Ung thư ở Việt Nam - Phần 1
2/3/2024BỊNH UNG THƯ Ở VIỆT NAM
Trần-Đăng Hồng, PhD
Phần 1. Tình trạng ung thư gia tăng ở Việt Nam
Theo báo cáo từ GLOBOCAN 2020, với dân số khoảng 100 triệu dân, Việt Nam ghi nhận hơn 182.000 ca mắc ung thư mới, số ca tử vong trên 122.000 trường hợp. Như vậy, trung bình cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư.
Năm 2020, Việt Nam xếp thứ 91/185 về tỷ suất mắc mới và thứ 50/185 về tỷ suất tử vong trên 100.000 người. Thứ hạng này tương ứng của năm 2018 là 99/185 và 56/185. Như vậy, có thể thấy là tình hình mắc mới và tử vong do ung thư ở Việt Nam đều đang tăng nhanh mỗi năm, đáng lo ngại.
Theo số liệu từ Hội nghị ung thư quốc tế về phòng chống ung thư năm 2022, tổ chức tại Hà Nội, tỷ lệ mắc ung thư tại Việt Nam cao thứ 2 thế giới.
Cũng theo số liệu trong hội nghị quốc tế về ung thư tổ chức tại Đại Học Nam Cần Thơ ngày 29/7/2023, thì mỗi năm, Việt Nam ghi nhận có 200.000 ca mắc mới, số ca tử vong lên đến 82.000 trường hợp. Tỷ lệ tử vong do ung thư tại Việt Nam là 73,5%, trong khi của thế giới ở mức 59,7%, các quốc gia đang phát triển 67,9%. Như vậy tỷ lệ tử vong do các bệnh ung thư tại Việt Nam ở mức cao, do đa số được phát hiện muộn, việc điều trị kết quả chưa cao.
Tại Việt Nam, các ung thư phổ biến ở nam giới gồm ung thư gan, phổi, dạ dày, đại trực tràng, tiền liệt tuyến là những ung thư phổ biến nhất (chiếm khoảng 65.8% tổng các loại ung thư).
Ở nữ giới, các bệnh ung thư phổ biến gồm ung thư vú, phổi, đại trực tràng, dạ dày, gan (chiếm khoảng 59.4% tổng các loại ung thư).
Chung cho cả 2 giới, các loại ung thư phổ biến là ung thư gan, phổi, vú, dạ dày và đại trực tràng.
TẠI SAO UNG THƯ GIA TĂNG NHANH Ở VIỆT NAM
Ung thư là bệnh lý gây nên bởi nhiều yếu tố phối hợp, nhưng tựu chung là 2 nhóm yếu tố: nhóm yếu tố thay đổi được (như hành vi lối sống, môi trường) và nhóm yếu tố không thay đổi được (tuổi, gen…).
1. Già hóa dân số: Việt Nam đang đối mặt với sự già hóa dân số nói chung, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện nay đã tăng (73,6 tuổi). Tuổi càng cao, hệ miễn nhiễm càng thấp, thời gian tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ càng dài thì tỷ lệ mắc ung thư càng cao.
2. Lối sống không lành mạnh:
- Hút nhiều thuốc và uống nhiều rượu
- Chế độ ăn ăn uống không hợp lý: ăn nhiều mỡ động vật, ít chất xơ, sử dụng các thực phẩm mốc (gạo, đậu phộng), hay thực phẩm chế biến sẵn như thịt hun khói, cá muối…), đồ hộp, đóng vai trò 35% nguyên nhân gây ung thư (như ung thư vú, thực quản, đại trực tràng…).
- Ít vận động: Thói quen ít vận động cũng là nguyên nhân gây nên một số bệnh ung thư như ung thư vú, ung thư đại trực tràng.
- Môi trường sống: Vấn đề về ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, ô nhiễm thực phẫm vì thuốc diệt sâu, diệt nấm, thuốc diệt cỏ, ô nhiễm không khí vì bụi, chất thải độc từ nhà máy, v.v. (Chi tiết ở Phần 4)
Độc hại của hút thuốc
Hút thuốc lá là nguyên nhân của 30% các loại ung thư, gây ra 20 loại ung thư khác nhau và 90% nguyên nhân của ung thư phổi.
Trước 1990, người Việt thuộc loại hút thuốc nhiều, có hạng trên thế giới. Thuốc hút ở đây là nói chung các loại thuốc hút, như thuốc rê, thuốc tự vấn, thuốc Lào, cigarrette, v.v.
