DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Trái tim nhân hậu

4/4/2024

Trái Tim Nhân Hậu
Để tưởng nhớ Cha Má nhân Muà Vu Lan 2008
Trần Đăng Nhơn


Người Việt Nam ta thường nói “ Con gái nhờ đức cha , con trai nhờ đức mẹ “ .
Tôi thấy câu này có vẻ đúng với trường hợp cuả tôi ( Tôi không dám đại diện nói câu này cũng đúng cho tất cả 8 anh em chúng tôi vì “nói trước sợ bước không tới “ ) . Sở dĩ tôi dám nóí liều vì tôi đã qua cái tuổi “ thất thập cổ lai hy “ rồi và bây giớ đang hưởng ‘bonus’ cuả trời ban cho từng năm một. Cuộc đời tôi may mắn đã gặp được nhiều hanh thông và cũng mong những ngày cuối đời được sống an nhàn . Nếu quả được như vậy thì tôi có thể nói chắc rằng tôi đã hưởng được nhiều “ đức cuả mẹ “ . Dĩ nhiên “ đức cuả cha” cũng lớn lắm nhưng tôi muốn nhường lại cái quyền ăn nói này cho các chị em gái cuả tôi .
“Má tôi ăn ở có đức” đó câu nói tôi có thể khẳng định và có thể chứng minh được qua những người giúp việc cuả má tôi , những người láng giềng cuả má tôi , những người ngheò cô đơn mà má tôi nuôi dưởng .
Ngày xưa hôn nhân do gia đình quyết định . Bà Nội tôi là người Phú Ân Nam đã chọn vợ cho cha tôi . Cha má tôi kết hôn rất sớm lúc hai người mới có 18 tuổi .Má tôi thời con gái không được đi học nên không biết chữ. Tuy vậy má tôi tính toán ( tính nhẩm ) rất nhanh , buôn bán rất giỏi . Tôi nghe Cậu Kiều Xuân Cư nói lại , lúc trẻ má tôi đẹp rất xứng đôi với cha tôi . Rất tiếc hiện nay các anh chị em chúng tôi không còn ai giử được tấm hình nào của cha má tôi khi còn son trẻ. Tôi còn nhớ 2 tấm ảnh lộng trong khung kính treo trên nhà ở Lạc lợi , chụp Cha Má tôi lúc còn trẻ vào khoảng 30 , 40 tuổi . Cha rất đẹp trai , tương tự giống hình ảnh chú Mười . Còn má mặc áo dài , tay cầm nhánh hoa . Không biết bây giờ 2 ảnh đó lưu lạc ở đâu hay lâu ngày đã hư hỏng rồi . Nhưng tôi tin chắc một điều , nếu theo tiêu chuẩn cái đẹp ngày nay thì má tôi cũng có hạng lắm với ‘ vòng 1 dử dội của má tôi ‘ ( vì lúc về già mà 2 bầu sửa của má tôi trệ dài đến lưng quần ) nếu biết sử dụng loại ‘underwear’ hảo hạng ngày nay.
Những năm đầu về làm dâu , má tôi bị sảy thai nhiều lần . Má phải chạy chửa bằng những phương pháp “mê tín” như bùa chú , đâm kim vào mạch máu . Tôi có lần đã sờ thấy cây kim trong bắp chân của má tôi . Thế rồi đến năm thìn ( 1928 ) má sinh chị Hai tôi . Năm Ngọ ( 1930 ) sinh chi Ba tôi . Năm Tuất ( 1934 ) sinh tôi . Năm Sửu ( 1937 ) sinh chú Lộc . Năm Thìn ( 1940) sinh chú Hồng . Năm Tỵ ( 1941) sinh cô Huê . Năm Hợi ( 1947 ) sinh cô Son . Năm Sửu ( 1949 ) sinh cô Sương *.
Gia đình tôi càng ngày càng đông nên má tôi phải nuôi người giúp việc.
Trong bài viết này tôi muốn đề cập đến những người đã từng giúp việc cho cha má tôi . Nhiều khi tôi tự hỏi , không hiểu tại sao cha má tôi thuê mướn nhiều người giúp việc đến thế và người nào cũng trung thành với cha má tôi . Nhiều người đã ‘ở’ rất nhiều năm , từ ngày còn nhỏ cho đến tuổi trưởng thành , cha má tôi lại đứng ra dựng vợ gả chồng . Bí quyết gì đã ‘ cầm chân ‘ những con người đó ở với mình rất nhiều năm trời như vậy . Đa số những người này đã gọi cha má tôi bằng những từ thân thương như “ Mười trai , Mười gái “ thay vì “ Bác Mười , hay Ông , Bà Mười” . Có người mỗi lần câu được con cá , hay gặt được một vài ô nếp mới cũng mang đến biếu Mười . Mỗi lần nhà tôi có đám giỗ lớn thì nhiều người đến từ đêm hôm trước để chuẩn bị bàn thờ , ở lại đêm , để sáng hôm sau mổ heo , làm gà … sẳn sàng cho nhà bếp nấu nướng .
