DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Kỹ niệm thời trung học



KỸ NIỆM THỜI TRUNG HỌC

Nguyễn Thị Kim-Thu

 

 

Mỗi khi nghe lại bản nhạc “Nổi buồn hoa phượng” của nhạc sỉ Thanh Sơn “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn, chín mươi ngày qua chứa chan tình thương…” tôi không khỏi xúc động, bồi hồi nhớ lại kỹ niệm thời học sinh của mình. Tuy tuổi nay đã 60, sự rung động tình cảm vẫn không khác ngày nào, nhất là ký ức của người xa quê hương gần 30 năm như tôi. Kỹ niệm thời trung học rất nhiều, nhưng một kỹ niệm đáng ghi nhớ nhất là kỹ niệm của năm cuối cùng trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ của tôi.

 

Đầu niên học năm Đệ Nhất Canh Nông (1968), nhà trường bắt mỗi học sinh chúng tôi phải thực hiện một dự án để tính vào điểm tốt nghiệp Tú Tài 2. Chúng tôi đứa nào cũng lo âu, tìm đất ở đâu để có tối thiểu 500 m vuông, và sẽ trồng loại hoa màu ngắn hạn gì để có kết quả tốt đẹp vào giữa năm học, vì còn phải viết tường trình, chiết tính lời lổ v.v.

 

Dầu Ba tôi là một cán bộ chuyên môn ở Ty Nông Nghiệp Cần Thơ, Ông cũng gặp khó khăn để tìm cho tôi một lô đất lý tưởng. Ba tôi có đất nhà, nhưng ở tận Cái Tắc, vừa không có an ninh, vừa xa nhà, xa trường, làm sao con gái như tôi thưc hiện nổi. Mấy người bạn của Ba tôi ở Cồn Sơn bảo tôi qua đó các bác ấy sẽ giúp cho mọi việc, nhưng làm sao hàng ngày tôi có thể bơi xuồng qua sông để theo dỏi, chăm sóc dự án. Anh Nguyễn Văn Nhơn, học cùng lớp tôi, quê ở Bình Minh (Cái Vồn) đề nghị là anh có thể tìm đất ở Bình Minh, mỗi đứa một dự án riêng, và anh ta dành phần chăm sóc hàng ngày cho tôi, để tôi đở tốn công đi về hàng ngày. Giải pháp này cũng không ổn, làm sao tôi có thể đạp xe đạp hàng hai mươi cây số, rồi phải qua Bắc Cần Thơ, dầu có 2-3 ngày đi thăm dự án một lần, tôi cũng không làm nổi. Tôi đang thất vọng. Một buổi trưa sau buổi học, trên đường đạp xe về nhà, trời đổ mưa như trút, tôi vội vàng đạp xe vào nhà Chú tôi để đụt mưa. Chú tôi là quản đốc Vườn Ương Cây của Ty Nông Nghiệp, kế bên Trung Tâm Bảo Vệ Mùa Màng. Vào nhà tôi gặp ngay Chú đang trò chuyện với anh Nguyễn Văn Nhung, nhân viên của Trung Tâm Bảo Vệ Mùa Màng, và cũng là người thân quen với gia đình tôi, vì cùng trong đại gia đình nông nghiệp ở Cần Thơ. Tôi bèn vấn kế Chú tôi xem đất trong Vườn Ương còn trống chổ nào không để cho tôi làm dự án. Anh Nhung nói là anh sẽ giúp cho, vì kế nhà anh có một khu đất trước đây trồng lúa, nhưng mấy năm nay bỏ hoang, vì là đất trong khu thành phố đang phát triển, chủ nhà không canh tác nữa mà sẽ chia lô bán cất nhà, trong thời gian chờ đợi đó tôi có thể sử dụng được cho dư án. Thế là ngay chiều đó, Ba tôi chở tôi tới nhà anh Nhung, gần Khu Văn Hoá, để nhờ anh Nhung thương lượng với chủ đất. Thật may cho tôi, ông chủ đất đang điên đầu với lủ con nít trong xóm, ngày nào cũng đá banh trên mảnh đất này, ồn ào, và phá phách vườn tựơc kế bên của ông. Vì vậy, việc cho tôi canh tác hoa màu là cách giải quyết bọn trẻ dùm ông. Ông cho tôi sử dụng một mùa, với không điều kiện gì hết. Ngược lại, tôi hứa là sẽ trả cho ông hết phần huê lợi, tôi chỉ lấy kết quả để tường trình và một chút ít tổn phí canh tác mà thôi.

