DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Tổ tiên loài Người không phải là Vượn

1/2/2016


Trần Đăng Hồng, PhD

evolution, humans, primates, apes, why, how

Các nhà khoa học ngày nay đã xác định là tổ tiên loài người (Homo) không phải là loài Vượn (Apes). Loài Vượn ở đây được xác định là loài Linh Trưởng (primate) có thân to lớn, không có đuôi, bao gồm Khỉ-đột (gorilla), Đười-ươi-Phi-Châu (chimpanzees), Đười-ươi-Sumatra (orangutan), và Vượn (gibbons). Loài Vượn và Loài Người có bà con gần, tương tự như các nhánh cây, trong đó có nhánh Loài Vượn và nhánh Loài Người phát xuất từ một gốc cây chung.


Hình 1. Đười-ươi (Chimpanzee) và Người (Homo) có bà con (cousin) gần, còn Khỉ-đột (Gorillas) có bà con xa hơn, chúng có cùng tổ tiên chung thuộc hạ tộc Homininae.

Rõ ràng hơn, liên hệ bà con từ gần tới xa với Loài Người (Homo) là Pan tức Đười-ươi-Phi-Châu (chimpanzees), Khỉ-đột (gorilla), Pongo tức Đười-ươi-Sumatra và bà con “năm đời bảy kiếp” với Người là Hylobates tức Vượn-Tay-Trắng (gibbon). Tất cả các loài trên phát xuất từ một tổ tiên chung là Hominoidea (Hình 2).

Loài Vượn như Vượn-tay-trắng và Đười-ươi-Sumatra là bà con xa với Loài Người, chúng sống trên cây trong rừng nên có bàn chân phẳng, có ngón to, chẻ và dài để bấu leo trèo cây. Ngược lại loài Vượn có bà con gần với Người như Khỉ-Đột gorilla và Đười-ươi Chimpanzee sống trên đất, ở thảo nguyên là chính, nhưng cũng biết trèo cây.

Hình dạng bộ xương sống, xương cổ thẳng, xương đùi to chứng tỏ chimpanzee và khỉ-độ gorilla biết đi đứng trên hai chân, tuy nhiên còn giữ những đặc tính của vượn sống trên cây.

 


Hình 2. Nhánh Gia Phả bắt đầu từ tộc thượng tần Hominoidae, tiến hóa thành 2 tộc Hominidae và Hylobatidae. Họ Hylobatidae tiến hóa thành Vượn Hylobates (như loài vượn-tay-trắng). Tộc Hominidae tiến hóa ra hai hạ tộc là Ponginae (thành loài Đười-ươi Pongo) và Homininae. Hạ tộc Homininae tiến hóa ra bộ tộc Gorillini (tổ tiên của loài khỉ-đột gorilla) và bộ tộc Hominini tiến hóa ra Loài Người (Homo) và Loài Pan (tổ tiên của loài Chimpanzee). Như vậy Loài Người Homo và Đười-ươi Chimpanzee có liên hệ bà con thân tộc gần nhất.

 

Hình 3. Liên hệ bà con gần tới xa, từ trái qua phải: Loài người (Homo erectus), Đười-ươi-Phi-Châu (chimpanzee Pan troglodytes), Khỉ-đột (Gorilla gorilla), Đười-ươi-Sumatra (Sumatran orangutan, Pongo abelii), và Vượn-tay-trắng (Hylobates lar).

Nếu xét theo phân loại hệ tộc, thì Loài Người Homo cũng tương đương với loài Vượn, nhưng không phải Vượn. Loài bà con gần nhất với Loài Người là Đười-ươi-Phi-Châu (chimpanzee). Người và chimpanzee có chung 98,8% DNA trong hệ di truyền. Ngoài ra, có những tương đồng giữa hai loài này.

Bà con gần nhưng không gần lắm.

Khoa di truyền học cho rằng tổ tiên Loài Người và tổ tiên loài chimpanzee bắt đầu tách xa nhau khoảng 4 triệu năm trước đây hay hơn, và từ đó mỗi loài tiến hóa theo cách riêng của loài đó. Kích thước tương đối bộ não của chimpanzee tương tự nhất với kích thước bộ não của Loài Người Cổ Đại đã tuyệt chủng, chính vì vậy mà trước đây có thuyết cho rằng tổ tiên Loài Người là Loài Vượn.