Vào thời đó đa số người làng tôi là nông dân rất nghèo , một năm chỉ làm được vụ lúa nhờ nước trời . Các tháng còn lại thì thiếu lương thực , nhiều nhà phải chịu cảnh đói : cháo rau qua ngày . Vào những tháng giáp hạt ( ruộng chưa cày cấy được , hay cày cấy rồi nhưng lúa chưa trổ bông kết trái ) thì người nghèo trong làng phải ăn độn , một phần cơm hai ba phần khoai , củ . Vào những tháng đói khổ này thì má tôi không bán lúa cho hàng xáo ( người chuyên mua lúa về xay giả rồi đem ra chợ bán kiếm lời ) , má chỉ để dành lúa bán cho người nghèo trong làng . Mỗi lần một người chỉ được mua một giạ , ăn hết rồi đến mua một giạ khác . Tôi không nhớ là lúc đó má tôi bán lúa lấy tiền mặt hay bán chịu ( nợ ) , Nhưng theo lời chi Ba tôi kể thì phần lớn là bán chịu và bán với giá rẻ.
Trong một xả hội nghèo đói như thế , thì người nghèo phải gửi con đến những nhà khá giả trong làng để có cơm ăn và kiếm tiền phụ giúp cha mẹ. Tôi không so sánh xả hội ngày xưa với xả hội bây giờ và cũng không thắc mắc về việc cha mẹ nghèo cho con đi giúp việc để có gạo ăn trong thời buổi đói kém . Tôi thấy giúp việc cho nhà giàu cũng cực khổ , cũng vất vả chứ đâu phải sung sướng gì . Tuy nhiên những người giúp việc đều thương yêu , kính trọng cha má tôi . Khi họ đã có gia đình , có con cái đề huề họ vẫn thường lui tới thăm nom , giúp đở cha má tôi như con cháu trong nhà . Ngày tết họ cũng đem con cái đến chúc tết .
Tôi thắc mắc là tại sao người giúp việc cho cha má tôi ở lâu đến như thế , người ít nhất là 1 năm ( Cô Ba Bông ) , nhiều người là từ 5 , 10 năm trở lên , có người ở cho đến lúc chết (như anh Ba Mua ) . Tôi nghĩ chỉ vì lòng nhân hậu của má tôi mà có thể “ cầm chân “ được người giúp việc lâu như vậy. Cha tôi là thầy thuốc đông y . Công việc hàng ngày của người là bắt mạch , hốt thuốc cho bệnh nhân. Má tôi thì trông nom việc buôn bán ( những năm chưa có nhiều con ) , ruộng nương . Khi dành dụm được nhiều tiền thì má tôi mua ruộng , rất nhiều ruộng . Ông Bà có nhiều ruộng ở nhiều nơi : xa nhất là ruộng Đồng hộ gần Suối Tiên , Nghiệp thành , Gò cà … Ruộng nương thì má tôi cho người ta là theo 2 phương thức : làm rẻ ( chủ ruộng chịu thóc giống , công cày cấy …cuối mùa khi gặt thì chia 2 lợi tức ) , làm ngỡ ( chủ ruộng không chịu gì hết , người làm ruộng chịu hết mọi thứ , đến cuối mùa chỉ đong một số lượng lúa nhất định - ít luá hơn là làm rẻ - cho chủ ruộng ) . Nói cách khác , cha má tôi là “ địa chủ “ không trực tiếp canh tác . Do đó kẻ giúp việc trong nhà không phải làm công việc đồng án khổ cực như người nông dân . Công việc của người giúp việc phần lớn là giử em ,trông nom ẩm bồng chị em chúng tôi , phơi lúa và cất lúa vào nhà lẩm . Má tôi cũng có la rấy người giúp việc , nhưng không bao giờ chửi bới , nhục mạ , đánh đập… như nhiều người chủ khác . Trong bửa ăn người giúp việc ăn cùng mâm với gia đình chúng tôi , nhưng thường ngồi gần nồi cơm để tiện việc bới cơm cho mọi người . Khác với thời bà Nội tôi , bửa ăn chia làm 2 mâm : Ông bà Nôi cùng ăn với cha và chú tôi ở mâm nhà trên . Còn các cô , má tôi và người giúp việc thì ăn mâm nhà dưới .