 

Giải quyết xong phần đất đai, bây giờ phải chọn hoa màu gì. Chung quanh khoảng đất này là khu dân cư thành phố, trồng rau cải, dưa, hành, khoai, bắp thì chắc chắn là bị trộm. Tôi đề nghị với Ba tôi là trồng lúa Thần Nông 8, vì tôi có thấy khu thí nghiệm và thực hành lúa Thần Nông của lớp Kiểm Sự Túc Mể do thầy Trần Đăng Hồng giảng dạy ở trường. Ba tôi cũng giảng dạy cho nông dân cách trồng lúa Thần Nông, như vậy tôi có thể an tâm về phần kỹ thuật. Nhưng Ba tôi phản đối vì ông cho rằng sẽ không cho kết quả gì với canh tác lúa, vì chim thành phố, chuột nhà chung quanh xóm, chưa kể bọ xít, rầy bu đầy đèn đường phố kế bên sẽ phá hoại ruộng lúa không thương tiếc. Cũng may cho tôi, khi cha con tôi ngồi thảo luận với anh chị Nhung về biện pháp chống sâu bọ sẽ phá lúa thì có anh Phạm Hiền Triết, phó Trung Tâm Bảo Vệ Mùa Màng, đến chơi. Anh Nhung chỉ vào anh Triết “Anh có thể giúp cô Thu bảo vệ đám lúa Thần Nông được không? Anh mà làm không được chuyện này, thì anh nên gở bảng hiệu Trung Tâm Bảo Vệ Mùa Màng rồi xin chuyển đến tỉnh khác làm việc”. Mấy câu nói khích của anh Nhung không ngờ lại có công hiệu. Anh Triết nhìn qua Ba tôi khẳng định “Bác Hai đừng lo, cháu sẽ giúp được”. Măc dầu được mọi người ủng hộ hết mình, nhưng tôi vẫn lo, không biết sức mình có làm nổi không một lô đất trên 1000 thước vuông ruộng lúa Thần Nông mà trong tay không có gì hết. Em gái tôi, Thu Hồng học sau tôi 1 lớp cũng ở Nông Lâm Súc, trấn an tôi “Chị Hai đừng lo, em và các bạn em sẽ giúp chị”. Không biết nó vào trường liên lạc với những ai, thế mà ngày hôm sau, khi đến lớp học mấy người bạn học lớp tôi và lớp Thu Hồng chạy đến tôi hỏi có cần giúp gì không, các anh ấy tự nguyện giúp.

 

Để bắt đầu, tối đó tôi viết dự án gồm thời biểu thực hiện, vật liệu (máy cày, máy bơm, xăng dầu, phân bón, bình xịt thuốc, thuốc diệt chuột, sâu bọ, v.v.), phương pháp canh tác, v.v. rất chi tiết và nhờ Ba tôi đọc trước để thêm ý kiến. Tôi đưa dư án lên thầy Lê Quan Hồng duyệt xét. Thầy hài lòng. Thế là tôi xin Thầy cho tôi mượn máy cày John Deer. Thầy trố mắt “Em lái máy cày trong khu trường thì được, chứ lái ngoài đường phố từ đây đến khu Văn Hoá sao nổi”. Tôi vội nói “Em và Thu Hồng thay phiên lái được mà Thầy”. Các anh cùng lớp đứng kế bên tôi năn nỉ “Thầy cho Chị Thu mượn đi thầy, có tụi em hộ tống thì không sao cả”. Thế là Thầy Lê Quan Hồng đồng ý.

 

Sáng sớm hôm sau, tôi lái máy cày, Thu Hồng đứng làm lơ, trước xe có mấy anh chạy xe đạp dẩn đường, la hét cho mọi người tránh xa, sau xe một đám bạn lớp tôi, lớp Thu Hồng, chạy xe đạp hàng dài, cuốc xẻng đầy người. Thế là chúng tôi thẳng tiến về khu Văn Hoá. Dọc đường đám con nít bu xem, la ó, vì lạ: hai cô con gái mặc áo nâu NLS lái máy cày, trước và sau xe hàng cả chục các anh hộ tống. Nhóm nam sinh Phan Thanh Giản, đứng trố mắt nhìn, rồi chọc ghẹo chúng tôi. Mấy anh bạn chạy xe sau xe tôi, chỉ vào mặt các anh Phan Thanh Giản “Chọc vừa vừa thôi nghen, chọc thêm là trâu bò Nông Lâm Súc này húc chết đấy nhé”. Thấy lực lượng Nông Lâm Súc với cuốc phản quá hùng hậu, các anh Phan Thanh Giảng vội xếp de.