Ngày nay, có nhiều bằng chứng khoa học mới cho thấy tổ tiên gần nhất chung của Loài Người không phải là loài giống-như-Đười-ươi Chimpanzee. Mẫu hóa thạch Ardipithecus ramidus, có tuổi 4,4 triệu năm, tìm thấy ở Ethiopia (Đông Phi Châu) có thể là tổ tiên chung của hai Loài Người và Loài Chimpanzee, có tướng đi không giống Người hay Chimpanzee, mà là có tướng đi trung gian giữa hai loài này.


 

Hình 4. Ardipithecus ramidus, có niên đại 4,4 triệu năm, tìm thấy ở Ethiopia. Chú ý ngón bàn chân và có răng nanh nhỏ hơn răng nanh chimpanzee.

Ngoài ra, Ardipithecus có răng nanh nhỏ hơn, trong lúc chimpanzee đực có răng nanh rất lớn dùng làm vũ khí để đe dọa và chiến đấu tình địch. Điều này chứng tỏ chimpanzee hành xử khác với tổ tiên chung Ardipithecus.

Tuy nhiên, giữa Người và Chimpanzee có những tương đồng. Về bản chất cảm xúc và sống cộng đồng, tâm lý loài Chimpanzee rất giống Người. Chẳng hạn chimpanzee giúp các loài chimpanzee khác hay Người lạ mà không kể đến hiểm nguy bản thân, đó là cách hành xử vị tha chỉ thấy ở Người. Ngoài ra, chimpanzee còn có văn hóa chuyển giao dụng cụ sinh sống (như đá đập hạt cứng) cho thế hệ sau, mà không có loài động vật nào khác hành xử như vậy.

Cuối cùng, mặc dầu rất ít, chimpanzee cũng có ngôn ngữ để truyền thông, nhất là qua cách truyền đạt bằng dấu. Điều này thì Chimpanzee còn quá kém cỏi, so ngay cả với Người mới 4-5 tháng sơ sanh.

Bản chất bạo động

Mặc dầu hòa nhã với nhau trong cộng đồng nhỏ, chimpanzee rất bạo động như cưỡng hiếp, gây chiến và giết tình địch. Chúng không biết hợp tác để sống chung. Con Người từ hàng triệu năm trước cũng có bản chất đó. Đó là bản chất sinh tồn. Từ khi con Người biết định cư và làm nông nghiệp, con Người cũng gây chiến với cộng đồng chung quanh hoặc để cướp hoặc bảo vệ tài sản.

Riêng loài tương cận chimpanzee (Pan troglodytes) là bonobos (Pan paniscus) còn gọi “pigmy chimpanzee” sống trong rừng rậm Trung Phi Châu có hành xử rất giống Người như vị tha (altruism), tình thương (compassion), đồng cảm (empathy), lòng tốt (kindness), kiên nhẫn (patience), và nhạy cảm (sensitivity). Đặc biệt bạo động tình dục rất hiếm thấy ở bonobos. Bonobos cũng hành xử làm tình giống như người (mặt đối mặt khi làm tình, biết hôn môi). Vì các đặc tính trên, đười ươi bonobos được xem là bà con gần nhất với Người.

Tình phụ tử

Đười-ươi chimpanzee hay đười-ươi bonobos đực và đàn ông loài Người đều biết chăm sóc, bảo vệ vợ con. Đó là bản chất sinh tồn. Khi gặp thú dữ, chúng leo lên cây. Nhưng khi xuống đất, hay khi định cư ở thảo nguyên, con đực phát triển tánh bảo vệ con cái.

 

TIẾN HÓA CỦA LOÀI NGƯỜI

Loài Người và chimpanzee có cùng một tổ tiên, sống cách đây 7 – 4 triệu năm. Tổ tiên chung này có hình dạng giống chimpanzee hơn người. Tuy nhiên, khi tổ tiên Loài Người tách riêng ra sống ở môi trường khác là đồng cỏ, ít cây, không còn phải bò hay khom lưng như Vượn sống trong rừng, nên tiến hóa đến dáng đi, đứng, chạy trên hai chân. Chân và tay Người cũng khác với Vượn.Thức ăn cũng thay đổi, thay vì ăn trái cây và hạt cứng của trái cây cần răng lớn, Loài Người ăn hạt cỏ, ăn thịt săn bắt nên bộ răng nhỏ hơn. Vì cần phải chạy nhanh chạy nhiều để rượt bắt thú, con Người tiến hóa mất bộ lông để giúp da mát bốc mồ hôi nhanh. Dần dần, con Người thông minh hơn nên khối óc lớn dần. Biết tạo dụng cụ bằng đá để biến chế thực phẩm, để chinh chiến, biết xử dụng lửa và tạo lửa. Cuối cùng biết làm nông nghiệp, trồng hoa màu, chăn nuôi và định cư một chỗ. Loài Người tiến hóa theo hướng riêng để thích nghi với môi trường, lối sống mới nên càng ngày càng “người” hơn, trong lúc loài Vượn không tiến hóa mấy, vì sống nhiều trong rừng, môi trường không mấy biến đổi, nên vẫn giữ “cốt khỉ”.

