 6. Mộ Bà Cố trong Memento Resort ngày nay.
Hinh 2. Vợ chồng tôi đến cúng mộ Ông Thỉ tổ (Ông Trần Đăng Long) năm 2007
Hinh 3. Mộ Ông Bà Thỉ Tổ được xây cất năm 2010, có hàng rào bao quanh, sợ trâu bò dậm phá.
Hình 4. Ông Nội tôi với bộ triều phục
Hình 5. Từ lúc còn nhỏ, mỗi khi về Lạc Lợi tôi đều ra vườn chấp tay lạy Bà Cố ruột (Bà Trần Thị Phước).
Hình 6. Mộ Bà Cố trong Memento Resort ngày nay.
Reading, 24/12/2023
Tiến Sỉ Trần-Đăng Hồng, thế hệ thứ 7, chi thứ.