 

Đất ruộng bọn trẻ làm sân đá banh nên rất cứng, chúng tôi phải sửa lại bờ ruộng để giử nước, phải bơm nước qua đêm trước khi cày. Tôi đang phân vân về máy bơm nước, định mượn máy bơm của chú tôi ở Vườn Ương thì anh Nhung nói mấy anh trai vào nhà khiêng máy bơm. Lúc đó, tôi mừng quá, không cần suy nghĩ đó là máy bơm của ai cho mượn, cứ “vô tư” sử dụng cái đã.

 

Tôi chỉ lái cày được vài luống, thì ể tay. Thu Hồng thay thế, cũng chỉ vài vòng. Thế là các anh trai nhảy lên tiếp sức, anh nào cũng dành lái. Chỉ trong vòng một vài giờ, đám đất đã cày nhuyển. Thế là mấy ngày sau, các anh trai trong lớp đến giúp tôi, sửa lại bờ ruộng, cào bằng mặt ruộng, v.v. Tôi và Thu Hồng làm đám mạ, rồi gieo lúa làm mạ. Sợ chuột phá mạ, tôi vội lấy xe đạp định ra tiệm mua thuốc chuột. Vừa dắt chiếc xe ra, chị Nhung nhìn tôi cười rồi bảo “Cô Thu vào nhà lấy thuốc, khỏi phải đi mua ở đâu hết”. Tôi theo chị vào nhà. Ở trong góc nhà, đã có đủ mọi thứ, từ phân bón, xăng dầu, thuốc sát trùng, bình xịt, v.v., y như trong dự án của tôi, mà số lượng thì có thể dùng gấp 3 lần diện tích lúa của tôi. Tôi vô tư sử dụng, nghĩ rằng anh chị Nhung mua dùm cho tôi.

 

Tới ngày cấy lúa, thật là vui. Má tôi dậy thật sớm, nấu mấy nồi xôi, rồi sớt vào thau lớn. Má tôi mua sẳn hàng mấy chục trái chanh, và mấy ký đường, để cho đám con trai ăn trưa giúp cấy lúa. Mười mấy anh trai lớp tôi, lớp Thu Hồng đến giúp tôi cấy lúa. Tôi và Thu Hồng căn dây có đánh dấu sẳn để các anh cấy thẳng hàng, đúng theo vị trí, nhờ vậy lúa thẳng hàng ở mọi chiều hướng. Thiên hạ và đám con nít thành phố bu quanh để xem. Các anh lại chia làm 2 nhóm, hát hò chọc nhau rất là vui nhộn. Tới xế, mọi chuyện xong xuôi, tốt đẹp.

 

Thế là hàng ngày, sáng sớm trước khi đến trường, và chiều ở trường về, tôi và Thu Hồng đến chăm sóc đám lúa. Cũng vậy, sáng chiều nào Ba tôi cũng ghé thăm đám ruộng để theo dỏi. Thỉnh thoảng chị Nhung cũng báo cáo có nhiều người chị không biết là ai có đến thăm đám lúa, sau này tôi mới biết đó là thầy Nguyễn Văn Thước, thầy Lê Quan Hồng, thầy Trần Đăng Hồng, v.v.. Nhờ phân bón, nước bơm, thuốc sát trùng đầy đủ, lại đất bị bỏ hoang nhiều năm, đầy phân chó, phân người, nên cây lúa tốt xanh kỳ lạ. Ông chủ đất thấy ham, ông tình nguyện hàng ngày bơm nước để cho chúng tôi đở nhọc công, dành thì giờ học. Lúa tốt thì cỏ dại mọc cũng nhanh. Tôi và Thu Hồng không cách nào nhổ cỏ xuể. Tôi bèn chạy ra vườn ương cầu cứu Chú tôi. Chiều hôm sau, khi đến thăm ruộng thì không còn một cây cỏ dại. Thì ra, chú tôi điều một ông lao công của Vườn Ương đến giúp trong khi chúng tôi ngồi học ở trường.

 

Đến khi lúa nở bụng, sắp có đòng đòng, là lúc chuột có thể bắt đầu phá hại. Vào nhà anh chị Nhung thì thấy sẳn thuốc diệt chuột, và bả mồi chuột. Chị em tôi pha chế thuốc, rải chung quanh ruộng, trong đám ruộng. Sáng hôm sau, chuột chết rất nhiều. Ba tôi bảo đừng quăng xác, cứ để chổ đó vài ngày, bọn chuột sống sót sẽ hoản sợ tìm ăn nơi khác. Đúng vậy, bọn chuột lánh xa. Và cứ vài ngày, chúng tôi đánh bả chuột và xịt thuốc sát trùng.