Hình 5 cho thấy sự tiến hóa từ phụ tộc Homininae, tức lúc tách riêng với Loài Vượn, để theo thời gian tiến hóa biến thành Con Người Thông Minh hiện nay, qua một tiến trình dài trên 4 triệu năm.


Hình 5. Giản đồ tiến hóa của Loài Người Homo kể từ lúc tách riêng với anh em bà con Đười-ươi Chimpanzee, cách đây khoảng trên 4 triệu năm.

 

Sahelanthropus tchadensis. Là loài Hominine đã tuyệt chủng, có niên đại khoảng 7 triệu năm trước, có lẻ gần cái thời Loài Người và Loài Chimpanzee tách rời tiến hóa theo hai cách riêng biệt. Tuyệt chủng vì không thấy tiếp tục tiến hóa sinh ra loài mới ở thế hệ sau.


Sahelanthropus tchadensis

 

Orrorin tugenensis. Có lẻ là loài Homininae đầu tiên nhất, có niên đại 6,1 – 5,7 triệu năm. Cũng tuyệt chủng.

Ardipithecus ramidus, có niên đại 4,4 triệu năm (Hình 4) ) có thể là tổ tiên chung của hai Loài Người và Loài Chimpanzee, có tướng đi không giống Người hay Chimpanzee, mà là có tướng đi trung gian giữa hai loài này.

 


Ardipithecus ramidus

 

Australopithecus anamensis chắc chắn là tổ tiên của Loài Người, sống cách đây 4 triệu năm. Cả hàng trăm hóa thạch thấy ở Kenya và Ethiopia.


Australopithecus anamensis

 

Australopithecus afarensis là loại hominid đã tuyệt chủng, có niên đại giữa 3,9 – 2,9 triệu năm trước, tìm thấy ở Đông Phi Châu. Có hình dạng giống với loài Người Homo. Không rỏ có phải là tổ tiên của Loài Người hay không.

 


Australopithecus afarensis

 

Australopithecus garhi có niên đại 2,5 triệu năm tìm thấy ở Ethiopia. Các nhà cổ sinh vật học cho đây là tổ tiên thật sự của Loài Người.


Australopithecus garhi

 

Australopithecus africanus đã tuyệt chủng, có niên đại giữa 3,8 – 2,2 triệu năm trước, tìm thấy hóa thạch ở Nam Phi. Hình dạng tương tự như A. afarensis, giống nửa người nửa vượn, bộ nảo lớn, răng nhỏ, tay dài. Đi rành trên hai chân, đồng thời leo cây cũng giỏi.

 

 


 

Australopithecus africanus

Paranthropus. Có niên đại 2,7 triệu năm trước. Tuyệt chủng.


 

Paranthropus boisei

Homo habilis

Là một loài trong bộ tộc Hominini, hiện diện cách đây 2,8 – 1,5 triệu năm tại Tanzania, biết làm dụng cụ bằng đá. Cao khoảng 1,3 m. Đứng thẳng lưng. Khối óc (600 cc) lớn hơn các loài trên.


 

Homo habilis

 

Homo erectus- “upright man” (người đứng thẳng)

Đứng thẳng, hiện diện cách đây 2 triệu – 700,000 năm ở Phi Châu. Là loài người đầu tiên di cư ra khỏi Phi Châu khoảng 2 triệu năm trước, đến định cư ở vùng Âu-Á cho tới vùng Đông Nam Á khoảng 1,8 – 1 triệu năm trước, di chỉ hóa thạch thấy ở Đông Phi châu, Âu Châu (Georgia, Spain), Ấn Độ, Sri Lanka, China (Peking man), Việt Nam, Indonesia (Java man). Biết làm dụng cụ bằng đá, biết dùng lửa. Đã tuyệt chủng.