Tôi nghĩ chỉ vì lòng nhân hậu của má tôi mà đã cầm chân được 12 người giúp việc . Có người giúp việc cho má tôi khi tôi chưa sinh ra đời chỉ nghe nói lại như Chị Ba Thự .Tôi không biết mặt chị Ba Thự mà chỉ nghe má tôi và các chị tôi kể lại mà thôi . Khi mới sinh chi Hai tôi thì má tôi mướn chị Ba Thự đến ở để giử chị Hai , rồi chị Ba. Sau này chị đi lấy chồng , lâu lâu cũng có ghé thăm cha má tôi . Tôi không biết nhiều về chị Ba Thự nhưng hình như chị giúp đở rất nhiều trong công việc mua bán hàng rong của má tôi . Tôi nghe nói khi cha má tôi ra riêng , má tôi buôn bán hàng rong khắp các làng ở miền quê tôi . Sáng sáng má tôi quảy một đôi gánh trong đó có hủ mắm , chút ít hàng hoá nhỏ như vải vóc , vật dụng trong nhà …, rong rủi lên các làng trên để bán hoặc trao đổi lúa . Việc nhà , chăm sóc con cái ( chị Hai , chị Ba tôi ) thì giao cho chị Ba Thự.
Cùng giúp việc lúc đó có Anh Hai Leo . Tôi cũng không biết mặt vì anh Hai Leo chết sớm . Anh Hai Leo thì làm việc nhà , trông nom vườn tược , giúp việc chuyên chở , phơi phóng lúa . Hình như anh cũng xay lúa giả gạo để má tôi làm hàng xáo . Cha Má tôi đứng cứơi cô Hai Cho , con gái của cô Năm Ngò cho anh Hai Leo . Vợ chồng ăn ở với nhau có một mặt con tên là cháu Hai . Anh Hai Leo mất sớm . Sau đó cô Hai Cho lấy anh Ba Bán sinh ra một lũ con đặt tên rất tục ‘ Thằng Cặt , thắng Cứt , thằng Đái …) . Sau này cháu Hai ( chúng tôi thường gọi đùa la Hai Đế , gọi chúng tôi cậu ) cũng có ở giúp việc cho Cha má tôi rất nhiều năm . Hình như cháu Hai chăm nom em Son thì phải .Cách đây 2 năm tôi gặp lại Hai thì đã ra một bà cụ già nhai trầu bỏm bẻm .
Người giúp việc lâu năm và rất trung thành với cha má tôi là Anh Tám Lẻo . Cha mẹ mất sớm , chỉ còn có hai anh em : anh Bảy Lắc và anh Tám Lẻo. Tôi không biết anh bắt đầu giúp việc cho cha má tôi khi nào , nhưng khi tôi bắt đầu hiểu biết thì thấy đã có anh Tám rồi . Anh làm mọi việc từ trong vườn , ngoài ruộng , xay lúa giả gạo …Tôi nhớ lúc anh Tám trở thành một thanh niên thì hay đi chơi ban đêm. Khuya về ngủ thường hay “ mớ “. Anh thương chị Chín Tý , con gái ông Trùm Năm . Hai người hò hẹn lén lút với nhau . Nhà chị Chín Tý thì khá giả , đàng hoàng . Trong khi Anh Tám thì mồ côi cha mẹ , thân phận là người đi ở ( tiếng gọi người giúp việc ngày xưa ) , gia đình thì không môn đăng hộ đối nên gia đình chị Chín Tý không muốn gả con , nại lý do hai người tuổi xấu không thể lấy nhau được . Cha má tôi phải thuyết phụ Ông Trùm Năm và đứng ra “làm sui ” với gia đình đàng gái . Sau cùng thì Anh Tám Lẻo cũng cưới được chị Chín Tý . Sau đám cưới , anh Tám không còn ở nhà tôi nửa . Tuy vậy anh vẫn lui tới thăm nom cha má tôi . Có chuyện gì cần đều kêu anh đến giúp . Anh nhiệt tình như con cái trong nhà . Anh có nghề câu cá lóc . Mỗi lần câu được cá to thì mang xuống biếu “ Mười “ . Mỗi lần nhà có giổ lớn thì anh xuống từ chiều hôm trước ở lại đêm để sáng hôm sau dậy sớm mổ lợn , làm gà… sẳn sàng cho bếp nấu nướng . Anh chị ăn ở với nhau sinh được 3 người con : 1 gái , 2 trai . Mỗi lần Tết đến , anh thường dẩn con xuống nhà mừng tuổi cha má tôi và bảo con gọi cha má tôi bằng “ ông bà nội ‘ . Hai người không hạp tuổi , nên thường hay đau bệnh . Anh Tám đau mắt nặng , bị múc mắt nên về già chịu cảnh mù loà. Chi Chín Tý bị ung thư mất sớm , nên sau này anh có thêm một vợ nữa và sinh thêm vài người con .