 

Đến khi lúa trổ thì chim bắt đầu phá. Bắt chước kỷ thuật đuổi chim ở khu ruộng thí nghiệm của lớp Kiểm sự Túc Mể, chúng tôi treo giấy vàng đầy cánh đồng, chim sợ màu vàng không dám đến. Ngoài ra, bọn trẻ không còn chổ đá banh, nên ngứa tay, hể thấy chim đậu trên dây điện trước khi sà xuống đám lúa, là chúng dùng ná dây thun bắn. Nhờ vậy mà chim không dám bén mảng tới. Một điều may mắn nữa, là kể từ khi lúa trổ có rất nhiều người, đủ hạng, từ nông dân đến công chức, đi ngang đường phố đều dừng lại xem đám lúa của chúng tôi. Thấy hai cô bé học sinh trồng lúa xanh tươi tốt, mà lại giữa thành phố, ai ai cũng trầm trồ khen ngợi.

 

Ngày thu hoạch đến, bạn bè tôi và bạn Thu Hồng lại đến giúp tôi. Cũng ăn xôi, cũng hò, cũng hát, chọc nhau rất vui nhộn. Chị Nhung bảo các anh trai vào nhà khiêng máy đạp lúa ra ruộng. Tôi vô tư sử dụng, không cần biết ai mượn và chuyên chở máy này đến nhà anh chị Nhung. Lúa chúng tôi rất trúng, cho năng xuất rất cao. Các thầy Nguyễn Văn Thước, Lê Quan Hồng đều hài lòng, chúc mừng tôi. Dỉ nhiên, tôi có số điểm rất cao cho dự án.

 

Đến khi tôi mang lúa giao cho chủ đất, và trả lại tổn phí thuốc phân cho anh chị Nhung, thì anh Nhung chỉ cười “chúng tôi đâu có tốn gì đâu, mọi thứ đều do anh Triết mang đến cả. Ảnh lở hứa với Bác Hai, nên ảnh phải ráng hoàn thành lời hứa”. Tôi để Ba tôi cám ơn anh Triết, vì sau đó tôi lo học thi Tú Tài, rồi lên Sài Gòn học tiếp, nên cũng không gặp để cám ơn sự giúp đở của anh Triết.

 

40 năm đã trôi qua, mổi khi gặp lại bạn bè củ, ai ai cũng còn nhắc đến đám lúa Thần Nông 8 của tôi ở Khu Văn Hoá, và những buổi ăn xôi rất ngon ở ngoài đồng.

 

Nhân dịp này, một lần nữa, tôi xin cám ơn anh Phạm Hiền Triết, anh chị Nguyễn Văn Nhung (Trung Tâm Bảo Vệ Mùa Màng), các bạn cùng lớp của tôi, và của lớp Thu Hồng đã tận tình giúp tôi thực hiện dự án. Thành kính tri ân vong linh hai thầy Nguyễn Văn Thước và Lê Quan Hồng. Nếu không có sự giúp đở nhiệt tình về tinh thần, vật chất và kỹ thuật của những người này, thì chắc chắn là tôi không có được kết quả tốt đẹp như vậy.

 

Tháng 11 năm 2007, tôi về thăm trường củ. Bước vào cổng trường, nhìn chung quanh, tôi không còn thấy một dấu vết nào của trường xưa. Còn đâu nơi thực hành nông trại, ao cá đã biến mất, chuồng gia súc cũng không còn. Những cây trong vườn thuỷ lâm, mà một thời đã từng ghi khắc tên bạn bè trên thân, nay cũng không còn nữa. “Sóc Lương” nơi một thời đã từng vang bóng “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò” nay đã thay thế bằng ngôi nhà nhiều tầng. Tôi trở lại Khu văn Hoá để tìm dấu vết đám ruộng lúa ngày xưa, nhưng chỉ thấy nhà cao tầng chen chúc, những con đường xẻ dọc xẻ ngang.

 

Tất cả cảnh vật đều đổi thay, duy có một điều không thay đổi, đó là những kỹ niệm trong ký ức tôi bừng sống dậy rỏ ràng như ngày nào của 40 năm về trước: những khuôn mặt thân thương, những tình cảm đậm đà của bạn bè chung một mái trường, những hình ảnh triều mến của Thầy Cô đã từng dạy dổ chúng tôi.