Homo erectus: Java man và Peking man

Homo neanderthalensis

Hóa thạch tìm thấy ở vùng Neanderthal (Đức), đã tuyệt chủng cách đây 40.000 năm. Rất giống Loài Người hiện tại, có chung 99,5% DNA trong hệ di truyền, có bộ óc lớn (1600 cc). Hóa thạch người Neanderthal thấy cùng với dụng cụ đồ đá từ Tây Âu qua Trung Âu tới Bắc Á Châu và Trung Đông. Không thấy ở Phi Châu. Ở Âu Châu, người Neanderthal hiện diện cách đây 300.000 năm. Đàn ông cao 1,64 - 1,68 m, đàn bà cao 1,52 – 1,56 m. Có tập tục chôn cất khi chết.

 


Homo neanderthalensis

Homo heidelbergensis

Còn gọi là Homo rhodesiensis, đã tuyệt chủng, sống ở Phi Châu, Âu Châu (Đức, Pháp, Anh và Hy Lạp), Tây Á Châu cách đây 600.000 – 200.000 năm.

 

 


Homo heidelbergensis

 

Homo sapiens – Người Thông Minh.

Là loài Homo tồn tại tới ngày nay. Chúng ta là Homo sapiens sapiens bởi vì Homo sapiens idaltu là anh em với Homo sapiens sapiens ví có cùng cha là Homo sapiens, nhưng đã tuyệt chủng cách đây 160.000 năm. Người Homo sapiens xuất hiện cách đây 190.000 năm và tồn tại tới nay.


Người Homo sapiens ở Thái Lan

 

Kết luận

Loài Người Homo chúng ta không phải tiến hóa từ loài Vượn. Loài Vượn là bà con, chứ không phải là tổ tiên của Loài Người. Loài Vượn và Loài Người có cùng chung một tổ tiên trong tộc Homininae. Kể từ đó, cách đây trên 4 triệu năm, tổ tiên Loài Người tách riêng ra khỏi Loài Vượn vốn sống trên cây trong rừng, ra sống ngoài đất trãng (savannah) hay thảo nguyên không còn cây lớn. Để thích ứng với môi trường sinh sống và cách sống mới (thực phẩm mới, săn bắt, trồng trọt, chăn nuôi) đã tiến hóa qua thời gian thành Con Người thông minh hiện nay. Tổ tiên Loài Người phát xuất từ Phi Châu, và từ đó phát tán khắp thế giới, đến sinh sống ở nhiều môi trường khác biệt nên tạo ra hàng vạn sắc tộc, có ngôn ngữ, trình độ văn minh khác nhau, v.v.

Trong quá trình tiến hóa trên 4 triệu năm, cuối cùng chỉ còn một loài Homo sapiens sapiens kế thừa từ tổ tiên Loài Người được tồn tại tới ngày nay. Khoảng 10 loài đã tuyệt chủng trong quá trình tiến hóa này:

1. Homo rudolfensis, hóa thạch thấy ở Kenya, niên đại 1,9 triệu năm.

2. Homo habilis ("handy man", "skillful person") sống 2,5 – 1,8 triệu năm trước.

3. Homo georgicus hóa thạch có niên đại 1,8 triệu năm, tìm thấy ở Georgia là một loài trung gian giữa Homo habilisH. erectus.

4. Homo ergaster ("working man"), sống cách đây 1,9 – 1,4 triệu năm tại Đông Nam Phi châu.

5. Homo erectus ("upright man").

6. Homo antecessor sống ở Châu Âu từ Spain đến Georgia cách đây 1,2 triệu đến 700.000 năm.

7. Homo heidelbergensis ("Heidelberg Man")

8. Homo neanderthalensis – Người Neanderthalđ đã tuyệt chủng, người cuối cùng biến mất cách đây 24.000 years tại nam Spain.

9. Homo floresiensis ("Man of Flores", Hobbit) có thân hình nhỏ thó, di chỉ thấy ở đảo Flores của Indonesia, mới tuyệt chủng rất gần đây.

10. Homo sapiens idaltu ("elderly wise man") đã tuyệt chủng, sống ở Ethiopia cách đây 160.000 năm.

Lý do tại sao các loài trên bị tuyệt chủng vẫn còn là điều bí mật, chưa giải đáp được

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

 

Ben Mauk (2013). Why Haven't All Primates Evolved into Humans?. LiveScience. http://www.livescience.com/32503-why-havent-all-primates-evolved-into-humans.html

Charles Q. Choi (2009). Human Evolution: Our Closest Living Relatives, the Chimps. LifeScience. http://www.livescience.com/7929-human-evolution-closest-living-relatives-chimps.html

University of Berkeley (Tài liệu giảng dạy). Understanding Evolution. The emergence of humans. http://evolution.berkeley.edu/evolibrary/article/evograms_07