Tôi thương nhất là Anh Ba Mua . Anh là người quê ở Phú Yên , lưu lạc vào Lạc lợi vào giúp việc ở nhà tôi . Người anh cục mịch , xấu xí nhưng được có sức khoẻ , làm việc nặng nhọc . Tôi nhớ rằng chân anh thường bị “ghẻ hòm” . Ngày trước chưa có thuốc trụ sinh nên bệnh ghẻ thường là bệnh khó chửa. Ghẻ hòm thường lở rất lớn , miệng ghẻ nhiều khi rất to. Anh Ba thường thường đốt loại một loại lá “thường là lá chùi đít” thành tro rồi rắt vào mụt ghẻ. Lúc nhỏ tôi cũng thường bị ghẻ ở chân , má phái rước ông y tá ờ dứơi Thanh minh lên rửa nước tím và xức thuốc cho tôi. Có một lần anh Ba xin phép cha má tôi về Phú Yên để thăm gia đình . Anh đi vắng một thời gian . Khi anh trở lại nhà tôi thì nhằm vào muà mưa bảo nên mắc mưa rồi lâm bệnh . Bệnh anh càng ngày càng nặng . Cha tôi săn sóc thuốc thang nhưng không thuyên giảm . Sau cùng anh chết vào một ngày mưa gío. Cha má tôi chôn cất anh tử tế . Ngôi mộ đất , đấp rất cao , to nhất trong khu đó. Má tôi làm giổ hàng năm cho anh . Có một năm má tôi không hiểu sao quên ngày mai là ngày giổ của anh . Buổi chiều em Huê của tôi ngồi chơi , bỗng nói với má tôi “ ngày mai giỗ anh Ba , má cúng …” . Má tôi trực nhớ và sáng mai má đúc bánh xèo cúng anh Ba. Má nói anh Ba linh thiêng nên nhờ Huê nhắc má chứ Huê lúc đó còn quá nhỏ làm sao nhờ được ngày giổ của anh .
Người nuôi tôi từ ngày tôi mới lọt lòng là Chị Ba Quýt , chị ruột cuả anh Bốn Phúc , con cuả chú Bốn Gai . Tôi không nhớ nhiều về chị vì chị ẩm bồng tôi trong những ngày tôi còn nhỏ. Bây giờ chị Ba Quýt đã chết nên tôi không thể hỏi thêm gì về tuổi thơ ấu cuả tôi . Tôi chỉ nghe Má tôi kể lại , lúc baby tôi rất bụ bẩm , năm ngữa trên bộ ván ngưạ . Cô Bốn Bụt hái rau heo sau vườn đi ngang qua thấy tôi dễ thương , bèn lấy lưởi hái giả bộ cưá “ con chim” cuả tôi , mục đích là nưng nịu . Không ngờ Bà Nội tôi thấy , cho rằng Cô Bốn Bụt trù eỏ gia đình tôi “ tuyệt nòi” nên nổi giận la mắng Cô Bốn . Đã suýt bị “cứa chim” mà tôi còn sinh một loạt 5 đứa con huống chi nếu không bị cứa chắc còn sinh cũng bằng cha má tôi.
Khi lớn lên chị về nhà thì Anh Bốn Phúcxuống ở thay. Anh Bốn Phúc lớn tuổi hơn tôi và hiện nay anh còn sống . Anh giúp việc cho cha má tôi vào những năm có chiến tranh 1945 . Cả nhà “chạy giặc” lên làng Quang Thạnh thì anh ở nhà giử nhà. Tôi có nhiều kỹ niệm với anh mỗi lần tôi trở về nhà thì đêm đêm mang đèn pin đi soi bắt ếch , anh Bốn Phúc bảo “ếch tháng ba gà tháng mười” , ếch tháng ba mập nhiều thịt . Anh dạy tôi cắm câu ngoài ruộng để bắt cá trầu ( cá lốc ) .