 

Bổng dưng hai giọt nước nong nóng lăn xuống má tôi.

 

Tôi đã khóc.

 

 

 

Chị em tôi tại ruộng lúa Thần Nông ở Khu Văn Hoá (1968)

 


Reading, 9/1/2008

 

Nguyễn Thị Kim Thu

 

Bài này trích từ Trang Web Trung Hoc Nông Lâm Súc Cần Thơ

 

 

 

TIẾNG VỌNG SAU 40 NĂM


 

NHỮNG CÁI GẠCH NỐI
Nguyễn Hồng Đơn
(Trích từ trang web Trung Học NLS Cần Thơ http://thnlscantho.page.tl lên mạng ngày 09/1/2009)
Bắt đầu từ đâu đây khi tôi và Chị cả ba cái tri: tri nhân, tri diện, tri tâm đều là một con số không. Xem qua trang web Trường Trung Học Nông Lâm Súc Cần Thơ, tôi suy nghĩ, nghiền ngẫm bài viết của Thầy, của Chị, bây giờ xin cho tôi được nhập cuộc vào bài viết một phần “ký ức tuổi học trò”.
Thầy Trần Đăng Hồng là bậc tiền bối đối với tôi rồi, còn Chị cho tôi gọi hai tiếng Chị Thu, đó là lời chân thành của tôi.
Tôi, Nguyễn Hồng Đơn, là học viên Trường Trung Học Nông Lâm Súc Cần Thơ lớp Công Thôn 1970-1973. Là sinh viên Cao Đẳng Sư Phạm Nông Lâm Súc khóa 8 ngành Công Thôn 1973-1976. Cũng là khóa cuối cùng khi Nha Học Vụ Nông Lâm Súc Sàigòn bị giải thể. Tốt nghiệp xong, tôi trở thành nhà giáo của Trường Công Nhân Cơ Khí Nông Nghiệp Biên Hòa (trường dạy máy cày, máy ủi). Theo tôi biết Chị và tôi có cùng một nơi xuất thân trên con đường tạo lập công danh sự nghiệp ở tuổi thuở học trò, có điều Chị ở thế hệ đàn chị, tôi ở thế hệ đàn em, học cùng thầy Phạm Huy Hoành, Thầy Đặng Quang Điện v.v. ở Nha Học Vụ Nông Lâm Súc Sàigòn.
Kỷ niệm làm luận án tốt nghiệp trồng lúa Thần Nông 8 cũng có một ký ức khó quên của tôi trong kỷ niệm của Chị.
Ngày ấy đã lâu lắm rồi, bốn mươi năm trước tôi là học sinh đệ lục của Trường Trung Học Phan Thanh Giản(1968) trọ nhà người quen ở Khu Văn Hóa để đi học. Một buổi sáng tôi ngạc nhiên nhìn thấy hai cô gái lái chiếc xe máy cày trên đường Tự Đức (bây giờ là Lý Tử Trọng) hướng về khu văn hóa. Con trâu sắt lăn bánh trên đường phố mà tài xế lại là nữ, không biết chuyện gì đây hay là có một sự đổi đời?. Thấy sao khiếp đảm qúa, tôi vội nhanh chân bước vào vĩa hè cho chắc ăn. Tuổi niên thiếu, ngoài việc cắp sách đến trường tôi còn ham thích môn đá banh. Cũng vào buổi chiều ngày ấy, nuốt vội vài miếng cơm, xong mang trái banh ra sân thì… trời ơi! Sân đá banh của tôi!!! mặt sân đã bị cày xới tung lên hết rồi; tôi ôm trái banh mà lòng buồn hiu, các bạn cùng tham gia đá banh thì đi đâu hết, chỉ thấy có một người hơi đứng tuổi đang ở đó với vẻ mặt đắc chí, có lẽ là chủ đất? (sau nầy tôi mới nhớ lại có lẽ là Thầy Lê Quang Hồng đi tham quan hai cô gái cày đất?). Lòng tôi nghi nghi chẳng lẽ chiếc máy cày mà buổi sáng tôi thấy đã vào đây làm nên chuyện nầy?
Thời gian đi vào quên lãng, rồi 40 năm sau, ngày hôm nay trên trang web Trung Học Nông Lâm Súc Cần Thơ và diện kiến với Chị Hồng em của Chị trong buổi họp mặt cựu giáo sư và học viên Nông Lâm Súc Cần Thơ ngày 01 tháng 01 năm 2009 vừa qua, thì tôi mới biết chính xác thủ phạm ngày xưa là hai Chị Em nhà “Bà” đã cày nát mặt sân đá banh năm xưa của tuội tuôi.