Khuynh hướng hút thuốc giảm dần, theo các kiểm kê với lứa tuổi trên 15 ở cả 2 phái nam và nữ trên toàn quốc:
Năm 1997: phái nam: 50%; phái nữ: 3.4%.
Năm 2005: phái nam: 67.8%; phái nữ: 1.1%.
Năm 2015: phái nam: 45.3%; phái nữ: 1.1%.
Nếu chia đều theo đầu người hút thuốc (smoker), thì trung bình mỗi ngày mỗi người hút 13,7 điếu thuốc.
Chi tiết hơn, 75,9% trong số người hút thuốc, mỗi ngày hút ít nhất 10 điếu (tức nửa gói 20 điếu); và 37.6 % thuộc loại nghiện nặng, mỗi ngày hút 20 điếu (1 gói), tức là lúc nào cũng có điếu thuốc trên môi.
Cơ quan sức khỏe thế giới ước tính hàng năm Việt Nam có khoảng 40.000 người chết sớm do bệnh liên quan đến thuốc lá.
Độc hại của uống rượu
Uống nhiều rượu, từ rượu nặng đến rượu bia là nguyên nhân gây ra các loại ung thư như ung thư miệng, họng; ung thư gan; ung thư vú, ung thư đại trực tràng.
Rượu gây tác hại lên toàn bộ cơ thể, trong khi đó, hơn 40% số đàn ông Việt Nam uống rượu bia quá nhiều. Hơn 40.000 ca tử vong mỗi năm ở Việt Nam liên quan tới đồ uống có cồn.
Theo WHO, mỗi người Việt một năm tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên chất, nhiều hơn người Trung Quốc và gấp bốn lần người Singapore.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá mức tiêu thụ rượu, bia của người Việt Nam là cao so với các quốc gia khác trong khu vực. Ước tính, trung bình mỗi người Việt trên 15 tuổi tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên chất trong một năm, tương đương 170 lít bia/năm. Như vậy trung bình mỗi ngày một người Việt Nam uống 0.47 lít bia, tức khoảng 1,5 lon bia (330 ml).
Lượng rượu bia tiêu thụ tại Việt Nam đang gia tăng hàng năm, khoảng 15%/năm, và đã lên tới gần 4,7 tỉ lít bia, hay tương đương 350 triệu lít cồn trong năm 2018. Tính bình quân giá mỗi lít bia/rượu là 1 USD, thì chi phí cho bia rượu đã vượt 5 tỉ USD.
Theo thống kê từ Báo cáo toàn cầu năm 2018 cho thấy mức tiêu thụ rượu bia bình quân/người trưởng thành quy đổi ra cồn nguyên chất đã tăng từ 3,8 lít/người vào năm 2005 lên 8,3 lít năm 2018, cao hơn mức trung bình của thế giới là 6,4 lít.
Số người Việt ở Việt Nam ghiền rượu càng ngày càng gia tăng: năm 2010: 25,1%; năm 2015: 44,2% (tăng 1.8 lần).
Một điều đáng quan tâm nữa là tỷ lệ phái nữ uống rượu càng ngày càng gia tăng. Theo điều tra sức khỏe học sinh trường học năm 2019, tỷ lệ xử dụng rượu bia ở nam trẻ vị thành niên (13-17 tuổi) là 24,6% và ở nữ là 17,6% năm 2013, tăng lên 20% vào năm 2019. Trong số đó, tỷ lệ đã từng uống say ở cả vị thành niên nam và nữ đều ở mức cao với 22,1% ở nam và 19,3% ở nữ.
Một, hai, ba, dzô!
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1.Bộ Y Tế. Cổng thông tin điện tử, ngày 19/1/2021. Tình hình ung thư ở Việt Nam. Tình hình ung thư tại Việt Nam - Hoạt động của địa phương - Cổng thông tin Bộ Y tế (moh.gov.vn)
2. Tỷ lệ người mắc ung thư ở Việt Nam cao thứ 2 thế giới. https://tienphong.vn/ty-le-nguoi-mac-ung-thu-o-viet-nam-cao-thu-2-the-gioi-post1555728.tpo .
3. World bank (27/5/2019). Vietnam overview of tobacco control legislation use and taxation. World Bank Document
Reading, 02/3/2024.