Trong những năm chiến thứ 2 , cha má tôi có nuôi Chị Bốn Thuẩn để ẩm bồng em Hồng . Chị người gốc Phú Cốc chạy tản cư Việt Minh xuống làng tôi . Chị giúp việc cho cha má tôi . Chị có người em trai tên Mè , cùng tuổi với chúng tôi . Thằng Mè dụ tôi theo Việt Minh để tập kết ra Bắc học tập . Nó mô tả miền Bắc như một thiên đường và bảo tôi trốn nhà cùng nó ra đi. Tôi cũng hơi mềm lòng muốn đi theo nó . Hơn nưã vào những năm đó lũ chúng tôi đều có tinh thần chống Pháp , muốn đánh đuổi bọn Tây ra khỏi đất nước mình . Rủi thay ! ( hay cũng may thay !) thằng Mè bị máy bay Pháp bắn chết trên Phú Cốc , nên mộng đi Bắc cuả tôi cũng tan theo . Chị Bốn Thuẩn có lúc bỏ nhà lên núí theo Việt Minh, sau đó có mang rồi hư thai , lại trở về . Má tôi thường mang cơm nước , áo quần đến cho , nuôi chị sống qua cơn khổ . Chị coi Má tôi như mẹ nuôi , nên sau này chi lấy chồng ở Cầu Đá , hằng năm cứ mỗi lần tết đến chị lại dẫn con về mừng tuổi ông bà ngoại . Chị đã chết.
Trong những năm anh em chúng tôi đi học ở Nhatrang thì má tôi nuôi Hai Vui . Hai Vui lớn tuổi hơn Huê , nên xem như chị em trong nhà . Có lúc thi Hai Vui ở trên quê với cha má tôi , có khi thì xuống Nhatrang nấu cơm cho anh em tôi ăn đi học . Món ăn cuả Hai Vui thường xuyên nấu là canh dưa hồng với cá vụn . Vì mỗi ngày má tôi chỉ phát có mấy đồng ( không nhớ là bao nhiêu ?) , nên quanh đi quẩn lại chừng đó món ăn . Sau này Hai Vui lấy chồng sinh con vẫn tới lui thăm nom cha má tôi . Mấy năm gần đây , chúng tôi có lập quỹ Học Bổng Trần Đăng Quảng , cháu nội cuả Hai Vui được chúng tôi đền ơn bằng cách cấp học bổng dù rằng nhà cuả Hai Vui bây giờ thuộc hạng khá giả trong làng .
Khi chị Hai tôi ( Bà Trần Thị Sâm ) mất khi sinh cháu Tèo ( Đổ Quốc Trí ) , Má tôi đem Tèo về quê nuôi nên thuê Thím Ba Xứng , chị dâu của cô Bốn Bụt , đến nuôi cháu . Chú Thím Ba Xứng có người con gái tên Xuân , người trắng trẻo , đẹp gái . Sau đó má còn thuê Bà Nhiềuthay thím Ba Xứng nuôi chaú . Lúc đó Bà đã già nhưng vẫn còn sức khoẻ để chăm sóc cháu Trí . Cha Má tôi thương chị Hai nhưng làm sao nuôi đưá cháu vưà mới lọt lòng mẹ . Bà Nhiều đã thức khuya dậy sớm , nấu cháo , đun sửa để nuôi cháu Trí. Nhiều khi phải bồng cháu Trí đi bú dạo quanh xóm.
Người giúp việc cuối cùng cho cha má tôi là Cháu Vốn . Nó gọi Cha Má tôi là Ngoại . Nó ở nhà tôi trên 10 năm : lúc đầu thì giúp việc cho Cha má tôi , tiếp theo là giúp cho gia đình tôi để săn sóc chaú Quang và Vủ và cuối cùng là giúp cho gia đình chị Ba Nhung ở Dục Mỹ. Cháu Vôn không biết chữ và cũng không học được chữ. Mỗi lần sai nó đi chợ phải vẻ trên tờ giấy cho nó biết : con cá , mớ rau … Hiện nay Cháu Vốn đang ở vùng kinh tế mới trên huyện Khánh Vĩnh . Nó già , yếu , đen như “mọi” . Hằng năm cứ vào ngày giỗ má là nó đi xe ôm từ cái làng xa xôi trên Khánh Vĩnh xuống Thành rồi đi tiếp xe buýt xuống Nhatrang thắp cho “ Ngoại” một nén nhang rồi quay quả trở về Khánh Vĩnh . Tình nghiã như vậy thật đáng quý và trân trọng.
Lễ Vu Lan lại đến trong nổi nhớ nhung cha mẹ già đã khuất.
Trái tim nhân hậu của Má đã ngừng đập nhưng những cách hành xử tốt đẹp với “kẻ ăn người ở” của Má thì con cháu sẽ không bao giờ quên.
Muà Vu lan , ngày 14 tháng 7 âm lịch
( ngày 14.8.2008)