Ngày Chị rời trường Nông Lâm Súc Cần Thơ năm 1968, thì hai năm sau đến lượt tôi bước chân vào học ngành Công Thôn. Sau này cũng với môn thực hành nông trại và nhất là việc cày bừa là chuyên ngành giảng dạy của tôi thì nổi ấm ức ngày xưa hôm nay đã được hóa giải trong lòng tôi.
Có một điều là ngày ấy hai Chị Em nhà “Bà” cũng gan dạ thật, với loại máy cày trước đây thường là không có cơ cấu trợ lực lái, chỉ có cơ học mà thôi nên mỗi khi quanh cua xoay tay lái rất nặng, mỗi khi bánh xe trước rơi xuống ổ gà, ổ voi, thì tác động vào vô-lăng tay lái một lực rất mạnh (vặt mạnh), Chị không bị trật khủy tay, trật khớp xương bả vai là một điều hay lắm, rồi đồng thời là loại xe không có bộ giảm xóc (nhíp xe) mà chỉ đàn hồi qua lớp bánh xe, thì quá trình di chuyển từ trường đến nơi cày đất Chị và Chị Hồng không bị rơi xuống mặt đường cũng là một điều may mắn lắm đó. Vì cần muốn đạt mục đích mà những việc mình không hề biết mà vẫn làm, suy nghĩ lại mặc dù Thầy Lê Quang Hồng đã có ý can ngăn mà Chị vẫn… liều mạng phải không?
Cũng những con trâu sắt, thời học trò, ngày mà khóa 8 chúng tôi đi thực tập ở Trường Trung Học Nông Lâm Súc Bảo Lộc; một kỷ niệm mà tôi khó quên, hậu quả là Thầy tôi gánh.
Hôm ấy, lần đầu tiên tôi lên xe tập lái máy cày, Thầy Phan Thanh Kiếm ngồi trên thành xe hướng dẫn. Tôi với chân ướt chân ráo có biết gì; cho động cơ nổ, vào số và chân nới lỏng bàn đạp ly kết, nhưng tôi không xác định được khoảng cách tự do của bàn đạp ly kết, nhả quá nhanh, chiếc máy cày nhấc đầu lên, hai bánh trước rời khỏi mặt đất, giống như hai chú dế đá nhau hay đúng hơn là lái xe theo kiểu “cao bồi”. Hai tiếng kêu to “trời ơi” bàn tay phải của Thầy Kiếm đập vào thành xe (trong quá trình giữ lại nếu không sẽ rơi xuống đất), một ngón tay sưng phù lên. Đây là một kỷ niệm khó quên của Thầy, của tôi mà đến hai năm sau gặp lại nhau ở Nha Học Vụ Nông Lâm Súc Sàigòn, thầy không bao giờ quên tên của tôi.
Cũng với động tác này, có một sự việc tôi lấy làm đau lòng: một học sinh của tôi vừa tốt nghiệp, công tác ở nông trường Miền Tây, lần nầy thì xe lật úp ngược trở lại, bốn bánh đều hướng thiên, người thì bị kẹt trong xe, đành phải sinh nghề…?!
Gặp lại Thầy Nguyễn Văn Bé, Thầy Võ Huấn Luyện có nhắc đến Chị (ngày kết quả Chị đã đậu vào khóa sư phạm ở Nha Học Vụ Nông Lâm Súc Sàigòn, vì quá vui mừng khi trúng tuyển mà quên việc xe cộ đang di chuyển trên đường Mạc Đỉnh Chi Sàigòn, nhờ Thầy Bé và Thầy Luyện hét lên…).
Tất cả đã trở thành kỷ niệm, mà kỷ niệm nào cũng đẹp cả. Với những cái gạch nối để nối dài đến bên kia bờ đại dương cũng xẻ chia những kỷ niệm của thuở học trò. Cùng cảm thông, thông cảm những khi chị “home sick”, một tâm trạng mà tôi cũng đã trải qua bao năm sống xa nhà nơi xứ lạ quê người.
Ô Môn ngày 08-01-2009,
Nguyễn Hồng Đơn
100/2 Khu Vực 13, Phường Châu V Liêm, Quận Ô Môn, TP Cần Thơ, 07103-862-412